Vì sao lại có sự ưu ái, “hi sinh” vì người khác lớn như vậy? Câu trả lời chỉ có Trịnh Xuân Thanh và nguyên Bộ trưởng Hoàng biết chính xác. Thế nhưng Trịnh Xuân Thanh thì đã “cao chạy, xa bay” còn nguyên Bộ trưởng Hoàng thì, tất nhiên là… im lặng.
Xung quanh vụ việc nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện vẫn còn không ít câu hỏi đặt ra chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Ví như hàng ngàn ý kiến (comment) gửi về Dân trí và nhiều đại biểu Quốc hội cũng như tướng lĩnh đề nghị hình thức kỉ luật thích đáng đối với vị cựu Bộ trưởng này.
Vì sao Trịnh Xuân Thanh được nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng… 'o bế'? |
Rồi các câu hỏi như dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Công Thương có 5 đại dự án quy mô 30.000 tỷ đồng nay đều trong tình trạng thua lỗ nặng nề, nguy cơ phá sản. Về vấn đề này, ĐB Đặng Thuần Phong cho rằng, cần phải mạnh dạn xử lý nghiêm và quy trách nhiệm đối với những người dẫn tới thua lỗ, đặc biệt là phải đặt vấn đề về bồi thường Nhà nước khi mà vốn Nhà nước đổ vào các dự án này chính là tiền thuế của dân.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí, vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội này còn cho rằng: “Ở góc độ nào đó, nếu không quy trách nhiệm đến nơi đến chốn thì sẽ có lỗi với dân” và việc nhập khẩu “rác” về rồi đội giá thành “là một nỗi đau của dân tộc”.
“Tôi lấy ví dụ như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Đạm Ninh Bình… đưa công nghệ lạc hậu vào, tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của, đội vốn nhưng rồi lại hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn, đến lúc đó lại kêu gọi Chính phủ cứu trợ, kêu gọi Quốc hội tính toán phân bổ về mặt ngân sách. Một sự lãng phí quá lớn!
Trong vấn đề này cần phải quy trách nhiệm và xử lý. Đến thời buổi này mà còn đi nhập công nghệ “rác” về rồi đội giá thành lên như thế, không mang lại hiệu quả gì. Đó thực sự là một nỗi đau của dân tộc!”. ĐB Phong nói.
Song, có một câu hỏi mà cho đến nay, vẫn là một “bí ẩn”, đó là xung quanh việc “o bế” Trịnh Xuân Thanh của cựu Bộ trưởng Hoàng.
Trong số 4 khuyết điểm được Ủy ban Kiểm tra nhắc đến, ngoài một nguyên nhân là biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai, ba khuyết điểm còn lại đều liên quan đến nhân vật Trịnh Xuân Thanh.
Việc thứ nhất là cho chủ trương tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh giữ chức các chức vụ Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng; Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
Việc thứ hai, mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang đưa Trịnh Xuân Thanh về để bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Việc thứ ba, chỉ đạo đánh giá, quy hoạch, đề nghị phê duyệt quy hoạch thứ trưởng đối với Trịnh Xuân Thanh không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn.
Vì sao lại có sự ưu ái, “hi sinh” vì người khác lớn như vậy? Câu trả lời chỉ có Trịnh Xuân Thanh và nguyên Bộ trưởng Hoàng biết chính xác.
Thế nhưng Trịnh Xuân Thanh thì đã “cao chạy, xa bay” còn nguyên Bộ trưởng Hoàng thì, tất nhiên là… im lặng.
Song, ở đời không có gì không có lý do của nó. Người xưa có câu: “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, “Có đi có lại mới toại lòng nhau”, chẳng ai cho không ai cái gì bởi như ngạn ngữ Phương Tây: “Miếng pho-mat cho không chỉ nằm trong… bẫy chuột”.
Vì thế, ĐB Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam không phải không có lý khi cho rằng “Phải khởi tố, điều tra mới có có cơ sở pháp luật xem xét cụ thể trách nhiệm, còn nếu chỉ dừng ở những vấn đề chung, tôi không hài lòng”.
Nguồn Dantri.com.vn