5 đặc tính nổi bật của người Nhật mà người Việt có thể học hỏi.
Ông Nguyễn Phú Bình – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, bằng ý chí, đặc biệt là bằng giáo dục, nước Nhật đã phát triển nguồn nhân lực. Bằng nguồn nhân lực đó, chỉ 17 năm, Nhật Bản đã trở thành cường quốc thứ 2 trên thế giới.“Họ đi lên bằng nguồn nhân lực. Việt Nam có thể học tập điều này”, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói.
Theo ông Bình, có 5 đặc tính nổi bật của người Nhật mà người Việt có thể học hỏi.
0,01 USD tiền thừa cũng trả lại
Điều nổi lên nhất ở người Nhật là sự trung thực. Bạn có thể vào một cửa hàng Nhật Bản mua một món đồ giá 99 yen chẳng hạn (100 yen có giá trị gần bằng 1 USD). Với một món tiền thừa khá nhỏ, có thể bạn sẽ không đứng lại chờ người bán hàng trả tiền thừa mà đi luôn.Nhưng ở Nhật Bản, lập tức họ sẽ cầm 1 yen ngơ ngác chạy tìm bạn trả bằng được, mặc dù giá trị 1 yen cực nhỏ, chỉ tương đương 0,01 USD.
“Đó là sự thật thà mà người Việt phải học tập. Chúng ta đi taxi, nếu thừa vài nghìn đồng tiền lẻ thường người đi taxi cũng không giục người kia trả tiền thừa, và người lái taxi cũng lờ đi. Đấy là điều rất không hay! Dù 1 yen cũng là tài sản”, ông Bình nói.
Ý thức cộng đồng rất cao, ngay cả trong thảm họa
Trong trận động đất năm 2011, nhiều người tại Đại sứ quán Việt Nam có con em học tại Nhật Bản khi ấy rất lo lắng. Họ chạy đến trường thì được thông báo con em họ đã được đưa ra ngoài công viên – nơi an toàn, không có nhà cửa hay công trình lớn.Người Nhật xếp hàng để nhận viện trợ của lực lượng phòng vệ tại thị trấn Mashiki hôm 15/4/2016. Ảnh: AFP. |
Cần bao nhiêu lấy bấy nhiêu, không tranh thủ lấy đồ cứu trợ đem bán
Cũng trong trận động đất năm đó, lương thực, thực phẩm cung cấp bị gián đoạn trong một thời gian. Các cửa hàng bán ít đi, nhưng chủ cửa hàng rất tế nhị không kêu gọi mọi người giảm lượng mua hàng. Họ chỉ thay xe đẩy mua hàng dạng to bằng làn nhựa nhỏ hơn.Mỗi người dân Nhật đều ý thức được điều này và mua ít đi, không ai lấy nhiều.
Ngay với các mặt hàng cứu trợ, khi Việt Nam gửi hàng cứu trợ sang thì người Nhật gửi lại ảnh để cho chúng ta thấy hàng đã đến nơi và những người gặp nạn đã nhận được hàng hóa.
“Chúng tôi rất cảm động vì chúng ta gửi sang khăn mặt, đồ lót, bít tất, người Nhật xếp gọn trong lều bạt trắng, người nào cần gì thì đến lấy mang về. Không hề có cảnh cầm về cho người nhà, hay tranh thủ lấy thật nhiều để đem về bán”, ông Bình kể lại.
Từ đứa trẻ 3 – 4 tuổi cũng biết tuân thủ kỷ cương
Ở Nhật Bản, từ đứa trẻ con cũng tuân thủ kỷ cương.“Chúng ta rất xấu hổ khi đường cao tốc ở Việt Nam mới mở ra đã có tình trạng trẻ em ném đá. Một đứa bé trong xã hội ta đã lêu lổng không ý thức. Còn ở Nhật Bản, các cháu 3 - 4 tuổi, trong mẫu giáo, nhiều cháu chưa nói sõi nhưng người ta đã dạy từ bé để có ý thức cộng đồng và kỷ cương xã hội”, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản kể lại.
Trong công việc, người Việt chỉ làm nửa vời, người Nhật luôn hô hào cải tiến
Người Việt Nam luôn được bạn bè Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới đánh giá cao sự nhanh nhạy, nhưng điểm yếu so với các bạn Nhật Bản là tính làm việc nửa vời, làm đến mức độ nào là thấy “tàm tạm” là được.Còn người Nhật luôn làm đến cùng. Họ không bao giờ bằng lòng với kết quả đạt được, hoặc chỉ tạm bằng lòng tại thời điểm nào đấy.
“Người Nhật luôn có từ cửa miệng là Kaizen (Cải tiến). Lúc nào cũng nghĩ đến chuyện ngày mai phải làm tốt hơn. Còn người Việt làm thấy yên tâm là được, thậm chí có sản phẩm Việt mà 10 - 15 năm trước giờ mẫu mã và chất lượng vẫn thế”.
“Chúng ta tự bằng lòng với bản thân rằng chúng ta chỉ làm được thế. Nếu học được một phần ý thức của các bạn Nhật Bản, chúng ta sẽ thấy chúng ta còn phát triển hơn nữa”, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhắn nhủ.
Bảo Bảo/ Theo Trí Thức Trẻ