Các em yêu quý, lớp đã hỏi cô: Sinh viên thật sự là người như thế nào?
Cô đã xin lớp cho phép cô suy nghĩ để có thể trả lời câu hỏi này. Như các em biết đấy, cô vừa kết thúc đời sinh viên chưa bao lâu và câu hỏi này cũng đã tồn tại trong ý nghĩ của cô rất lâu mà chưa có câu trả lời thích đáng. Trước khi cô vào ĐH cô nghĩ để hình dung tương lai mình cần trở thành người như thế nào. Trong khi cô là sinh viên cô vẫn luôn tự hỏi liệu cách mình nghĩ và hành động để trở thành một sinh viên đã đúng và đầy đủ chưa. Khi cô đã trở thành một nhà giáo cô vẫn nghĩ về câu hỏi đó, một kiểu tổng kết, đánh giá chặng đường đã qua của mình, được gì, mất gì và còn vì câu trả lời cô tìm được cũng chính là những gì cô có để truyền trao cho các em ngày hôm nay.
Những sinh viên thật sự, họ là ai? |
Immanuel Kant (1724-1804) đã nói: “Con người chỉ có thể trở thành người là nhờ giáo dục. Con người là những gì được giáo dục tạo nên”.
Các em thấy đấy, từ bé chúng ta đều được gửi đến trường, học hết lớp này đến lớp khác nhưng số ít trong chúng ta được rao giảng nghiêm chỉnh hẳn hòi về việc vì sao chúng ta cần giáo dục hay câu hỏi đơn giản là: Mục đích của việc học là gì? Cô dẫn lời của cụ Kant là vì thế.
Chúng ta học để trở thành người
Vì giáo dục chính là con đường duy nhất để người có thể trở thành người. Đó hẳn là một câu trả lời rất khác những câu trả lời kiểu như: học vì ai cũng học, học để kiếm việc làm để nuôi sống bản thân, học để hiểu biết, học để cống hiến,… và nhiều câu trả lời khác. Các câu trả lời này đều đúng cả, chúng đúng trong tầm suy nghĩ và định hướng giá trị mà người trả lời được hấp thụ. Chúng ta học để trở thành người cũng là một câu trả lời trong số những câu trả lời, nhưng chúng ta sẽ đứng trên quan điểm này để xuất phát và làm tiền đề cho những suy nghĩ tiếp theo của chúng ta. Câu trả lời này cũng rất giống với quan điểm của Unessco về việc học: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để làm người.
Với mục đích học tập trên thì nội dung học tập của chúng ta là đây: “Việc học tập đích thực của chúng ta là học tập về thân phận con người” – Jean-Jacques Rousseau. Để đảm bảo nội dung học tập này thì trường lớp của chúng ta không chỉ gói gọn với thứ mà chúng ta gọi là “nhà trường”, trường lớp của chúng ta chính là cuộc sống này, với tất cả những sắc màu của nó. Cảm thấy cô nói quá chung chung đúng không? Bởi vì cô cũng chưa bao giờ muốn các em quá hình tượng hoá nhà trường hay thần tượng hoá các thầy cô giáo. Các thầy cô giáo không bao giờ có thể dạy tất cả những gì cần thiết cho các em để bước vào cuộc sống một cách vững vàng. Cô không thoái thác trách nhiệm nhà giáo của mình, cô chỉ muốn các em nhìn nhận đúng đắn về vai trò của mỗi chúng ta thôi. Các em hãy dùng tất cả các giác quan của mình để cảm nhận cuộc sống này và học hỏi từ nó. Như dòng sông luôn chảy mãi, các em hãy biết mình đang đứng ở phân đoạn nào của lịch sử thì mới có thể biết mình là ai và cần làm gì.
Các em biết đấy, trong lịch sử nhân loại từ xưa đến nay có rất nhiều nhân vật nổi tiếng, có đóng góp to lớn vào sự tiến bộ của nhân loại không hề được đến trường hoặc đến trường trong một thời gian rất ngắn. Nhưng bằng sự nỗ lực phi thường của mình, bằng sự lao động tự học chăm chỉ, họ vẫn chiếm lĩnh được tri thức nhân loại và sáng tạo ra những giá trị mới mang tên mình. Xưa thì có Thomas Edison, nay thì có Bill Gates chẳng hạn. Việc học tập ở nhà trường đâu có nhiều vai trò ở đây đúng không?
– À há, nói như cô thì có cần đến trường học không nhỉ?
– Rất cần chứ!
Vì chính các nhân vật nổi tiếng đó đều cũng không dám phủ định vai trò giáo dục của nhà trường đến việc thành người của nhân loại đấy thôi. Cô cho rằng số các nhân vật thông minh để tự học trong mọi môi trường, hoàn cảnh như họ không phải thuộc số đông, ít ra cũng không phải là cô. Nếu em thuộc về số ít đó thì em cũng không hỏi cô: Một sinh viên thật sự là người như thế nào? Và làm thế nào để trở thành một sinh viên thật sự? vì nó có cần thiết nữa. Cô thuộc về số đông hơn, những người nhìn nhận những bài học rải rác của cuộc sống rơi vào 4 địa chỉ: sách, gia đình, nhà trường, xã hội. Cô từ từ học ở cả 4 ngôi trường này. Cô đã chọn trở thành người có thể dạy người khác trong nhà trường. Các em hãy nhớ nhé, cô chỉ có thể có nhiều điều để nói với các em trong khuôn khổ lớp học be bé của chúng ta thôi. Cô là một trong rất nhiều thầy cô giáo mà các em học trong cuộc đời đi học của mình. Cô và đồng nghiệp của cô tạo thành những điều mà các em học ở nhà trường. Ngoài điều này ra, các em còn phải học ở sách, gia đình và xã hội nữa.
Vậy chúng ta sẽ xem xét xem chúng ta có thể học gì từ nhà trường? Nhà trường vốn là một gia đình phóng to và là một xã hội thu nhỏ. Cô hay nghĩ nó là màn thực nghiệm cho chúng ta trước khi bị tống vào vòng xoay quay cuồng của cuộc sống. Chúng ta học rất nhiều thứ, nào Toán, Lý, Hoá; nào là Văn, Sử, Địa; nào là Âm nhạc, Mỹ thuật,… thật là nhiều thứ, mà thứ nào cũng hay cả. Cô liên tưởng đến bức hình biếm họa trên báo Tuổi trẻ cách đây chưa lâu: Ông được 10 điểm Sử còn cháu chỉ có 8 điểm. Vì bài của cháu dài hơn ông vài mét, từ đời ông đến đời cháu, lịch sử đã dày thêm bao nhiêu là trang.
4 chữ “giáo dục phổ thông” hàm chứa biết bao nhiêu điều. Phổ thông nghĩa gần với tất cả, chung chung. Cô tìm ra một câu: Có 3 môn mà chúng ta cần phải học. Toán học để tư duy. Lịch sử để biết nguồn cội và Quản lý nhà nước để biết cách làm một người công dân chung sống trong cộng đồng của mình. Ngoài 3 môn này ra thì cô nghĩ ôm quyển Bách khoa tri thức dành cho học sinh giá 290.000 đồng vào năm 2012 là đủ lượng kiến thức gọi là “phổ thông” rồi. Bởi vì đầu óc ta giống như một chiếc nam châm, nó chỉ thu hút và lưu giữ lại những gì mà nó quan tâm. Những thứ khác nếu có nhồi nhét vào thì cái đầu bất trị cũng loại thải nó ra ngoài. Những tinh hoa khác của nhân loại được đưa vào giảng dạy trong nhà trường nên được xem là tự chọn và để các em có thể học tập (hay nói đúng hơn là tìm hiểu) theo ý thích và sự cần thiết.
Đừng gán cho cô cái tội bài trừ các môn học nhé. Như Ngoại ngữ cho ta cách trao đổi giữa các dân tộc trên Trái Đất hay Địa lý cho ta cách học hiểu về Mẹ Tự nhiên, làm sao có thể phân định thứ bậc? Khi còn là học sinh cô đã học đều các môn, thậm chí là cố học các môn mà cô không thích và cô nhận ra rằng: Việc học tất cả các môn có điểm hay của nó, nó khiến cô biết nhiều lĩnh vực. Nhưng cô lại rất khó khăn để tìm ra điểm đặc biệt cho khuynh hướng của mình. May mắn là cô có một năng khiếu và đã thể hiện nó, chính vì thế mà cô tìm ra được con đường học tập và nghề nghiệp của mình. Nhưng cũng không nhiều người may mắn như thế và mất nhiều năm hơn để nhận ra mình thật sự yêu thích và có năng lực ở khuynh hướng nào. Lãng phí thời gian chính là sự lãng phí xa xỉ nhất. Đó là một điều rất đáng tiếc và cô nhận thấy điều này hoàn toàn có thể khắc phục dễ dàng nếu như chúng ta có thể tự do bộc lộ và theo đuổi niềm yêu thích từ nhỏ.
Một điều nữa khiến cho việc học tập ở thời phổ thông trở nên cực nhọc hơn chính là cách chúng ta nhìn nhận về các môn học. Nếu hồi bé ta được chỉ bảo dẫn Địa lý là môn học khiến ta nhận ra sự khác biệt văn hóa ảnh hưởng trực tiếp từ vị trí địa lý và đặc điểm khí hậu; là môn học khiến ta say mê với những chuyến đi khám phá thì chắc việc học Địa lý thú vị hơn nhiều. Cô còn tìm thấy một điểm chung của các môn học, chúng đều là lịch sử, đều kể cho chúng ta nghe câu chuyện về sự hình thành và phát triển của thế giới tự nhiên và xã hội con người. Ví dụ như sinh học cho ta câu chuyện về giới thực vật và động vật, cho ta câu trả lời về tổ tiên loài người. Hay như môn kỹ thuật nông nghiệp cho chúng ta biết tổ tiên mình đã trồng trọt từ những cây rừng và chăn nuôi từ thú hoang như thế nào. Có rất nhiều câu chuyện từ ngày xa xưa mà từng thế hệ tìm cách kể lại cho con cháu mình bằng các ngành khoa học. Napoleon Bonapac cười mà rằng: Lịch sử có là gì nếu không phải là một thứ ngụ ngôn được thoả thuận? Vị Hoàng đế đó đã cho rằng lịch sử do bản chất của mình là một bản tường trình thiên lệch về một phía, nhưng thứ lịch sử mà ông ta ám chỉ đó chỉ hạn hẹp trong khuôn khổ những trang giấy của môn học lịch sử, đó không phải là lịch sử của tự nhiên và loài người được kể lại trong các ngành khoa học khác. Khi học tập nghiêm túc, các em có thể nhìn thấy sự thật từ lịch sử, học tập chính là thứ “ngôn ngữ tự cho phép” – khi có đủ trình độ thì chúng ta có thể tự hiểu biết về những bí mật được ẩn giấu giữa những điều luôn hiện hữu. (Mật mã Da Vinci (The Da Vinci code) – Dan Brown).
Việc học thực sự là hấp dẫn nếu các em nghĩ rằng đó là cách các em tìm hiểu về vạn vật xung quanh mình và về chính mình. Mỗi chúng ta đều là một phần của lịch sử, lịch sử gắn lên ngực ta một chiếc huy hiệu để chỉ ra ta thuộc về thế hệ nào. Hồi bé, cô hay quẩn quanh trong những câu hỏi về bản thân, về gia đình họ tộc, về quê hương đất nước và về thế giới này, cô tìm ra được tất cả câu trả lời đều từ việc học. Cô cũng tin rằng các em cũng tìm thấy ánh sáng tri thức từ việc học tập. Có một câu cô quên mất là của ai, nhưng rất hay: “Học trò nhất định là vượt qua thầy giáo, chỉ là các em có muốn hay không?”.
Cô gặp các em khi các em đều đã đủ tuổi thành niên và gần như đều cao hơn cô. Theo quy định của nhà nước ta, các em đều phải đã trải qua ít nhất 12 năm học phổ thông trước khi gặp cô. Sau hơn 18 năm, các em đã học hỏi được rất nhiều điều từ cuộc sống. Cô có tìm được một cách phân loại sự hấp thụ của con người theo độ tuổi như sau:
0-6 tuổi: thể chất
6-12 tuổi: tình cảm
12-18 tuổi: ý chí
18-24 tuổi: trí tuệ
Khi gặp cô, các em đã mang trong mình những sự khác biệt. Điểm chung lớn nhất là các em đã chọn Đại học làm con đường vào đời và đã vượt qua kỳ thi rất áp lực để vào giảng đường. Có nhiều người nói: Đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời. Đúng như vậy. Nhưng cũng có người nói: Đại học là con đường tốt nhất để vào đời. Chính vì vậy mà cô và các em đều đã rất cố gắng để có thể vào được Đại học.
Vậy Đại học sẽ cung cấp cho các em những tri thức gì mà nó được đánh giá là con đường tốt nhất? Theo bảng phân loại trên, thời Đại học chính là thời để chúng ta học tập, bồi dưỡng về trí tuệ của mình. Hơn nữa, cô cũng muốn nói rằng những bài học trong thời Đại học có phần đặc biệt. Chúng giống như được phơi bày ra một cách công khai, nhưng chúng chỉ thuộc về những ai muốn học mà thôi. Mặt khác, những bài học cần học trong thời Đại học cho mỗi người là không giống nhau, nó còn tuỳ thuộc vào điểm xuất phát của người học và mục tiêu học tập mà người đó đề ra nữa.
Giữa thời cải cách giáo dục này, cô cũng hoang mang về những gì mình đã học liệu có lỗi thời rồi không? Đâm ra cả lo lắng cho các em nữa? Liệu những gì cô truyền đạt cho các em thêm vài năm nữa ra trường có đã quá cũ kỹ? Cô đã loay hoay rất nhiều trước những bài giảng hay bất kỳ câu nói nào với các em, cô sợ hạt giống tinh thần của mình chưa tốt, sợ cả việc gieo nhầm nữa. Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi vì người dạy dùng chính con người mình (về tâm hồn, đạo đức và trí tuệ) làm phương tiện chuyển tải.
Rồi cô nhìn thấy ánh sáng khi biết rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của người thầy giáo chính là việc dạy cho học trò mình có thể tự học. Quá trình giáo dục suốt mười mấy năm ròng qua các nhà trường đều có một điểm chung chính là hình thành, dẫn dắt và trao cho các em quyền năng tự tư duy đó. Thời Đại học chính là thời điểm chuyển giao năng lực tự tư duy đó cho các em. Nói chính xác hơn, học Đại học là học cách tự học.
Điều đầu tiên chúng ta cần xem xét chính là việc các em nghĩ một sinh viên thật sự là như thế nào? Sau đó chúng ta có thể tìm hiểu, đánh giá và chọn lựa cách thức nào để các em có thể trở thành một sinh viên thật sự theo cách mà các em muốn. Luis Pateur từng nói: Khoa học không có quê hương nhưng nhà khoa học có Tổ quốc. Một điều chúng ta cần chú tâm nữa trong quá trình cân nhắc này chính là chúng ta (cô và các em) đều đang dạy và học trong bối cảnh của giáo dục Đại học Việt Nam hiện nay.
Như các em cũng đã biết, đất nước ta đã trải qua những cuộc chiến tranh rất dài để giữ nước từ ngày dựng nước đến nay. Những vết hằn mà chiến tranh để lại trên lĩnh vực giáo dục là không hề nhỏ. Mặc dù là quốc gia có trường Đại học đầu tiên vào năm 1076 bằng việc xây dựng Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhưng giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục Đại học Việt Nam nói riêng không có nhiều thời gian để hoàn thiện và phát triển vì sự đứt đoạn của các vương triều và chiến tranh liên miên. Trong bối cảnh đó, việc học của các em và việc dạy của cô đều có những khó khăn, hạn chế và trở ngại đáng kể. Những điều chúng ta có là tinh thần hiếu học, sự cần lao nghiêm túc và ước mơ ngày nào đó “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” về địa hạt học thuật. Chúng ta hạn hẹp về điều kiện vật chất và thiếu thốn rất nhiều thứ, kể cả nề nếp nghiên cứu nhưng cái khó lớn nhất để chúng ta không thể xoay sở khắc phục khoảng cách vênh giữa các nền học thuật chính là về tài liệu. Internet cho chúng ta nhiều thông tin nhưng những thông tin chính thống, có giá trị, được kiểm định và được trình bày hệ thống không nhiều. Đó là hạn chế rất khó vượt qua nếu muốn học tập bài bản, nghiêm túc, có hiệu quả. Hạn chế chung của đất nước phản ánh trong từng buổi lên lớp của chúng ta, không còn cách nào khác, thầy trò ta phải nỗ lực để vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ dạy và học. Chê bai thì rất dễ dàng, bỏ cuộc cũng là cách làm hèn nhát nhất, làm và làm được trong cái khó mới là bản lĩnh. Chúng ta cũng không thể đòi hỏi nhiều hơn từ lịch sử. Cha ông ta đã hy sinh xương máu để chúng ta có nền hoà bình và độc lập, có lẽ nào phận con cháu chúng ta lại trách móc cha ông? Đó không phải là một thái độ đúng đắn, cô nghĩ thế! Và cô tin rằng các em cũng hoàn toàn đồng ý với cô.
Các em biết đấy, mỗi cá nhân đều có trách nhiệm với bản thân, gia đình, họ tộc được hoà chung vào trọng trách của mỗi thế hệ đối với quốc gia, dân tộc. Thế hệ đổ máu xương để Việt Nam thành một cái tên trên bản đồ thế giới đã hoàn thành. Thế hệ trăn trở suy tư tìm đường đi cho quốc gia và dân tộc cũng đã mang vác những hòn tá tảng xây nền rồi. Thế hệ các em là niềm tin dựng xây và nhảy những bước tiến đưa đất nước ta đuổi kịp sự phát triển của thế giới. Trách nhiệm này quả thật là nặng nề. Phải giữ được nước, phải bảo tồn và phát huy bản sắc, phải hoà nhập quốc tế, phải làm cho nước nhà phát triển hùng cường. Các em phải học tập với quyết tâm to lớn để hoàn thành sứ mệnh của chính mình. Chỉ khi mang những ý nghĩ này khi bước chân vào giảng đường các em mới có thể nhìn nhận và hành động để trở thành một sinh viên thực sự.
Akihiro Nakatani bảo: Thế giới này chỉ có 2 loại sinh viên: Sinh viên thực hiện khát vọng, ước mơ của mình và sinh viên đại học đơn thuần.Theo cách nhìn nhận này thì sinh viên thực sự là những sinh viên đến giảng đường để thực hiện khát vọng, ước mơ của mình.
Chúng ta đều có những giấc mơ, chúng thường xuất hiện khi chúng ta còn bé nhưng nhiều giấc mơ đã mất đi khi chúng ta trở thành người lớn. Khi giấc mơ được cân nhắc bới khả năng và sự bằng lòng thì giấc mơ dần phai nhạt đi. Không có giấc mơ nào cao quý hay giấc mơ nào thấp kém. Cũng như không có nghề nào là cao sang, nghề nào là hạ đẳng. Giấc mơ khiến ta hoàn thiện, như nghề nghiệp khiến ta thành người có ích. Hãy mơ, và làm đến cùng cho những gì ta mơ ước. Việc hoàn thành giấc mơ là quan trọng vì đến một lúc nào đó trong đời ta nhìn lại chính mình và thấy ta đã trở thành người như ta mơ ước, đó chính là ý nghĩa lớn nhất đối với cuộc đời ta.Chính vì thế, đầu tiên một sinh viên thật sự là người có mơ ước và giữ được mơ ước.
Khi có và giữ được ước mơ rồi thì ta mới nghĩ đến việc thực hiện ước mơ được. Cô ngưỡng mộ những ai dám thực hiện ước mơ của mình, dù cho giấc mơ đó rất điên khùng và kỳ quặc. Cô cũng tin rằng những con người thấu suốt đều biết ước mơ và đều biết cần làm gì để hiện thực giấc mơ đó. Sự chăm chỉ và kiên trì có giá trị lớn lao vì vậy, như Thomas Edison: Thiên tài chỉ có 1% trí thông minh, 99% còn lại là do sự nỗ lực. Trí thông minh khiến ta thích thú còn sự kiên trì làm cho ta kính nể.
Từ giấc mơ của mình, các em sẽ biết mình cần học ở 4 ngôi trường những gì để tích luỹ những điều cần thiết làm hành trang biến giấc mơ của mình thành thực tế. Những diễn giải dài dòng của cô về trách nhiệm của mỗi cá nhân nhắc các em nhận ra mối liên hệ giữa giấc mơ riêng của mình ở đâu trong giấc mơ chung của quốc gia dân tộc. Một sinh viên thực sự chỉ là một khái niệm nhỏ, một phân đoạn ngắn đặt trong khái niệm lớn: một công dân thực sự, một con người thực sự.
Mái trường Đại học là một cách để em thêm phần chuẩn bị để thực hiện ước mơ của mình. Vậy một sinh viên thực sự sẽ làm gì trong quãng đời ĐH? Các sinh viên thực hiện khát vọng, ước mơ của mình phần đông hiểu được rằng cần phải nắm lấy những cơ hội gặp được trong khi học Đại học.Những cơ hội mà thời ĐH mang đến cho các em là:
1, Cơ hội học tập kiến thức cơ bản cần thiết. Nhập tri thức mới, củng cố và hệ thống tri thức cũ. Xoá nhoà cách biệt về kiến thức giữa các khối A, B, C, D. Học tập kiến thức nền phổ thông và chuyên ngành, kiến thức và kỹ năng. Tìm hiểu khác biệt giữa nông thôn và thành thị, giữa các nền văn hóa Bắc – Trung – Nam, giữa non nớt và trải nghiệm, giữa nam giới và nữ giới, giữa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại.
2, Cơ hội đọc được những quyển sách hay từ thư viện, hệ thống nhà sách, hội sách và từ những người bạn yêu quý sách. Một quyển sách đã qua sự sàng lọc đánh giá của những chuyên gia thực sự là quyển sách hết sức có giá trị.
3, Cơ hội đến thăm các viện nghiên cứu, các trung tâm giáo dục đào tạo và các trường đại học khác. Để học các kỹ năng các em sẽ có cơ hội so sánh ưu và nhược điểm của các loại hình đào tạo, giáo viên, tài liệu và hệ thống cơ sở vật chất hỗ trợ.
4, Cơ hội của những chuyến đi. Hãy đi bất cứ khi nào có cơ hội hoặc chủ động tạo ra cơ hội để đi. Khi đến thăm một vùng đất mới, các em sẽ có cơ hội gặp gỡ những nền văn hoá, những cảnh quan đẹp đẽ, những trải nghiệm nhiều cảm xúc với những người dân địa phương và thành thạo kỹ năng dịch chuyển. Điều đó làm cho vốn sống và nội lực sinh tồn trong em dồi dào hơn.
5, Cơ hội của những hoạt động tình nguyện. Trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão, trại người nhiễm HIV, chăm sóc trẻ thiển năng hay thăm nom mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng. Mùa hè xanh và Tiếp sức mùa thi cũng là một lựa chọn tốt, nó sẽ mở rộng quan hệ bạn bè của các em. Em sẽ học về lòng biết ơn, sự chia sẻ, học những bài học về tình người và làm người.
6, Cơ hội hiểu về chính bản thân mình, trải nghiệm cuộc sống độc thân, tự chịu trách nhiệm. Học cách quản lý thời gian, quản lý tài chính, các kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Học cách nhận ra, kiểm soát và bày tỏ khôn ngoan những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
7, Cơ hội phát triển những sở thích và kỹ năng cá nhân. Ví dụ như giao tiếp, nói chuyện trước công chúng, trang điểm, nấu ăn, võ thuật, đánh đàn, khiêu vũ… Em sẽ tìm ra bản sắc của mình.
8, Cơ hội học cách chung sống cùng người khác từ việc ở tập thể ký túc xá, nhà trọ hoặc nhà người quen, họ hàng. Học cách dung hoà sự khác biệt, chấp nhận, làm việc và tìm ra giải pháp chung.
9, Cơ hội thích nghi với một nền văn hoá khác cuộc sống chốn quê nhà. Hãy đến thăm các bảo tàng, trung tâm lưu trữ văn hoá, nhà hát, rạp chiếu phim, sân khấu kịch và ca nhạc, các quán ăn và cà phê hay, sân vận động, cảng biển, sân bay, hầm,… hay bất cứ điều gì tạo nên sự đặc biệt của nơi em đến học.
10, Cơ hội gặp gỡ những con người tài năng, thú vị và khác biệt. Nhìn nhận sự đa dạng của những loại người khác nhau. Học cách dung hoà giữa lý trí và tình cảm. Tìm thấy những người yêu quý em. Để lại những ký ức về em trong tim người khác. Gặp gỡ và chia ly, thật nhiều những thang bậc thăng trầm của cảm xúc mà em có cơ hội để hiểu.
Những cơ hội mà cô có thể kể là chưa thể nào hết. Các em hãy tận dụng quãng thời gian trên giảng đường này để tìm thấy chính mình. Mình là ai? Mình ở đâu? Mình cần làm gì? Steve Jobs bảo: Hãy sống đam mê. Hãy sống dại khờ. Đó là một phương châm sống cực kỳ thú vị và đặc biệt phù hợp cho những người trẻ như các em. Mái trường ĐH và các thầy cô không tạo nên hết những cơ hội mà các em đã thấy, các em phải tìm kiếm và tự tạo ra các cơ hội cho chính mình. Chỉ tìm đến các thầy cô khi các em cần định hướng hay hỗ trợ. Tận dụng thời gian, tuổi trẻ và lòng nhiệt thành, chắc chắn các em sẽ có một thời thanh xuân đáng nhớ và có ý nghĩa.
Alvin Toeffler đã viết: Những thay đổi chóng mặt của cuộc sống hiện tại đòi hỏi tất cả chúng ta phải trở thành những người học tập suốt đời. Thời Đại học khép lại, các em sẽ bước chân thực sự vào trường đời, nơi đó mới chính là nơi có nhiều bài học thiết thực nhất mà các em cần phải học. Các em hãy nhớ rằng có nhiều ngôi trường mà mình phải đến để học. Và điều duy nhất mà các thầy cô có thể làm đó chính là giúp các em có thể tìm thấy con đường để có thể tự học tập suốt đời.
Cảm ơn các em đã hỏi và cho cô cơ hội để trả lời câu hỏi rất hay này. Cô cũng dùng một số thủ thuật nhỏ từ quyển Nói sao cho trẻ chịu học ở nhà và ở trường (How to talk so kids can learn) của Adele Faber và Elaine Mazlish để viết bài viết này. Bởi vì cô tin vào điều Haim Ginott đã nói: Cha mẹ và thầy cô nói với trẻ như thế nào, trẻ sẽ cảm nhận về bản thân như thế ấy. Lời nói của họ ảnh hưởng đến lòng tự trọng và cách trẻ tự đánh giá bản thân. Hay nói rộng ra, cách nói của cha mẹ và thầy cô giữ vai trò quyết định đối với số phận trẻ.
Cô viết những dòng này và không chỉ để các em đọc. Cô còn quá trẻ và không có nhiều trải nghiệm để chia sẻ cùng các em. Cô mong rằng khi để nhiều người cùng đọc, chúng ta sẽ nghe được nhiều ý kiến hơn. Cô cũng tin rằng tình cảm và sự chờ đợi của cô để nhìn thấy sự trưởng thành của các em sẽ nhiều người cảm nhận được. Những bậc tiền bối đi trước sẽ giúp các em và cả cô nữa đánh giá chính xác hơn về những gì mà cô nhận định. Đó là một sự liều lĩnh chân thành từ cô. Hy vọng điều đó sẽ cho các em lòng dũng cảm để mơ ước và thực hiện ước mơ dũng mãnh của mình (Về con, cha hát – Barack Obama).
Vũ Thị Bích Ngọc/ Theo Học Thế Nào