Ngày Nhà giáo Việt Nam không phải là ngày mà các bậc phụ huynh tôn vinh thầy cô bằng tiền, bằng giá trị vật chất để đổi lại mong muốn của phụ huynh - thầy cô cần “quan tâm cho cháu đặc biệt hơn nữa”…
Hôm qua, con tôi đi học về và bảo: “Bố ơi, ngày 20-11 là ngày gì vậy bố? Các bạn bảo nhau là chuẩn bị quà để tặng thầy cô hả bố?”, tôi trả lời và giải thích với con ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Sau đó, tôi mới chợt nghĩ mình chuẩn bị quà gì cho con tặng thầy cô đây?
Tôi tìm hiểu thông qua bạn bè, đồng nghiệp và trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tặng quà nhân ngày này, thông tin thì nhiều vô kể, tích cực cũng có, tiêu cực, biến tướng cũng có, vụ lợi cũng có… làm mất đi tính nhân văn của ngày trọng đại và ý nghĩa của các thầy cô giáo.
Phụ huynh 'thôi đừng tôn vinh THẦY CÔ bằng tiền nữa!' |
Tôi còn nhớ khi xưa, lúc tôi còn đi học trung học, khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam các bạn trong lớp bảo nhau góp tiền lại, hồi đó mỗi bạn chỉ góp 2.000 đồng để mua cho cô cuốn tập lưu niệm, bó hoa, cây bút được gói lại rất cẩn thận và kéo nhau đi. Khi đến nhà thầy cô thì được thầy cô mời vào uống nước, ăn bánh kẹo, ngoài quà tặng thì thầy cô được các em tặng riêng những lời chúc chân thành, những bài hát dành tặng thầy cô, thật là ý nghĩa và đáng nhớ.
Thế nhưng, ngày nay với sự hối hả của nhịp sống đô thị, môi trường học tập của các em bây giờ đã có những thay đổi rõ rệt, phụ huynh nào cũng mong giáo viên quan tâm, giúp đỡ con em của mình nên để tỏ chút lòng thành, nhân ngày này nhiều bậc phụ huynh chuẩn bị những món quà thật đắt tiền, chở con đến tận nhà để tặng quà thầy cô, chứ không cho các em tự góp tiền và đi chung với các bạn cùng lớp, nhiều trường hợp phụ huynh lại bỏ phong bì để thăm thầy cô…
Tôi biết chắc rằng, nhiều thầy cô cũng chẳng thích các bậc phụ huynh làm như thế, bởi Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày xã hội tôn vinh nhà giáo, là ngày mà giữa thầy và trò được thể hiện thông qua những lời chúc và thăm hỏi nhau một cách tích cực. Thông qua ngày này, thầy cô cũng phải nhìn lại mình để cố gắng dạy dỗ các em, trò thì cũng phải năng nổ, ra sức học tập để không phụ tấm lòng của thầy cô.
Ngày Nhà giáo Việt Nam không phải là ngày mà các bậc phụ huynh tôn vinh thầy cô bằng tiền, bằng giá trị vật chất mà để đổi lại, thầy cô cần đáp ứng mong muốn của phụ huynh là “quan tâm cho cháu đặc biệt hơn nữa”… Đây là sự lệch chuẩn, biến tướng cần phải nhìn nhận và khắc phục ngay.
Về phần quà tặng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam của con tôi, khi hỏi thì vợ tôi cho biết đã chuẩn bị từ lâu. Chẳng có gì quá giá trị hay to tát, chỉ là tấm vải thêu chữ về tình thầy trò. Vợ tôi đã gói thật cẩn thận, xinh xắn và đến ngày Nhà giáo Việt Nam sẽ đưa con tôi mang đến trường tặng cô.
Tôi cho rằng cách làm của vợ tôi cho con tôi như thế là đúng đắn, ý nghĩa… Và tôi chợt nghĩ thế thì Ngày Nhà giáo Việt Nam ở các trường học miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn này thì sao nhỉ?
Học sinh thì nghèo cũng chẳng có tiền mua món quà tặng thầy cô, nên chắc có lẽ thầy cô và trò quấn quýt bên nhau nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, và thầy trò tự động viên nhau vượt qua những khó khăn để xóa mù chữ, trao cho các em những giấc mơ của cuộc sống, góp phần xây dựng địa phương thoát nghèo, ấm no, hạnh phúc. Nghĩ về họ tôi cảm thấy thật trân trọng, tự hào và đáng để chúng ta suy ngẫm!
Đỗ Văn Nhân/ Vietnamnet