Nhiều anh chị đang rồ lên rằng các công trình du lịch phá hoại môi trường và văn hoá địa phương, một phóng sự dài của VTC nói về quần thể du lịch khổng lồ của Fansipan bao gồm hệ thống khách sạn, chùa và ga cáp treo với í đồ xách mé thấy rõ. Tôi đã xem qua, và quả thật có một vài hình ảnh công trường bừa bộn không đẹp mắt cho lắm, vì hiện nó vẫn đang trong quá trình xây dựng. Tôi với tư cách người từng đi gần như tất cả các tuyến cáp treo trên thế giới, khẳng định việc xây tuyến cáp treo kết hợp với quần thể du lịch ở Fansipan không những không gây hại tới môi trường và văn hoá, mà còn giúp bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bản địa, chủ yếu là đồng bào người Mông.
Cáp treo về bản chất không khác máy bay trực thăng, ngoài việc rẻ hơn 100 lần và an toàn hơn 10 lần. Vì kể cả dùng trực thăng, người ta vẫn sẽ phải xây một bãi đáp cho trực thăng hạ cánh giống như ga cáp treo thôi, hay các bạn nghĩ họ sẽ thả khách xuống bằng thang dây như biệt kích Mỹ đánh vào rừng Sác?
Chuyện cáp treo Fansipan đừng nghe người ít tiền, dạy cho chúng ta cách để làm du lịch |
Bất kể là kiểu gì, một khu du lịch sẽ luôn phải xây dựng cái gì đó. Như anh Trump đã nói, đằng nào cũng phải xây, tại sao không xây lớn? Về điều này, SunGroup đang làm một cách cực kỳ chuyên nghiệp và đáng tuyên dương.
Trước khi Hutranco nhảy vào kinh doanh ở Hương Sơn, người dân đã kịp huỷ diệt 70% môi trường và các động thực vật quý hiếm. Bằng các nỗ lực phi thường, đại gia này đã thành công trong việc bảo tồn được di sản quan trọng này bằng cách tạo công ăn việc làm cho người bản xứ, thay vì để họ vác nỏ vác súng đi săn cầy hương, chồn, nhím hay chặt cây quý về làm củi. Bằng núi tiền đổ về đầu tư, chùa Hương đã may mắn được hồi sinh.
Khi một trung tâm du lịch tầm cỡ được xây dựng, thì đó là món quà cho môi trường, không ai ngu bỏ mấy nghìn tỉ của mình vào nơi ô nhiễm hay tàn tạ cả. Nên nhớ, kể từ ngày đoàn địa chất Liên Xô leo lên đỉnh Fansipan và đặt cái chóp gò bằng tôn đểu cách đây 30 năm, đây là lần đầu tiên Fansipan đã có đội thu gom rác chuyên nghiệp, đương nhiên được thuê bởi SunGroup. Họ buộc phải bảo vệ môi trường, vì nó gắn liền với túi tiền của chính họ.
Fansipan trước khi có cáp treo là một núi rác, do bọn-tự-nhận-là-du-khách bỏ lại. Các bạn hãy hình dung đơn giản thế này, họ có thể leo núi 2 ngày liền không tắm, thì có ngần ngại gì khi vứt lại ít vỏ đồ hộp, giấy kẹo hay bao cao su dọc đường không? Chưa kể 200 gram cứt giàu Clostridium cực kỳ độc hại được thải ra trên đầu người mỗi ngày huỷ diệt nguồn nước và các sinh vật bản địa, với lượng khách dự tính sẽ lên tới 3 triệu người mỗi năm, thì đây có thể coi là một cuộc chiến tranh sinh hoá.
Trên thế giới, dù là những quốc gia thủ cịu cũng đều công nhận cáp treo là hình thức vận tải hành khách thân thiện với môi trường nhất trong tất cả các loại phương tiện. Không khói, không rác, không ồn, ngồi trong cabin nhâm nhi li trà cùng tờ báo Nhân Dân giữa chập chùng mây bạc là một trải nghiệm cực kỳ thượng liu. Kể ra tuyến Cát Linh - Hà Đông mà làm cáp treo thay vì Metro thì chắc giờ đã vận hành xong xuôi đỡ phải chửi nhau vì đội vốn.
Khi ai đó đổ rất nhiều tiền vào đâu đó, thì hãy yên tâm rằng, họ không bao giờ có ý định phá hoại, vì để có được ngần ấy tiền, họ chắc chắn hiểu được giá trị của lợi nhuận bền vững. Trục giật, phá hoại là độc quyền của bọn ít tiền, thường đi phượt bằng xe máy, xây nhà nghỉ lợp tôn không WC khép kín và lên facebook chửi mỗi khi có dự án nào giá trị tính bằng tiền nghìn tỉ.
Hãy tỉnh táo, hỡi các bạn tôi, và đừng bao giờ nghe người ít tiền, dạy cho chúng ta cách để làm du lịch.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của bác giả không phải của Cảm xúc
Nguồn: Chung Nguyen/blogcamxuc.net