Đề dẫn: Cứ như có điều gì thôi thúc từ trong sâu thẳm khiến em viết bài này. Viết cho mình. Viết cho những người đồng cảm... Có những nỗi niềm Thầy Cô muốn giấu mà em lại viết ra thế này thì thật là không phải. Kính mong Thầy Cô lượng thứ!
Cả nhà mình đều rất thích ra thăm thầy cô, nhất là Đầu đinh và Áo vàng. Vợ chồng mình yêu thương và kính trọng thầy cô như bố mẹ. Đầu đinh thì luôn gọi cô là bà ngoại. Nó bảo, bà cũng “đẹp lão”, hiền từ và hồn hậu giống hệt bà ngoại con ở Hải Phòng.
Còn nhớ như in ngày mình chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ cách đây hai mươi năm có lẻ, sau khi nhận bản nhận xét luận án từ thầy để làm hồ sơ bảo vệ, mình thủ sẵn chút quà biếu thầy. Thầy nắm tay mình âu yếm: “Thầy không nhận quà cáp gì từ em đâu. Luận án khá lắm. Thầy tin các thầy trong hội đồng sẽ ủng hộ em. Mày nghèo thế, lại lo trăm bè bẩy mối đừng bày vẽ quà cáp gì em nhé. Mang về thêm thắt vào mà lo cho anh, cho chị...”. Mình nén xúc động không khóc mà nước mắt cứ ứa mi mằn mặn...
Trao nhau âu yếm thương yêu.... |
Ngõ toàn những căn hộ kiểu biệt thự thiết kế từ thời thuộc Pháp, nhà nào cũng có một giàn tường vi tím hồng nở hoa bốn mùa bâng khuâng thơm mát.
Nhà thầy không rộng lắm, nhưng mọi thứ như được thiết kế để sao cho vừa vặn với mấy gian phòng. Ngăn nắp, thanh sạch và êm ấm.
Nhìn vào căn nhà biết chủ nhân là người lịch lãm và cẩn thận, chỉn chu.
Thì rõ là như thế.
Cô là người phụ nữ Hà Nội gốc. Cô đẹp một cách mặn mà, nhuần nhụy. Cô khéo léo và xởi lởi một cách chân thật. Bọn mình gọi cô xưng con, vì cả hai vợ chồng mình đều cảm nhận, cô đúng là một người thầy chỉ dạy về đường ăn nhẽ ở.
Gian nhà này do bố mẹ cô để lại. Thương con lấy chồng mà chẳng có chỗ chui ra chui vào nên bố mẹ nhường cho thầy cô phần nhà phố cổ mà ông bà đã gắn bó cả đời. Thời sinh viên, mình ở nhóm hướng dẫn thực tập sư phạm của thầy. Gian nhà cấp bốn ấm áp của thầy cô nhiều bữa trở thành tụ điểm để cả lũ “ nhất quỷ nhì ma” tụi mình thoả sức nấu ăn rồi nô đùa nghịch ngợm. Sau này, thầy cô góp nhặt chi chút rồi xây lên thành ngôi nhà 3 tầng xinh xắn. Việc xây xướng, lo vật tư, lo tiền bạc, lo điều phối thợ thuyền tất tật do cô đảm nhiệm...
Cô chăm sóc thầy thì có lẽ không có gì có thể tốt hơn. Thầy vốn nho nhã, ăn uống ít nhưng tinh, thức ăn phải lành, phải sạch. Để làm được điều đó quả là quá khó ở cái thời mà thực phẩm bẩn lên ngôi này. Nên cô phải lựa, phải cân đong đo đếm từng tí, từng li. Cô bảo ăn ở với nhau lâu, cô không cần đợi thầy phải nói, chỉ cần nhìn ánh mắt, cái nhíu mày của thầy là cô hiểu thầy muốn gì.
Thầy cô nương nhau từng chút, từng chút. Đến nhà thầy cô mình cảm nhận rõ câu: Vợ chồng tương kính như tân.
Nhìn cách cô sẽ sàng pha trà, đưa mời thầy và nở nụ cười ngọt, thấy cuộc sống sao mà quá đỗi ân cần, quá chừng dễ thương...
Nhưng buồn một nỗi, thầy cô không có con.
Không hiểu vì một lí do gì đó mà cô không thể có con.
Cả nhà mình đều hiểu. Chỉ âm thầm thương cô. Chỉ âm thầm tự đặt câu hỏi: Sao cuộc đời này lại bất công đến vậy! Những người tốt thế, hiền hậu nhân từ thế lại thường chịu nhiều thua thiệt. Trong khi vợ chồng mình thường ý nhị tránh nói chuyện con cái trước mặt cô thì cô lại yêu Đầu đinh nhà mình không thể tả. Lúc nào cũng ríu rít, các con ăn gì, thằng Nam thích ăn canh dưa, vài bữa nữa bà vào ở nhà chúng mày hẳn một tuần. Bà muối dưa rồi nấu cho mà ăn thoả thích...
Bẵng đi một dạo không ra thăm thầy cô, một lần cả nhà mình đến chơi, vẫn không khí ấm áp ấy, vẫn những cử chỉ cô dành cho thầy trân trọng, nâng niu nhưng không giấu nổi cảm giác có chút gì đó hơi gường gượng.
Tiễn vợ chồng mình ra đến cổng, đột nhiên cô ôm Áo vàng khóc nức nở: Con ơi, thầy có con với người phụ nữ khác rồi.
Mình và Áo vàng đứng sững, thổn thức bối rối không thốt nên lời.
Vai cô rung lên từng chặp, từng chặp... Rồi đột nhiên, cô lau nước mắt rất nhanh. Cô bảo, cô không muốn để thầy nhìn thấy cô khóc. Cô giục bọn mình ra xe về kẻo thầy ngồi trong nhà một mình lâu lại buồn.
Cả hai vợ chồng ra về với tâm trạng nặng trĩu. Vẫn biết đằng sau thầy là cả một họ tộc, thầy lại là con trai duy nhất của dòng họ nhưng việc thầy có con với người phụ nữ khác vẫn như một nỗi đau mà vợ chồng mình thấy có phần trách nhiệm sẻ chia gánh vác cùng cô.
Những lần sau, biết là bọn mình đã hiểu chuyện nên thầy thoải mái hơn. Tranh thủ những lúc cô ra ngoài, thầy kể chuyện về đứa con trai của mình. Thầy nói về nó bằng niềm hạnh phúc ngất ngây của người đàn ông đã nhiều tuổi giờ mới có được mụn con trai nối dõi. Nhưng kết thúc câu chuyện, bao giờ thầy cũng trầm ngâm: Thầy thương cô lắm. Nhưng thầy không có lựa chọn nào khác. Các em cố gắng động viên cô giúp thầy. Thầy không bao giờ bỏ cô đâu. Thầy chỉ cần đứa con trai thôi. Mắt thầy ầng ậng nước...
Chiều tái tê buông xuống những đợt gió thổi bàn bạt qua dãy tường vi tím hồng từng đợt buồn xào xạc...
Rồi mọi chuyện cũng qua. Cô cũng dần lấy lại được sự vui vẻ vốn có. Hễ cả nhà mình ra chơi là cô tíu tít chạy đi chạy lại, trong tủ lạnh có đồ gì cô mang ra hết để thết đãi.
Và bao giờ về, cô cũng đùm rúm cho khi thì ít bánh, khi thì ít trái cây, đồ ăn cô đã chế biến, như kiểu một bà mẹ lo cho các con cháu của mình.
Thầy cô đã bắt đầu không ngại ngần khi nói về “đứa con chung”. Thầy bảo, may mắn là nó rất yêu cô. Nó gọi cô là MẸ CẢ. Và mẹ cả thì thương nó vô cùng.
Có món gì ngon, mẹ cả cũng gửi vào cho nó...
Trời sang mùa, mẹ cả mua quần áo, khăn, tất...
Nó thích chơi đồ chơi gì, mẹ cả cũng tìm mua. Dù mẹ cả chưa từng có kinh nghiệm nuôi con nhỏ nhưng mẹ cả lại có sự thấu cảm từ trái tim người đàn bà yêu chồng tha thiết.
Thậm chí, tài sản vật chất lớn nhất của thầy là mảnh đất mà thầy được phân ở khu tập thể trong trường, cô cũng bàn với thầy xây nhà lên cho “đứa con chung” và mẹ nó ở. Một lần mình ra thăm, cô trầm ngâm: Con à, “mẹ nó” bán cái nhà thầy cô xây đi để mua chung cư ở rồi. Thôi cũng được con nhỉ, số tiền dư ra thêm cho thằng nhỏ ăn học cũng tốt... Mình chẳng biết nói gì chỉ biết ôm cô thật chặt trong niềm kính trọng vô ngần.
... Vậy nên, dù có những lúc va vấp, những lúc ngại ngần, tủi thân, có chút ghen tuông hiển nhiên của người quá yêu thương chồng, nhưng rồi cô vẫn sẵn lòng bước qua. Và cô sẵn sàng đi tiếp, sẵn sàng chia sớt cùng thầy những năm tháng đầy phức tạp bởi pha trộn những mối quan hệ nhiều khi phải nhẫn nhịn đến quên mình...
Rồi công việc cơ quan, việc gia đình quá bận rộn, bẵng đi một thời gian mình không ra thăm thầy cô. Nhưng trong cõi lòng sâu thẳm, mình luôn nghĩ đến thầy cô với tất cả sự trân trọng và niềm kính yêu khôn nguôi. Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa rồi mình và Áo vàng ghé thăm thầy cô.
Qua ô cửa nhỏ, thấy thầy ngồi bên bàn lặng phắc.
Hai vợ chồng bước vào nhà. Đột nhiên, mình cảm nhận thấy rất rõ sự khác lạ của không khí trong nhà. Không còn sự ấm cúng, đồ đạc cũng lộn xộn hơn nhiều. Trên tủ, mấy bó hoa héo rũ, buồn ngơ ngác. Mình buột miệng hỏi: Thầy ơi, cô đâu hả thầy?
Thầy không trả lời câu hỏi, lập cập đi pha trà, cái bàn tay bốc nhúm chè lật bật, run run.
Rồi thầy quay ra nhìn mình. Giờ thì hai vợ chồng mới để ý, mắt thầy thâm quầng, ầng ậng nước. Khuôn mặt nhăn nheo, già nua, hốc hác. Từ người đàn ông hào hoa, phong độ, lúc nào cũng tươm tất, chỉnh tề, giờ thầy xộc xệch và đau khổ. Thầy nhỏ nhẻ ngậm ngùi: Cô bị bệnh nặng lắm hai em à. Cô đang nằm điều trị ngoài bệnh viện.
Rồi thầy bật khóc. Hai hàng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo.
Thầy bảo, cả đời cô khổ quá, chưa kịp sướng ngày nào. Sao số phận hẩm hiu cứ đeo đuổi cô mãi thế. Cứ tưởng đến lúc có thể an hưởng tuổi già, khép lại quãng đời giông gió, thiệt thòi thì giờ lại đổ bệnh nan y.
Tội nhất là nằm trên giường bệnh nhưng cô lúc nào cũng lo lắng cho thầy.
Cô liên tục gọi điện nhắc thầy ăn uống, nhắc thầy nhớ mua sắm quà cáp, mang tiền nong cho “cô ấy” nuôi con.
Và thầy lại nức nở: Thầy chỉ mong cô sống thêm được dăm bảy năm nữa để thầy bù đắp cho cô. Hình như thầy chưa mang lại cho cô ngày nào thanh thản. Thầy cần dăm năm nữa để già đi cùng cô, để khi ấy ĐỨA CON CỦA THẦY CÔ cũng đã kịp trưởng thành...
Mình và Áo vàng nén tiếng nấc. Niềm thương nghẹn xiết ngang lòng.
Chẳng biết nói gì để an ủi. Chỉ biết ôm chặt thầy với tất cả thương yêu và xót xa.
Ra về mà lòng nặng trĩu. Đi qua bụi tường vi đầu ngõ tự nhiên trách hoa sao nở quá vô tình...
Từ câu chuyện của thầy cô, mình chợt lẩn mẩn nghĩ miên man: Để tồn tại trong cái cuộc sống quá nhiều bất trắc này thì phản xạ tốt nhất là cần có được sự an yên bình tĩnh tự tâm.
Để đừng trì hoãn điều mình muốn làm.
ĐỂ TRAO TẶNG NGƯỜI MÌNH THƯƠNG YÊU TỐI ĐA NHỮNG CƠ HỘI HỌ ĐƯỢC SỐNG THEO CÁCH MÀ HỌ THẤY HẠNH PHÚC. Và để cẩn trọng, nương niu, tận tụy hết lòng với những gì mình đang có...
Dẫu đã trao cho nhau rất nhiều âu yếm thương yêu, rất nhiều sự tôn kính thì đâu đó giữa thầy và cô vẫn có một khoảng cách dường như vô hình mà lại rất hiện hữu.
Mãi mãi cô không cắt nghĩa nổi, sao đã yêu thương dường ấy mà thầy không thể sóng đôi bước tiếp cùng cô mà vẫn cần phải có một đứa con trai, như đúng những điều mà họ tộc thầy khát khao mong muốn.
Mãi mãi thầy cũng không thể biết, cô đã bao đêm khóc thầm, bao đêm rơi đẫm lệ vì nỗi đau của người bị “chung chồng”.
Giờ cả hai hiểu ra thì dường như đã là... hơi muộn.
Mình đứng dưới vòm cây, nghe tiếng chim sẻ dìu dặt gọi nhau về tổ, thấy lòng chơi vơi chống chếnh quá. Mình chỉ cầu mong ước nguyện của thầy thành sự thực: Cô được sống thêm chừng dăm bảy năm nữa.
Chim còn có đôi...
Nỡ nào...
Nguồn Ở đây/blogcamxuc.net