Thứ Năm

Tuyên Quang: Người đàn ông 38 tuổi tử vong vì bị loài ấu trùng bé bằng đầu kim đốt!

Người đàn ông bị sốt cao, đau đầu, nôn…Sau tự điều trị ở nhà không khỏi, bệnh nhân chuyển đến viện thì đã ở tình trạng suy đa tạng và không qua khỏi, dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa.

Liên tiếp bệnh nhân nhập viện vì sốt mò

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận 2 ca nhập viện vì sốt mò. Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Nông Văn D., 38 tuổi (trú tại Chân Sơn, Yên Sơn, Tuyên Quang) nhập viện ngày 24/10 trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn. Bệnh nhân đã tự điều trị hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ, bệnh trở nặng nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để khám và điều trị.
Vết mò đốt ở vai bệnh nhân Nông Văn D. Ảnh: BV Tuyên Quang.
Tại đây, các bác sỹ thăm khám thấy bệnh nhân có 1 nốt mò đốt ở vai và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng đã bị suy đa tạng. Mặc dù đã được các bác sỹ tích cực cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi.

Mới đây nhất, ngày 29/10 bệnh viện này tiếp nhận bệnh nhân Đặng Văn T., 40 tuổi, ở Minh Hương, Hàm Yên, Tuyên Quang. Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, trước khi nhập viện bệnh nhân T. đi rừng, bị côn trùng đốt 1 nốt vào vùng bẹn, vết đốt ngứa, tấy đỏ và sưng đau hạch.

Bệnh nhân bị sốt cao kèm đau đầu nhiều, buồn nôn, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Yên để điều trị trong 3 ngày, sau đó được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

BSCKI Nguyễn Tiến Quân, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, qua thăm khám bệnh nhân T., phát hiện bệnh nhân có 1 nốt mò đốt ở vùng bẹn và các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân đã bị tổn thương gan cấp, tràn dịch đa màng...

Ngay sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị sốt mò, các bác sỹ đã dùng các thuốc kháng sinh đặc hiệu để điều trị cho bệnh nhân T. Hiện tại, bệnh nhân đã đỡ đau đầu, giảm sốt, tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Cảnh giác với những nốt nhỏ trên da

Cảnh báo về căn bệnh sốt mò, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp (Phó trưởng khoa Phụ trách Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, sốt mò là sốt phát ban truyền nhiễm do virus Rickettsia tsuisugamushi có trong mò gây ra. Loại mò này thường đốt bệnh nhân 1 nốt ở những chỗ kín, khó phát hiện như nách, ngực, bẹn, kẽ hậu môn... Diễn tiến của bệnh thay đổi từ những thể nhẹ đến những trường hợp nặng, do tổn thương nhiều cơ quan, thậm chí có thể gây tử vong nếu phát hiện và điều trị không kịp thời.

Vết đốt có viêm tấy đỏ, đau, ngứa và khó chịu. Cuối cùng bọc nước vỡ ra để lại một vết loét đặc hiệu có giá trị trong chẩn đoán bệnh. Ấu trùng mò chỉ ký sinh ở vật chủ một lần, nó chích hút máu cho no mới rời khỏi vật chủ.

Để phòng bệnh sốt mò, các bác sĩ khuyến cáo, nếu bị các nốt đốt lạ và sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sỹ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Lê Phương/ Khampha.vn