“Dấu ấn của Quốc hội trong báo cáo của Chính phủ ở đâu?”, đại biểu Dương Trung Quốc nêu câu hỏi tại nghị trường...
“Thông điệp của Chính phủ nhiệm kỳ này là hướng tới một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, đặt cho chúng ta những hy vọng tốt đẹp, nhưng cũng đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm như những người trong cuộc. Vậy, dấu ấn của Quốc hội trong báo cáo của Chính phủ ở đâu?”.
Câu hỏi này được đại biểu Dương Trung Quốc - người đã bốn nhiệm kỳ có số ghế tại nghị trường - đặt ra trong phiên thảo luận sáng 3/11 của Quốc hội.
Đặt câu hỏi về dấu ấn của Quốc hội, ông Quốc nói, đặc trưng thể chế chính trị của chúng ta là chưa chấp nhận nguyên lý tam quyền phân lập, mà ba quyền đó chỉ là sự phân công để phối hợp hành động trong một mục tiêu chung.
Ông Dương Trung Quốc: Quốc hội nào thì Chính phủ nấy |
Điều đại biểu Dương Trung Quốc băn khoăn, là hầu như không khi nào báo cáo Chính phủ đề cập đến tác động cả tích cực và tiêu cực của Quốc hội khi thực thi quyền năng và trách nhiệm của mình. Trong khi rõ ràng nếu chất lượng lập pháp của Quốc hội kém thì năng lực quản lý của Chính phủ bị ảnh hưởng, và nếu Quốc hội giám sát lỏng lẻo thì hành pháp sẽ nảy sinh tiêu cực.
“Báo cáo của Chính phủ thường lựa chọn cách ứng xử khôn ngoan, là tỏ ra rất khiêm nhường trước Quốc hội như cơ quan quyền lực cao nhất, và luôn kêu gọi Quốc hội tăng cường giám sát. Nhưng trong thực tế, Quốc hội hình như vẫn đứng ngoài những quyết định của Chính phủ. Cho nên khi hành pháp có sai lầm, dường như Quốc hội và rộng hơn là các tổ chức đại biểu dân cử luôn thể hiện sự vô can của mình”, ông nhìn nhận.
Phân tích tiếp theo từ vị đại biểu Quốc hội này, là đứng trước sự bức xúc của xã hội về việc phần lớn các dự án đấu thầu đều rơi vào một đối tượng trúng thầu có chất lượng và tín nhiệm thấp, thì câu trả lời là làm theo đúng luật Quốc hội ban hành.
Khi giám sát về tình trạng cho thuê đất tràn lan, kể cả khu vực ảnh hưởng an ninh quốc gia, thì câu trả lời vẫn là làm đúng luật do Quốc hội thông qua.
Ông Quốc lấy ví dụ cụ thể: “Tòa nhà 8B Lê Trực xây ngay ở trung tâm của trung tâm Thủ đô, nơi các quan chức cao cấp của Nhà nước, Quốc hội thường xuyên qua lại, tòa nhà mọc lên trong tầm mắt các đại biểu chúng ta, vậy mà có ai trong Quốc hội, trước hết là đại biểu Quốc hội Hà Nội, sau đó là đại biểu Quốc hội sống ở Hà Nội như tôi phát hiện ra rằng chủ đầu tư làm sai, làm bậy? Hay chỉ đến khi báo chí phát hiện thì tất cả chúng ta đều lên án và đòi phải xử lý nghiêm?”.
Và ông khái quát, chắc chắn công tác lập pháp và giám sát của Quốc hội góp phần vào những sai phạm, dẫn đến hạn chế hiệu quả hoạt động của Chính phủ. Nợ công cao, tài sản hư hao, vấn nạn tham nhũng... là trách nhiệm của Chính phủ, nhưng cũng có một phần của Quốc hội.
Đề nghị của đại biểu Quốc là trong báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội, cần dành một phần phát biểu về Quốc hội, rằng Chính phủ không chỉ tuân thủ, chịu sự giám sát thực hiện nghị quyết của Quốc hội, mà còn cần đòi hỏi Quốc hội những gì để Chính phủ làm tốt hơn, ít sai phạm hơn.
“Đó cũng chính là một trong những biểu hiện của một Chính phủ kiến tạo và liêm chính, mà chúng ta đều mong muốn và hy vọng”, ông nhấn mạnh.
Nguồn vneconomy.vn