Thứ Ba

Vì sao tôi chọn ủng hộ Donald Trump

Bài của Daniel Bonevac, giáo sư triết tại University of Texas đăng lần đầu trên Dallas Morning News.

Mới đây tôi đã tham gia cùng 145 học giả và các tác giả khác tuyên bố ủng hộ Donald Trump làm tổng thống. Cứ mỗi một người ủng hộ Trump đồng ý tham gia với chúng tôi lại có vài người ủng hộ Trump khác từ chối, do tin rằng việc công khai thiện chí dành cho Trump sẽ gây nguy hại cho sự nghiệp của họ. Tôi vốn thẳng thắn về quan điểm thiên bảo thủ của mình trong hơn 30 năm qua, kể từ trước khi tại nhiệm, vì thế bất kỳ ảnh hưởng xấu nào với tôi vốn đã được tính trước.

Vì sao tôi chọn ủng hộ Donald Trump
Tôi có lần tranh luận với nhà kinh tế học James Galbraith trước hàng ngàn người trong khoá bài giảng đại học tại Đại học Texas năm 2008, ví dụ như về việc ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Thượng nghị sĩ John McCain của Arizona. Tôi cũng đã soạn thảo một trong vài cuốn giáo trình về các vấn đề đạo đức đương đại mà có trình bày quan điểm cánh tả lẫn cánh hữu một cách cân bằng. May mắn là tôi được dạy ở một trường đại học cam kết bảo toàn sự đa dạng trong mọi hình thái, bao gồm cả đa dạng về tư tưởng.

Nhưng trào lưu cánh tả đã đạt đến sự thống trị tại các giảng đường đại học trong vòng 20 năm qua, và tôi không thể trách những người quan điểm chưa công khai là đã cố gắng tránh trở thành mục tiêu của sự tấn công. Chỉ mới tuần trước thôi, một giáo sư tại một học viện khác đã chia sẻ bài đăng Facebook mong cho tất cả những người ủng hộ Trump bị tiêu diệt "ngay lập tức và mãi mãi." Có ai muốn trở thành đối tượng của những phát ngôn thù địch như thế?

Các giáo sư khác thường hỏi tôi nhiều câu về chính trị: "Anh khôn ngoan. Anh hiểu biết. Làm sao anh có thể ủng hộ bất kỳ ứng viên nào của Cộng hoà mà chạy đua tổng thống trong năm ấy?” Không hề là thô bạo, mà những câu ấy thật ra lại thường dẫn đến những cuộc trò chuyện thú vị và khai mở. Tôi vẫn thường có những cuộc thảo luận chính trị hiệu quả và mở rộng với một số bạn bè cũ mà không đồng ý với tôi. Thật vậy, họ là những người ủng hộ Bernie Sanders, và các chẩn đoán [về nước Mỹ] của Trump và Sanders thực ra không xa nhau lắm, ngay cả nếu đơn thuốc họ kê là hoàn toàn khác nhau.

Trao đổi vượt qua được các lằn ranh ý thức hệ đang ngày càng khan hiếm tại chu kỳ bầu cử này. Hai người bạn, nhìn thấy tên tôi trong danh sách vừa công bố, đã so sánh tôi với Martin Heidegger [triết gia Đức quốc xã] - và không bởi họ nghĩ rằng "Sự rút gọn trong Khoa học trừu tượng" [sách của Bonevac] là ngang tầm với “Thực thể và thời gian" [sách của Heidegger]. Giả định nền của họ, điều tôi thấy khó hiểu, có vẻ là thỉnh thoảng ăn nói thô kệch thì về mặt mặt đạo đức cũng tương đương phạm tội diệt chủng.
Nhiều đồng nghiệp của tôi trong giới hàn lâm thấy khó để tưởng tượng tại sao một người biết suy nghĩ lại có thể ủng hộ Trump. Hầu hết những người nói chuyện chính trị với tôi là những người đồng ý với tôi hoặc là ở mấp mé nơi ranh giới, chưa quyết định về việc bỏ phiếu cho Trump, ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton, hay là Gary Johnson của Đảng Tự do. Những người chắc chắn phản đối Trump thậm chí còn không muốn tranh luận các vấn đề với tôi nữa.

Các cuộc trao đổi chính trị với sinh viên cũng hiếm hoi. Bởi tôi đã cố hết sức để giữ chính trị đứng ra ngoài lớp học. Một lần, một sinh viên nói với tôi “Thầy thiên về bảo thủ, đúng không?” Tôi trả lời tôi thất vọng là cậu ấy lại nhận ra, bởi tôi đã cố để trình bày quan điểm từ mọi xu hướng một cách công bằng nhất và giữ quan điểm của tôi cho riêng mình. Cậu ấy trả lời “Em biết. Bởi đó chính là cách em nhận ra.” Thỉnh thoảng định kỳ, các sinh viên thiên bảo thủ cũng tìm đến tôi, thở phào vì cuối cùng cũng thấy có giáo viên trong trường mà họ có thể nói chuyện cởi mở được. Nhưng phần lớn sinh viên có vẻ không để ý lắm đến chính trị, và những người có thì lại không hay nói chuyện với các giáo viên về điều này.

Cũng có những ngoại lệ. Mới đây, một sinh viên theo phái tự do đã thách thức sự diễn dịch của tôi về tại sao các vùng khác nhau có xu hướng vote Dân Chủ hay Cộng hoà qua các kỳ bầu cử. Chuyện này đã dẫn đến một cuộc nói chuyện mang tính xây dựng và cả một vài sự tinh chỉnh trong cách hiểu của tôi (và của cả cậu ấy, tôi hy vọng thế) về sự phân chia của các bang xanh và đỏ.

Vậy thế thì tại sao, biết được các phản ứng từ đồng nghiệp và bạn bè mà điều này có thể đem lại, tôi lại chọn ủng hộ Trump?

Hãy hỏi bản thân: Bạn có đang sống tốt hơn so với bạn một thập kỷ trước đây không? Nước Mỹ có đang tốt hơn không? Thế giới có đang an toàn hơn không? Liệu đất nước này có đang đi đúng đường không?
Tôi nằm trong số gần hai phần ba dân số Mỹ chọn trả lời rằng: Không.
Chúng ta đã ở năm thứ bẩy của cuộc hồi phục kinh tế chậm chạp nhất kể từ năm 1949. Tỷ lệ người trưởng thành ở độ tuổi lao động có việc làm là thấp nhất trong hàng thập kỷ. Các thanh niên Mỹ gốc Phi đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp trên 20%. Nợ công tăng gần gấp đôi; một đứa trẻ Mỹ mới sinh ra hôm nay đã cõng hơn 60 000$ nợ. Chúng ta mất xếp hạng tín dụng Standard&Poor’s AAA. Các thành phố và bang còn phải đối mặt với nợ và khủng hoảng tiền hưu của riêng họ. Trong khi đó, lợi tức kinh doanh và các đơn hàng bền vững giảm; năng suất ì ạch và tốc độ tăng trưởng 2 % giờ phải coi như bình thường. Sự bất bình đẳng kinh tế thì tăng, thu nhập giảm, và giá cả thì tăng.  

“Thành tựu” dấu ấn của ngài tổng thống, Obamacare, chính là một vòng xoáy chết. Căng thẳng sắc tộc dẫn đến bạo loạn. Tội phạm bạo lực tăng rõ rệt trong suốt 18 tháng qua. Tuổi thọ giảm tại nhiều phân khúc lớn của dân số. Chính quyền thì đang tiến hành một cuộc chiến nhằm vào nhiên liệu hoá thạch, gây nguy hiểm cho lưới điện của chúng ta, trong khi lại xúc quỹ đổ vào các dự án lừa đảo về nhiên liệu xanh được điều hành bởi các nhà tài trợ. IRS, FBI và Bộ Tư pháp đang bảo vệ các đồng minh chính trị, trừng phạt đối thủ và bất chấp lệnh của tòa án. Điều lệnh IX được sử dụng trong khuôn viên trường học nhằm phá huỷ các thể thức và bóp nghẹt tiếng nói. Trong 10 tháng qua, chúng ta đã phải chịu đựng các cuộc tấn công khủng bố tại San Bernardino, California .; Orlando, Fla .; St Cloud, Minnesota .; và Burlington, Wash., để lại tổng cộng 68 người chết. Kinh nghiệm của châu Âu cho thấy rằng nếu chúng ta tiếp tục những chính sách này, chúng ta sẽ còn phải chịu đựng nhiều hơn.  

Trung Đông thì là một đống hỗn độn. Chúng ta giúp lật đổ không công một chính phủ ổn định ở Libya, tạo ra một thiên đường khủng bố và nhận về là đại sứ của chúng ta bị giết. Chúng ta đã ném đi những chiến thắng ở Iraq và Afghanistan. Syria là một thảm họa nhân đạo. Chúng ta phá hoại cuộc cách mạng xanh của Iran và dừng lệnh trừng phạt, vực dậy và sau đó thì chuyển hàng máy bay tiền mặt cho kẻ tài trợ hàng đầu thế giới của chủ nghĩa khủng bố, vốn còn đang tích cực tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân - tất cả chỉ để đạt đến một thỏa thuận quá đỗi ngược với quyền lợi nước Mỹ đến độ nó thậm chí còn không được đệ trình lên Thượng viện. Và rồi theo báo cáo thì Iran cũng đã vi phạm thoả thuận ấy.  

Đây không phải là xui xẻo. Nó là kết quả trực tiếp từ các chính sách của chính quyền Obama, mà Clinton sẽ còn muốn tiếp tục. Vấn đề không nằm ở sự thực hiện, mà là những bất cập sâu sắc trong thế giới quan cấp tiến của bà ấy. Đó là một thế giới quan tôi quan sát trực diện được tại các khuôn viên trường đại học, một thế giới quan thu hút giới trí thức với lời hứa hẹn về tính hợp lý và cám dỗ họ bằng khả năng thể hiện quyền lực. Tuy nhiên, như Dostoevsky từng cảnh báo, trong thực tế, nó nhằm thỏa mãn sự tự đại về đạo đức của giới tinh hoa và khuyến khích sự coi thường dành cho tất cả những người khác.    

Những người cấp tiến cố gắng đối phó với sức mạnh kinh tế của các công ty bằng cách tập trung quyền lực chính trị trong các cơ quan điều hành nhánh. Họ cố gắng để chữa trị sự tập trung bằng nhiều sự tập trung hơn. Nhưng điều này lại dẫn đến chủ nghĩa tinh hoa và sự cầm giữ có tính điều tiết. Khi các tập đoàn, những tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ dồi dào, hoặc các nhà tài trợ mang liên kết chặt chẽ, lại bắt tay với các cơ quan chính phủ, mọi người còn lại đều thua. Chính phủ liên bang là sự độc quyền tối hậu. Các bang hành chính thì đa phần là không sợ chịu trách nhiệm; bạn không thể bỏ phiếu đuổi các nhà quản lý bang. Dưới chính quyền Obama, quy định liên bang đã thẳng thừng bóp cổ một số ngành công nghiệp cũng như cắt giảm sự cải cách ở những ngành khác. Làm gì có ai bầu cho việc huỷ hoại các ngành công nghiệp than hoặc dừng việc thực thi luật nhập cư.

Clinton hứa hẹn có thêm chính những điều ấy. Bà hứa bổ nhiệm những thẩm phán Tòa tối cao mà sẽ bãi bỏ luật về các biện pháp chống quyền lực quá đà của chính phủ. Bà tỏ ra khinh miệt đối với những người bình thường, với những quyền lợi và mối quan tâm của họ, và đối xử với bất kỳ ai phản đối bà như kẻ thù. Chỉ Trump hứa hẹn sẽ kiềm chế sự thái quá của nhà nước hành chính và trả lại cho chúng ta việc quản trị hiến pháp. Ông cam kết sẽ ban hành một lệnh cấm về các quy định mới và cắt giảm "cái neo đang kéo tụt chúng ta xuống," chính là những gánh nặng của sự điều tiết gia tăng vốn bắt đầu từ năm 1980 mà đã tiêu tốn của chúng ta đến một phần tư tổng sản phẩm quốc nội.  

Chủ nghĩa cấp tiến hy sinh tương lai cho hiện tại, và hy sinh hiện tại cho những lợi ích đặc biệt và các tư lợi. Đó là lý do kinh tế chững lại và tỷ lệ sinh giảm sút ở những nước mà các chính sách cấp tiến thống trị. Nền kinh tế của chúng ta hoạt động bằng cách cho phép thị trường điều vốn tích lũy vào những kênh đầu tư có thể hỗ trợ tăng năng suất và đổi mới, dẫn đến những tiến bộ công nghệ, các sản phẩm giá cả phải chăng hơn, lương cao hơn và gia tăng cơ hội. Việc cắt giảm thuế của Trump sẽ tăng cường đầu tư, thúc đẩy năng suất và tiền lương, tăng sự đổi mới và cơ hội cho mọi người Mỹ.

Sau chót, chủ nghĩa cấp tiến dựa trên một quan điểm không thực tế về quan hệ quốc tế. Nó tìm cách giảm bớt các bang-quốc gia và phạm vi của quyền lực Mỹ. Các chính sách của Obama-Clinton đòi hỏi chúng ta phải đẩy các đồng minh truyền thống đi và tìm kiếm các mối quan hệ với những kẻ thù đã thừa nhận. Bảo vệ người Mỹ khỏi bị tổn hại và duy trì bí mật nhà nước rõ ràng là một ưu tiên thấp. Trump sẽ mang lại một liều hiện thực rất cần thiết cho chính sách đối ngoại, gây dựng lại tình bạn đã bị hư tổn với Anh và Israel, khôi phục sự toàn vẹn của các biên giới của chúng ta và bảo vệ lợi ích của Mỹ trong các hiệp định quốc tế.  

Trump đã  đưa ra các phát biểu nghiêm túc chi tiết hoá tầm nhìn của ông về kinh tế, chính sách đối ngoại, tội phạm, nhập cư và các vấn đề trung tâm khác mà đất nước đang phải đối mặt. Ông đã giải thích về những chính sách sẽ làm mạnh thêm cho Hoa Kỳ, làm sống lại nền kinh tế, và khôi phục nguồn vốn xã hội của chúng ta, đặc biệt là ở các thành phố trong (inner cities).  

Clinton, trong khi đó, lại cố hết sức để đánh lạc hướng chúng ta khỏi những vấn đề này. Cũng phải thừa nhận là, Trump đã tặng bà ấy rất nhiều cơ hội [các phát ngôn vạ miệng]. Nhưng hướng đi của một đất nước là điều quá lớn lao để nên được quyết định trên cơ sở ai là người khiếm nhã hơn ai. Các chính sách của bà Clinton lại chỉ báo hiệu không gì ngoài một nền kinh tế yếu hơn, một xã hội yếu hơn và một nước Mỹ yếu hơn.  

Tôi muốn có một tổng thống đứng về phía chúng tôi. Tôi dự định bỏ phiếu cho người có thể đổi hướng hành trình trên và trả chúng tôi một lần nữa về với nhiệm vụ làm cho nước Mỹ trở thành vĩ đại.  

[hết]

------------------------------------------
Mọi người hay cho rằng: Giới tinh hoa thì sẽ ủng hộ Clinton. Từ đó ngầm rút ra kết luận, vì  tinh hoa là những gì đẹp đẽ thông thái nhất của XH, chọn Clinton chắc đúng.

Thực ra Authority doesnt equal validity, bởi vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát ngôn của một người hơn là chỉ năng lực đầu óc của người ấy (vd: quyền lợi chẳng hạn), lẽ ra không nên quan tâm ý kiến phát ngôn từ giới tinh hoa hay không tinh hoa, trí thức hay ko trí thức, chỉ quan tâm nó đúng hay không.

Song tôi chọn dịch bài này. Bởi việc một triết gia có thành tựu như Bonevac, cũng có thể coi là một thành phần tiêu biểu của tinh hoa, đứng ra công khai ủng hộ Trump, đầu tiên sẽ phá bỏ phần nào cái định kiến tinh hoa thì phải theo Clinton. Điều giá trị hơn, bài viết của ông ngoài chủ đề Trump vs. Clinton, cũng giải thích được phần nào tại sao có định kiến đó.
Nó giúp nhận ra ở thời đại này, trong môi trường hàn lâm, nếu thâm tâm ủng hộ Trump thì người ta cũng phải tìm cách giấu nó đi để tránh bị lăng nhục giữa một xã hội ngập ngụa không khí thiên tả. Quan sát ấy có thể mở rộng ra cả nhiều môi trường khác, có thể không phải tất cả, song chắc chắn có một bộ phận không nhỏ ủng hộ Clinton không vì năng lực lãnh đạo của bà ấy, thậm chí cũng chả vì hiểu hay tin những gì bà ấy hứa hẹn, mà vì ấn tượng sai lệch từ truyền thông rằng đó là một thứ nghĩa vụ xã hội, một cây thánh giá mà mọi con người tiến bộ đều nên mang vác. Thật hài hước theo cách đó, truyền thông phe dân chủ, vốn luôn trương ra các thông điệp tự do bình đẳng, mấy chục năm qua lại chính là nhân tố nhiệt tình nhất vùi dập sự tự do ngôn luận, một trong những giá trị nước Mỹ từng tự hào.

Tôi không hy vọng là Trump thắng. Hồi đầu còn cảm thấy thông điệp Make American great again nghe hơi phô trương. Nhưng đến thời điểm này, việc Trump vẫn tồn tại được trước bao đòn ác hiểm của báo chí, và nhất là ảnh hưởng của ông với dư luận Mỹ, kể cả phe cộng hoà lẫn dân chủ, là một bất ngờ ý nghĩa. Có một cá nhân đã chứng tỏ rằng ông ta có thể chất vấn cả giới truyền thông, mà lại khiến một bộ phận lớn nhân dân cũng tin như vậy. Nghe sến súa thế nào, đó cũng là gì nếu ko phải David thách thức Goliath? Trong phim Gladiator, Proximo, cựu võ sĩ giác đấu, khuyên Maximus trước khi ra võ đài rằng “người võ sĩ tài ba là phải biết giành được đám đông". Điều đó không nói lên Trump là một demagogue (kẻ mị dân) như cụ tinh hoa nào từng tuyên bố. Điều đó chỉ phản ánh sự thật giản dị là trong một thể chế độc tài, chiến thắng đám đông là hy vọng duy nhất để sống sót.

Trump có thể không chiến thắng như Maximus kết liễu được Commodus. Nhưng ông ta sẽ sống sót. Đó là thông điệp mà số đông không tinh hoa muốn qua Trump gửi về những người tự cho là hải đăng đạo đức của nước Mỹ. Mà cũng có thể, đó là thông điệp từ Trump gửi đến số đông ấy. Rằng tiếng nói của họ vẫn có ý nghĩa, cỗ máy vẫn có khe hở để bẻ gẫy, sự thật vẫn có thể đâm xuyên qua tiếng oang oang của những cái loa truyền thông để loang ra, rì rầm trong gió và đến được với những người khác.

Và chính theo cách ấy, làm tổng thống hay không, Trump cũng đã thổi lên hy vọng để người dân Mỹ make American great again.

Nguồn Nguyễn Huyền