Thứ Hai

Chức tước gắn lợi ích, mấy ai chủ động rút lui

Không mấy ai chịu chủ động rút lui bởi chức tước gắn với lợi ích cụ thể - ĐBQH Dương Trung Quốc chia sẻ sau khi đặt câu hỏi ở phiên chất vấn Thủ tướng về văn hóa từ chức.

ĐB Dương Trung Quốc dẫn chứng câu chuyện của Tổng bí thư Trường Chinh, khi ông mắc sai lầm đã xin từ chức, sau đó chính ông lại phấn đấu để tiếp tục trở thành nhà lãnh đạo giữ vai trò quan trọng của công cuộc đổi mới.

Giờ đây, Đảng đã có Nghị quyết TƯ 4 đề cao vai trò của các lãnh đạo, Thủ tướng nêu cao thông điệp hướng tới xây dựng Chính phủ liêm chính. Đó là điều kiện rất thích hợp để một lần nữa đề cập đến văn hoá từ chức.

ĐB Dương Trung Quốc
ĐB kỳ cựu cho biết, việc ông đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng về văn hóa từ chức là nhắc lại như một nhu cầu của xã hội.

“Chúng ta phải tìm ra điều gì khiến cho văn hoá từ chức không đi vào đời sống, trong khi tất cả định hướng của Đảng, của Chính phủ đều hướng tới xây dựng bộ máy chính quyền có hiệu quả, hiệu lực, có năng lực, liêm chính”, ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Coi từ chức giống kỷ luật

Vậy theo ông điều gì khiên cho văn hóa từ chức vốn đã có từ lâu nhưng không thể đi vào đời sống như vậy?

Thứ nhất là do có lợi ích cụ thể, thứ hai là do tâm lý xã hội còn xem việc từ chức giống như một sự kỷ luật.

Tới đây, chúng ta phải chuẩn bị thay đổi dần nhận thức về vấn đề này. Ngoài yếu tố về mặt tâm lý, đạo đức, còn liên quan đến cả những quy chế, quy định pháp luật.

Công tác nhân sự gắn liền với vai trò của Đảng, tôi tin nếu Đảng thấy văn hoá này hợp lý thì Đảng sẽ xây dựng hành lang về điều lệ, về nhận thức để tạo cơ sở cho việc từ chức của cán bộ, lãnh đạo.

Phải chăng cũng chính vì chức tước luôn gắn liền với lợi ích như ông nói đã khiến cho nhiều người không muốn từ chức cho dù việc khư khư giữ chức ấy có làm tổn hại đến liêm sỉ và lòng tự trọng của họ?

Ai cũng biết rằng một trong những lý do khiến cho người ta gắn bó với chức vụ chính là quyền lợi.

Lâu nay rất nhiều người nói với tôi về việc đưa quy định vào thì dễ dàng nhưng không mấy ai chịu chủ động rút lui.

Nếu chúng ta tạo ra được một môi trường xã hội lành mạnh, theo nghĩa thẳng thắn phê phán những việc làm sai trái, đồng thời ủng hộ những tấm gương, những con người sống liêm chính thì sẽ tạo ra tiền lệ ngay.

Hành lang pháp lý về việc này nếu được xây dựng sẽ nhắc nhở mọi người, tạo cho mọi người sự chủ động trong ứng xử, nhất là ứng xử với chức vụ của mình.

Suy cho cùng từ chức cũng chỉ là thôi công việc, chức vụ mình đang làm nhưng vì sao trong khu vực tư nhân lại thực hiện rất dễ dàng mà trong cơ quan nhà nước lại khó đến như vậy?

Đơn giản thôi, vì nó gắn liền với quyền lợi. Cái làm chúng ta băn khoăn lớn nhất chính là chức vụ ở ta luôn gắn liền với lợi ích.

Nhưng thực sự mà đánh giá, nếu theo đúng chuẩn mực, quy định Nhà nước thì lợi ích này không hề lớn, chỉ có những người lợi dụng để khai thác lợi ích đó mới tha thiết với chức vụ thôi. Và tôi tin không phải tất cả mọi người đều như thế.

Từ chức không có gì sai với trách nhiệm của Đảng giao

Như ông nói, công tác nhân sự gắn liến với vai trò của Đảng, thường những người có chức vụ, quyền hạn là do Đảng phân công. Chính vì vậy khi có sự cố gì xảy ra khiến người dân bức xúc và muốn người quản lý lĩnh vực đó phải từ chức thì không ít người khi viện lý do “nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao” nên không thể từ chức?

Đó chỉ là cách nói nguỵ biện thôi, và tôi cũng cho rằng trên thực tế chỉ có số ít những người có suy nghĩ đó.

Tôi tin chắc có những người muốn tự nguyện rút lui trong sự kính trọng của mọi người. Khi ấy, họ cũng có làm khác hay làm sai gì trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giao phó cho họ đâu.

Sau câu trả lời “Văn hóa từ chức là cần thiết” của Thủ tướng, ông có tin tưởng văn hoá từ chức lần này sẽ đi vào đời sống?

Tôi tin tưởng trước sau gì văn hóa từ chức cũng sẽ được thực hiện. Bởi hiện nay ta đi ngược lại với lịch sử. Trước kia các cụ từ quan rất nhiều. Tập quán tốt đẹp sao ta không thể phục hồi lại.

Tới đây, chúng ta cần phải tạo ra môi trường để xây dựng được một tập quán, một nét văn hoá.

Trước hết, chúng ta hãy coi văn hoá từ chức là chuyện hết sức bình thường, thậm chí trong chừng mực nào cần khai thác được mặt tích cực của việc này. Những người có liêm sỉ, vì lợi ích chung, khi mình không thể cống hiến tốt thì hãy dành cơ hội đó để cho người khác làm tốt hơn.

Cái chính là tạo ra được hành lang pháp lý thì người ta cũng có thể rút lui trong danh dự, trong sự chia sẻ của xã hội.

Nguồn: Thu Hằng/Vietnamnet.vn