Đó là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại diễn đàn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp, do VCCI chủ trì tổ chức ngày 27/12.
Theo ông Lộc, thời gian qua, hai cụm từ được nhắc nhiều lần là nông nghiệp và khởi nghiệp. Nông nghiệp là ngành cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam. Nông nghiệp là lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Ông Lộc cho biết, suốt 30 năm qua, nông nghiệp Việt Nam chỉ dừng lại ở nền kinh tế hộ gia đình, manh mún, không gắn kết, nên không phát triển được. Do vậy, khởi nghiệp trong nông nghiệp trước hết nhằm đổi mới mô hình từ các hộ đến người kinh doanh và cả nền kinh tế, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của chuỗi liên kết.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần có các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần…để dẫn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. |
“Có thể bắt đầu từ nước mắm, trồng rau, nuôi lợn, chăn gà… nhưng bằng phương pháp mới. Đó là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của đất nước”- ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, đã kinh doanh đương nhiên chấp nhận mạo hiểm, nhà khởi nghiệp lại càng chịu sự mạo hiểm. Vì thế, xã hội hãy khoan dung với sự mạo hiểm của họ, còn coi đó là tội ác thì không bao giờ phát triển được.
Ông Bùi Khắc Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, muốn khởi nghiệp phải thể hiện sự khao khát và mong muốn dẫn đầu.
Theo ông Hiền, doanh nghiệp là một cơ thể sống, nên để một ý tưởng để thành một doanh nghiệp thành công ngay rất khó. “Cách giáo dục ở ta, gần như làm mất đi sự khao khát cho người học. Nhà đầu tư họ nhìn vào đôi mắt khát khao của bạn để quyết định đầu tư cho dự án của bạn hay không”- ông Hiền nói.
Ông Hiền cho rằng, sự sáng tạo phải có tính liên tục. Và khởi nghiệp trong nông nghiệp, không có gì bằng chính những sản phẩm đặc thù trên chính quê hương mình.
“Đừng nghĩ rằng đưa được giống cà chua bi của Israel về mà chúng ta nói là sẽ làm được nhất thế giới. Đừng mong điều đó, vì chúng ta không bao giờ quan công nghệ của chính Israel cả, anh làm giỏi nhất cũng chỉ về nhì mà thôi. Do vậy, tự chúng ta phải tìm lối đi riêng của mình”- ông Hiền nói.
Còn ông Ngô Tiến Dũng, Giám đốc chuyển giao công nghệ của Tập đoàn TH, Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao trong nông nghiệp cho biết: Rất nhiều sinh viên ra trường, đặc biệt ở trường nông nghiệp, nhưng họ chỉ giỏi về lý thuyết mà thực tiễn lại không áp dụng được.
“Khi phỏng vấn, nhiều sinh viên muốn biểu diễn rất nhiều, nói nhiều, khi thực hiện lại không làm được, nên bị loại ngay. Kinh nghiệm thực tiễn đang là lỗ hổng trong đào tạo nguồn nhân lực về nông nghiệp”- ông Dũng nói.
Theo ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam, để sáng tạo trong nông nghiệp có nhiều cách: Sáng tạo trong quy trình sản xuất, chế biến; cung ứng sản phẩm ra thị trường; ứng dụng công nghệ, công nghệ cao; làm ra công nghệ; thay đổi được tư duy của người sản xuất để có giá trị cao; thay đổi ý thức của người tiêu dùng…
“Chúng ta cần xây dựng tấm gương khởi nghiệp từ nông nghiệp để các thế hệ khác noi theo. Xã hội khi dùng sản phẩm sáng tạo sẽ đón nhận”-ông Thắng nói.
Trong chiều 27/12 Vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp năm 2016 diễn ra tại Hà Nội giữa 6 dự án xuất sắc. Theo ban tổ chức, năm 2016 có 68 dự án được sàng lọc từ gần 500 dự án tham dự ở cấp trường, khu vực. Nhiều trường tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp đã thu hút được số lượng các bạn trẻ tham gia đông đảo, như: Học viện Nông nghiệp, Đại học FPT, Đại học Kinh tế Quốc dân…
Hội đồng giám khảo Cuộc thi Khởi nghiệp 2016, qua 4 vòng chấm, Ban tổ chức đã chọn và công bố danh sách 6 dự án có số điểm cao nhất lọt vào vòng chung kết là: Dự án Công ty TNHH RAMA – sản xuất và kinh doanh rau mầm; Dự án Sản xuất và kinh doanh cá biển sạch M4S; Dự án sản xuất, phân phối hệ thống vườn treo phục vụ cho nhu cầu rau sạch và cây cảnh tại nhà; Dự án Tutor Link; Dự án Trang trại gà cáy con; Dự án Redu.
Nguồn TPO