Thời điểm cận tết không ít doanh nghiệp dùng chiêu trò cho thôi việc vì làm ăn thua lỗ để né hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng tiền thưởng tết. Tuy nhiên, nếu lao động kiện ra tòa, ông chủ doanh nghiệp có thể bị khởi tố và phạt tù tới 1 năm.
“Bỗng dưng” thất nghiệp
Chị Nguyễn Thị Hòa (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) từng làm công nhân cho Công ty Quốc Đại bị cho thôi việc với lý do công ty làm ăn thua lỗ. Chị Hòa cho biết, năm 2014 chị được nhận vào làm công nhân vót tăm tre cho công ty với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, quá trình làm việc công ty thường chậm trả lương, nhiều lần phạt công nhân vì đi làm chậm, lỗi sản phẩm. Đặc biệt, sau hai năm gắn bó, cuối năm 2015 công ty cho hầu hết công nhân nghỉ việc với lý do làm ăn thua lỗ. Việc thì mất, thưởng tết cũng không có khiến hàng trăm công nhân ở công ty này mất tết.
Công nhân lao động làm cả năm chỉ trông chờ thưởng tết để sắm sửa. ảnh: Minh Nguyệt |
Theo Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động đuổi người lao động trái pháp luật phải có trách nhiệm nhận người lao động trở lại làm việc… Ở mức độ vi phạm nhẹ, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng (theo Điều 15 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP). Còn theo Bộ luật Hình sự năm 1999, trường hợp đuổi người lao động trái pháp luật ở mức độ nặng có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt từ 3 tháng đến 1 năm”.
Ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH)
Chị Tạ Thu Thủy, công nhân một công ty may ở Bình Dương cũng đang lo lắng bởi gần đây công việc công ty thất thường. “Mới nghe lao động đồn công ty sắp có đợt sa thải công nhân vì thiếu đơn hàng. Chẳng biết thực hư thế nào chứ cận tết rồi, giờ nghỉ việc thì chẳng biết đi xin việc ở đâu. Làm việc cả năm chỉ trông chờ vào thưởng Tết, giờ bị cắt hợp đồng, mất thưởng tết thì năm nay cả nhà mất Tết” - chị Thủy nói.
Tháng 2.2016 dư luận cũng dậy sóng với thông tin Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) cho nghỉ việc gần 100 lao động nhằm “né” thưởng tết. Đại diện lãnh đạo công ty mặc dù đã phủ nhận thông tin này và cho biết công ty chỉ thưởng tết với một số lao động xuất sắc, còn lại tặng quà chứ không thưởng tết đồng loạt. Mặc dù vậy, khá nhiều người tỏ ra bất bình bởi lời giải thích không mấy thuyết phục này và cho rằng, một công ty lớn mà không có thưởng tết cho lao động chứng tỏ chẳng quan tâm, chăm sóc đến đời sống của người lao động.
Trước đó, tháng 12.2015, hơn 50 công nhân ở Công ty may Thái Dương Thế giới (Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) đã làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng. Theo đó, công nhân của công ty này cho biết, công ty chỉ làm thủ tục chốt sổ BHXH để lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, riêng thưởng tết công ty xin không giải quyết với lý do công ty gặp nhiều khó khăn do thu hẹp sản xuất. Tính chung, công ty này đã cắt giảm 350 nhân sự, nếu tính trung bình mỗi người được thưởng 1 tháng lương, khoảng 4- 4,5 triệu đồng, đồng nghĩa với việc đã cắt giảm được khoảng 1,5 tỷ đồng tiền thưởng tết. Điều này khiến nhiều lao động tỏ ra rất bức xúc.
Chiêu trò cho nhân viên nghỉ việc để cắt thưởng tết dịp cuối năm là "bài" của không ít doanh nghiệp. Tuy nhiên, hành vi này là trái pháp luật và hầu hết người lao động không nắm rõ luật nên phải chịu thiệt thòi. Bản thân Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) cũng chưa phát hiện và xử lý được trường hợp nào.
Đuổi việc là cá biệt?
Ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng việc công ty cho lao động nghỉ việc để “né” thưởng tết chỉ là trường hợp cá biệt, không nhiều. Thực tế có một số công ty làm ăn thua lỗ, sắp phá sản mới cho lao động nghỉ việc, còn nếu doanh nghiệp duy trì được sản xuất thì ít nhiều vẫn phải chăm lo cho lao động. Tuy nhiên, hầu hết chủ doanh nghiệp không mong muốn điều này, bởi dù có sa thải lao động thì sau này có phục hồi sản xuất họ cũng tốn một số tiền nhất định để tuyển dụng lao động.
“Người sử dụng lao động chẳng bao giờ nghĩ tới việc phải ngồi tù, bởi ngồi tù họ còn làm ăn gì được nữa. Luật quy định chủ yếu để răn đe, còn doanh nghiệp lúc nào cũng ý thức, không thể chỉ vì việc tiết kiệm một số tiền thưởng mà sa thải lao động để vào tù” - ông Huân nói.
Ông Huân cũng cho rằng có một vấn đề mới phát sinh, đáng lưu tâm hơn là hiện nay, một số công ty ký hợp đồng với người lao động, trong quá trình sử dụng lao động có tiến hành đánh giá lại tay nghề. Lợi dụng điểm này, nhiều công ty khi kiểm tra trình độ thấy không đạt sẽ sa thải hàng loạt lao động. Vụ việc gần đây nhất là vụ việc Công ty Honda cho hàng nghìn lao động nghỉ việc vì không vượt qua kỳ thi sát hạch đánh giá tay nghề. Sắp tới khi sửa Luật Lao động, cũng cần đưa nội dung này vào.
Ông Tống Như Lai - Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ LĐTBXH cho biết, thực ra việc công ty sa thải lao động để “né” thưởng tết là việc làm không nhân văn, trường hợp này không nhiều, thường rơi vào những công ty nhỏ, làm ăn thua lỗ hoặc sắp giải thể.
“Thực tế, tất cả các công ty đều phủ nhận việc cho công nhân nghỉ việc để “né” thưởng Tết, bởi việc thưởng tết hay không là tùy thỏa ước tập thể của chủ sử dụng và công nhân, lao động. Tuy nhiên, hầu hết các công ty đều ý thức được việc chăm lo đời sống cho công nhân lao động, nếu có thể đều có thưởng tết, hoặc ít nhất là một phần quà cho lao động chứ không đến mức đuổi việc” - ông Lai nói.
Nhận định về điều này, bà Nguyễn Mai Anh - Trưởng phòng Tiền lương Công ty dệt may 19.5 Hà Nội cho rằng, vẫn có trường hợp công ty cho lao động nghỉ việc nhằm giảm lương, thưởng tết, tuy nhiên con số này chắc không nhiều. “Như công ty chúng tôi do đặc thù công việc vất vả, tuyển còn khó nói gì là đuổi việc. Thường thì cuối năm, dù ít dù nhiều công ty đều có chế độ lương thưởng cho người lao động. Ngoài ra, công ty còn có nhiều chế độ khác để giữ chân người lao động sau tết” – bà Mai Anh nói. /.
Ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam):
Việc xử lý gặp nhiều khó khăn
Thực tế tổ chức công đoàn cũng đã ghi nhận nhiều vụ việc như vậy. Tuy nhiên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. “Công ty cho lao động nghỉ việc thường diễn ra vào dịp cuối năm, khi lao động hết hợp đồng. Dù biết phía doanh nghiệp có thể “né’ thưởng tết nên mới cho lao động nghỉ nhưng rất khó can thiệp vì thường liên quan tới thỏa ước lao động” - ông Quảng nói.
Theo ông Quảng, trong trường hợp công ty sa thải lao động vì những lý do không chính đáng, hoặc lấy cớ công ty khó khăn, công nhân hoàn toàn có quyền khởi kiện chủ doanh nghiệp ra tòa. Hoặc lao động cũng có thể báo cáo tổ chức công đoàn để được tư vấn, khởi kiện chủ doanh nghiệp đòi lại quyền lợi cho bản thân.
Theo báo mới