Thứ Bảy

Để dân tin vào nền công vụ

Từ những phản ảnh của báo chí về hiện tượng “bổ nhiệm người nhà” khá phổ biến trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu với Bộ Nội vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình kiểm tra và làm rõ việc này, bởi hiện tượng đó “làm suy giảm niềm tin của người dân với nền công vụ”. Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt yêu cầu này của Thủ tướng tới Bộ Nội vụ, báo cáo kết quả trước ngày 30/10.

Để dân tin vào nền công vụ
Hiện tượng “cả họ làm quan” đã được báo chí phản ảnh khá nhiều với các địa chỉ, con người cụ thể ở các địa phương khác nhau. Lý giải về hiện tượng này, người có trách nhiệm và cũng chính là “người trong cuộc” thường dẫn ra một câu kinh điển “bổ nhiệm đúng quy trình”. Có thể, cái quy trình đó là đúng nhưng trái với lòng dân thì sao?

Trước hết, nó gây ra sự phản cảm xã hội, trái với cái đạo lý “thuận mắt ta, cả nhà cùng thuận” còn sau đó, hệ lụy của nó là đưa thói gia trưởng, tộc họ vào cơ quan, tạo ra một vòng khép kín, vô hiệu hóa phương châm “phê bình và tự phê bình” và tất yếu, làm giảm hiệu quả của bộ máy nhà nước cũng như niềm tin của nhân dân.
Ngoài  việc bổ nhiệm cán bộ mang tính “hậu duệ”, thì việc bổ nhiệm tràn lan, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên cũng là vấn đề dư luận bức xúc.

Điển hình là có một sở thuộc tỉnh, 46 biên chế mà chỉ có 2 người là nhân viên, 44 người còn lại có chức vụ từ Phó phòng trở lên, thậm chí, có người vừa chân ướt, chân ráo vào biên chế được 4 tháng đã nhậm chức Phó phòng, quả là siêu tốc! Quy định về số lượng cấp phó rõ ràng, thế nhưng có sở ở Thanh Hóa có đến 5 phó sở. Không chỉ địa phương mà Trung ương cũng có tình trạng lạm phát cấp phó, chính vì thế mà câu trả lời báo chí của ông Giám đốc sở mới thách thức làm sao: “Ra Hà Nội mà hỏi!”. Nhân nói đến Thanh Hóa, tỉnh này vừa sa thải 647 giáo viên hợp đồng nay lại “xin” tuyển bổ sung 253 người. Tại sao lại thế, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được mà thôi!

Những “chuyến tàu vét” và “hoàng hôn nhiệm kỳ” để lại nhiều hệ lụy, trong đó có việc bổ nhiệm và tuyển người. Tuy nhiên, ít có trường hợp nào được xử lý đến nơi đến chốn và cho rằng “chuyện đã rồi” và bỏ qua. Chính vì thế mà người sau học tập người trước, trở thành một hiện tượng khá phổ biến. Hiện tượng này đã được chỉ ra, nhận diện và phê phán nhưng vẫn chưa kết quả do chỉ bị “bắn chỉ thiên”.

Thủ tướng đã phê duyệt biên chế công chức năm 2017, theo đó, gần 4.000 công chức sẽ phải giảm. Thực hiện được điều này hẳn cần đến sự quyết liệt, nếu không rất có thể xảy ra tình trạng “giảm người tài, giữ người nhà” làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào nền công vụ đang chủ trương minh bạch, liêm chính và vì dân.

Theo http://baophapluat.vn/ban-doc/de-dan-tin-vao-nen-cong-vu-301052.html