Phạm Thị Thanh là sinh viên Học viện Kỹ thuật mật mã. Trong một buổi toạ đàm do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, nữ sinh này hỏi rành mạch: "Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/tháng?”.
Câu hỏi của Thanh khiến tôi nghĩ lại những tháng năm tuổi trẻ đời mình. Tôi là con nông dân, nhà nghèo. Thời trẻ, tôi luôn đau đáu làm sao có được một chỗ làm tốt, thu nhập cao để chắt bóp gửi về quê cho bố mẹ. Lương cao, tôi nghĩ rằng đó là ước mơ chân chính của tất cả người lao động trên thế giới này, chứ chẳng riêng tôi.
Phạm Thị Thanh "Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/tháng?”. |
Thật may, anh em tôi nói chuyện trong một bàn ăn chỉ có mấy người. Toàn là người lớn cả. Lại có mỗi tôi là nhà báo. Nếu không, chưa biết chừng tôi cũng bị ném đá tan nát giống cô bé nữ sinh Phạm Thị Thanh nói về lương tháng 2.000 đô la/tháng hôm nay.
Tôi thực sự không thể nào hiểu nổi, tại sao người lớn lại cười cợt ước mơ chính đáng của một bạn trẻ.
Bạn trẻ này không hề hỏi rằng em phải xin việc ở đâu để có lượng 2 ngàn đô la Mỹ để bị người lớn mắng nhiếc là loại ảo tưởng, hoang tưởng, là loại chưa làm gì cho xã hội đã đòi hỏi...
Bạn trẻ này ý thức rõ để có được mức lương 2.000 đô la/tháng, bạn ấy phải rèn luyện và lao động xứng đáng. Thế nên bạn ấy hỏi "phải học tập và làm việc thế nào". Rõ ràng, bạn ấy có ý thức về việc đóng góp cho nhà tuyển dụng. Người lớn hãy chỉ cho bạn ấy thay vì bỉ bai, cười cợt, mắng nhiếc...
Nếu tương lai đất nước chỉ toàn những bạn trẻ ước mơ làm quan chức, hoặc chấp nhận thực tại ra trường sẽ làm việc với đồng lương còm cõi 5-7 triệu đồng, họ cứ học tà tà, làm tà tà, không sống nổi thì tìm cách bòn rút, ăn bớt ăn xén... thì mọi thứ sẽ về đâu?
Đất nước cần những người trẻ biết ước mơ và ý thức về sự rèn luyện để đạt được ước mơ. Một thế hệ bạc nhược đã quá đủ rồi.
Nguồn: Bạch Hoàn