Năm 1945, một tai họa khủng khiếp đã xảy ra với dân tộc chúng ta: hơn 2 triệu đồng bào miền Bắc chết đói, chiếm khoảng 1/10 dân số cả nước khi ấy. Nếu chỉ tính riêng ở miền Bắc (vì miền Nam không bị đói) thì số người chết chiếm khoảng 1/6 dân số. Nỗi đau này chưa thể nguôi ngoai và hàng triệu người đang sống hôm nay cũng có thân nhân hoặc là nhân chứng trong thảm trạng đau đớn này của dân tộc.
Thế nhưng gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết cho rằng chính Việt Minh là thủ phạm gây ra nạn đói năm 1945. Có những bài viết cho rằng do Việt Minh lấy gạo để cung cấp cho quân đội Trung Hoa Dân quốc, cũng có ý kiến nói rằng do Việt Minh xúi người dân làm loạn nên việc cứu đói không thực hiện được (?). Trong một bài viết, tác giả Trần Gia Phụng ở Mỹ cho rằng, thủ phạm gây ra nạn đói có cả Việt Minh (?!). Theo tác giả này, “Việt Minh còn là tòng phạm với Pháp và Nhật trong nạn đói này làm cho 2 triệu đồng bào bị chết” (?!). Tác giả Trần Gia Phụng cho rằng: “Việt Minh xúi dân chúng chống đối việc trưng mua lúa gạo, xúi dân đánh phá các kho lúa. Trong cơn nghèo đói túng quẫn, có người bày cho phương cách kiếm gạo để ăn, nên dân chúng hưởng ứng khá đông”.
Ai là thủ phạm gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945? |
Ai là thủ phạm?
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật vào Đông Dương, thực dân Pháp không những không bảo hộ được nhân dân Việt Nam như họ vẫn thường rêu rao mà đã từng bước đầu hàng và dần dần cấu kết với phát xít Nhật để đàn áp nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam rơi vào cảnh “một cổ hai tròng”, vừa bị thực dân Pháp đàn áp, vừa bị phát xít Nhật hành hạ. Từ khi đặt chân đến Đông Dương, phát xít Nhật thi hành hàng loạt chính sách đánh vào nền kinh tế: buộc thực dân Pháp phải ký kết nhiều hiệp ước yêu cầu cung cấp lương thực, giao nộp lúa, gạo cho Nhật hàng năm; cấm vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc, đặc biệt là chính sách bắt dân nhổ lúa trồng đay lấy nguyên liệu phục vụ cho chiến tranh đã đẩy nhân dân Việt Nam đến nạn đói thảm khốc năm 1945.Mặc dù năm 1944, Việt Nam vỡ đê và bị mất mùa nhưng thực dân Pháp và chính quyền phong kiến Việt Nam vẫn phải cung cấp cho Nhật hơn 900.000 tấn gạo để nuôi chiến tranh. Có những năm phải cung cấp trên 1 triệu tấn (năm 1943: 1.125.904 tấn). Việc vận chuyển thóc gạo từ miền Nam ra đã bị Nhật cấm vận, cùng với việc vơ vét thóc gạo ở miền Bắc đã làm cho giá thóc gạo tăng cao quá sức chịu đựng của người dân, nhiều người không đủ sức mua và phải chịu cảnh chết đói.
Công trình nghiên cứu về nạn đói năm 1945 của GS Văn Tạo và GS Furuta Moto (người Nhật) đã chỉ rõ: chính sách vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp lúc bấy giờ cùng với thiên tai, mất mùa ở nhiều tỉnh đồng bằng Bắc bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm cảnh trên.
Trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án và nhắc lại sự kiện bi thảm này: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc kỳ, hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói”. Và nhiều, nhiều công trình khác nữa đã chứng minh chính thực dân Pháp và phát xít Nhật là thủ phạm chính gây ra thảm cảnh này cho dân tộc Việt Nam khi ấy.
Bác sĩ Ngô Văn Quỹ trong một tham luận của mình về nạn đói đã cho biết: “Cuối năm 1944, quân số của Nhật ở Bắc kỳ đã lên tới gần 100.000 người. Bắc kỳ lúc đó đã thiếu gạo, vì 3 trận bão tàn phá các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Bắc Ninh, làm cho vụ mùa bị thất thâu, lại bị cái họa phải nhổ lúa để trồng cây công nghiệp cho Nhật, nay lại phải nuôi thêm 100.000 miệng ăn của quân đội Nhật. Theo tờ trình của Thống sứ Bắc kỳ Chauvet, thì vào năm 1944 ở Bắc kỳ, diện tích trồng cây công nghiệp đã lên tới 45.000 ha”.
Ngoài các chính sách tô thuế, Nhật còn đưa ra “chương trình kinh tế chỉ huy” để thực hiện một cách triệt để chủ trương phát xít của mình. Bắt đầu từ ngày 6-5-1941, Nhật buộc Pháp kí một Hiệp ước kinh tế yêu cầu Pháp phải cung cấp lương thực ở Đông Dương cho Nhật hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. Theo tài liệu của Viện Sử học: năm 1941 là 700.000 tấn gạo; năm 1942 là 1.050.000 tấn gạo và 45 tấn bột gạo; năm 1943 là 1.125.904 tấn; năm 1944, mặc dù mất mùa nhưng vẫn phải cung cấp cho Nhật 900.000 tấn. Ngoài ra, Nhật còn cho Pháp xuất khẩu gạo sang các nhượng địa của Pháp ở Trung Quốc. Tham luận của bác sỹ Ngô Văn Quỹ cũng cho biết, ngay trong năm 1945, tức lúc nạn đói lên đến đỉnh điểm, vậy mà theo các tài liệu chính thức của Pháp – Đông Dương đã thu hoạch được 2.700.000 tấn thóc, ước tính nhu cầu của nhân dân chỉ là 1.600.000 tấn; vậy là vẫn còn dư ra 1.100.000 tấn. Và ông khẳng định: “Thừa thóc, thừa gạo mà để dân chết đói đến 2 triệu người, trước lịch sử, đây quả là một tội ác “trời không dung, đất không tha”.
Trong tập tài liệu “Chiến tranh châu Á trong tiềm thức của chúng ta”, ông Yoshizawa Minami – một người Nhật Bản đã viết: “… Đông Dương có vị trí then chốt đối với Nhật Bản về lương thực. Ngoài lượng gạo nhập khẩu vào Nhật, quân đội Nhật còn rất cần một trữ lượng gạo lớn lao để tiếp tế cho các mặt trận đang lan rộng khắp Á châu và khu vực Thái Bình Dương. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây nạn chết đói cho 2 triệu người Việt năm 1945…”.
Tác giả Yoshizawa Minami cũng cho biết “ông Kawai, đảm nhiệm công việc giám sát chuyển gạo từ Nam ra Bắc qua tỉnh Nam Định, đồng thời là quản lý chung về gạo dự trữ, phân phối trong tỉnh, nói có những nơi vẫn còn gạo chất như núi trong kho quân đội. Không những thế, tại một nhà thờ Thiên chúa giáo trong tỉnh gạo đầy ắp trong kho. Ông đã thuyết phục cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản mở kho phát gạo nhưng họ không nghe”. Còn nghiên cứu của Giáo sư Văn Tạo cho biết Thống sứ Bắc kỳ chủ ý gây ra nạn đói này cho Việt Nam để thực hiện mục đích kép là chính trị và kinh tế. Mục đích chính trị là “hãm bớt nhiệt tình yêu nước” của nhân dân Việt Nam. Mục đích kinh tế là để một vài công ty của Pháp, Nhật mua gạo giá rẻ và bán giá cắt cổ cũng như để dễ dàng tuyển mộ cu ly cho các đồn điền, hầm mỏ.
Ai cứu giúp người dân việt nam trong thảm cảnh này?
Xin thưa, không phải Pháp, chẳng phải Nhật, cũng chẳng phải triều đình hay Chính phủ Trần Trọng Kim đầu năm 1945 mà là Việt Minh. Tất nhiên phải công nhận một điều rằng trước đó, Chính phủ Trần Trọng Kim cũng đã có những việc làm cứu đói nhưng hiệu quả chưa cao bởi họ cũng gặp muôn vàn khó khăn và Chính phủ này tồn tại trong thời gian rất ngắn.Theo thống kê của Viện Sử học, số người chết trong nạn đói Ất Dậu lên tới 2 triệu người. |
Trong phiên họp đầu tiên này, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về 6 nội dung cấp bách phải thực hiện, đó là: (1) Phát động tăng gia sản xuất, mở các cuộc lạc quyên để chống nạn đói; (2) Mở phong trào chống nạn mù chữ; (3) Tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân; (4) Mở phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, bài trừ các tệ nạn do chế độ thực dân để lại; (5) Xóa bỏ các thứ thuế vô lý, trước mắt là thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; (6) Tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.
Một trong những việc làm đặc biệt có ý nghĩa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa là tổ chức lạc quyên cứu đói để kịp thời dập tắt nạn đói. Với quan điểm “chống đói cũng như chống ngoại xâm”, ngày 28-9-1945, Báo Cứu Quốc đã đăng thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào cả nước kêu gọi mọi người nêu cao tinh thần “nhường cơm, sẻ áo” cứu giúp đồng bào: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Trong cuộc vận động này, Hồ Chủ tịch là người gương mẫu thực hiện đầu tiên và triệt để, theo đó, nếu những buổi dùng cơm với khách trùng vào ngày nhịn ăn, Người tự động nhịn bù vào ngày hôm sau. Tại buổi khai mạc lễ phát động phong trào cứu đói được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội sau đó, Hồ Chủ tịch đã đem phần gạo nhịn ăn của mình đóng góp trước tiên.
Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn áp dụng ngay một số biện pháp cụ thể như cho phép vận chuyển thóc gạo; nghiêm trị những kẻ đầu cơ, tích trữ thóc gạo; cấm dùng gạo vào những công việc chưa thật sự cần thiết như nấu rượu, làm bánh; cấm xuất khẩu gạo, ngô, đậu; cử một ủy ban có nhiệm vụ lo việc vận chuyển gạo từ miền Nam ra miền Bắc (công việc này đã bị đình trệ sau đó vì thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ). Ngày 2-11-1945, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố – một nhân sĩ nổi tiếng – quyết định thành lập Hội Cứu đói. Hội Cứu đói được tổ chức xuống tận các làng. Ngày 28-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh thiết lập Ủy ban tối cao tiếp tế và cứu tế. Ngoài Bộ Cứu tế, một số Bộ khác cũng có nhiệm vụ cứu tế và tiếp tế. Hưởng ứng lời kêu gọi tha thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua cứu đói đã diễn ra rộng khắp trên cả nước với rất nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo như tổ chức “Hũ gạo cứu đói”, “Ngày đồng tâm nhịn ăn”, “Đoàn quân tiễu trừ giặc đói”. Hàng vạn tấn gạo đã được nhân dân cả nước đóng góp, chia sẻ với đồng bào bị đói góp phần cứu đói kịp thời.
Cùng với quá trình khẩn cấp cứu đói, để đảm bảo giải quyết căn cơ và triệt để nạn đói, Chính phủ phát động toàn dân tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Trong tháng 10 và 11 năm 1945, Chính phủ ban hành nghị định giảm 20% thuế ruộng đất, miễn thuế hoàn toàn cho những vùng lụt. Bộ Quốc dân Kinh tế ra thông tri qui định việc kê khai số ruộng đất vắng chủ, số ruộng công và ruộng tư không làm hết, tạm cấp cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng. Ngày 19-11-1945, Chính phủ thiết lập Ủy ban Trung ương phụ trách vấn đề sản xuất. Nhiều chính sách đã được triển khai đồng bộ lúc này như việc ra báo để hướng dẫn nhân dân sản xuất, cho nhân dân vay thóc, vay tiền để sản xuất, cử cán bộ thú y về nông thôn chăm sóc gia súc, gia cầm, chi ngân sách sửa chữa các quãng đê bị vỡ, củng cố hệ thống đê điều, đắp thêm một số đê mới.
Phong trào tăng gia, sản xuất diễn ra sôi nổi trong khắp cả nước kể từ Chủ tịch Chính phủ đến mọi cán bộ cao cấp của Đảng ngoài giờ làm việc chính thức đều tham gia. Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, phong trào tăng gia sản xuất đã thu được kết quả to lớn. Sản xuất nông nghiệp nhanh chóng được khôi phục, nạn đói được đẩy lùi, đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân dần ổn định. Chỉ trong 5 tháng từ tháng 11-1945 đến tháng 5-1946, sản lượng lương thực, chủ yếu là màu đạt tương đương 506.000 tấn lúa, đủ đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Đến hết năm 1946, nạn đói đã cơ bản được giải quyết.
Nhà sử học Lê Thành Khôi ở Pháp trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX viết về chính sách và việc làm của Chính phủ mới khi ấy để khắc phục nạn đói này: “Một nạn đói mới đang là mối đe dọa cận kề nhất… Nhà nước tung ra một chiến dịch toàn quốc với khẩu hiệu “Tăng gia sản xuất” và “Không để hoang một tấc đất, một cánh tay nhàn rỗi”. Một nghị định được ban hành sẽ trao đất hoang cho tất cả những ai có thể khai thác. Nỗ lực của mọi người và sự thi đua yêu nước đã dựng lại các con đê, tăng gia sản xuất các hoa màu phụ: khoai lang, ngô, sắn, đậu nành; vụ gặt tháng 5 đảm bảo lương thực cho thời gian giáp hạt”. Cụ Vũ Đình Hòe, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục và Tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong hồi ký của mình đã đưa vào phần phụ lục nội dung bài viết của tác giả Hoàng Văn Đức, Giám đốc Nha Nông chính Bắc kỳ với tựa đề “Hai thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Theo tác giả Hoàng Văn Đức, hai thắng lợi đó là Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 và chiến dịch chống nạn đói cuối năm 1945 đầu năm 1946 với những lời lẽ thật xúc động: “… Những người đó đã chiến thắng trên đồng ruộng. Động lực giải phóng của Mặt trận Việt Minh, dân tộc Việt Nam nắm vững chủ quyền của mình. Cách mạng đã thắng nạn đói”. Trong lễ kỉ niệm một năm độc lập, Quốc khánh 2-9-1946, ông Võ Nguyên Giáp khi ấy là Chủ tịch quân sự, Ủy viên trong Chính phủ liên hiệp đã tuyên bố: “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kì công của chế độ dân chủ”.
Tất cả những luận điệu nêu trên là sự xuyên tạc, vu khống trắng trợn, xúc phạm vong linh của 2 triệu người Việt Nam chết đói trong thảm cảnh đau đớn này của dân tộc và thân nhân của họ.
Hồng Phúc
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 426