Thứ Hai

Cha 97 tuổi ‘bánh ú đây’, Không nhận tiền vì nhiều người còn khổ hơn mình!

Sau bài viết Cha già 97 tuổi’ bánh ú đây’ khắp Sài Gòn nuôi 2 con gái, nhiều bạn đọc báo Thanh Niên đã mang gạo, xe đẩy, dầu ăn và tiền đến để ủng hộ giúp đỡ cụ Nguyễn Văn Chúm (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM)

Quay trở lại nhà cụ ông Nguyễn Văn Chúm, nhân vật trong bài viết Cha già 97 tuổi’ bánh ú đây’ khắp Sài Gòn nuôi 2 con gái sau 4 tháng đăng tải bài viết trên trang Thanh Niên, thật mừng vì người cha già vẫn khỏe và trong nhà có nhiều bao gạo.

‘Người ta mang gạo tới đầy nhà’

Chúng tôi đến thăm lại nhà cụ Chúm vào lúc 1 giờ chiều ngày 5.11. Trong ngôi nhà tình thương được người ta xây tặng, cụ Chúm đang móm mém ngồi nhai cơm nhưng vẫn chậm rãi kéo ghế mời chúng tôi ngồi.
Cụ ông Nguyễn Văn Chúm đã 97 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đi bán bánh ú nuôi hai con gái bệnh tật
Vẫn là giọng nói nhỏ nhỏ và khàn đặc, cụ Chúm cho biết cụ bệnh đã bệnh hơn 1 tuần nay phải nghỉ bán, đến hôm nay mới ăn cơm được nhưng mỗi bữa ăn cụ ngồi phải hơn 1 giờ đồng hồ mới xong. Cụ tâm sự: “Mấy ngày mưa bà con cô bác ăn nếp nhiều nên tui bán bánh ú, bánh tét mới chạy á mà giờ bệnh nghỉ uổng quá!”.

Chỉ tay vào những bao gạo chất đầy nhà, cụ nói: “Nhiều hôm tui đi bán về thấy gạo để sẵn trong nhà. Hỏi hai đứa con thì tụi nó nói của ai mang tới cho không biết, nhưng đứa tâm thần, đứa thì câm điếc nên cũng không hỏi han hay cảm ơn gì được họ”.

Cụ đon đả tiếp lời: “Gạo nhà tui giờ nhiều lắm, ăn không hết nên bán bớt lấy tiền mua đồ ăn. Vậy chứ mà cứ dăm bữa nửa tháng là lại có người mang gạo tới để trong nhà tui mà không nói tiếng nào hết trơn”.

‘Họ cho xe đẩy nhưng tui không dùng được’

Sau khi Thanh Niên đăng tải bài viết về câu chuyện cụ Chúm dù đã còng lưng và hai tay chai sần nhưng hàng ngày vẫn xách bánh ú, bánh tét đi bán để nuôi hai con gái đã 48 và 50 tuổi (một bị câm, điếc, một bị tâm thần), một số bạn đọc bình luận sẽ mang tới tặng cụ chiếc xe đẩy để cụ bớt mệt mỗi khi đi bán.

Chúng tôi đã thật xúc động vì khi tới nhà cụ có hai chiếc xe đẩy bằng inox sáng bóng để gọn gàng ở góc nhà. Cụ Chúm cười móm mém bảo: “Trong đó có một xe đẩy là của một người mang tới từ ba bốn tháng trước nói tui để giỏ bánh lên đi bán cho khỏe chứ họ nhìn tui xách thấy thương. Còn một chiếc họ mang tới lúc tui không có nhà nên họ để đó”.
Hai tay chai sần và lưng đã còng nhưng hàng ngày cụ vẫn đều đặn xách giỏ bánh ú, bánh tét đi bán
Chúng tôi hỏi: “Vậy nay đi bán bớt mệt hơn chứ cụ hen?”. Cụ đáp lời: “Cô thấy đấy, tui làm gì cũng chậm thì đẩy đi sao nhanh hơn được. Trước cũng đẩy mà đẩy chậm quá làm kẹt xe mấy người đi xe máy với ô tô họ quở cho. Nên thôi, tui đi bộ để đi trên vỉa hè, mệt thì ngồi trước cửa nhà nào nghỉ đại một lát rồi đi tiếp”.

Xúc động cảm ơn độc giả

Khi chúng tôi trao cho cụ số tiền 3.750.000 đồng của độc giả ủng hộ, cụ một mực không nhận rồi nói có nhiều người khó khăn cần được giúp đỡ hơn cụ, cụ vẫn còn sức khỏe nên còn có thể đi bán được.

Cụ Chúm cũng kể thêm sau khi chúng tôi viết bài về cụ, có nhiều người tìm tới nhà cụ để cho tiền, gạo và dầu ăn. Có người ở nước ngoài không về được cũng điện thoại về nói người nhà mang quà đến tặng cho cụ làm cụ xúc động lắm.

Chúng tôi phải giải thích với cụ rằng đây là tấm lòng của bạn đọc ở khắp nơi chia sẻ cùng với cụ những lúc cụ đau ốm không đi bán được. Do ở xa nên bạn đọc thông qua tòa soạn để gửi tấm lòng của mình đến cụ. Vậy cụ Chúm mới chịu nhận.
Tiễn chúng tôi ra về, cụ Chúm xúc động nói: “Cảm ơn cô, cảm ơn bà con cô bác đã giúp đỡ cha con tui. Tấm lòng của bà con cô bác tui sẽ ghi nhớ suốt đời”.

Vũ Phượng.Thanhnien.vn