Trong lịch sử cách mạng Việt Nam có một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, quyết tâm và nghị lực phi thường vượt qua khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Suốt 11 năm du học ở nước ngoài, ông đã âm thầm nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ và hệ thống tổ chức chế tạo vũ khí, để rồi trở về nước góp phần đắc lực vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Với chiến công ấy ông đã được phong quân hàm cấp tướng và danh hiệu Anh hùng lao động, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Ông là giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa.
Thủ khoa tú tài Tây
Tên thật của Trần Đại Nghĩa là Phạm Quang Lễ. Ông sinh ngày 13/09/1913 tại thị xã Vĩnh Long, miền Tây Nam bộ trong một gia đình có cha làm giáo viên tiểu học. Ngay từ bé, ông đã ham thích tìm hiểu các hiện tượng thiên nhiên, thiên văn. Cậu trò nhỏ còn được cha mình dạy thêm những môn như Pháp văn, toán... Cha ông là người vốn là nhà nho uyên thâm chuyển sang học tiếng Pháp, đỗ Thành Chung, được biết đến là người học rộng biết sâu.
Bác Hồ với thiếu tướng Trần Đại Nghĩa |
Sau đám tang, cuộc sống bộn bề khốn khó. Cậu Lễ, may thay gửi được vào nhà một ông giáo đồng nghiệp của cha. Thế là cuộc sống ở trọ bắt đầu từ đó. Nỗi nhớ cha, thương mẹ, thương chị luôn khắc khoải trong lòng cậu trò nhỏ. Mẹ và chị gái ở quê thì tần tảo một nắng hai sương nuôi Lễ ăn học, muôn vàn cơ cực.
Đến hè năm 1926, Phạm Quang Lễ thi đậu vào trường Trung học Mỹ Tho. Chuyện cơm áo gạo tiền không còn phải lo nữa, vì vào đây là có học bổng. Lễ luôn học rất tốt các môn khoa học tự nhiên. Đến năm 20 tuổi, những tháng cuối của niên khoá 1932-1933, trong lúc chuẩn bị cho kỳ thi lấy bằng tú tài bản xứ, Phạm Quang Lễ quyết định ghi danh thi lấy bằng tú tài Tây. Hoàn toàn tin vào khả năng của mình, bởi Lễ đã học kỹ các môn tự nhiên như toán, lý, hoá - những môn quyết định trong việc thi lấy loại bằng này. Năm ấy, Phạm Quang Lễ thi đỗ thủ khoa cả tú tài Tây và tú tài bản xứ.
Hoài bão của tuổi trẻ
Trở thành thủ khoa, Lễ không ra Hà Nội học đại học mà đi làm ở toà sứ Mỹ Tho. Đó cũng là hai năm tìm cơ hội để đi học nước ngoài với hoài bão sưu tầm tài liệu chế tạo vũ khí. Lòng yêu nước nhen nhóm trong chàng thanh niên mỗi lúc một lớn dậy, để rồi Phạm Quang Lễ nhận ra, chỉ có đấu tranh vũ trang mới có thể giải phóng dân tộc khỏi cảnh thuộc địa.
Lễ chẳng mong gì trở thành một viên chức giống cha, để cả nhà vẫn khổ, mà muốn tiến xa hơn nữa. Thật may, chàng trai trẻ được nhà báo Vương Quang Ngưu nâng đỡ. Ông Ngưu là người luôn gần gũi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của những người trẻ tuổi có chí hướng giành độc lập cho Tổ quốc để tìm cách nâng đỡ họ. Nhờ đó, Lễ được hội Ái hữu của trường Chasseloup - Laubat cấp học bổng một năm sáng Pháp. Nếu thi đậu đại học, nhà nước Pháp sẽ tiếp tục cấp học bổng.
Tháng 9/1935, chàng trai Phạm Quang Lễ khi đó 22 tuổi, bước chân xuống tàu thuỷ đi Pháp. Hành trang mang theo mình chẳng có gì ngoài hoài bão được học hỏi để trở về phục vụ quê hương. Lần đầu bước chân tới Paris hoa lệ, chàng trai xứ Đông Dương lặng người ngắm nhìn tháp Eiffel để cảm nhận đến tận cùng sự hùng vĩ của nó, cũng như sự cao siêu của khoa học nơi kinh đô ánh sáng. Tháp cao tới 318m nhưng toàn bộ bằng thép và chỉ nặng 7.000 tấn. Tại sao người ta có thể có những tính toán chính xác tuyệt vời nhường ấy!
Được nhận vào một trường Trung học đặc biệt 2 năm để chuẩn bị thi vào Đại học, Lễ vạch ra phương pháp học để có thể hoàn tất chương trình trong vòng 1 năm. Với trí thông minh và lòng ham học, chàng thanh niên học nhảy một lớp (rút ngắn được 1 năm). Trong lòng luôn nung nấu, phải làm sao để có kiến thức đầy đủ cho việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vũ khí trở về phục vụ sự nghiệp giải phóng đất nước. Nhưng nên bắt đầu bằng cách nào đây, khi mà điều ấy là vô cùng bí mật đối với bất kỳ quốc gia nào? Hoài bão và những câu hỏi luôn cháy bỏng trong lòng chàng thanh niên.
Muốn nắm vững kỹ thuật quân sự, trước hết, phải tinh thông kỹ thuật dân dụng. Phạm Quang Lễ thi đỗ vào Đại học Quốc gia Cầu - Đường Paris, một “trường lớn” của nước Pháp, vì thế, Bộ Thuộc địa của Pháp phải cấp học bổng cho ông. Sau đó, ông còn theo học các trường đại học lớn như Điện, Mỏ, Bách khoa và Viện Kỹ thuật Hàng không. Ông thi đỗ nhiều bằng kỹ sư, đồng thời, thi lấy nhiều chứng chỉ về khoa học cơ bản tại Đại học Sorbonne.
Qua mối quan hệ rộng rãi, ông lặng lẽ tìm kiếm các bí mật quân sự, các bản thiết kế vũ khí. Dần dần ông gom góp được hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí, hầu hết là tuyệt mật. Năm 1946, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, ông không mang theo một thứ của cải gì khác ngoài một tấn sách và tài liệu được đóng hòm dán nhãn “ngoại giao”.
Những chiều hoàng hôn ngồi ghế đá bên bờ sông Seine, lặng ngắm cảnh vật êm đềm thanh bình và lãng mạn, trong lòng Lễ lại ngập lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Gương mặt khắc khổ vì sương gió của mẹ, hình ảnh chị, những giọt nước mắt tiễn biệt, tiếng còi tàu rú lên rời cảng Nhà Rồng... lại chầm chậm trôi trong đầu như một đoạn phim. Những lúc ấy chỉ biết nén xuống nín lặng tất cả, chờ mong đến ngày đoàn viên.
Những bước ngoặt cuộc đời
Phạm Quang Lễ quyết tâm nộp đơn thi vào trường đại học có những chuyên ngành liên quan đến hoài bão của mình nhiều nhất. Anh chọn Trường quốc gia Cầu đường Paris. Công sức cuối cùng cũng được đền đắp. Anh thi đỗ và được học bổng lên tới 1.200 franc mỗi tháng. Ngoài việc học ở trường Cầu đường, anh cũng nghe giảng ở các đại học danh tiếng khác như Trường tổng hợp Sorbonne, Đại học Mỏ, Đại học Báck khoa, Đại học điện và Học viện kỹ thuật Hàng không và lần lượt thi đậu các bằng Cử nhân khoa học, kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện, kỹ sư hàng không.
Mùa hè năm 1937, chị gái mất, ông trở về chịu tang chị rồi lại quay trở lại Pháp. Niềm đau khôn nguôn đành vùi sâu vào lòng. Phải gạt lệ để tiếp tục con đường đã bắt đầu. Không được buồn chán, không thể để người thân thất vọng. Trong suốt thời gian này, ông dồn tâm lặng lẽ nghiên cứu thu thập những thông tin về vũ khí. Sau khi ra trường, ông vào làm ở một hãng Điện khí và tiếp sau đó là một Hãng chế tạo máy bay dân dụng.
Người ta thấy ông thường xuyên xuống các nhà máy, xí nghiệp, vào thư viện, đứng hàng giờ trước những thiết bị khí tài trong Viện bảo tàng vũ khí. Thời gian làm việc cho phòng thiết kế của hãng máy bay, ông đã tiếp xúc với rất nhiều tài liệu quân sự, vũ khí vì hãng nọ còn sản xuất cả máy bay quân sự. Kiến thức cứ âm thầm ngấm vào và lớn lên trong ông theo cách ấy.
Sau ngày đất nước giành độc lập (tháng 8/1945), tình hình trong nước vô cùng phức tạp và căng thẳng. Các thế lực thù trong giặc ngoài, đế quốc phản động luôn tìm mọi cách để xoá bỏ chính quyền cách mạng non trẻ.
- Nguyện vọng của chú lúc này là gì?
Quá cảm động vì sự giản dị và quan tâm một cách sâu sắc của Bác, ông nói luôn điều mình đang ấp ủ:
- Kính thưa Cụ, nguyện vọng cao nhất là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần.
- Bây giờ ở nhà cực khổ lắm, chú có chịu nổi không? Bác Hồ hỏi.
- Tôi chịu nổi.
- Bây giờ ở nhà kĩ sư và công nhân về vũ khí không có, máy móc thiếu liệu chú có làm được không? Hồ Chủ tịch tiếp lời
- Tôi đã chuẩn bị 11 năm rồi và tôi tin là sẽ làm được.
Trong những ngày gần gũi Hồ Chủ tịch ở Paris, Phạm Quang Lễ lại càng hiểu sâu sắc hơn về tài đức của Người. Ông đã trình bày với Người nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học quân sự, về những hiểu biết xung quanh thế chiến 2. Những gì ôm ấp bấy nay giờ được dịp thổ lộ, như cá gặp nước, ông lập tức chuẩn bị cho ngày rời Pháp. Trước khi về nước, ông còn tập trung thu thập hàng nghìn cuốn sách liên quan đến nhiều lĩnh vực mà phần lớn là để phục vụ chiến tranh.
Phạm Quang Lễ trở thành Trần Đại Nghĩa
Ngày 20/10/1946, con tàu đưa Hồ Chủ tịch và đoàn tuỳ tùng cập bếën Hải Phòng. Bến cảng rợp bóng cờ hoa, hàng nghìn đồng bào kéo nhau ra hân hoan chào đón Chủ tịch. Những tiếng reo hò: "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!" dậy lên khắp nơi. Trong lòng chàng trai trẻ Phạm Quang Lễ nghẹn ngào khó diễn tả. Ông tự nhủ lòng phải làm gì đó góp phần xứng đáng với niềm tin yêu của Bác, của người dân đã dành cho mình.
Chỉ 7 ngày sau khi về nước (27/10/1946), Phạm Quang Lễ lập tức được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ lên Thái Nguyên, nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu badôca của Mỹ, với hai viên đạn do GS Tạ Quang Bửu lúc này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cung cấp. Phải bắt tay vào việc ngay. Nhưng mới chỉ được ít hôm thì lại có điện gấp từ Bộ Quốc phòng gọi về gặp Bác Hồ.
Ngày 5/12/1946, Phạm Quang Lễ tới Bắc bộ phủ. Lòng khấp khởi, chàng kỹ sư trẻ không hiểu Bác muốn gặp mình để giao nhiệm vụ gì. Vừa gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng nhưng cũng đầy thân mật bảo: "Kháng chiến sắp đến nơi rồi, hôm nay tôi gọi chú lại để trao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội diệt giặc". Bác Hồ giao cho ông toàn quyền hành động trong việc chế tạo vũ khí mà không phải thông qua bất kỳ một cấp nào khác.
Rồi Người căn dặn: "Việc của chú là việc đại nghĩa, vì thế từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình, bà con chú còn ở trong Nam". Bác giải thích ý nghĩa cái tên: "Một là họ Trần, là họ của danh tướngTrần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nuớc. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo. Chú có ưng bí danh đó không?".
Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao công trình nghiên cứu súng Badôca. Năm 1996, GS VS Trần Đại Nghĩa đã vinh dự nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình nghiên cứu chế tạo Badôca trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thế là từ đấy, cái tên Trần Đại Nghĩa gắn với cuộc đời ông. Có thể nói trong những ngày tháng miệt mài nghiên cứu chế tạo vũ khí ở Chiến khu Việt Bắc là thời gian kĩ sư Trần Đại Nghĩa cảm thấy có ý nghĩa nhất trong cuộc đời hoạt động của mình. Sau này, đến những ngày trước khi qua đời, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa vẫn nhắc lại tình cảm sâu sắc Bác dành cho ông, nhắc lại ngày 5/12 lịch sử, ông được giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục quân giới và trao bí danh đầy ý nghĩa này. Đó là mốc lịch sử rất lớn đối với cuộc đời ông.
Chế tạo súng Badôca
Cùng các cộng sự, Trần Đại Nghĩa bắt tay vào công việc ngay từ tháng 11/1946. Ông say mê làm việc đến quên ăn, quên ngủ. Nhiều đêm ông chỉ mong cho trời chóng sáng để làm việc, nghiên cứu, thử nghiệm. Song công việc không hề dễ dàng. Ông chỉ đạo xưởng Giang Tiên sản xuất thành công một khẩu súng Badôca 60 mm và 50 quả đạn. Khi bắn thử, đạn nổ nhưng chưa xuyên.
Đạn Badôca của Mỹ được nhồi bằng thuốc phóng, còn ta chỉ có loại thuốc súng lấy được từ bom đạn của Pháp. Tất cả đều phải tính toán lại từ đầu và phải hiểu được những nguyên lý cơ bản về thuốc phóng, thuốc nổ. Những kiến thức sách vở 11 năm thu lượm xứ người bắt đầu phát huy tác dụng. Hình ảnh người kỹ sư miệt mài tính toán tốc độ cháy, đốt thử các loại thuốc súng, ngày đêm với cây thước tính trong tay... đã trở nên quá đỗi quen thuộc với các cán bộ Chiến khu. Chỉ một sai sót nhỏ sẽ phải trả giá bằng xương thịt của chiến sĩ nơi trận mạc, vì thế trách nhiệm càng đè nặng lên vai ông.
Những cán bộ chiến khu sau này kể lại, họ rất... sợ khi đi qua phòng ông vì đó là nơi rất nguy hiểm. Trong căn phòng chứa đầy thuốc nổ đủ loại, chỗ nào cũng thấy ngổn ngang bao tải thuốc nổ, trên mặt bàn làm việc la liệt các loại đạn Badôca, quả đang nghiên cứu, quả đã nhồi xong, quả thì chưa nhồi, rồi thì hạt nổ... Kỹ sư lại có thói quen... hút thuốc mỗi lúc tư duy. Rõ ràng tai hoạ luôn rình rập. Cuối cùng, điều kì diệu đã đến. Cuối tháng 2 năm 1947, cuộc thử nghiệm Badôca thành công. Mức đâm xuyên của đạn vừa chế tạo đạt độ sâu 75cm trên tường thành xây gạch tương đương với sức nổ xuyên của đạn Badôca do Mỹ chế tạo. Đây là bất ngờ lớn đối với địch.
Người ta kể rằng một cuộn dây điện trở loại nhỏ, được tháo ra từ một chiếc vôn kế. Nếu không có thì việc nghiên cứu của ông không thể thực hiện được. Nó được dùng làm sợi tóc đốt mồi thuốc súng đen a-moóc, nếu sợi tóc bị đứt thì đạn bị xịt. Trần Đại Nghĩa luôn giữ cuộn dây ấy bên mình, cho đến một đêm đáng nhớ: 2/3/1947. Cuộn dây đã được đem ra sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.
Đêm đó, ông Phan Mỹ, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ sản xuất cấp tốc đạn Badôca để cản phá cuộc hành quân của Pháp. Chúng ta đã vây Pháp hơn 2 tháng ở Hà Nội và giờ chúng đang tìm cách thoát ra. Ông Phan Mỹ yêu cầu: "Các đồng chí đã bắn thử Baôca thành công, tuy chưa chắc chắn lắm nhưng tình hình lúc này rất cấp bách. Sáng mai quân Pháp có khả năng chọc thủng mặt trận Cầu Mới- Hà Đông. Đề nghị anh Nghĩa cho nhồi gấp đạn Badôca ngay trong đêm để kịp mang đến cho đồng chí Vương Thừa Vũ trong ngày mai. Anh Vũ đang bảo vệ Bác Hồ và Chính phủ ở Quốc Oai, Hà Tây.
Dưới ánh đèn võ vàng, tất cả đều được huy động nhồi thuốc, lắp đạn. Chẳng ai còn đầu óc nào để nghĩ đến căn phòng đáng sợ của kỹ sư. Cật lực suốt đêm, đến 3 giờ sáng thì tổ nghiên cứu của Trần Đại Nghĩa cùng anh em trong cơ quan Cục Quân giới nhồi lắp được 10 quả đạn mang mã hiệu B60, kèm 1 quả đạn khói, 1 súng Mỹ cải tiến đưa ra mặt trận.
Nỗi kinh hoàng của kẻ địch
Sáng 3/3/1947, máy bay Pháp bắt đầu quần đảo nhằm yểm trợ cho xe tăng, cơ giới của địch đánh chiếm thị xã Hà Đông. Quân ta bố trí dọc đê. Chiếc xe đi đầu bị bắn cháy ngùn ngụt, chiếc thứ 2 cũng bị đạn bắn hỏng. Cả đoàn xe địch khựng lại, hỗn loạn rồi thối lui. Sự xuất hiện của một loại vũ khí mới đã khiến chúng bất ngờ và hoang mang. Ngày 3/3/1947 đã trở thành một mốc son của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, súng đạn. Chiến công này góp phần bẻ gẫy cuộc tấn công của địch ra vùng Chương Mỹ, Quốc Oai.
Sau việc sản xuất súng đạn Badôca thành công, cục Quân giới chuyển lên Việt Bắc và tiếp tục sản xuất hàng loại súng này. Vũ khí của ta lúc này rất hiếm, riêng Badôca là loại vũ khí quí. Badôca xuất hiện lần đầu tiên trên thể giới vào Thế chiến 2, năm 1943, đã trở thành vũ khí đáng sợ đối với nhiều đơn vị quân đội. Tuy nhiên việc một đất nước vừa thoát khỏi cảnh thuộc địa và nửa phong kiến như nước ta đã chế tạo thành công loại vũ khí hiện đại này, thật như huyền thoại và là điều không thể ngờ đến của địch.
Bộ đội sau khi được trang bị nhiều súng Badôca đa có nhiều sáng tạo trong chiến đấu. Nếu trước kia Badôca chỉ nhắm vào các loại xe tăng, thiết giáp thì sau này, bộ đội còn sử dụng để bắn ôtô, lô cốt, dùng thay thế lựu đạn ở những nơi đối phương tập trung đông. Đạn Badôca có tầm xa tới 600m, phạm vi sát thương tới 50m, nhưng không làm hỏng vũ khí đối phương. Vì vậy chúng ta đã tịch thu được nhiều súng đạn của giặc sau mỗi trận thắng. Từ khi đưa vào sử dụng, Badôca đã gây cho địch nhiều tổn thất rất lớn.
Từ các mặt trận, thư của chiến sĩ gửi về ngành quân giới tới tấp. Những người lính trực tiếp chiến đấu đã có nhiều phản hồi giúp kỹ sư hoàn thiện hơn loại vũ khí này. Súng Badôca đã trở thành nỗi kinh hoàng của kẻ địch, nhưng vẫn còn những hạn chế, chẳng hạn như tầm bắn chưa tốt, nếu bắn cách xa 100m thì sức phá sẽ kém đi...
Người lính trông đợi những vũ khí uy lực hơn, tiện dụng hơn, và thế là những kỹ sư lại miệt mài nghiên cứu. Chiến sự ngày một ác liệt, ngoài Badôca chiến trường cần phải có thêm vũ khí hạng nặng. Trần Đại Nghĩa lại đêm ngày nghiên cứu. Năm 1948, khi vũ khí hạng nặng bắt đầu được sản xuất thì Trần Đại Nghĩa cũng được phong quân hàm Thiếu tướng, trở thành một trong 10 vị tướng đầu tiên của quân đội ta. Khi ấy ông mới 35 tuổi.
Súng SKZ bắt kịp vũ khí hiện đại của Mỹ
Cuộc chiến đang vào hồi cam go, Trần Đại Nghĩa không đêm nào có được một giấc ngủ trọn vẹn. ông luôn suy nghĩ về các loại vũ khí mới, có uy lực, ngay cả trong những giấc ngủ ngắn ngủi. Ngay từ đầu kháng chiến, các cơ sở quân giới của ta đã sản xuất nhiều vũ khí như lựu đạn, mìn gửi ra mặt trận, nhưng hiệu quả của chúng không lớn. Lựu đạn, thậm chí có quả khi nổ chỉ vỡ làm 4 mảnh, tính sát thương không cao.
Những năm 1948 - 1949, Cục Quân giới bắt đầu nghiên cứu các loại vũ khí hạng nặng. Đánh địch cố thủ trong lô cốt bêtông cốt thép, thông thường ta cho nổ bộc lôi hoặc mìn lõm cỡ lớn. Người chiến sĩ phải áp sát đồn địch, rất nguy hiểm, nhiều người đã hi sinh. Các nước tiên tiến khi đó người ta hay dùng đại bác hạng nặng, hạng trung hoặc đạn bay. Đạn bay ta chưa có, còn đại bác chỉ sử dụng trong những chiến dịch lớn vì nó rất nặng, mỗi cỗ pháo nặng tới vài tấn thép.
Trần Đại Nghĩa luôn nghĩ về một loại súng thật nhẹ, có thể vận chuyển, mang vác dễ dàng, nhưng lại có sức công phá ngang... đại bác. Lúc đầu có người gợi ý làm Badoca cỡ lớn, chuyển đường kính từ 60 ly lên 90 ly nhưng không được, vì những hạn chế kỹ thuật. Ông nghĩ tới súng không giật (SKZ: súng- không- giật). Đây là loại vũ khí hiện đại, mới xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa của Nhật Bản hồi cuối chiến tranh thế giới thứ hai. Tất nhiên, công nghệ chế tạo ra nó ra sao, cách thức thế nào thì chỉ... người Mỹ mới biết.
Cùng các kỹ sư cộng sự gần gũi như Lê Tâm, Nguyễn Trinh Tiếp,... Trần Đại Nghĩa phải lặp lại cái công việc mà các nhà sáng chế Mỹ đã hoàn thành. Cuối cùng, ông đã thành công. Đó là loại súng rất nhẹ, chỉ 20kg, đầu đạn lõm cỡ 160mm, dùng để bắn vào những pháo đài kiên cố của địch, đầu đạn xuyên thủng bêtông dầy hàng mét.
Chỉ sau SKZ của Mỹ mấy năm, SKZ Việt Nam xuất hiện lần đầu trong trận Phố Lu, đánh phá tan tành các lô cốt địch. Sau này, trong cuốn "Chiến tranh Đông Dương" xuất bản tại Paris năm 1963, ký giả Lucien Bodart viết: "Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bêtông dày 60cm là những quả đạn SKZ. Chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được lôcốt của chúng tôi".
Ta đã nghiên cứu mất 2 năm mới thành công, trước đó không một tài liệu nào nhắc tới vũ khí này. SKZ đã phát huy tác dụng rất lớn. Gần đến chiến dịch Điện Biên Phủ, Cục Quân giới chuyển vào chiến trường 10 khẩu SKZ và 100 quả đạn. Số súng đạn này đã góp phần giúp anh em chiến sĩ hạ gục nhiều đồn bốt địch.
Bom bay ra đời
Cuộc chiến đấu thần thánh đang đứng trước nhiều yêu cầu cấp bách, đòi hỏi các loại vũ khí ngày càng hoàn thiện hơn. Ta đã tạo được những thay đổi lớn trên cục diện chiến trường, đẩy quân địch vào thế co cụm. Nhưng chính lúc này, tình thế cũng đặt ra yêu cầu cần các loại vũ khí có sức tiêu diệt lớn, đánh những đòn chí mạng vào các điểm co cụm của địch.
Dù đã nhiều lần nghiên cứu các loại bom bay mang bí số V1, V2 của Đức nhưng bí mật về các loại vũ khí đó, Trần Đại Nghĩa vẫn chưa giải mã được. Trong ông luôn nung nấu sẽ có ngày tạo ra một loại vũ khí có uy lực sấm sét. Dựa trên thực địa chiến trường, ông đã có phác hoạ đôi nét về loại vũ khí này. Đó là do ta và địch luôn ở thế cài răng lược, vì vậy tầm hiệu quả của "bom bay" chỉ hạn chế từ 3 đến 4km, quả đạn cũng chỉ nặng tầm 25 - 30kg.
Nhưng vấn đề là làm sao để đẩy cả khối thuốc nổ đó đi xa một hành trình dài tới mấy km. Trần Đại Nghĩa đã dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu phương án tối ưu chế tạo thuốc đẩy. Ngày đêm mày mò, cuối cùng việc gì đến cũng phải đến. Trong một lần đi tắm suối, nhà khoa học đã nghĩ tới phương án ép từng lớp thuốc vào ống thép. Và ông thành công.
Vũ khí mới được khẩn trương sản xuất với tên gọi khiêm nhường: đạn bay. Sau đó, nó được cấp tốc đưa đến các vùng chiến sự khốc liệt. Nó đúng hơn phải gọi là bom bay bởi đã trút những đòn sấm sét nhất xuống đầu quân thù. Một hàng binh sau này khai: Ngay cả lính cảm tử của đội quân lê dương cũng có nhiều kẻ muốn chạy sang hàng ngũ Việt Minh để tránh được thảm cảnh gây ra bởi một loại vũ khí mới rất khủng khiếp, chẳng kém gì so với bom V1, V2 hồi Thế chiến 2.
Vị Cục trưởng tài ba của 2 Cục quan trọng
Sau chiến dịch Việt Bắc (Thu Đông 1947), Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Ngày 20/11/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 110/SL, phong quân hàm Đại tướng cho Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, sắc lệnh phong Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình và phong Thiếu tướng cho các đồng chí Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm, Lê Hiến Mai, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng và Trần Đại Nghĩa. Lễ phong Đại tướng được tổ chức trọng thể vào ngày 28/5/1948.
Buổi lễ được cử hành trong căn nhà gỗ lợp tranh, phên nứa, bên bờ suối. Bác Hồ và cụ Bùi Bằng Đoàn (Trưởng ban Thường trực Quốc hội) đứng hai bên bàn thờ. Toàn thể nhân viên Chính phủ đứng xếp hàng phía trước. Đúng 13h, buổi lễ bắt đầu. Không khí tĩnh lặng và trang nghiêm. Bác bước lên cầm bản sắc lệnh, đoạn gọi Tướng Giáp ra đứng bên cạnh: "Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho"...
Đối với kỹ sư Trần Đại Nghĩa, việc được phong quân hàm thiếu tướng là vinh dự rất lớn. Hai năm trước, khi còn là một kỹ sư trẻ, được Bác đón về phục vụ kháng chiến, ông chưa bao giờ dám nghĩ đến điều này, dù chỉ là trong mơ. Nhưng kháng chiến đã hun đúc, tôi luyện con người yêu nước trong ông, từ một kỹ sư trẻ trở thành một Thiếu tướng quân đội với đầy đủ kinh nghiệm vững vàng về súng ống, vũ khí chỉ trong vòng hai năm trời. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta mang ý nghĩa lớn lao đến nhường nào.
Năm 1949, Trần Đại Nghĩa 36 tuổi, được giao đồng thời hai nhiệm vụ Cục trưởng cục Quân giới và Cục trưởng Cục Pháo binh. Ông đã góp phần quan trọng xây dựng lực lượng pháo binh để tham gia chiến dịch Biên giới năm 1950, sau đó là chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Thời kỳ này, việc đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ pháo binh là yêu cầu vô cùng cấp bách. Lúc đó, Bộ Tổng tham mưu thành lập ba Trung đoàn Pháo binh và đến năm 1952 thì thành lập Đại đoàn pháo binh. Đó là đơn vị pháo binh đầu tiên của quân đội ta, sau này tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và gây những tổn thất lớn cho quân địch.
Chống vũ khí hiện đại của Mỹ
Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, Trần Đại Nghĩa được phong danh hiệu Anh hùng lao động, một trong bảy Anh hùng lao động đầu tiên của nước ta. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Trần Đại Nghĩa được chuyển ra ngoài quân đội. Nhưng một thời gian sau, ông được trở lại để chế tạo vũ khí trong chiến tranh chống Mỹ.
Năm 1966, Bác Hồ đã nói với Quân uỷ Trung ương: "Kháng chiến chống Pháp tôi đem chú Nghĩa về nước là để chú ấy phục vụ cho Quốc phòng. Nay kháng chiến chống Mỹ cũng đang gặp nhiều khó khăn về mặt vũ khí, đạn dược, sao lại để chú ấy ngồi làm việc ở cơ quan bên ngoài, không gọi chú ấy về giúp cho Bộ Quốc phòng?" Sau đó, Trần Đại Nghĩa được gọi trở lại Bộ Quốc phòng, làm Phó Chủ nhiệm Tổng Cục hậu cần, phụ trách về kỹ thuật. Đó cũng chính là năm ông được bầu làm Viện sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, danh vị cao nhất của những người làm công tác khoa học.
Về lại với quân đội, Trần Đại Nghĩa vận dụng tất cả những kinh nghiệm quý báu tích luỹ được trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như các kinh nghiệm rất phong phú của thế giới sau Thế chiến 2. Cần nói thêm rằng, đến năm 1966, nước ta đã mạnh hơn nhiều so với năm 1946, có đội ngũ Quân giới mạnh sau 20 năm xây dựng, được Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em giúp đỡ nhiệt tình về vũ khí hiện đại và hậu cần. Nhưng về phía địch thì đế quốc Mỹ năm 1966 mạnh hơn Pháp năm 1946 nhiều lần.
Đối đầu với những vũ khí, khí tài hiện đại và phức tạp của Mỹ, lúc đầu ta phải cải tiến các vũ khí được viện trợ. Sau đó, phải phát triển nhiều loại vũ khí khác nhau để địch đối phó khó hơn. Tình hình chiến trường, chiến lược, chiến thuật của ta có nhiều điểm khác với các nước, bởi vậy việc sản xuất thêm vũ khí mới cho thích hợp là rất cần thiết, mặc dù việc cải tiến các vũ khí tài trợ cũng quan trọng không kém. Chẳng hạn, máy bay B52 của địch có tầm bay rất cao, ngoài tầm bắn của tên lửa SAM-2 do Liên Xô viện trợ và có sức oanh tạc ghê gớm. Ta phải phá chống nhiễu của B52 đối với SAM-2, phải nghiên cứu cải tiến để nâng độ bay cao của SAM-2. Nếu không cải tiến thì tên lửa này khó lòng tiêu diệt được mục tiêu.
Mỹ dùng đủ loại vũ khí mới với khối lượng khổng lồ. Những năm 1965 - 1966, đế quốc Mỹ bắt đầu oanh tạc đường 559 bằng vũ khí đa dạng như bom bi, bom laze, bom từ trường, cây nhiệt đới, tia hồng ngoại, máy đếm, máy thông tin... Kèm theo đó là các loại máy bay mà nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến B52. Ta làm thêm nhiều đường bí mật mới để tăng thêm khối lượng vận chuyển cho chiến trường miền Nam. Các đơn vị như Cục Quân giới, Viện Kỹ thuật quân sự, các quân chủng, binh chủng đều phải nghiên cứu về các loại vũ khí mới của địch.
Các nhà khoa học đã hướng dẫn cho các đơn vị nhiều biện pháp chống vũ khí, chẳng hạn bom từ trường, cách chống đơn giản nhất là dùng mảnh sắt buộc vào đầu dây, kéo qua chỗ có bom để phá. Cây nhiệt đới thì lấy dây buộc các cành lại làm chúng mất tác dụng. Bom laze thì đốt khói đánh lừa. Với mìn lá thì ta đối phó bằng cách đi theo những con đường mòn sẵn có, không có cỏ, có thể tránh được mìn. Khi phát hiện thì gom cành lá cây vun lại thành đống lá để người sau phát hiện được. Đặc biệt, với máy bay B52- loại pháo đài bay chiến lược của Mỹ, ta đã nghiên cứu và có những biện pháp đối phó hữu hiệu, như dùng cao xạ phòng không, cải tiến nâng tầm cao của tên lửa SAM-2...
Nhận định về những vũ khí, khí tài của Mỹ, Trần Đại Nghĩa cho rằng vũ khí cho dù có hiện đại đến mấy đi nữa thì vẫn có nhược điểm. Ta cần nghiên cứu, phát hiện và khoét sâu vào những nhược điểm và đó là biện pháp đối phó tích cực nhất. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Ngày lịch sử ấy, ông ghi vào sổ tay: "Nhiệm vụ của Bác giao cho chúng tôi và tập thể các nhà khoa học Việt Nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến đã được hoàn thành".
Đưa Phạm Tuân lên vũ trụ
Ngay sau khi miền Nam được giải phóng, tháng 5/1975 Chính phủ đã quyết định thành lập Viện Khoa học Việt Nam - Trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất cả nước về khoa học tự nhiên và một số ngành kỹ thuật. Viện sĩ Trần Đại Nghĩa lúc này là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được cử kiêm chức vụ Viện trưởng đầu tiên của Viện khoa học Việt Nam.
Ban lãnh đạo Viện phải gánh vác trách nhiệm nặng nề, xây dựng nền khoa học Việt Nam trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đất nước vừa trải qua hai cuộc chiến tranh, thiếu thốn đủ mọi đường, từ lực lượng cán bộ khoa học, cơ sở vật chất, kinh phí... Nhưng Giáo sư Trần Đại Nghĩa vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, đội ngũ nhà khoa học giỏi.
Năm 1979, có một sự kiện rất đáng nhớ: Viện được giao nhiệm vụ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô để thực hiên chương trình khoa học cho chuyến bay vào vũ trụ của nhà du hành Phạm Tuân vào giữa năm 1980. Viện sỹ Trần Đại Nghĩa cùng các đồng sự của ông đã có những chuẩn bị rất tích cực.
Vào lúc 1 giờ 33 phút 03 giây (giờ Hà Nội) ngày 24/7/1980, tại sân bay vũ trụ Bai-cô-nua (Liên Xô) tàu vũ trụ Liên hợp 37 do Gorơbatco và Phạm Tuân điều khiển đã phóng lên quỹ đạo. Tới 3 giờ 2 phút ngày 25/7/1980, tàu đã thực hiện thành công việc lắp ghép với tổ hợp qũy đạo "Salút 6". Khi bay lên vũ trụ, Pham Tuân mang theo Quốc huy Việt Nam, Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân dung hai Tổng Bí thư Đảng cộng sản: Brê-giơ-nép và Lê Duẩn, bản Tuyên ngôn độc lập của Bác, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nắm đất lấy từ quảng trường Ba Đình, nơi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà...
Những kỷ vật ấy đều gắn với lịch sử dân tộc, mang ý nghĩa rất lớn. Chuyến bay lên vũ trụ có ý nghĩa đặc biệt đối với nhân dân ta. Riêng với Viện khoa học Việt Nam và Viện sĩ Trần Đại Nghĩa thì ý nghĩa về mặt khoa học và chính trị càng to lớn.
Một tấm gương trí thức sáng ngời
Về già, giáo sư Trần Đại Nghĩa mới có dịp hồi tưởng lại những gì đã trải qua trong suốt cuộc đời ông. Ông mồ côi cha từ năm lên bảy. Tuổi thơ bất hạnh của người con duy nhất trong gia đình tạo cho ông sớm có nếp suy nghĩ tự lập. Từ trí óc non nớt, ông đã chấp nhận một cuộc sống cô đơn với đèn sách để mong có ngày đền đáp lại công đức của cha mẹ, người thân ruột thịt đã từng nuôi dạy giúp đỡ. Chính sự dồn nén, kiên nhẫn quyết tâm lâu ngày trở thành một tập quán trong sinh hoạt định hình của ông, đó là suốt ngày cặm cụi đọc tài liệu, ghi chép và suy tư.
Hình ảnh của Trần Đại Nghĩa lắng đọng sâu đậm nhất trong tâm trí mọi người là một con người nhân hậu, khiêm tốn, bình dị. Tấm lòng ông rộng mở với mọi người. Những người từng tiếp xúc với ông luôn thấy ở ông vẻ hiền lành bình dị rất đáng mến. Dù là một nhà khoa học uyên bác, một GS.VS nhưng ông luôn khiêm nhường. Ông luôn ca tụng hết lời những nhà khoa học khác như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Lê Văn Thiêm... và nhận phần yếu kém hơn về mình.
Nhà nước ta đã phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho GS Trần Đại Nghĩa về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (súng bazooka, súng SKZ, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954.
Năm 1966, ông được bầu làm Viện sỹ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
Những năm cuối đời, ông cùng gia đình trở về quê hương miền Nam, sinh sống tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã vĩnh biệt chúng ta vào chiều ngày 9/8/1997, song những thành quả mà ông để lại thực sự là những tài sản vô cùng to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta
Những công trình mang tên Trần Đại Nghĩa
Cuối tháng 8 năm 2007, Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội đã quyết định đặt tên của ông cho một con đường mới của thủ đô. Phố Trần Đại Nghĩa nối phố Lê Thanh Nghị với đường Đại Cồ Việt, song song với phố Tạ Quang Bửu và đi qua cổng phía đông của các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng. Đây là một ghi nhận của TP.Hà Nội với những công lao to lớn của ông cho ngành khoa học kỹ thuật và giáo dục Việt Nam. Tại TP Đà Nẵng cũng có con đường mang tên ông nối liền từ Núi Ngũ Hành Sơn (cuối đường Lê Văn Hiến) đến địa phận tỉnh Quảng Nam (đường vào Phố cổ Hội An. Hiện nay (năm 2009) con đường này đang được mở rộng 48m.
Trước đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đặt tên của ông cho một con đường tại quận Bình Tân, đi từ Quốc lộ 1 (gần vòng xoay An Lạc) vào khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Ngoài ra tên của ông còn được đặt cho một số trường học trên cả nước, trong đó có trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ở TPHCM.