Nhiều ý kiến cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu có thể dẫn đến tình trạng nhiều người không có năng lực cố giữ ghế, làm mất cơ hội của người trẻ.
Nỗi lo người trẻ thất nghiệp, người già giữ ghế khi tăng tuổi hưu |
Cô giáo Đặng Thu Hiền (51 tuổi), giáo viên Văn cấp 3, vào nghề đã 27 năm. Theo quy định hiện hành thì cô còn 4 năm nữa là về hưu và có 31 năm cống hiến cho ngành giáo dục. Cô Hiền không ủng hộ khi biết tin chuẩn bị tăng tuổi nghỉ hưu từ 3 - 5 năm với nữ bởi nhiều lý do.
Cô cho rằng, dù thể trạng và tuổi thọ người Việt hiện tăng lên nhưng chất lượng sống thấp, môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn bủa vây, nguy cơ bệnh tật và ung thư cao. Nhiều người bước qua độ tuổi 50 sức khỏe đã giảm sút, năng suất làm việc cũng giảm nên cho về hưu đúng tuổi.
Chưa kể, nhiều người không có năng lực sẽ cố giữ ghế, không chịu nhường cơ hội cho những người trẻ, nhất là trong đơn vị hành chính nhà nước. Với người có năng lực, còn khả năng đóng góp thì có thể làm tiếp nhưng không giữ chức vụ mà nhường vị trí cho người trẻ năng động hơn. "Cống hiến một thời gian dài rồi thì nên về nghỉ ngơi, chăm sóc con cháu, để cho lớp trẻ có cơ hội vào biên chế hoặc ký hợp đồng dài hạn", cô nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với nền kinh tế thị trường thì không cần lo ngại "không tận dụng hết được nguồn nhân lực chất lượng cao". Thực tế nhiều người khi nghỉ hưu ở cơ quan nhà nước vẫn chuyển sang làm chuyên gia, cố vấn cho tổ chức, đơn vị tư nhân. Họ vẫn cống hiến tiếp được trí tuệ, tâm sức mà thu nhập còn cao hơn khi ở trong biên chế nhà nước.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nghỉ hưu năm 2010 khi 64 tuổi. Không còn giữ chức viện trưởng, ông vẫn cộng tác với viện và làm trợ lý bộ trưởng thêm vài năm, rồi làm chuyên gia độc lập cho đến nay.
Ông phân tích, nếu giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện hành thì quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ mất cân đối. Còn nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ kéo theo nhiều vấn đề. Đó là người trẻ không có việc làm khi trình độ phát triển kinh tế chưa tốt, tăng trưởng việc làm thấp hơn tăng trưởng lao động. Theo thống kê, hiện có khoảng 200.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp. "Lớp trẻ bị đẩy ra nguy hiểm hơn lớp già ở lại. Người trẻ không có việc thì xã hội dễ hỗn loạn", ông nói.
Theo ông Dũng, cần có khung linh hoạt cho người lao động được tự chọn nếu có nhu cầu nghỉ hưu khi đến tuổi. Thế giới có xu hướng kéo dài tuổi hưu nhưng không áp dụng vào luật mà quy định linh hoạt. Ví dụ ở Nhật Bản, nếu doanh nghiệp có nhu cầu và người lao động có khả năng thì vẫn có thể làm việc tiếp. Ngoài ra, cần có sự phân loại ngành nghề. Những lao động trực tiếp có thể nghỉ hưu ở độ tuổi sớm hơn so với những người làm nghiên cứu, làm công tác khoa học.
Xét trên góc độ cân đối quỹ BHXH và theo xu hướng chung của thế giới, ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Những nhà lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ cơ sở và lên được vị trí cao có rất nhiều kinh nghiệm. Nếu để họ về hưu ở tuổi 60 như hiện nay thì rất lãng phí. Song cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, nhiều người không muốn làm việc tới tuổi nghỉ hưu, họ giữ vị trí là do "bị buộc phải làm". Với những trường hợp này, nhà nước có chính sách tinh giản biên chế, cho thôi việc, nghỉ hưu sớm nếu họ có nhu cầu.
Theo ông Dũng, việc tăng tuổi nghỉ hưu không gây sức ép lên quỹ tiền lương ngân sách nhà nước như nhiều ý kiến lo ngại. Bởi trong một cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, định biên là 500 người, khi nâng tuổi hưu thì người sắp đến tuổi về được thêm 1 bậc lương. Nhưng một người ra khỏi bộ máy thì có một người khác bước vào. Bình quân chung quỹ lương đơn vị vẫn vậy, trừ khi không tuyển mới thì bình quân tiền lương mới tăng dần lên. "Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận thức tế là người già chưa về hưu thì người trẻ chưa vào được biên chế", ông nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật lao động 2012 sẽ trình Quốc hội vào tháng 5/2017, Ủy ban sẽ là cơ quan thẩm tra lần đầu, nhưng đến nay vẫn chưa có dự thảo.
"Dự thảo chính thức chưa có nhưng qua báo chí, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cả người lao động cũng đã lên tiếng. Tăng bao nhiêu, tăng thế nào Bộ Lao động, Chính phủ phải tính toán cẩn thận, có lộ trình cụ thể và lắng nghe ý kiến từ nhiều phía để đưa ra phương án trình Quốc hội sao cho thuyết phục thì mới quyết được", ông nói và phân tích tính toán phải dựa trên cơ sở tận dụng được hết nguồn lực quan trọng của đất nước bởi Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, nguồn nhân lực sẽ thiếu dần đi. Nhưng cũng phải đảm bảo được công bằng của xã hội, tạo việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp có bằng cấp, có năng lực.
Theo ông Lợi, năm 2014 dù Quốc hội không thông qua việc tăng tuổi nghỉ hưu song Điều 187 Luật lao động đã quy định người làm việc nặng nhọc được nghỉ trước tuổi, người có trình độ chuyên môn kỹ thuật được kéo dài thời gian làm việc qua tuổi hưu nhưng không quá 5 năm. Chính phủ cũng có văn bản hướng dẫn tuổi nghỉ hưu của hai nhóm người thuộc Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND hai thành phố Hà Nội và TP HCM không quá 60 với nữ, không quá 65 với nam.
Ông Lợi nêu quan điểm, quỹ BHXH, quỹ hưu trí là "của để dành" của người lao động, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít nên phải được bảo toàn và đảm bảo cho người về hưu đủ sống. "Nếu không thể cân đối quỹ thì nghĩa là chính sách không đạt yêu cầu. Quỹ hưu trí không phải như quỹ Bảo hiểm y tế mang tính chất chia sẻ đóng nhưng không mong hưởng, mà dứt khoát phải đảm bảo nguyên tắc tiền của tôi cần giữ chặt cho tôi", ông nói.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, kết dư quỹ BHXH đang giảm dần, tổng mức chi trả lương hưu hiện nay đang lớn hơn tổng mức đóng. Nếu không nâng tuổi nghỉ hưu thì đến năm 2037, mức thu bao gồm cả kết dư quỹ sẽ bằng mức chi, phải lấy ngân sách bù vào.
Hoàng Phương/ VNE