Xã hội đang tranh cãi về tình nguyện, có lẽ cũng vì không nhận ra được bản chất của nó: Các bạn sinh viên đi tình nguyện thật ra chẳng phải những vị "cứu tinh" của ai đâu, với kỹ năng non nớt là hệ quả của một nền giáo dục áp đặt và nặng nề sách vở trong gia đình cho đến nhà trường. Có chăng, điều quý giá nhất là các bạn đã học được cách "giúp đỡ" chính mình.
Ngoài cái tên của địa điểm các em sẽ đến, hầu như mọi thông tin xung quanh đều thiếu. (Ảnh: giaoducthoidai) |
Nhiệt huyết thanh xuân là thứ tất cả những bạn trẻ đề có thừa. Họ sẵn sàng tham gia bất cứ hoạt động phong trào hay tình nguyện nào ngay khi có những lời kêu gọi, động. Với sức trẻ của bản thân mình, hầu như họ không nề hà hay sợ hãi trước bất cứ gian khổ hay khó khăn nào. "Dù lên rừng, hay xuống biển", thanh niên tình nguyện có mặt ở khắp mọi nơi.
Cứ mỗi độ hè vè, sinh viên tình nguyện lại nô nức tham gia vào những chiến dịch Mùa hè xanh, đi khắp miền đất nước. Ai cũng hào hứng với những hoạt động như làm đường, dựng nhà, dạy học trẻ em những vùng khó khăn... Trong lòng mỗi con người đó đều nghĩ rằng hoạt động tình nguyện để cống hiến sức trẻ của mình cho xã hội, để vun đắp thêm một trải nghiệm mới trong đời sinh viên mà không suy nghĩ nhiều đến những điều khác.
Và đó chính là vấn đề quan trọng nhất, sinh viên tình nguyện thừa nhiệt huyết nhưng lại thiếu rất nhiều kỹ năng cần thiết khi tham gia các hoạt động xã hội.
Thiếu sức khỏe
Đây là tình trạng chung của rất nhiều người trẻ ở Việt Nam chứ không chỉ riêng thế hệ sinh viên tình nguyện. Các em sinh viên, trong đó có bộ phận sinh viên tình nguyện có cuộc sống gắn liền với đèn sách trong một quãng thời gian dài mười mấy năm. Ngoài thời gian đi học trên lớp là đến thời gian học thêm rồi tự học, thời gian để rèn luyện thể lực hầu như không có và đa số các em cũng không thực sự coi trọng vấn đề này. Do đó việc thể trạng yếu ớt là khó tránh khỏi.
Ngay cả trong trường học, chúng ta có môn giáo dục thể chất để nâng cao sức khỏe cho các em, tuy nhiên đây vẫn được xem là một môn học phụ, thời gian giảng dạy ít, tuy duy của người học cũng không thực sự coi trọng vị trí của bộ môn này. Số lượng học sinh phải thi lại, học lại vì không đạt yêu cầu môn học cũng không phải nhỏ. Một môn học bắt buộc còn không thể đảm bảo hoàn thành, liệu có bao nhiêu em tự giác bỏ thêm thời rèn luyện sức khỏe khi về nhà hay chỉ dành thời gian giải trí với các thiết bị thông minh hiện đại?
Thiếu sự bàn bạc thống nhất, tinh thần làm việc nhóm
Không có kỹ năng, tinh thần làm việc nhóm là một trong những điểm yếu vô cùng lớn của sinh viên Việt Nam. Từng cá nhân có thể rất mạnh, rất giỏi nhưng khi đặt họ lại chung thành một nhóm, để làm việc, trao đổi, thảo luận với nhau thì sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề. Trước mỗi hoạt động, dường như các bạn chưa coi trọng sự bàn bạc thống nhất, tính toán hết tất cả mọi phương án có thể xảy ra mà chỉ đơn thuần bầu ra một người làm nhóm trưởng để chịu trách nhiệm và quyết định các vấn đề. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, vai trò của trưởng nhóm lại bị xem nhẹ, các thành viên có thể làm theo ý thích của mình mà không cần có sự bàn bạc chung trong nhóm.
Thiếu thông tin
Thông tin là vấn đề quan trọng, thiết cần biết trước mỗi chuyến hành trình tình nguyện. Mặc dù vậy, việc nghiên cứu và cung cấp thông tin đầy đủ trước mỗi chuyến đi cho từng thành viên trong đoàn tình nguyện lại đang bị xem nhẹ. Nếu đã từng tham gia bất cứ một hoạt động tình nguyện sinh viên nào bạn sẽ hiểu rõ hơn vấn đề này.
Sinh viên trước khi lên đường chỉ biết rõ nhất về địa điểm mình sắp tới là gì, sinh hoạt người dân thiếu thốn ra sao còn những vấn đề khác như địa hình, mùa vụ, thời tiết khu vực đều nắm bắt rất qua loa, sơ sài. Kiến thức cần thiết như băng rừng, vượt suối trong mùa lũ phải dùng đến dây thừng, phải có sự sắp xếp nhóm hỗ trợ cũng là điều không phải sinh viên tình nguyện nào cũng nắm rõ.
Các em mang theo sức trẻ, vật dụng quyên góp dành tặng những học sinh vùng cao nhưng thông tin về vùng đất các em sẽ đặt chân đến lại không đầy đủ, hầu như không có gì ngoài một cái tên.
Thiếu phương tiện cảnh báo
Đồng hành với việc thiếu thông tin đó chính là việc thiếu các phương tiện cảnh báo. Đối với các nhóm sinh viên tình nguyện, tính chất hoạt động nhóm không hoàn toàn giống với các nhóm thiện nguyện thông thường. Các em đi theo nhóm với quy mô lớn thường là do đoàn trường, câu lạc bộ sinh viên tổ chức. Số lượng người di đông đảo nhưng vấn đề trang thiết bị, vật tư để đảm bảo an toàn cho từng cá nhân thành viên đoàn lại là thứ còn thiếu thốn.
Những người tổ chức cũng như lãnh đạo địa phương cũng thường bỏ qua vấn đề này. Mỗi khi có một đoàn tình nguyện lên đường, có bao giờ các bạn được nhắc nhở những nguy cơ, bất trắc có thể xảy ra đối với mình?
Yếu kĩ năng sinh tồn
Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà mỗi sinh viên tình nguyện thiếu đi đó là các kỹ năng sinh tồn thiết yếu. Đa số các em sinh viên bắt đầu công việc tình nguyện hoàn toàn bằng nhiệt huyết, chỉ cần một lời kêu gọi là đủ để các em sẵn sàng xách ba lô lên và đi mà không cần suy nghĩ nhiều về việc mình xẽ xử lý những tình huống phát sinh như thế nào trong suốt chuyến hành trình dài.
Không thể phủ nhận, các em học được rất nhiều điều sau vài lần tham gia tình nguyện còn trước đó gần như là không có bất cứ trang bị cần thiết nào. Để tồn tại ở một địa bàn hoàn toàn khác với nơi mà các em đã sinh sống và lớn lên cần rất nhiều kỹ năng tổng hợp.
Trong một đoàn tình nguyện lớn, sẽ có bao nhiêu em biết bơi để có thể tự cứu bản thân khi gặp tai nạn dưới nước. Hay bao nhiêu em tự tin, bình tĩnh giải quyết tình huống nếu như đoàn bị lạc trong một địa bàn hoàn toàn xa lạ, khó khăn về phương tiện liên lạc. Nếu có người bị ốm trên đường đi cần giải quyết như thế nào. Điều này đa số các em hoàn toàn không biết.
Điều này đặt ra trách nhiệm cho chính những người làm giáo dục, những người tổ chức ra các hoạt động tình nguyện nên có nghĩa vụ truyền dạy, đào tạo những kỷ năng cần thiết, giảm thiểu rủi ro cho sinh viên trước khi tham gia bất cứ một hoạt động nào dù ở thành phố hay nông thôn, miền xuôi hay miền ngược.
Tạm kết
Thiết nghĩ, thay vì Đoàn "chỉ" ở đâu, các em đến đó mà không cần phải suy nghĩ nhiều như hiện nay, tự bản thân các em sinh viên trước khi quyết định tham gia các chiến dịch tình nguyện cần nên trang bị nhiều kỹ năng, kiến thức hơn nữa. Có thể các em sẽ phải là người tự tìm hiểu, tự lên kế hoạch hoạt động để nắm rõ tình hình điểm đến, sau đó Đoàn thanh niên thông qua.
Trước khi tổ chức bất cứ một chuyến hành trình tình nguyện nào, những người tổ chức đều phải làm việc và được sự đồng ý và có sự tham gia của địa phương nơi đến làm việc thiện nguyện. Trong các chuyến đi, luôn có một người của đia phương đi cùng, để hướng dẫn các em.
Sinh nguyên tình nguyện - các em đều còn rất trẻ. Chuẩn bị hành tranh kĩ lưỡng hơn cho mình là để các em tiếp tục cống hiến thanh xuân, để những nguy hiểm không đi theo em trên con đường thiện nguyện. Và trên hết, để những câu chuyện đau lòng không trở thành những ám ảnh mới...