Ernesto Che Guevara sinh ra và lớn lên tại Argentina. Nhưng lý tưởng cách mạng đã dẫn anh đến gắn bó cùng Fidel Castro và cách mạng Cuba trong cuộc đấu tranh vũ trang cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước Cuba XHCN. Năm 1967, Che hy sinh khi đang lãnh đạo phong trào du kích tại Bolivia khi mới 39 tuổi. Và từ đó, Che đã trở thành một huyền thoại bất tử, biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quốc tế ngời sáng, cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Bên cạnh đó, Che còn được biết đến như là một người có nhân cách sống vẹn toàn, một người đàn ông bản lĩnh và hào hoa, một người bạn chân chính, một người nghiêm khắc và gương mẫu trong chiến đấu và lao động nhưng cũng là một người sống rất tình cảm …
Che Guevara người anh hùng bị CIA thủ tiêu thi thể phi tang tội ác... |
Che, tên đầy đủ là Ernesto Guevara de la Serna, sinh năm 1928 tại thành phố Rosario, Argentina trong một gia đình trung lưu thành thị. Trong dòng máu của anh có sự hòa trộn của những tổ tiên gốc gác người Tây Ban Nha, người Ireland và người Argentina. Các cụ tổ của Che đã di cư từ châu Âu sang từ thời kỳ xâm chiếm và khai phá thuộc địa của thực dân Tây Ban Nha, trải qua nhiều thế hệ định cư và làm ăn tại Argentina. Cả bên nội và bên ngoại của Che, trong những giai đoạn lịch sử của Argentina đều có những nhân vật có thế lực về chính trị và kinh tế, và cũng có những người mang trong mình dòng máu ưa phiêu lưu mạo hiểm khám phá.
Bản thân Che thường không chú ý đến phả hệ dòng họ nhà mình, nhưng sau khi cách mạng Cuba thành công và Che trở nên nổi tiếng thì vấn đề này cũng hay được nhắc đến, nhất là đối với báo chí nước ngoài, vì họ tò mò về một “sỹ quan nước ngoài” đang giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội và chính quyền cách mạng Cuba.
Năm 1964, có một người ở Casablanca tên là Maria Rosario Guevara có gửi thư cho Che, hỏi rằng dòng họ Guevara của anh bắt nguồn từ đâu. Che đã viết thư trả lời rằng: “Thưa bà! Thành thật mà nói thì tôi cũng không biết đích xác tổ tiên của tôi đã từ miền nào của Tây Ban Nha đến đây. Họ đã rời nơi chôn rau cắt rốn của mình từ rất lâu rồi… Tôi không nghĩ rằng bà và tôi là những người có họ hàng gần với nhau, nhưng nếu bà có thể run người lên vì phẫn nộ mỗi khi có sự bất công xảy ra trên thế giới này, thì tôi với bà là đồng chí của nhau, mà điều đó thì quan trọng hơn rất nhiều.”
Chính từ bức thư này đã xuất hiện câu nói “Khi bạn tức giận run người trước những bất công thì bạn là đồng chí của tôi” mà ngày nay người ta vẫn thường trích và chú thích như là một trong những câu nói nổi tiếng của Che.
Cũng sau chiến thắng của cách mạng Cuba, có người đã hỏi Che rằng anh đối với cái tên mới (-El Che) của mình như thế nào, Che đã trả lời: “Đối với tôi, “Che” có nghĩa là cái quan trọng nhất, quý báu nhất trong đời mình. Khác nữa thì không thể có. Tên và họ của tôi chỉ là một cái gì đó nhỏ bé, riêng tư, không đáng kể.
Bức ảnh nổi tiếng được chụp tại ngôi làng La Higuera trưa ngày 9/10/1967, là bức ảnh cuối cùng chụp Che khi còn sống - đứng bên phải Che là nhân viên CIA Felix Rodriguez. |
Từ “che” (- đọc là /chê/) có nguồn gốc từ ngôn ngữ Guarani của người da đỏ, là một thán từ được dùng phổ biến ở Argentina, Uruguay. Tùy theo giọng nói và cách nói, thán từ “che” biểu lộ các thái độ tình cảm như: ngạc nhiên, thích thú, trìu mến, đồng tình hay phản đối …, cũng có thể được hiểu tương tự như “Hey you!” của tiếng Anh.
Cuối năm 1953, khi đó Che vẫn gọi là Ernesto, trên hành trình xuyên châu Mỹ của mình, đã đến Goatemala. Tại đây, anh đã lần đầu tiên tiếp xúc với một số chiến sỹ cách mạng Cuba vừa trốn thoát khỏi sự truy lùng của chính quyền Batista sau khi tham gia trận tấn công pháo đài Moncada. Trong số đó, có Antonio “Nico” Lopez Fernandez và họ nhanh chóng trở nên thân thiết. Chính Nico Lopez đã đặt cho Ernesto biệt danh “El Che Argentino” vì thói quen sử dụng từ “che” của anh. Nico Lopez cũng chính là người đã giới thiệu Che với Raul và Fidel Castro để rồi đó là điểm bắt đầu cho một tình bạn, tình đồng chí thắm thiết và cảm động kéo dài mãi về sau. Nico Lopez là một trong 82 người có mặt trên con tàu Granma đổ bộ về Cuba để phát động khởi nghĩa cùng với Fidel, Che, Raul … nhưng đã hy sinh ngay sau khi đổ bộ trong trận chiến đấu đầu tiên với quân Batista trên cánh đồng mía vùng Alegria de Pio.
Sau chiến thắng, khi chính phủ phát hành những đồng tiền cách mạng đầu tiên, Che với tư cách là Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Cuba đã ký tên trên những tờ giấy bạc mới phát hành ấy bằng cái tên Che do những đồng đội Cuba đặt cho anh.
2. Những câu chuyện về thời kỳ lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội
Sau ngày cách mạng Cuba thành công (1/1959), Che được chính phủ Cuba ra sắc lệnh, công nhận “có quốc tịch Cuba từ lúc mới sinh” vì những cống hiến xuất sắc trong cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Cuba. Nhiệm vụ đầu tiên sau chiến thắng của Che, khi đó đang mang hàm Tư lệnh (- Comandante, cấp bậc cao nhất trong quân đội cách mạng), là phụ trách việc xét xử các tên tay sai, mật vụ, ác ôn của chính quyền Batista có nhiều nợ máu với cách mạng và nhân dân. Sau đó, Che được giao phụ trách viện cải cách ruộng đất quốc gia, tiến hành công tác cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa những đồn điền mía đường, hoa quả của các công ty tư bản Mỹ và bọn địa chủ bản xứ. Sau đó, Che còn được giao nhiều trọng trách trong công tác tổ chức các lực lượng vũ trang cách mạng, rồi Bộ trưởng Bộ công nghiệp… Nhưng có một nhiệm vụ mà Che được giao thường được anh kể lại như một giai thoại. Điều này cũng được chủ tịch Fidel Castro kể lại trong bộ phim tài liệu về Che của kênh truyền hình Discovery thực hiện năm 1995.
Cuối năm 1959, do có âm mưu bạo loạn phản cách mạng, Huber Matos, nguyên là tư lệnh quân khu Camaguey, cùng các đồng sự bị bắt giữ và đưa ra xét xử, trong đó có Fellipe Pazos lúc đó là Thống đốc Ngân hàng quốc gia Cuba. Trong một cuộc họp của chính phủ quyết định thay thế vị trí của Pazos, Fidel có nói với các đồng chí của mình rằng những gì anh âý cần là một nhà kinh tế. Fidel đã rất ngạc nhiên khi thấy Che giơ tay: “Nhưng Che, tôi không biết anh là một nhà kinh tế đấy. Anh là một nhà kinh tế từ bao giờ vậy?” Lúc đó, Che mới đáp: “ồ, tôi tưởng anh nói là cần một người cộng sản…”. “Thế là tôi được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng.” Che kể lại với vẻ hóm hỉnh. Sở dĩ có chuyện như vậy là trong tiếng Tây Ban Nha, từ nhà kinh tế – economista phát âm gần giống như từ người cộng sản – communista. Giai thoại này cũng có ý nghĩa riêng, nó thể hiện quan điểm của Che về việc một người cách mạng cần phải phấn đấu làm tốt nhiệm vụ cho dù ở vị trí hay công việc nào. Anh cho rằng mặc dù mình không phải là một chuyên gia về kinh tế, nhưng sẽ công tác theo sự cần thiết cho cách mạng. Bản thân Che vốn coi “tiền là biểu hiện cho cái ác từ cổ xưa”, và anh cũng cho rằng nền tài chính và ngân hàng phải phục vụ lợi ích của nhân dân chứ không phải là công cụ bóc lột của giai cấp tư sản.
Cũng trong thời gian làm Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, Che đã cho dừng chương trình xây dựng tòa nhà ngân hàng 32 tầng vốn đã được chính quyền Batista thiết kế xong nhưng chưa kịp xây dựng, vì cho rằng đó là một sự lãng phí không cần thiết. Thay vào đó, tại khu đất dự định xây tòa nhà ngân hàng đó, Che và Fidel đã cho xây dựng một bệnh viện mới.
Trong thời gian đầu xây dựng chính quyền và xã hội mới ở Cuba, đã có rất nhiều câu chuyện về những đức tính “cần kiệm liêm chính”, sự nghiêm khắc và gương mẫu của Che. Bởi Che cho rằng người cách mạng cộng sản, nhất là những người lãnh đạo, phải là một người có đức tính giản dị , không vụ lợi. Trong vấn đề đó, Che không cho phép một sự nhượng bộ nào.
Ngoài lương cơ bản của một sỹ quan quân đội cách mạng, khi đảm nhận các chức vụ khác (như Thống đốc Ngân hàng, hay Bộ trưởng …) Che không nhận thêm chế độ lương của các chức vụ đó. Những nhuận bút của những bài báo hay tác phẩm được xuất bản trong nước hay ở nước ngoài, Che cũng thường chuyển cho các tổ chức xã hội ở Cuba hay ở nước ngoài. Khi đi công tác nước ngoài, mặc dù là người đại diện chính phủ Cuba cao nhất, nhưng Che cũng chỉ nhận chế độ công tác phí như các chiến sỹ bảo vệ hay cấp dưỡng của đoàn. Ngoài ra, Che là người cổ vũ mạnh mẽ và cũng rất gương mẫu, đi đầu thực hiện phong trào lao động tình nguyện, ngày thứ Bảy cộng sản, coi đó là một môi trường rèn luyện và là động lực xây dựng đất nước. Cứ thứ bảy, chủ nhật, là cả nhà Che lại hăng hái đi về các nông trường tham gia chặt mía, hay lao động trên các công trường xây dựng bệnh viện, trường học… Che không nhận bất cứ khoản tiền thưởng nào do thành tích lao động này, hoặc các khoản thù lao cho những bài nói chuyện tại các trường đại học hay ở nước ngoài . Có lẽ, Che luôn thực hiện theo lời của Jose Marti, người sinh thành nền độc lập của Cuba: “Hình thức tốt nhất của lời nói chính là việc làm”.
Cũng từ sau khi cách mạng thành công, ở Cuba bắt đầu thực hiện chế độ tem phiếu thực phẩm (-và vẫn thực hiện cho đến ngày nay). Có một lần, tại văn phòng của Che, những người dưới quyền Che đã tranh luận về số thực phẩm mỗi gia đình nhận được, một số phàn nàn về sự ít ỏi đó. Che không đồng ý, và dẫn chứng là gia đình anh không cảm thấy thiếu thực phẩm. Một ai đó đã nói: “Đồng chí là thủ trưởng, hẳn là đồng chí nhận được phần thực phẩm trội hơn.”
Che bực lắm. Thế rồi, hôm sau, Che báo lại cho các đồng nghiệp ở cơ quan: “Tôi đã kiểm tra. Quả là gia đình tôi đã nhận được phần thực phẩm trội hơn. Bây giờ thì cái trò bậy bạ ấy đã chấm dứt rồi”
Ngày nay, chúng ta nghe câu chuyện này có thể cho đó là tư tưởng “quá tả” hay là “bình quân chủ nghĩa” nhưng điều đó phản ánh nguyện vọng của Che, cũng như của Fidel và những đồng chí của họ, là chứng tỏ với nhân dân rằng phục vụ nhân dân là nghĩa vụ cách mạng, và không vì thế mà có những đặc quyền đặc lợi.
Sau này, khi rời Cuba đi chiến đấu, trong bức thư tạm biệt đầy xúc động gửi cho Fidel, những dòng cuối cùng Che đã viết: “Tôi không ân hận vì đã không để lại tài sản gì cho vợ con tôi. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó. Tôi không yêu cầu gì cho họ, vì tôi biết nhà nước sẽ chu cấp cho họ được sống và học hành đầy đủ…”
Che cũng nổi tiếng là người nghiêm khắc, đặc biệt là với những cộng sự trẻ tuổi được anh chọn lựa, bồi dưỡng và dìu dắt trong suốt cuộc chiến tranh du kích và quá trình xây dựng chính quyền. Họ đều trưởng thành, kể cả khi Che đã hy sinh thì họ đều là những người tiếp tục thực hiện con đường của Che. Người cộng sự thân cận nhất của Che là Orlando Borrego, sau này được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ mía đường khi mới 27 tuổi, có kể lại một câu chuyện về sự nghiêm khắc của Che đối với anh.
Sau khi cách mạng thắng lợi, giai cấp tư sản – địa chủ là những tầng lớp thượng lưu giàu có của Cuba đã bỏ chạy ra nước ngoài, họ để lại nhiều biệt thự, ô-tô, sau đó chính quyền cách mạng đã tịch thu sung công quỹ. Đối với số ô-tô, một số Bộ, cơ quan nhà nước đã phân cho cán bộ của họ sử dụng. Orlando cũng có một cái xe rất ‘xịn”. Số là, trong một lần về làm việc tại một nhà máy sản xuất xì-gà, người quản lý ở đó có chỉ vào một chiếc xe thể thao mui trần đã bị tên chủ đồn điền bỏ lại, và đề xuất với Orlando có thể lấy về dùng, vì vẫn để nằm không từ đó đến nay vì loại xe này rất khó lái. Orlando cảm thấy thích ngay chiếc xe, và thường ngồi sau tay lái chạy quanh đây đó trong hơn một tuần sau đó, cho đến một hôm anh ấy lái chiếc xe vào ga-ra nơi anh ấy và Che thường đỗ xe, và Che phát hiện ra. Che đi về phía Orlando và giận dữ: “Cậu đúng là một tên ma cô!” Che chỉ chiếc xe và hỏi Orlando có nghĩ là mình đang làm gì khi đi khắp nơi với chiếc xe như thế. Nó là một cái xe “ăn chơi đàng điếm”, phô trương, và không một ai là “đại diện của nhân dân” lại lái nó. Orlando lo lắm, vội nói với Che là anh ấy sẽ trả lại xe về như cũ. “Tốt.” – Che nói, “tôi cho cậu 2 tiếng để làm việc đó.”
Sau đó, tại cơ quan, Che nói với Orlando Borrego rằng anh ấy nên lái một chiếc xe khiêm tốn như của Che, chiếc Chevy Impala cũ kỹ màu xanh. Sau đó, Orlando đã nhận một chiếc xe y hệt của thủ trưởng mình, chỉ khác một điểm là nó có 2 màu xanh-trắng, và anh đã lái chiếc xe đó trong 12 năm tiếp theo. “Che là một người cực kỳ nghiêm khắc …” Orlando nhớ lại, “… như Chúa Jesus vậy.” Mấy năm sau, lúc đang chiến đấu ở Bolivia, khi kể với một du kích khác về Orlando Borrego, Che đã nói: “Anh ấy giống hệt tôi, chỉ khác là anh ấy không bị bệnh hen thôi” (-Che bị bệnh hen từ nhỏ) như là một biểu hiện cho tình cảm và sự đánh giá cao với người cộng sự trẻ tuổi của mình.
3. Những câu chuyện về tính cách nhân hậu của Che
Che cải trang trên đường xâm nhập vào Bolivia để bắt đầu chiến dịch du kích của mình. |
Những việc tương tự cũng diễn ra khi Che chiến đấu ở Congo và Bolivia sau này. Còn đối với chiến sỹ và những đồng chí của mình bị hy sinh, Che thường rất đau xót và xúc động. Một du kích đã kể lại: “Khi người ta báo cho Che biết tin Ciro Redondo bị giết, như có một điều gì khủng khiếp xảy ra với anh ấy. Tôi không nghĩ rằng Che có thể khóc, nhưng lúc đó, nỗi đau đớn quá lớn, Che dựa vào tảng đá, hai tay bưng lấy mặt và cứ thế nức nở một cách đau xót”. Ciro Redondo là một chỉ huy xuất sắc của quân khởi nghĩa, đồng thời là một người bạn, một người đồng chí thân thiết của Che.
Cũng trong thời kỳ chiến tranh du kích ở chiến khu Sierra Maestra, có một câu chuyện được Che ghi lại trong Nhật ký Sierra Maestra của mình. Đó là một lần quân đội Batista càn quét khu căn cứ nhằm tiêu diệt quân khởi nghĩa. Với quân số và vũ khí ít hơn, đội quân của Che thường dùng cách đánh du kích để chống càn và tổ chức những trận phục kích tiêu diệt quân địch. Đội du kích của Che có một chú chó săn con, bị buộc ở lều nhưng dứt đứt dây chạy theo các chiến sỹ du kích. Khi đội du kích tiến hành ẩn nấp và tổ chức phục kích tại một hẻm núi, trong khi quân địch đang tiến tới, chú chó con mắc vào bụi gai và sủa ầm ĩ. Che phải ra lệnh cho một chiến sỹ “không được để cho nó sủa nữa” để giữ bí mật và đảm bảo an toàn cho đội du kích. Trong Nhật ký của mình, Che đã mô tả về nỗi buồn hết sức nặng nề và cảm thấy có lỗi với việc này: “Nỗi xúc động trào dâng trong lòng tất cả chúng tôi. Chú chó con bị giết như đang nhìn chúng tôi qua cặp mắt hiền lành, và trong đó có thể đọc thấy sự trách móc.”
Sau này, Che có viết một truyện ngắn có tựa đề “Chú chó con bị giết” đăng trên báo. Năm 1963, tập Nhật ký Sierra Maestra của Che được chính phủ Cuba biên tập và xuất bản thành tập sách lịch sử “Những mẩu chuyện chiến tranh cách mạng”.
Che, có thể coi là một người “khắc kỷ” với bản thân mình, nhưng sâu trong con người anh là một tâm hồn rất lãng mạn, và chứa chan tình cảm dành cho đồng chí, bạn bè, vợ con, và rộng hơn là cho những người bị áp bức bóc lột mà anh đã gặp trên những chặng đường cách mạng của mình. Có một câu chuyện đầy xúc động được người vợ của anh, Aleida March kể lại.
Khi Che bí mật rời Cuba đi chiến đấu, ngoài Fidel và vợ anh, chỉ có một vài người thân cận được biết việc này. Che thay đổi hình dạng, và cải trang với một hộ chiếu giả để che mắt các cơ quan tình báo nước ngoài. Trước khi Che lên đường, mấy ngày cuối cùng là khoảng thời gian xúc động với mọi người, nhưng đáng nhớ và xúc động nhất là buổi gặp gỡ cuối cùng của Che với Aleida và các con, khi họ được đưa đến căn cứ huấn luyện bí mật để gặp Che. Che lúc này vẫn cải trang chứ không phải như là người cha mà lũ trẻ thường thấy, anh được giới thiệu là “chú Ramon”. Anh nói với lũ trẻ là anh mang theo một tin của cha chúng – người đã đi vắng một thời gian dài, rằng anh mới gặp cha chúng gần đây, và có nhờ anh chuyển quà cho từng đứa. Họ ăn trưa cùng với nhau, với ‘chú Ramon” ngồi ở đầu bàn ăn, giống như “ba Che” vẫn thường ngồi.
Điều lớn nhất mà Che có thể làm với các con của mình là bảo từng đứa hãy hôn anh một cái “để chú chuyển cho ba Che của các cháu”. Khi ấy, cô con gái 5 tuổi của anh, Aliusha, chạy tới và hôn vội lên má anh rồi chạy về bên Aleida March và thì thầm với mẹ: “ Mẹ ơi, con nghĩ là chú này yêu con lắm”. Che thoáng nghe thấy lời nói đó của con gái, và khi đó ngay lập tức đôi mắt của anh ướt nhòe những giọt nước mắt. Aleida, vợ Che cũng rất xúc động, nhưng cố kìm nén những giọt nước mắt của mình cho đến khi cô chạy khuất ra ngoài cửa để lũ trẻ không nhìn thấy.
Và rồi, “chú Ramon” vẫy tay chào từ biệt với vợ và các con. Đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau, và như trong lá thư gửi cho các con mình ( đã chỉ được công bố sau ngày anh hy sinh) Che có viết rằng: “Các con sẽ chẳng nhớ mấy về cha, và em bé út sẽ chẳng nhớ gì cả.”
4. Những câu chuyện cuối cùng
Ngày 8/10/1967, trong một trận đánh giữa quân du kích với quân biệt kích Bolivia, Che đã bị thương và bị bắt, rồi bị thủ tiêu vào ngày hôm sau bởi bàn tay của CIA và chính quyền độc tài quân sự tay sai Bolivia. Những diễn biến của sự kiện này đã bị những kẻ liên quan giấu kín hoặc tung tin sai lệch trong suốt nhiều năm.
Bàn tay của Che bị CIA chặt mang về làm bằng chứng Che đã bị giết |
Theo hồi ký của nhân viên CIA Felix Rodriguez có mặt chứng kiến sự kiện đó, thì trước khi Che bị hành quyết, anh ta có vào phòng học nơi giam giữ Che, nói với Che rằng anh ta rất tiếc và đã cố gắng làm tất cả những gì có thể những mệnh lệnh đến từ Bộ tư lệnh tối cao Bolivia … Anh ta không nói hết câu, nhưng Che hiểu “mệnh lệnh” đó nghĩa là gì. Theo Rodriguez, Che không hề tỏ thái độ ngạc nhiên hay sợ sệt, vẫn điềm tĩnh và nói: “Sẽ tốt hơn là như thế này … tôi không bao giờ nên để bị bắt sống”. Rodriguez đề nghị có nhắn gì cho gia đình, và Che đã nói với anh ta là: “…nói với Fidel là anh ấy sẽ sớm được thấy cuộc cách mạng toàn diện ở Mỹ la-tinh này … nói với vợ tôi là hãy tái giá và sống hạnh phúc và nuôi dạy các con …” Rodriguez sau đó có bày tỏ sự khâm phục và kính trọng đối với Che về bản lĩnh của một người đàn ông và về những gì mà Che đã thể hiện khi chuẩn bị đối diện với cái chết của mình. Tuy những nội dung về cuộc nói chuyện riêng giữa hai người mà nhân viên CIA này đưa ra không ai khác có thể kiểm chứng về tính xác thực của nó, nhưng qua đó cũng có thể thấy được sức cảm phục của Che, đúng như Fidel đã nói: “ Che là một con người mà ngay cả kẻ thù cũng phải cảm thấy kính nể”.
Ngày 18/10/1967, trên quảng trường Cách mạng, thủ đô La Havana, trong cuộc mit-tinh tưởng niệm Che với hơn 1 triệu người tham dự, chủ tịch Fidel Castro đã tuyên bố: “…Nếu chúng ta muốn tìm hình mẫu một con người, không phải của thời đại chúng ta mà dành cho xã hội tương lai, một con người thực sự, không một vết nhơ trong nhân cách, không một vết nhơ trong cuộc đời, tôi sẽ nói từ sâu thẳm trái tim mình, rằng: đó là Che!
Nếu phải bày tỏ lòng mong muốn thế hệ con cháu chúng ta sẽ trở thành người như thế nào, với tất cả lòng nhiệt tình cách mạng từ trong trái tim, chúng ta phải nói: hãy giống như Che!
Nếu chúng ta muốn con cháu chúng ta được giáo dục như thế nào, chúng ta sẽ không ngần ngạ nói rằng chúng ta mong chúng sẽ được giáo dục theo tinh thần của Che!”
Năm 1997, sau 30 năm kể từ khi anh hy sinh, chính phủ Cuba mới tìm thấy hài cốt của Che và đưa anh về Cuba.
Để kết thúc bài viết về Che, là một câu chuyện của hiện tại. Câu chuyện của nhà báo Jon Lee Anderson của tờ New York Times, một tiểu sử gia về Che. Suốt nhiều năm, anh đã bỏ rất nhiều công sức thu thập tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng, từ Cuba, Argentina, Bolivia và các nước Mỹ la-tinh khác, từ các trung tâm lưu trữ tài liệu mật ở Mỹ, ở Nga và tiếp xúc với hàng nghìn người, để viết nên cuốn sách “Che Guevara – A revolutionary Life” được đánh giá là tác phẩm đầy đủ nhất về Che. Jon Lee Anderson có 3 con: 2 gái 1 trai, đều đang ở tuổi thiếu niên, anh có kể rằng cuốn sách này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng. Đối với tất cả chúng, Che Guevara là người đầu tiên mà chúng có thể biết rõ ngoài những người trong gia đình anh. Các con anh đều bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha và có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ của Che, và chúng thường bắt đầu mỗi buổi sáng bằng câu “Seremos como el Che” : Em sẽ thành người như Che!
“Xin chào các đồng chí, những người anh hùng của binh đoàn quốc tế. Những lý tưởng mà các đồng chí đã ngã xuống để bảo vệ cùng với nhân dân chúng ta, sẽ không bao giờ có thể bị kẻ thù tước đoạt! Và chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau chiến đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn”.
Nguồn Kakawai