Trong khi lãng phí đang trở thành một nét văn hóa, thì tiết kiệm lại trở thành một hiện tượng sắp tuyệt chủng! Nghịch lý quá khó hiểu này bắt nguồn từ đâu?
Có câu chuyện nhỏ diễn ra tại một quán ăn dành cho sinh viên gần trường Đại học Bách Khoa Hà Nội như thế này: Chiều tối một ngày nọ, cậu du học sinh mới từ Đức về đi qua mấy quán ăn trên đường Tạ Quang Bửu. Đã lâu lắm rồi kể từ khi tốt nghiệp Bách Khoa, cậu mới có dịp đi loanh quanh thảnh thơi như thế. Cậu dừng lại, gọi một suất cơm giá rẻ, vừa ngồi ăn vừa ngắm cái quán cơm bình dân nửa lạ nửa quen ấy. Ăn xong, đứng lên, chuẩn bị dắt xe xuống hè, thì cậu chợt giật mình vì cái tiếng lắp bắp của anh chàng dọn dẹp: “Anh… anh… anh này ăn sạch như Tây! Ăn thế này thì chả cần phải rửa đĩa mất!” Bà chủ quán phì cười. Còn cậu du học sinh thì ngượng nghịu chẳng biết tại sao người ta nhận ra mình từ… “bển” về!?
Ăn không hết thì bỏ lại, chứ xin túi nilon để đựng mang về thì ngại lắm, xấu hổ lắm!? |
Lãng phí ở Việt Nam đã trở thành một thói quen, hay nói như một số người, là một “nét văn hóa”. Có người nghe câu chuyện này còn tỏ ý đương nhiên, nói rằng giờ đến chơi nhà ai mà ăn hết người ta lại cho là mình bủn xỉn ấy chứ. Cứ thử vào bất cứ một quán cơm bình dân nào vào buổi trưa xem, chuyện ăn cho “sạch” bát có thể đã trở thành một “hiện tượng sắp tuyệt chủng, cần được bảo tồn”.
Chỉ mới hơn chục năm trước, các gia đình Hà Nội vẫn thường hay có một cái thùng nước gạo. Đồ không ăn được người ta đổ vào thùng, rồi sẽ có người đến lấy chở đi nuôi lợn. Mặc dù đôi lúc đi qua cái thùng mẻ thì phải nín thở mà đi cho nhanh, nhưng cũng là cái nếp tiết kiệm rất hay, rất đẹp. Đó là cái thời mà người Việt giờ nhìn lại hẳn phải thấy “tự hào” lắm, vì chúng ta chưa được… nổi tiếng khắp năm châu. Giờ thì khác rồi, mấy nhà hàng buffet Thái Lan đặc biệt dành tặng những người Việt “nổi tiếng” lời nhắc nhở: không lấy đồ ăn thừa…
Cái thói đó đến người Lào còn sợ…
Chẳng biết cái văn hóa quái lạ này là lây từ trên xuống hay từ dưới lên, nhưng từ chuyện “bé tí” như cái xe công hạng sang, cho đến chuyện xây dựng trung tâm, hội sở, công trình kỷ niệm, người ta cũng đều có thể thấy một thứ bệnh thành tích, một thứ văn hóa lãng phí. Trong khi có người xót xa rằng từng đó tiền đủ xây bao nhiêu trường học, thì cũng có người phản bác lạnh lùng: “Chả hiểu biết cái gì cả! Nguồn vốn là khác nhau.”Quay lại chuyện lãng phí thực phẩm, nghe nói Quốc hội Pháp đã thông qua một điều luật, yêu cầu các siêu thị phải đưa thực phẩm bán ế tới các tổ chức từ thiện hoặc sử dụng làm thức ăn cho gia súc, thay vì đổ bỏ như trước đây. Nếu vi phạm, siêu thị sẽ bị phạt 75.000 Euro, tương đương với 1,8 tỉ đồng. Âu đó cũng là một phương cách rất tốt, chỉ có điều là: không làm thì bị phạt, nên mới phải làm.
Bức ảnh chụp ở một cửa hàng ăn tại Thái Lan và Lào |
Vậy thì giải quyết cái “văn hóa” lãng phí sao đây? Hay người Việt chúng ta chỉ đơn thuần là tức cành hông mỗi lần nhìn thấy cái bảng cấm người Việt lấy thức ăn thừa? Câu trả lời vừa khó, lại vừa dễ! Khó là ở chỗ, người ta chỉ thích chê bai người khác lãng phí, chứ mấy ai có thể nhìn lại bản thân mình để mà biết tiết kiệm. Dễ là ở chỗ, bạn chỉ phải “sửa mình” cho khỏi lãng phí mà thôi. Nếu ai ai cũng đều biết tự sửa mình, thì hẳn nhiên, tiết kiệm sẽ chẳng còn là một “đức hạnh hiếm có” nữa.
Quang Minh/Trithucvietnam.net