Buổi tối, chồng lẳng lặng bê thau đồ đi giặt giúp vợ. Buổi trưa, vợ im lặng kéo chồng vào nhà tắm, gội đầu cho chồng. Hình như họ "nói" với nhau, trong sự im lặng.
Khi nghe tôi hỏi về hạnh phúc gia đình, Thùy Linh nắm bàn tay trái, giơ ngón cái lên: “OK!”. Tôi tự hiểu như vậy vì cô bị câm bẩm sinh nhưng vẫn nghe được. Con gái một tuổi rưỡi chạy từ ngoài sân vào, níu váy cô, miệng bập bẹ: “Mẹ! Mẹ!”. Cô cười với con, giơ ngón trỏ lên, ra dấu hỏi con cần gì. Đứa bé chỉ lên hộp bánh tôi vừa mang đến. Thùy Linh lại cười, gật đầu xin phép khách rồi bóc hộp bánh cho con ăn.
Sinh năm 1995 tại một làng miền núi thuộc huyện Văn Chấn, Yên Bái, Nguyễn Thùy Linh là cô thôn nữ xinh đẹp, nhưng lại bị câm bẩm sinh. Là em út trong một gia đình có ba người con trai, do khuyết tật nên Thùy Linh được cha mẹ và các anh rất chiều chuộng, thương yêu, không phải làm những công việc nặng nhọc.
Vợ chồng Linh và cô công chúa nhỏ |
Nguyễn Minh Nội sinh năm 1994, là con cả trong một gia đình nông dân, dưới Nội còn em gái đang học lớp 10. Nội cũng bị câm từ nhỏ, sau một lần sốt cao. Khỏe mạnh, sáng sủa, lao động giỏi, nhưng Nội không có bạn gái, đơn giản vì không nói chuyện được. Khi được mẹ đưa lên Văn Chấn gặp gỡ “đối tượng”, Nội rất vui. Hai bà mẹ vun vén, hai anh chị cảm nhau, cùng gật đầu đồng ý… cưới!
Nay họ đã có một công chúa xinh đẹp, cô bé vượt khỏi bức tường câm lặng của bố mẹ, liến thoắng cười, bập bẹ ... Bà Liễu, mẹ chồng của Thùy Linh cho biết, Minh Nội rất cưng vợ. Hàng ngày, cậu làm thuê đủ việc như phụ hồ, bốc vác, đóng gạch, để vợ ở nhà chăm con, lo việc nhà.
“Cứ bảo người câm cục tính, nhưng từ ngày cưới đến nay, gần như hai đứa chưa... đánh lộn lần nào. Chỉ một lần không đồng ý với vợ cách chăm con (tôi đoán thế), thằng Nội đùng đùng bỏ đi đâu cả đêm, đến sáng mới về”. Ngôn ngữ của hai vợ chồng thường là những nụ cười hay cái nhăn mặt.
Buổi tối, chồng lẳng lặng bê thau đồ đi giặt giúp vợ. Buổi trưa, vợ im lặng kéo chồng vào nhà tắm, gội đầu cho chồng. Hình như họ "nói" với nhau, trong sự im lặng. Minh Nội dành tiền, sắm cho vợ một chiếc điện thoại thông minh, để cô vừa chăm con, lúc rảnh rỗi có thể xem phim, nghe nhạc, còn cậu thì dùng chiếc điện thoại “cùi bắp” cũ.
Cha mẹ hai bên có thể gọi điện cho vợ chồng họ để thông báo một việc gì đó hay hỏi thăm sức khỏe, nhưng không nghe được con dâu, con rể nói gì, chỉ nghe u ơ mấy tiếng. Nhưng kỳ lạ là hai người lại có thể “nói” với nhau bằng thứ tiếng của họ. Nếu con bệnh, cần chồng về, Thùy Linh “nói” và chồng hiểu được ngay. Thấy chồng về muộn, cô điện thoại “hỏi” và biết chồng sắp về hay tụ tập ở đâu đó.
Để chứng minh chuyện này, bà mẹ chồng bảo con dâu: “Gọi chồng con tranh thủ qua nhà một tí, cho chú nhà báo chụp cái ảnh”. Thùy Linh gật đầu, bấm máy. Chỉ thấy cô nhăn mặt, ơ ơ mấy tiếng rồi cúp máy. Cô xua tay, chỉ lên vai. Chị Liễu bảo tôi. “Cháu nó bận bốc vác, không về được!”.
Hàng ngày, Thùy Linh chăm cho con ăn, ngủ; nhưng phần lớn thời gian chăm sóc, vui chơi với bé đều do bà nội và cô út đảm nhiệm. Tiếp xúc với cháu, dạy cháu nói, chỉ cho cháu tên đồ vật hay gia cầm trong nhà để cháu không bị “lây” bệnh câm của bố mẹ.
Đôi vợ chồng câm rất vui mừng vì thấy con gái bập bẹ tập nói. Có những lần, bà Liễu bắt gặp hai giọt lệ hạnh phúc long lanh nơi khóe mắt con dâu. Cả những lần chồng lỡ say rượu về nhà chân bước liêu xiêu, Thùy Linh cũng có cách "dạy" chồng rất hiệu quả.
Cô cầm chai rượu đưa lên, giơ tay làm hiệu cắt ngang cổ họng, rồi ném chai rượu đi, ôm lấy đầu chồng vỗ vỗ. Minh Nội đang say bỗng hét lên mấy tiếng ú ớ, rồi nắm bàn tay lại đưa ra. Tưởng con trai đánh vợ, bà Liễu lao vào đỡ, nhưng Minh Nội chỉ đấm thùm thụp vào ngực mình, đầu cúi gằm. Từ đó không thấy cậu say rượu nữa.
Ngày tháng trôi qua, hạnh phúc cứ êm đềm theo bước chân của đôi vợ chồng ngọt ngào tình yêu thương trong im lặng.
Phương Quý/Phununews