Không phải trẻ nào cũng tự giác trong việc học hành, mà thông thường trẻ tìm mọi cách để trốn tránh. Vậy làm thế nào để giúp trẻ ham học mà không dùng đòn roi.
Không ít trẻ luôn tìm cách để trốn tránh việc học
Nhiều cha mẹ có thói quen ăn tối xong là ép con ngồi vào bàn học bằng được, mặc cho con tỏ thái độ không thích nhưng vẫn phải miễn cưỡng nghe lời, hoặc thậm chí chống đối.
Đây cũng là việc không hiếm gặp trong mỗi gia đình, nhất là những gia đình có con đang học bậc tiểu học, còn mải chơi, chưa nhận thức được trách nhiệm học hành của mình và chưa có ý thức tự giác trong việc học tập.
Ngồi được bàn học rồi, bé N. vẫn không tập trung và tỏ thái độ không hợp tác, mặc dù trong nhà không ai dám xem tivi hay làm việc gì gây sự chú ý của bé. Tuy nhiên, nếu không có người lớn kèm cặp, con lại mang giấy bút ra tô vẽ hoặc gấp hình chứ quyết không chịu tự giác hoàn thành bài tập cô giáo giao.
Mẹo giúp trẻ ham học mà không dùng đòn roi
Cha mẹ nào cũng muốn con mình đi học là phải học giỏi, học đứng tốp đầu của lớp. Tuy nhiên, sự kỳ vọng của bố mẹ cũng là một nguyên nhân khiến con áp lực rất lớn.
Đối với tuổi học sinh, ngoài những giờ học trên lớp, thì việc hoàn thành bài tập về nhà và tiếp cận thêm những bài học nâng cao là việc tất yếu. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng vui vẻ với những công việc này. Vậy làm thế nào để giúp trẻ ham học mà không dùng bạo lực hay đòn roi. Cùng xem những cha mẹ dưới đây xử lý thế nào nhé!
Khen ngợi thành quả học tập của con
Nhiều cha mẹ vì mải mê công việc mà không mấy khi để ý đến việc học hành và thái độ học tập của con, dẫn đến việc con cảm thấy việc học hành không phải trách nhiệm của mình và tìm cách để trốn tránh.
Để con ham học hơn, cha mẹ cần thường xuyên hỏi han việc học tập của con ở trường. Và đừng quên khen ngợi thành quả học tập của con mỗi khi con đạt điểm tốt sau mỗi buổi học và động viên con cố gắng hơn nữa.
(Phạm Ngọc Chiến – Hà Nội)
Xen kẽ giữa việc học và chơi
Để việc học tập của con hiệu quả, cha mẹ cần cho con thời gian nghỉ ngơi, xen kẽ giữa giờ học và chơi của con để con có được tinh thần thoải mái.
Tuy nhiên, trước hết cha mẹ cần thỏa thuận con chỉ được phép chơi bao nhiều thời gian và sau đó thì hãy ngồi vào bàn học để làm bài tập về nhà.
Chắc chắn sau khoảng thời gian được nghỉ ngơi, con sẽ vui vẻ tự giác hoàn thành nhiệm vụ của mình thôi.
(Đinh Ngọc Lâm - TP.HCM)
Thiết lập thời gian hoàn thành bài tập về nhà
Không thúc giục con quá mỗi khi con chưa hoàn thành xong bài tập về nhà hay những bài bố mẹ giao cho nhưng cũng cần giải thích cho con hiểu được khoảng thời gian có thể sử dụng để hoàn thành bài tập.
Chuẩn bị cho con một chiếc đồng hồ trên bàn học của con và khuyến khích trong khoảng thời gian nào đó (linh động trong từng trường hợp bài nhiều hay ít), con hãy hoàn thành bài tập về nhà. Cha mẹ tuyệt đối trách mắng làm con sợ quá mà mất tập trung.
(Phạm Thị Thanh Duyên - Hà Nội)
Kích thích tính tích cực của con
Bố mẹ quan sát xem con thích những môn học nào nhất để kích thích tính tích cực của con. Bố mẹ cũng cần cho con vận động, luyện tập thể thao để tăng cường sự phát triển cơ bắp, hệ thần kinh và các giác quan. Ngoài ra cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con. Những việc ưa thích, trẻ sẽ hành động rất nhanh, còn với những việc không thích, bé sẽ đủng đỉnh, không tập trung.
(Nguyễn Ngọc Anh – Vĩnh Phúc)
Chăm sóc tinh thần cho con
Trong các mùa thi, bố mẹ cần quan tâm tới con nhiều hơn. Bố mẹ hãyngồi cùng con học vào các buổi tối, vừa để giám sát con, vừa để con yên tâm rằng sẽ được bố mẹ giúp đỡ nếu có điều cần hỏi.
Chăm sóc tinh thần cho con cũng quan trọng không kém việc chăm sóc dinh dưỡng. Nếu được thư giãn, giải trí, sắp xếp việc học phù hợp, con sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Khi được tạo một tâm lý thoải mái, con sẽ tự tin ham học mà không cần phải dùng đến đòn roi.
(Nguyễn Thị Thùy Linh – Ninh Bình)
Cho con tiếp xúc với văn hóa lành mạnh
Hướng cho con tiếp xúc với văn hóa lành mạnh sẽ mang lại nhiều ích lợi về tinh thần cho con. Đặc biệt nên cho con xem phim phù hợp với từng lứa tuổi với thời gian nhất định được bố mẹ đặt ra trong ngày. Được định hướng con sẽ trở nên năng động, thông minh, biết ứng biến linh hoạt với mọi thử thách, ngược lại con la cà với game sẽ dễ dẫn đến việc bỏ bê, xao nhãng học hành, thậm chí hình thành nhiều tư tưởng xấu.
(Phạm Lê Khánh – Yên Bái)
Lâm Anh/ Theo Khỏe Đẹp