Thứ Tư

So sánh hai dòng tư tưởng Nam - Bắc Trung Hoa: Nho gia và Đạo gia

Nền văn hóa Trung Hoa bên trong tính thống nhất, mang tính đa dạng lớn, đặc biệt hai miền Nam Bắc tồn tại nhiều đặc trưng đặc sắc riêng. Tư tưởng là một trong những mảng khá quan trọng góp phần giải mã văn hóa tộc Hán trên những vùng miền khác nhau đó. Bài viết này có nội dung tìm hiểu sự khác biệt của hai dòng tư tưởng Nho gia và Đạo gia” qua so sánh bước đầu đúc kết đặc thù của dòng tư tưởng hai miền.

So sánh hai dòng tư tưởng Nam - Bắc Trung Hoa: Nho gia và Đạo gia

1. Dẫn nhập

Thời Tiên Tần, vùng đất Tề Lỗ đã định hình diện mạo văn hóa đặc sắc, được xem là vùng văn hóa – lịch sử Tề Lỗ, là bảo tàng lớn nhất chứa đựng di sản văn hóa Trung Quốc. Nơi đây, trong lịch sử đã từng xuất hiện nhà tư tưởng kiệt xuất – Khổng Tử – đứng đầu trường phái Nho gia. Nho gia trở thành dòng tư tưởng chính thống của Trung Quốc hàng ngàn năm, sức ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới. Tuy nhiên, trường phái tư tưởng này luôn được nhìn nhận là nảy nở ở miền Bắc Trung Quốc, nhuốm phong thổ của vùng văn hóa Tề Lỗ thời Tiên Tần.

Trong khi đó, Đạo gia với tên tuổi hai nhà tư tưởng vĩ đại là Lão Tử và Trang Tử, hình thành trên đất Sở miền Nam. Đây là vùng văn hóa – lịch sử Canh Sở mang đặc trưng riêng của vùng nam Trường Giang.

Ở lĩnh vực tư tưởng, các công trình được tìm thấy phần lớn là nghiên cứu đối sánh giữa tư tưởng Trung Quốc và tư tưởng phương Tây, đặt trong đối sánh hai miền Nam Bắc một cách có hệ thống để tìm ra đặc thù riêng của mỗi miền trong phạm vi quốc gia thì vẫn còn hạn chế, chưa thấy có chuyên khảo riêng. Trong các công trình nghiên cứu, có xuất hiện rải rác những so sánh giữa các nhà tư tưởng, với hình thức là công trình viết về tư tưởng này có đôi chút đề cập so sánh với các tư tưởng khác. Công trình đồ sộ về Nho giáo mang tên Trung Quốc Nho học văn hóa đại quan của Thang Nhất Giới trong quá trình khai thác toàn diện về Nho gia có quan tâm đến đối sánh Nho gia và Đạo gia, Phật học; Trong Đại cương triết học sử Trung Quốc, Phùng Hữu Lan nhiều lần đề cập đến điểm giống và khác nhau giữa Lão và Khổng, giữa Pháp gia và Đạo gia, v.v.; Trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm khi viết về Nho và Đạo đã phân tích hai truyền thống văn hóa phương Nam và phương Bắc tiềm ẩn trong đó; v.v..

Nền văn hóa Trung Hoa bên trong tính thống nhất, mang tính đa dạng lớn, hai miền Nam Bắc tồn tại nhiều đặc trưng đặc sắc riêng. Bài viết này có nội dung tìm hiểu sự khác biệt của hai dòng tư tưởng Nho gia và Đạo gia qua so sánh bước đầu đúc kết đặc thù của dòng tư tưởng hai miền (tạm thời chưa đi vào phân tích nguyên nhân hình thành nên những đặc thù riêng này) nhằm hướng đến mục tiêu xa hơn là góp phần giải mã cấu trúc của văn hóa tộc Hán trên những vùng miền khác nhau.

2. Nét đặc thù của hai dòng tư tưởng Nam Bắc: Nho và Đạo

2.1. Bàn về vũ trụ và bàn về nhân sinh

Hai trường phái tư tưởng này nói chung đều bày tỏ về nhân sinh quan và vũ trụ quan. Tuy nhiên, nội dung của Nho gia hầu như đặt trọng tâm ở những vấn đề của thế sự, xã hội. Đó là các vấn đề chính trị, pháp luật, việc trị – loạn, việc bình định xã hội, quan điểm về giá trị đạo đức, thẩm mỹ, v.v..

Tất cả những cố gắng của Nho gia là tổ chức ổn định trật tự xã hội. Một trong những nội dung quan trọng của học thuyết là nói về chính trị. Khổng Tử khẳng định “Đạo người thì chính trị là việc lớn” (Nhân đạo chính vi đại –Lễ ký: Ai công vấn, XXVII). Ông đề ra cái gốc của chính trị, nguyên nhân của trị loạn, và rất nhiều các biện pháp làm chính trị (noi theo thánh hiền, bồi dưỡng người quân tử, thuận lòng dân, v.v.). Những vấn đề khác mà Khổng Tử đề cập đến cũng nhằm ổn định xã hội là việc giáo dục, kỷ cương luân thường đạo lý, lễ nhạc, v.v. đều là những vấn đề của nhân sinh.

Mục tiêu của Nho gia là đào tạo con người thành “thánh nhân”. Khái niệm “thánh nhân” ở đây không siêu hình, không phải chỉ bậc tiên thánh có phép thuật, có năng lực siêu nhiên, mà chỉ người có tài đức, có khả năng cai trị thiên hạ. Chữ “Nho” được nhiều sách diễn giải ý nghĩa là chỉ người cần dùng cho xã hội. Khái niệm “Đạo” của Nho gia nguyên thủy cũng không mang tính siêu hình. “Đạo” đây là đạo của thánh nhân truyền lại, cụ thể là đạo truyền từ Nghiêu Thuấn, là đường đi, là cái lý, cái giá trị, cái chuẩn mực, v.v. phải theo.

Nội dung của những vần đề về bản thể luận, vũ trụ, thiên địa, quỷ thần, v.v. trong Nho gia không đủ sâu rộng. Quyển Chu Dịch là một trong những quyển sách căn bản của Nho gia, chứa nội dung phong phú về hình nhi thượng. Nhưng xét cho cùng, với nguồn gốc còn chưa được truy cứu rõ ràng, với thời gian hoàn thành được xác định trong hàng ngàn năm, và là thành quả của công sức nhiều người, nên điều có thể khẳng định là đây là tác phẩm của phái Dịch học. Đặc biệt, phần Dịch truyện được viết từ cuối Xuân Thu trở đi, bao gồm cả tư tưởng của Nho và Đạo. Những tác giả phần Truyện có đem tư tưởng của Nho, Lão “cột” vào phần Kinh, làm cho Chu Dịch trở thành một tác phẩm triết lý có đủ vũ trụ quan và nhân sinh quan [5:105]. Nho gia mãi đến đời Tống mới xây dựng hoàn chỉnh Đạo học, có hấp thu tư tưởng của Đạo gia và Phật học.

Đạo gia quan tâm nhiều đến vũ trụ quan trước khi bàn về nhân sinh quan. Sở dĩ gọi là Đạo gia, lý do cơ bản là ở chữ “Đạo”. Lão Tử đã xây dựng một học thuyết hoàn chỉnh về vũ trụ quan. “Đạo” ở đây là khái niệm trừu tượng, là “bản nguyên của vũ trụ”, “có trước trời đất”, v.v.. Ở học thuyết của Khổng, phần hình nhi thượng là phần tinh thần của Khổng giáo, phát hiện ra ở phần hình nhi hạ, tức là phần thiết thực ở đời [7:69]. Ở học thuyết của Lão, “chỉ Lão Tử mới trình bày rõ ràng một vũ trụ quan làm cơ sở cho một nhân sinh quan và một chính trị quan mới mẻ; nhân sinh quan và chính trị quan chỉ là tự nhiên quy kết của phần vũ trụ quan” [4: 53]. Như vậy, Nho gia đặt phần nhân sinh quan làm nội dung nền móng, ngược lại, Đạo gia đặt phần vũ trụ quan làm nền móng.

2.2. Hữu vi và vô vi

Hai từ hữu vi và vô vi, về nghĩa đen của từ, chỉ hai trạng thái trái ngược nhau “có làm” và “không làm”. Hai khái niệm này trong phạm trù tư tưởng triết học thì chưa hẳn là hoàn toàn trái nghĩa nhau, bởi khái niệm “vô vi” của Đạo gia khá phức tạp. Tuy nhiên, đây vẫn là tôn chỉ khác nhau cơ bản giữa hai dòng tư tưởng Nam Bắc.

Nho gia, với tư tưởng mưu cầu “bình thiên hạ”, chủ về “hành động” và có các thủ thuật hành động riêng.

Một số “hành động” được Nho gia đề ra như phải dạy dỗ dân, tề dân, khiến dân, ngăn cấm dân: thánh nhân trị dân và hóa dân là phải dùng cả chính lẫn hình. Bậc thái thượng lấy đức dạy dân, mà lấy lễ tề dân. Bậc thứ nhì lấy chính sự mà khiến dân, và lấy hình mà ngăn cấm: hình đặt ra nhưng không dùng đến. Chỉ có lúc hóa dân mà dân không theo, để đến hại nghĩa nát tục, thì bấy giờ mới phải dùng hình vậy” [7:136] (“Thánh nhân chi trị, hóa dã, tất hình chính tương tham yên. Thái thượng dĩ đức giáo dân, nhi dĩ lễ tề chi. Kỳ thứ, dĩ chính sự đạo dân, dĩ hình cấm chi, hình bất hình giã. Hóa chi phất biến, dân chi phất tòng, thương nghĩa nhi bại tục, ư thị hồ dụng hình hỹ” Khổng Tử gia ngữ: Ngũ hình giải, XXX); phải làm cho dân nhiều, làm cho dân giàu, và dạy cho dân biết lễ nghĩa: Học trò Nhiễm Hữu hỏi: “(dân) đã đông vậy, lại nên thêm gì nữa?” Khổng trả lời “Làm cho dân giàu”. Học trò lại hỏi tiếp “Đã giàu rồi lại thêm gì nữa?. Khổng trả lời “Phải dạy dân” (Nhiễm Hữu viết “Ký thứ hỹ, hựu hà gia yên? Viết “Phú chi”. Viết “ký phú hỹ, hựu hà gia yên? Viết “giáo chi” – Tử Lộ, Luận ngữ); phải nghĩ cho lòng dân: dân ưa thích điều gì, (người cai trị) phải thích theo, dân ghét điều gì phải ghét theo. Thế mới gọi là cha mẹ dân (“Dân chi sở hiếu, hiếu chi; dân chi sở ố, ố chi. Thử chi vị dân chi phụ mẫu” – Đại học); v.v..

Ngoài bậc Thánh ra, Nho gia cũng bỏ bao công sức đề ra những việc mà những thành phần khác trong xã hội (vua, tôi, cha, con, chồng, vợ, anh, em, người quân tử) phải làm: vua sáng suốt tôi trung thành, cha hiền con hiếu, chồng có nghĩa vợ kính trọng, anh tốt em nhường, bạn bè tín nhiệm (quân minh thần trung, phụ từ tử hiếu, phu nghĩa phụ kính, huynh lương đệ đễ, bằng hữu hữu tín). Người quân tử phải đạt đạo (ngũ luân), đạt đức (ngũ thường) và biết thi thư lễ nhạc. Tóm lại, Khổng Tử cho rằng: Trên từ bậc thiên tử xuống đến hạng thứ dân, ai cũng phải lấy sự “tu thân” làm gốc (“Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” – Đại học).

Đạo gia không cho rằng “hành động” mang lại tác dụng trong mối quan hệ nhân luân và bồi dưỡng nhân cách, mà chính “vô vi” mới mang lại hiệu quả cao nhất. “Vô vi” có thể hiểu là đừng can thiệp, lo liệu, giải quyết, cứ để mọi việc diễn ra theo cách tự nhiên của chúng. Lão Tử cho rằng “Đạo không lo liệu, giải quyết bất cứ việc gì, nhưng không có việc gì mà làm không thành” (“Đạo thường vô vi nhi vô bất vi” – chương 37, Lão Tử). Vô vi thể hiện một cách tập trung nhất tư tưởng của Lão Tử. Lão Tử chủ trương vô vi trên nhiều phương diện.

Về chính trị, người trị nước phải rũ bỏ hết những cố gắng nhằm can thiệp vào xã hội: Trị nước lớn giống như hầm cá nhỏ (“Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên” – chương 60, Lão Tử); đừng đặt ra cái tiêu chuẩn cho thánh nhân hay cho các hạng người trong xã hội: Loại trừ thánh hiền, gạt bỏ trí tuệ, dân chúng mới có được phúc lợi gấp trăm lần; đoạn tuyệt nhân ái, vứt bỏ nghĩa khí, dân chúng mới có thể khôi phục lại hiếu kính và từ ái; triệt kỷ xảo, bỏ tài vật, thì đạo tặc mới không còn (“Tuyệt thánh khí trí, dân lợi bách bội; tuyệt nhân khí nghĩa, dân phục hiếu từ; tuyệt xảo khí lợi, đạo tặc vô hữu” – chương 19, Lão Tử); Không cần phải tìm dùng người hiền tài để tránh loạn: Không trọng hiền đức để dân không tranh danh đoạt lợi (“Bất thượng hiền, sử dân bất tranh” – chương 3, Lão Tử); Không phải đặt pháp lệnh, điều cấm kỵ, không phải dùng thủ thuật: Thiên hạ có quá nhiều khuôn phép, thì bách tính càng bần cùng; dân chúng có quá nhiều khí cụ sắc bén, thì nước sẽ càng hỗn loạn; con người nắm được nhiều kỷ xảo thì tranh đấu càng nhiều; pháp lệnh quy định càng rõ ràng thì đạo tặc càng nhiều (“Thiên hạ đa kỵ húy, nhi dân di bần; dân đa lợi khí, quốc gia tư hôn; nhân đa kỳ xảo, kỳ vật tư khởi; pháp vật tư chương, đạo tặc đa hữu” – chương 57, Lão Tử). Và trên hết, Lão Tử khẳng định “hữu vi” không có tác dụng trong làm chính trị: Muốn đạt được thiên hạ mà thực hiện trị lý, thì tôi thấy họ không thể thành công. Người có mưu đồ hành động làm thay đổi, nhất định thất bại; người có mưu đồ chiếm giữ, nhất định sẽ mất (“Tương dục thủ thiên hạ nhi vi chi, ngô kiến kỳ bất đắc dĩ. Vi giả bại chi, chấp giả thất chi” – Chương 29 Lão Tử). Mặt khác, ông lại khẳng định hiệu quả của “vô vi”: Ta không có hành động gì, mà dân chúng tự nhiên cải hóa; ta thích hư tĩnh, mà dân chúng tự nhiên an định; ta không lo toan trằn trọc, mà bách tính tự nhiên giàu có; ta không có lòng ham muốn, mà bách tính tự nhiên trở nên thuần phác (“Ngã vô vi nhi dân tự hóa; ngã hiếu tĩnh nhi dân tự chính; ngã vô sự nhi dân tự phú, ngã vô dục nhi dân tự phác” – Chương 57 Lão Tử).

Về nhân tình thế thái, Khổng và Lão có hai cách diễn đạt khác nhau. Khổng đưa ra trách nhiệm và bổn phận cho từng đối tượng trong xã hội, buộc họ làm đúng để giữ hòa khí, trật tự trên dưới. Lão không quan tâm cái trật tự đó, diễn giải một hướng hoàn toàn khác, cho rằng, trong xử thế không cần phải hành động gì vẫn được lợi về mình: Quy luật tự nhiên là không tranh đoạt mà lại khéo lấy được thắng được, không nói mà được đáp ứng, không kêu gọi mà tự tới, thản nhiên mà khéo sinh mưu kế (“Thiên chi đạo bất tranh nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện ứng, bất triệu nhi tự lai, thiện nhiên nhi thiện mưu” – chương 73, Lão Tử).

Về giá trị của cá nhân, đối với Nho gia, con người phải học lễ nghĩa, trau dồi tài đức, nói chung phải làm rất nhiều trong việc “tu thân”. Đạo gia không cho rằng cần phải tu dưỡng những “nhân, nghĩa, lễ” đó, mà trở về với tự nhiên, hợp với Đạo. Chương 38 Lão Tử, viết “Người có đức hạnh cao không hành động gì cả, nhưng việc gì cũng có thể thành công; người có đức hạnh thấp luôn hành động, mà luôn mượn lý do, mục đích cho hành động” (Thượng đức vô vi, nhi vô dĩ vi; hạ đức vi chi, nhi hữu dĩ vi). Lại nói “Mất đạo mới có đức, mất đức mới có nhân, mất nhân mới có nghĩa, mất nghĩa mới có lễ. Lễ nghi là sản phẩm của sự suy đồi trung tín, cũng là khởi đầu của họa loạn” (Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ. Phu lễ giả, trung tính chi bạc, nhi loạn chi thủ). Như vậy, hành động tu dưỡng là đồng nghĩa với “mất đạo”, là mầm họa loạn.

2.3. Tại thế và ngoại thế

Lâm Ngữ Đường khi bàn về tính cách người Trung Quốc, viết rằng “Người Trung Quốc là những chiến sĩ kém nhất thế giới, chỉ vì nó là một giống người thông minh được giáo dục bằng tư tưởng khinh thế ngạo vật của Đạo giáo hòa hợp với sự cổ lệ tích cực lý tưởng hòa đồng của Khổng giáo [1:101]. Hay “Chủ nghĩa Khổng Tử ở trong chúng ta là nỗ lực kiến thiết và cần lao, chủ nghĩa Đạo giáo, là bó gối ngồi xem và cười tủm tỉm. Chỉ vì vậy nên những bậc văn nhân của Trung Quốc khi còn tại chức thì giảng dạy đức hạnh, lúc nhàn cư thì ngâm vịnh túy tình, thường trước tác nhiều thơ phú có tư tưởng Đạo giáo [1:94]. Một hình ảnh “tham gia và tận sức” với một hình ảnh “ngồi ngoài và ngạo thế” chính là hai lối ứng xử “lo việc đời người” và “mặc cho thuận tự nhiên”, xuất phát từ hai chủ trương “hữu vi” và “vô vi”.

Cách diễn tả hai thái độ “nỗ lực kiến thiết và cần lao” và “bó gối ngồi xem và cười tủm tỉm” của Lâm Ngữ Đường khiến liên tưởng đến hình ảnh hai nhân vật Khổng và Lão. Dung mạo của Khổng trong tranh hay tượng khắc đều mang phong cách đạo mạo, áo mão cân đai của một nhà quan. Khổng Tử khuyên học trò ra làm quan để thi hành nhân nghĩa, cứu đời. Chính cuộc chu du của Khổng Tử là một minh chứng cho thái độ nỗ lực vì đời của ông. Trần Trọng Kim nhận định “Cái chủ nghĩa của Ngài là cái chủ nghĩa của những người Nho học cốt ở sự hành đạo. Ai có tài có trí thì phải ra ứng dụng ở đời để làm những điều ích lợi cho dân chúng, chứ không phải là chỉ cầu lấy sự an nhàn ở chỗ ẩn dật và sự vui thú trong vòng tư tưởng. Cái chí của Ngài là muốn ra làm quan để thực hành cái đạo của mình” [7:21]. Lão Tử thì luôn trong phong thái “tiếu ngạo” bên con trâu nước, Trang Chu thì “nguyện bơi lội trong dòng suối mà tìm vui, không để người trị quốc ràng buộc” [3: 38], cho thấy họ ít chịu “dấn thân” vào chính trường.

Quan điểm về gia đình, Khổng Mạnh suy tư xây dựng một chế độ tông tộc vững chắc. Lão Trang thì vui điền viên và ẩn dật.

Tất cả những khuôn phép của Nho gia (tam cương, ngũ thường, ngũ luân,…) đều cho thấy Nho gia quan tâm đến trách nhiệm của người đối với người, của người đối với xã hội, cũng có nghĩa là con người không thể đứng ngoài thế sự. Nho gia vừa là triết học nhằm mục đích tổ chức xã hội, vừa là triết học của đời sống hằng ngày. Nếu Nho gia nhấn mạnh đến nghĩa vụ xã hội, thì Đạo gia chú trọng đến cái tự nhiên và hồn nhiên ở con người. Sách Trang Tử chép rằng Nho gia chơi trong cõi nhân quần, còn Đạo gia thì chơi ngoài cõi nhân quần. Khổng Tử ưa thích danh giáo, còn Lão Trang ưa thích tự nhiên [6:38].

Con đường phát triển của Đạo gia theo lịch sử ngày càng thiên về siêu hình, ngày càng nặng tính chất tôn giáo. Trong khi đó, Nho gia ngày càng được xã hội hóa bằng con đường chính trị. Kinh điển Nho gia trở thành nội dung thi cử để tuyển chọn người ra làm quan. Vị trí của Nho gia trong xã hội từ nhà Hán về sau cũng nói lên vai trò “làm chính trị” của Nho gia.

2.4. Tự cường và khiêm nhu

So sánh hai dòng tư tưởng về phương diện này, trước tiên cần nói rõ rằng không phải hai dòng tư tưởng hoàn toàn đối lập theo kiểu một bên đề cao “tự cao, kiên cường, mạnh mẽ”, một bên đề cao “khiêm tốn, nhu mềm”. Khổng và Lão đều giảng về khiêm tốn và nhu hòa, tuy nhiên phân tích sâu và suy xét đến tường tận, sẽ thấy được đặc sắc riêng trong tư duy và lối diễn đạt của hai nhà. Đặc sắc riêng của hai nhà sẽ được vạch ra qua ba khía cạnh: sức mạnh nội tại của bản thân, lối ứng xử và làm chính trị.

Về quan điểm “cường” trong nội lực, Nho gia chú trọng đời sống tại thế, chủ trương hành động, một trong những đức tính cần cho hành động là tính tự cường. Tuy chủ trương trung dung, nhưng về mặt rèn luyện bản thân, Nho gia luôn mong muốn đạt đến chữ “chí” (tột cùng), chữ “đại” (lớn) hoặc chữ “minh” (sáng tỏ), như chí thành, đại đức, minh đức, đại hiếu, v.v.. Muốn tu dưỡng chữ “nhân”, muốn khép mình vào “lễ”, muốn đạt đến “chí thành”, “đại đức” ắt phải có chí khí lớn, sức phấn đấu lớn, bản lĩnh lớn. Ông nhấn mạnh cái nội lực vốn có của sinh vật như sau: Trời hóa sinh vạn vật thế gian, tất nhiên phải dựa vào chất tài của mỗi vật mà dốc lòng (đối đãi) với chúng. Do vậy, (giống như trồng cây) cây nào còn sức sống có thể trồng được thì bồi dưỡng thêm cho chúng, cây nào nghiêng ngã thì chặt bỏ đi (“Thiên chi sinh vật, tất nhân kỳ tài nhi đốc yên, cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi” – Trung dung). Như vậy, muốn bồi dưỡng cá nhân, trước phải có sức mạnh nội tại ở mức độ nhất định.

Vì cho rằng cái dáng vẻ bên ngoài thể hiện cái tư chất bên trong, nên Khổng Tử rất chú trọng cái vẻ uy nghiêm bên ngoài, còn chủ trương không kết bạn với những người không bằng mình: Quân tử nếu không tự trọng, thì sẽ không được uy nghiêm; Phải lấy trung tín làm đầu; Không kết bạn với người không bằng mình (“Quân tử bất trọng, tắc bất uy; Chủ trung tín; Vô hữu bất như kỷ giả” – Học nhi, Luận ngữ).

Lão Tử coi thường nhân nghĩa, trung hiếu: Đạo mất mới xuất hiện nhân nghĩa, giữa cha con, anh em, chồng vợ bất hòa mới đề xướng hiếu kính từ ái, nước nhà hỗn loạn mới sinh ra trung thần (“Đại đạo phế hữu nhân nghĩa, lục thân bất hòa hữu hiếu từ, quốc gia hôn loạn hữu trung thần” – chương 18, Lão Tử). Đã coi thường các đức tính trên, ông không mong muốn đạt được chúng, và cũng không cần bàn đến điều kiện tư chất thế nào để tu dưỡng.

Về lối ứng xử, Tứ thư – Ngũ kinh nhiều lần nhắc đến chữ dũng và cường: Ba loại trí nhân và dũng là những đức hạnh mà người trong thiên hạ phải đạt được (“Tri nhân nghĩa tam giả, thiên hạ chi đạt đức dã” – Trung dung); Biết xấu hổ, nhục nhã là gần với dũng (“Tri sỉ cận hồ dũng” – Trung dung); Thấy điều nghĩa mà không làm, ấy là chẳng có dũng (“Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã” – Vi chính, Luận ngữ); hay Người quân tử nhu hòa nhưng không chạy theo số đông, ấy là cường. Ở vào vị thế trung lập không thiên lệch theo hai cực, ấy là cường. Lúc nước thái bình, không đổi biến thân, ấy là cường. Lúc nước loạn, đến chết cũng không thay đổi tiết tháo, ấy là cường (“Quân tử hòa nhi bất lưu, cường tai kiểu! Trung lập nhi bất ỷ, cường tai kiểu! Quốc hữu đạo, bất biến tắc yên, cường tai kiểu! Quốc vô đạo, chí tử bất biến, cường tai kiểu!” – Trung dung). Như vậy, Nho gia nói về chữ “dũng” và “cường” gắn liền với trách nhiệm và bổn phận đối với người, với nước.

Lão Tử không bàn đến những biểu hiện của cường, chỉ đem “cường” đối lập với “nhu”, phủ nhận giá trị của tính “cường” như “Mềm yếu thắng cứng mạnh” (“Nhu nhược thắng cương cường” – chương 36, Lão Tử), “Kiên cường luôn đi theo tử vong, nhu mềm luôn đi theo sự sống” (“Kiên cường giả tử chi đồ, nhu nhược giả sinh chi đồ” –chương 76, Lão Tử). Đạo gia nói đến “cường” trong đối nhân xử thế, chỉ đơn giản là “Chiến thắng người khác là có lực, tự chiến thắng được chính mình mới là cường” (“Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường” – chương 33, Lão Tử). Lão Tử nói về chữ “dũng” càng khác với Khổng, “Dùng cái dũng khí ở hành động quả quyết cương nghị dám làm thì sẽ mang đến họa sát thân, dùng cái dũng khí ở hành động cẩn thận tự kiềm chế thì sẽ sống tốt” (“Dũng ư cảm tắc sát, dũng ư bất cảm tắc hoạt” – chương 73, Lão Tử).

Nho gia dạy người quân tử biết khiêm tốn trong ứng xử, tuy nhiên luôn nhấn mạnh phải ở đúng cái vị trí của họ, giữ đúng cái phong độ của họ, giữ đúng cái tư thái của họ, đó là cái tư thái của bậc cai trị, của người bề trên. Những lý luận trên cũng đã thể hiện cái “tự cường” của Nho gia.

Khổng Tử dạy giữ cái tư thái đúng với vị thế, Lão Tử dạy biết giữ cái ngu để thành cái trí (khôn), giữ cái yếu để thành cái mạnh: “giữ lấy nhu, chính là cường” (“Thủ nhu viết cường” – chương 52, Lão Tử), “Thánh nhân tự đặt mình ở phía sau dân chúng, nhưng lại được ở trước, tự đặt thân mình ra ngoài, lại được bảo toàn thân mình” (“Thánh nhân hậu kỳ thân nhi thân tiên, ngoại kỳ thân nhi thân tồn” – chương 7, Lão Tử).

Biểu hiện tự cường và khiêm nhu trong lý thuyết về chính trị, Khổng Tử mưu cầu “bình thiên hạ”, còn Lão Tử thì vui với nước nhỏ: “Nước nhỏ dân ít. Các nước láng giềng có thể trông thấy nhau, có thể nghe tiếng gà gáy tiếng chó sủa, dân chúng đến già chết cũng không qua lại” (“Tiểu quốc quả dân. Lân quốc tương vọng, kê khuyển chi thanh tương văn, dân chí lão tử bất tương vãng lai” – chương 80, Lão Tử)

Khổng Tử cho rằng muốn được thiên hạ quy thuận về, người cai trị trước phải “làm sáng, làm lớn cái đức” của họ, làm tôn nghiêm cái vị thế của họ, làm uy nghiêm cái tư thái của họ. Theo Lão Tử, muốn được thiên hạ quy thuận về thì phải đứng sau thiên hạ, hàng loạt các chương (chương 7, 8, 16, 22, 24, 30, 31, 38, 39, 42, 52, 61, 63, 66, 67, 68, 69, 72, 76, 77, 78, 80) trong Lão Tử – Đạo đức kinh đều đề cao tính khiêm nhu này của người cai trị. Nhưchương 66 viết “Sông biển sở dĩ có thể làm vua trăm khe lạch, là do cam lòng ở nơi hạ lưu, vì thế mới có thể làm vua của các khe lạch” (Giang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả, dĩ thiện hạ chi, cố năng vi bách cốc vương).

2.5. Miễn cưỡng và thuận tự nhiên

Nho gia và Đạo gia đều quan tâm vấn đề “con người”. Đối với Nho gia, “Trong trời đất, con người là quý” (“Thiên địa chi tính nhân vi quý” – Hiếu Kinh, Thánh trị). Đối với Đạo gia, “Đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Trong vũ trụ có bốn cái lớn, mà người là một trong số đó” (“Đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi nhân cư kỳ nhất yên” – Chương 25, Lão Tử).

Tuy nhiên, Nho và Đạo thể hiện quan điểm về thực hiện nhân sinh của con người khác nhau. Nho gia nhấn mạnh tầm quan trọng của con người và việc thực hiện nhân sinh trong quan hệ nhân luân. Đạo gia lấy học thuyết “Đạo” làm trung tâm. Nhìn chung, khung lý luận của Đạo gia là “tự nhiên”. Lão Tử chủ trương thông qua “pháp tự nhiên” (bắt chước theo tự nhiên) mà thực hiện nhân sinh, thuận theo tự nhiên mà phát triển, “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên” (chương 25, Lão Tử).

Chính vì nhấn mạnh đến tính xã hội của con người, hàng loạt các luân lý nhân sinh được thiết lập, hình thành một vòng nhân nghĩa lễ giáo, và đặt những thành phần xã hội vào trong đó. Con người phải “khắc kỷ phục lễ”, gò bó trong vòng lễ giáo nhân nghĩa đó. Nói đến “khắc” và “phục” là nói đến miễn cưỡng.

Đạo gia nhấn mạnh tính tự nhiên của con người, nhấn mạnh sự bắt chước tự nhiên của con người, và tính tự chủ, độc lập, tự do của con người. Đạo gia muốn thoát khỏi những trói buộc của luân lý. Trong khi điểm đích của Nho gia là “thành thánh”, thì điểm đích của Đạo gia là “quy chân”. Đạo là bản nguyên của vũ trụ, vạn vật đều hóa sinh từ Đạo, “nhân” mà hợp với “Đạo”, thì đó là “chân nhân”. Tính chất của Đạo là tự nhiên , “nhân” mà hợp với “Đạo”, thì phải thoát khỏi những trói buộc đối với tính tự nhiên của con người, tức thoát khỏi nhân nghĩa đạo đức của xã hội nhân luân thế tục, trở về với cái tính “thuần – chân” vốn có của con người.

2.6. Hiện thực và lãng mạn

Hai dòng tư tưởng Nho và Đạo mang hai sắc thái hiện thực và lãng mạn đã được đúc kết bởi nhiều nhà nghiên cứu trước đây. Lâm Ngữ Đường trong Trung Hoa đất nước con người đã khẳng định điều này rất nhiều lần. Ông cho rằng đức Khổng Tử là một triết gia về thực nghiệm, thuộc chủ nghĩa nhân văn. Và còn nói “chủ nghĩa hiện thực trong lý tưởng nhân sinh của Trung Quốc và đặc tính chú trọng về hiện thế bắt nguồn từ học thuyết Khổng Tử[1:166]. Mặc khác, ông chứng minh Đạo gia mang sắc thái lãng mạn như sau: “Học thuyết Khổng Tử quá chú trọng vào thực tế, không có thành phần ý tưởng nào thuộc về hư không. Học thuyết Khổng giáo không nói đến thần tiên, nhưng Đạo giáo thì thường nói đến điểm đó. Từ trước tới sau, Đạo giáo vẫn có tính cách lãng mạn: điểm thứ nhất, luôn chủ trương trở lại với tự nhiên, vì thế mà nảy sinh tính cách lánh đời và phản kháng những gì làm mất tự nhiên và những trách nhiệm do văn hóa Khổng giáo; điểm thứ hai, Đạo giáo chủ trương giữ nếp phong vị đồng ruộng trong lý tưởng nhân sinh, văn học, nghệ thuật và chú trọng vào điểm thuần phác của nguyên thủy; điểm thứ ba, nó đại biểu cho cái thế giới tưởng tượng, biến hóa lạ lùng, đi đôi với thần thoại ngây thơ về thuyết sáng chế. Sống trong vòng lễ giáo chặt chẽ của Khổng Tử nếu không có cái tình cảm đó (tư tưởng lãng mạn) làm dịu bớt đi, thì có lẽ khổ cực đến không chịu nổi. Bởi vậy Đạo giáo là thái độ vui chơi của người dân Trung Quốc, Khổng giáo là thái độ cần cù của họ vậy” [1:184-185]. Ông dẫn chứng thêm: Bao giờ chủ nghĩa lãng mạn chẳng đả kích phái cổ điển (việc sùng thượng lễ nghĩa, chôn cất trọng hậu, để tang quá lâu, khuyên học trò ra làm quan để thi hành nhân nghĩa, cứu đời). Triết học của Đạo gia bao giờ cũng giữ tư tưởng lánh cõi đời, ở ẩn trong rừng núi để tu luyện dưỡng sinh. Do điểm này chúng ta có thể hiểu rõ được đặc tính làm mê người của văn hóa Trung Quốc là phong vị điền dã trong nếp sống và phong hoa tuyết nguyệt trong văn chương và nghệ thuật [1:187]. Phùng Hữu Lan thì so sánh Nho và Đạo như sau “Hai dòng tư tưởng kia của triết học Trung Quốc tương đương trong đại thể với truyền thống của chủ nghĩa cổ điển và lãng mạn trong tư tưởng Tây phương” [6: 38].

Tài liệu tham khảo

Lâm Ngữ Đường 2001: Trung Hoa đất nước con người. – HN: NXB Văn hóa Thông tin, 519 tr.

Lâu Phi (biên tập) 2006: Lão Tử – Trang Tử. – Bắc Kinh: NXB Bắc Kinh, 383 tr. [(春秋)李耳 著、(战国)庄周著, 楼霏 编辑:《老子-庄子》,北京出版社,2006年]

Ngô Vinh Chính, Vương Miện Quý 1994: Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc (Lương Duy Thứ và nnk dịch). – Tp. HCM: NXB Văn hóa Thông tin, 715 tr.

Nguyễn Hiến Lê (chú dịch và giới thiệu) 1998: Lão Tử – Đạo đức kinh. – Tp. HCM: NXB Văn hóa Thông tin, 276 tr.

Nguyễn Hiến Lê 1994: Kinh Dịch – Đạo của người quân tử. – Tp. HCM: NXB Văn học, 520 tr.

Phùng Hữu Lan 1968: Đại cương triết học sử Trung Quốc(Nguyễn Văn Dương dịch). – Sài Gòn: Ban tu thư viện đại học Vạn Hạnh ấn hành, 380 tr.

Thang Nhất Giới, Trương Diệu Nam, Phương Minh (đồng chủ biên) 2001: Trung Quốc Nho học văn hóa đại quan. – Bắc Kinh: NXB Đại học Bắc Kinh, 909 tr. [汤一介、张耀南、方铭 主编:《中国儒学文化大观》,北京大学出版社,2001 年]

Trần Trọng Kim 1971a: Nho giáo(quyển thượng). – Trung tâm Học liệu xuất bản, 320 tr.

Trần Trọng Kim 1971b: Nho giáo (quyển hạ). – Trung tâm Học liệu xuất bản, 445 tr.

Nhìn lại những điểm khác biệt giữa hai dòng tư tưởng như đã phân tích ở trên. Nho gia chú trọng chính trị xã hội, quan tâm những sự việc tại thế, đề ra trách nhiệm và bổn phận của từng hạng người trong xã hội để định hướng hành động cho con người, xây dựng các nguyên tắc nhân luân để ép đưa con người vào vòng trật tự, mưu cầu đạt được những giá trị tối cao trong phẩm hạnh và “bình thiên hạ” trong trị nước, thể hiện cái tự cường, v.v., tất cả đều mang sắc thái hiện thực rõ nét. Đạo gia xây dựng một học thuyết về “Đạo” khá vững chắc, một học thuyết về vũ trụ quan hoàn chỉnh, đặt ra vấn đề nằm ngoài nhận thức và nội dung đời sống hiện thực của con người. Đạo gia chủ trương ẩn dật, dùng cách nói của Phùng Hữu Lan là “chơi ngoài cõi nhân quần”; đả phá tất cả những chủ trương hành động theo trách nhiệm và bổn phận, hay hành động nhằm nắm bắt, điều chỉnh, chi phối, can thiệp vào sự thế; đả phá tất cả những luân thường đạo lý trói buộc con người; ca ngợi sự tự do, tự tại, thong dong, sùng bái thiên nhiên; v.v.. tất cả đều thể hiện tinh thần lãng mạn, yêu chuộng tự nhiên.

3. Kết luận

Hai trường phái tư tưởng đều chú trọng những vấn đề về con người, cùng mong muốn giải quyết thế sự. Tuy nhiên, các nhà tư tưởng ở trong hai bối cảnh xã hội lịch sử, môi trường tự nhiên khác nhau, và thân phận xã hội khác nhau, nên suy tư, lý luận và giải quyết vấn đề theo những hướng khác nhau. Những đặc thù được đúc kết (bàn về nhân sinh, hữu vi, tại thế, tự cường, miễn cưỡng, hiện thực) của dòng tư tưởng miền Bắc gần như là những mắt xích trên một chuỗi thống nhất. Chuỗi này mang chất dương tính khi so sánh với chuỗi đặc thù của dòng tư tưởng miền Nam (bàn về vũ trụ, vô vi, ngoại thế, khiêm nhu, thuận tự nhiên, lãng mạn). Lâm Ngữ Đường có lẽ vì thế mà nhận định “Tinh thần Đạo giáo và tinh thần Khổng giáo là hai cực âm dương của tư tưởng Trung Quốc, sinh mệnh dân tộc Trung Quốc cũng nhờ đó mà hoạt động vậy” [1:95]. Hai dòng tư tưởng Nam Bắc Trung Quốc với các đặc thù riêng được hình thành như là kết quả tất yếu do hai diện mạo văn hóa sinh ra. Đó là diện mạo văn hóa miền Bắc mang dấu vết du mục Tây Bắc và hoạt động nông nghiệp ruộng khô vùng Trung Nguyên, nổi trội chất dương cương và diện mạo văn hóa vùng nông nghiệp lúa nước miền Nam thiên về âm nhu.

Theo VANHOCHOC.EDU.VN
Bài viết của Ths. Trần Phú Huệ Quang, Khoa Văn hóa học, ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM