Hình ảnh người phụ xe xác xơ vừa thoát nạn, khóc tức tưởi khi đồng bào vào “hôi của” trên xe trước sự bất lực đã ám ảnh rất nhiều người. Nỗi niềm cay đắng ấy chẳng còn của riêng anh phụ xe, đó là cảm giác chung của toàn xã hội khi xem clip đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trong ngày hôm qua.
Cụ thể, sáng 1/11, một chiếc xe tải 8 tấn chở đầy hàng tiêu dùng và thực phẩm di chuyển từ TP. HCM về Bình Định. Khi tới Ghềnh Ráng (Quy Nhơn, Bình Định), xe bất ngờ gặp nạn và bốc cháy .
Để rồi, khi lửa vừa được dập tắt, rất nhiều người dân quanh khu vực đã xông vào "nhặt" các món hàng trên xe, với những chiếc túi trong tay mình.
Đây không phải lần đầu hành vi hôi của khiến chúng ta bức xúc và bất bình.
3 năm trước, khi một chiếc xe chở hàng ngàn két bia bị lật ở Biên Hòa (Đồng Nai), cảnh tượng tương tự cũng diễn ra. Sau phản ứng gay gắt của dư luận, hai trong số những người tham gia vụ việc đã bị khởi tố.
Gần hơn, tại buổi tiêu hủy hàng giả tại Bộ KH&CN, một clip cũng cho thấy khá nhiều khách mời say sưa "hôi" các món hàng giả lẽ ra phải bị tiêu hủy này. Bộ KH&CN cũng hứa sẽ kỷ luật cán bộ vi phạm.
***
Câu hỏi ở đây: Tại sao người ta vẫn trâng tráo đạp lên dư luận, bất chấp luật pháp để giành cho được những món đồ với giá trị không cao?
Đương nhiên, khởi sự vẫn là lòng tham. Lòng tham làm con người lóa mắt. Lòng tham làm con người "gác bỏ" mọi danh phận để cùng lao vào đám đông như một đoàn cướp. Lòng tham băng hoại mọi phẩm giá mà ở những thời khắc bình thường, có thể người ta giữ được.
Yếu tố khác dẫn tới cuộc "ăn cướp tập thể" của những người dân đang lưu thông trên đường là tâm lý đám đông. Thuật ngữ này được Gustave Le Bon đưa ra vào thế kỷ 19.
Theo đó, trong trường hợp này, có thể trong thời khắc chiếc xe đổ xuống tại Bình Định, nhiều người đã nhập cuộc với với sự chi phối của ẩn ức tập thể. Đồng nghĩa, trong cuộc sống, họ có thể là những người có phẩm hạnh và đạo đức. Song, trong một phút bất giác để lòng tham tác động, họ đã trở thành những kẻ cướp giữa ban ngày bất chấp mọi lề thói của pháp luật và đạo đức.
***
Tất nhiên, dù có bị điều gì tác động, hành động của người “hôi của” ở Bình Định là đáng lên án, thậm chí xử phạt nếu đủ điều kiện cấu thành. Song, đó cũng là một câu chuyện mà chúng ta cần xét, để có những bài học cho mình.
Rằng, chỉ cần một phút thiếu suy nghĩ, có thể, chúng ta đã phạm pháp và vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Rằng, trong mỗi chúng ta, đều có ít nhiều lòng tham cần tự "cảnh giác". Rằng, trước khi hùa theo bất cứ điều gì, chúng ta có quyền nghi hoặc đám đông.
Và, từ sự giận dữ của dư luận, cũng như những clip được ghi lại, hãy nhớ: lòng tham có thể bị pháp luật trừng trị. Nhưng bên cạnh đó, lòng tham vẫn sẽ phải chịu thêm những hình phạt mà xã hội bây giờ có thể duy trì.
Bởi, với sự phát triển của công nghệ thông tin, một hành động xấu xa của chúng ta không còn dừng ở "bia miệng", như lời xưa từng dạy. Nó sẽ trở thành "bia mạng", tồn tại mãi mãi trên internet cùng với thời gian.
Hãy thử tưởng tượng, một ngày nào đó trong tương lai, con cái của những người tham gia “hôi của” ở Bình Định, “hôi hàng giả” ở Bộ KH&CN, “hôi bia” ở Đồng Nai tình cờ có dịp xem clip để thấy gương mặt bố mẹ mình hiện ra trong những người đang "lên đồng" lao vào cướp đồ.
Và chừng nào tự bản thân chúng ta có ý thức, ngăn cản "con quỷ" trong mình, chừng đó, những lời nhận xét đau đớn của kênh truyền hình RenTV của Nga nhận xét về vụ “hôi bia” ở Đồng Nai mới có thể chấm dứt: Ở Việt Nam, bất hạnh chỉ là của một người, còn đám đông với những người luôn trực chờ cơ hội đã ập vào lấy những lon bia ngay khi chiếc xe tải gặp sự cố. Ở đây, cái gì bạn đánh rơi coi như là mất!
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa