Mình đúng là rảnh chuyện mà, việc của đứa bạn mà cứ thấy bức xúc, đau lòng như chính chuyện mình. Nhưng chị em ạ, phụ nữ chúng mình, sinh ra đã khổ, tin ai quá nhiều, thương ai quá nhiều, khổ sở còn cùng cực hơn.
Đàn bà dại mới ngại tiêu tiền chồng? |
Nó là đứa duy nhất mà suốt 3 năm trung học, chưa từng xích mích với một ai. Khổ nỗi nó bị bệnh tim, nên không chịu được những tác động mạnh, cũng không đủ sức chịu áp lực công việc. Thành ra, nó không xin đi làm, mà thay mẹ chồng lo liệu việc nhà, nuôi con dạy cái.
Về nhà chồng, việc to việc nhỏ gì cũng đến tay, thậm chí bà dì chồng nhập viện nó cũng là người cơm cháo hầu hạ. Nhiều lúc cứ bảo nó: “Mày việc gì phải khổ thế, lấy chồng chứ có phải đi làm ô-sin kiếm tiền đâu!”. Nó liền xua tay: “Tao chẳng làm ra tiền, biết điều một chút thì có làm sao. Quan trọng là hai vợ chồng hạnh phúc, thế thôi!”.
Ừ, hóa ra hạnh phúc mà nó nói là đây. 6 năm lấy chồng, muốn mua cái áo mới cũng đắn đo, sợ tốn tiền của chồng, sợ mẹ chồng mắng là đua đòi, không thương chồng, không biết vun vén cho gia đình. Hàng ngày đi chợ, mua mớ rau muống cũng ghi vào sổ, cứ 2 tuần lại báo cáo tổng thu chi với chồng, trăm khoản không sót khoản nào. Tháng nào con gái phải mua thêm sữa ngoài, là nó chắt bóp ăn uống dè xẻn.
Ai đời 6 mùa đông rồi vẫn mặc lại cái áo khoác ấy, lúc nào hỏi cũng cười xuề xòa: “Cần gì đẹp, ấm là được. Mà chồng tao ghen lắm, điệu đà tý lại sợ có anh nào theo đến tận nhà. Cái áo này nhìn thế mà mặc thích lắm. Hoang phí mua mấy cái đôi ba triệu như mày, nhìn xem, được vài bữa là bung bét hết!”.
Thương chồng, tiết kiệm từng chút cho gia đình, ai chẳng trân trọng điều đó. Nhưng cuộc sống như thế còn ý nghĩa gì nữa, ngày nào cũng quần quật lam lũ, thà đi làm ngoài còn hơn, cuối cùng để nhận lại những gì?
Nếu ông chồng thương vợ, biết vợ vất vả mà cảm tạ rồi chiều chuộng vợ thì không nói. Ai đời đây lại đi biệt cả tuần không về. Vợ hỏi thì nổi điên lên, “Đi kiếm tiền chứ đi đâu. Không đi thì chết đói cả lũ!”. Nghe chồng nói thế nó lại càng xót xa. Nhiều đêm chồng về muộn, nó vẫn thức, đèn bật sáng, cơm vẫn để đầy đủ cả rau củ, lục đục 1 2 giờ lọ mọ hâm nóng cho chồng. Thấy chồng hờ hững, lạnh nhạt vô cớ, hễ cứ thấy điện thoại là ra khỏi nhà, nó bèn sinh nghi.
5 ngày ôm con làm “cái đuôi” của chồng, lén lút bắt xe ôm theo sau cùng sự ngờ vực đau đáu trong lòng. 5 lần nhìn chồng vào nhà hàng nó từng mơ ước được ăn trong đấy, một bữa ở đây bằng 2 tuần nó bếp núc ở nhà. 2 lần nhìn chồng vào khách sạn cùng cô gái lạ mặt ấy, ôm con khóc cạn nước mắt, nỗi chua xót như bình dấm lên men, ứa nghẹn trong cổ họng.
Mọi chuyện vỡ lẽ ra, nó nhận thêm về cả ngàn đau đớn khác. 4 tháng cặp kè cô ta, chồng cho đi gần 80 triệu tiền mua sắm, tiền nhà, tiền làm đẹp. Vợ thì chẳng biết đến mỹ phẩm đắt tiền là gì, móng tay, móng chân chẳng sơn màu, bồ thì xúng xính mặc một cái váy bằng nửa tháng tiền ăn của vợ.
Đứa bạn mình không làm ra tiền, mình thấy chua xót một, chứ nhiều chị em nai lưng ra kiếm tiền, năng nhặt chặt bị cả thanh xuân, cuối cùng vẫn bị chồng chà đạp, mình thấy thương thay mười phần. Đàn bà dại mới ngại tiêu tiền chồng, nhưng đừng là đàn bà dại, cũng đừng là kẻ đàn bà ỉ lại với tiền lương của chồng. Tự lập về kinh tế để mà hạnh phúc.
Đàn ông ai chẳng thích vợ tươi, vợ đẹp. Chăm ngoan không bằng trẻ trung, xinh xắn. Chị em chúng mình, hàng ngày hãy kiểm soát chồng bằng sự quan tâm vừa đủ, khéo léo và tỉnh táo.
Mình 32 tuổi rồi, nhưng mỗi ngày đều dành 4 tiếng tập gym, chơi thể thao, chăm sóc da dẻ, tóc tai… Chẳng phải bỏ bê, lười nhác việc nhà hay con cái đâu, nhưng tự mình thấy điều đó là cần thiết chị em ạ, ít nhất là để chồng hãnh diện mỗi khi dắt tay mình đi ăn cùng đám bạn”.
Hoàng Mai Thu