Anh ta còn trình được thẻ sinh viên, còn bằng Luật thì đang nằm ở hiệu cầm đồ. Hiện đang còn điều tra xem anh chàng có đúng thật là “ông cử” hay không. Nhưng nếu là thật thì cũng không làm ai ngạc nhiên, vì trong số 220 ngàn cử nhân thất nghiệp hôm nay khó mà không thể có một vài người liều mình đi ăn trộm.
Một ông cử nhân luật đi ăn trộm, mà lại là trộm chó!
Có thể người khác coi đây là tin “cướp - giết - hiếp” hằng ngày trên báo. Nhưng riêng tôi, đó là một trong những tin buồn nhất trong ngày, trong tuần, có thể nhiều tuần, không kém gì tin 200 tấn cá hồ Tây chết hàng loạt. Và, tôi mất ngủ vì đau lòng, mất ngủ vì nghĩ ngợi.
Đau lòng thì dễ hiểu. Một người đàn ông, có học, có trong tay tấm bằng nhiều người mơ ước từ hơn 10 năm nay, đã học được một nghề đất nước đang rất cần mà vẫn không có chỗ dùng, không tìm được một công việc có miếng ăn, để giúp vợ con, phải đi ăn trộm chó tìm chén cơm hằng ngày, cái chén cơm theo lẽ thường ai cũng có thể có nếu không có nạn đói.
Đau cho ông cử nhân thất nghiệp, đau cho mấy con chó con mèo dễ thương bị đánh bả và những người đã và sẽ ăn thứ thịt nhiễm độc của chúng. Và đau cho chúng ta, vẫn tưởng là vô can, những người thường phải tập thể dục hay đến bệnh viện hút mỡ vì ăn quá nhiều. Đau cho những lời có cánh khi chúng ta về nhất thế giới về thành tích uống bia hay gì đó. Tôi nghĩ rằng không ai vô can trong chuyện này và tôi đau cho cả những người lương thiện nhất vẫn luôn tưởng mình vô can.
Tôi nghĩ ngợi về một nền đại học vốn là hệ quả của cái tháp giáo dục lạc hậu (có người nói là lạc đường) bị kêu ca, bị cảnh báo quá lâu mà chưa được cải thiện. Rất nhiều cử nhân, kể cả cử nhân luật và kỹ sư, bác sĩ đã cầm trong tay tấm bằng, nhưng khi đi phỏng vấn đều bị "loại ngay từ vòng gửi xe" và nếu được nhận thì chắc chắn phải đào tạo lại một thời gian mới làm được cái việc anh ta đã dùi mài kinh sử, tốn cơm cha mẹ nhiều năm. Nghĩa là anh ta vẫn chưa học thông được một nghề, một việc chuyên môn để có thể kiếm cơm hằng ngày chứ nói gì cống hiến.
Nhiều trường đại học trên đất nước vì lợi ích của chính trường mình, cắm đầu cắm cổ “chạy” bằng được chiêu sinh, đào tạo nhiều, rất nhiều “thầy” (kỹ sư, bác sĩ, luật sư v.v...) nhưng quên rằng “thợ” còn cần nhiều gấp bội "thầy" và sinh viên ra trường thường là nửa "thầy" nửa "thợ", kiến thức lõm bõm, ngoại ngữ bồi, kỹ năng sống chỉ là điệu múa “dô dô” trong các bữa tiệc sinh nhật, ăn mặc đúng mốt, rất “xì tai” nhưng lại không biết luộc một nồi sắn thế nào cho khỏi sượng. Kết quả là hàng chục vạn “trí thức” khê đọng vì không thể nào tìm được một chỗ làm đúng nghề đã học, ngay cả trái nghề cũng khó!
Tôi nghĩ tới “tháp lao động” của quốc gia, thường được coi là “dân số trẻ”, “dân số vàng”, đúng là như thế. Nhưng có rất nhiều thế hệ trí thức, công nhân trẻ đã lỡ nhịp hoặc lỡ cả chuyến tàu.
Bạn Kiến Hòa trong bình luận lúc 23h14 ngày 5.10.2016 trên báo Tuổi Trẻ cho biết: “Tôi ở Đan Mạch và có quen biết với 3 người Việt Nam có bằng cấp đại học do nước sở tại cấp. Hai trong số họ có bằng kỹ sư nhưng làm công nhân lò thịt, một công việc rất vất vả, người còn lại có bằng tiến sĩ triết nhưng lái xe buýt. Được cái là cả 3 đều yêu đời, không rượu chè hay trộm chó mèo gì cả!”. Sang Đông Âu, như Ba Lan, hay Hungary, chúng ta gặp trong các chợ Việt hầu như toàn bộ lứa du học sinh nay đã gần sáu mươi, sang đây du học lĩnh bằng đỏ từ thời chiến tranh và ở lại chỉ để… buôn bán.
Chúng ta có quá nhiều tiến sĩ, kỹ sư nhưng không có chỗ dùng ngay trên quê hương. Trên bình diện vĩ mô, trách nhiệm này thuộc về những cơ quan có trách nhiệm và họ không thể chối cãi và đương nhiên không thể “vô can” ngồi phán xét anh chàng luật sư ăn trộm chó! Tòa án có thể xử tội anh chàng luật sư trộm chó nhưng ai sẽ là người thương xót cho tấm bằng trong tay anh ta?
Điểm nhạy cảm cuối cùng hành hạ tôi (và có thể một số không ít bạn) là câu hỏi, “sao lại ăn trộm chó?”. Một người có học mà đi đánh bả chó thì không chỉ bộc lộ “bước đường cùng” mà còn phô ra cái ung nhọt của đạo làm người. Một người vô học đói, có thể. Nhưng một cử nhân luật mà trộm chó thì có thể làm nhiều người phải mất ngủ. Một câu hỏi chưa có câu trả lời. Chỉ còn một câu thơ của Lý Bạch để an ủi: “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng” (Trời sinh ra ta có tài ắt sẽ có chỗ dùng).
Nguyễn Quang Thân/ Dân Việt