Đặt mục tiêu giải quyết những tồn tại dai dẳng của nền kinh tế những năm đầu thập niên 80 song thực tế triển khai cải cách giá - lương - tiền đã bộc lộ nhiều bất cập, thôi thúc đất nước bước vào cuộc Đổi mới toàn diện sau này.
'Trăm thứ, thứ gì cũng phân'
“Ám ảnh” là 2 từ bà Nguyễn Thị Phượng (Ngô Quyền, Hải Phòng) dùng mỗi khi nhớ về đời sống gia đình những năm đầu thập niên 80. Là công nhân bậc 3 tại Nhà máy Sắt tráng men nhôm, lương tháng của bà khi ấy được 56 đồng. “Một chiếc quạt cóc cũng có giá 35 đồng, nếu mua thì nhà nhịn ăn cả tháng. Dành dụm nửa năm, tôi mới mua được chiếc quạt dùng cho bọn nhỏ”, bà Phượng kể.Những hôm không tăng ca đêm ở nhà máy, bà Phượng lại tất tả đi may quần áo thuê buổi tối ở mấy tiệm gần nhà, cốt để kiếm thêm vài đồng chi tiêu cho gia đình 5 thành viên. “Kiểu gì cũng phải sống. Tìm đủ mọi cách, mọi việc làm thêm để tăng thu nhập”, bà Phượng nhớ lại.
Cảnh chật vật mua nhu yếu phẩm là chuyện cơm bữa những năm 1980. Ảnh tư liệu |
Sống trong cảnh "trăm thứ, thứ gì cũng phân", người tiêu dùng phải nhận qua phân phối nhu yếu phẩm hằng ngày từ cân gạo, lạng thịt cho tới chiếc tăm… Tem phiếu, sổ mua lương thực (sổ gạo) trở thành tài sản còn quý hơn cả vàng. Nhiều người dù có tiền cũng khó có chỗ chi tiêu khi mà khái niệm "chợ" cũng trở nên xa lạ. "Hồi ấy làm gì có sổ tiết kiệm vì tiền lương ăn còn chả đủ, gạo còn chẳng có mà ăn. Có cuốn sổ mua hàng là quý lắm, quý hơn mọi thứ”, bà Phượng hoài niệm.
Tất cả những khó khăn, ách tắc của nền kinh tế khi ấy dội vào cuộc sống của mọi tầng lớp xã hội. Đồng lương không đủ sống, người dân phải chạy vạy đủ đường, kéo những tiêu cực trong xã hội, rối loạn sản xuất. Hàng hóa - vật tư được định giá thấp chỉ bằng một nửa giá thực cũng góp phần tạo ra sự méo mó, khó khăn cho ngân sách Nhà nước...
"Kinh tế rơi vào trạng thái trì trệ, xí nghiệp dân doanh không có tiền để trả lương công nhân, sản xuất giảm sút; lương thì không đủ sống... Lúc này cần một cuộc cải cách, đột phá tổng thể, đánh trúng vào tệ quan liêu, bao cấp", ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khi ấy còn là lãnh đạo tại Thái Bình nhận xét.
Yêu cầu này đã được phản ánh trong quyết sách của Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 8/1985) về cuộc cải cách "giá - lương - tiền", với mục tiêu xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Cuộc cải cách 'đột phá tư duy'
Sau hơn hai tháng nghiên cứu, ban chỉ đạo cải cách giá - lương - tiền do Nhà nước thành lập mong muốn đưa giá cả các mặt hàng theo sát với chi phí sản xuất, sát với giá thực tế trên thị trường. Trước đó, các cuộc cải cách quy mô nhỏ đã diễn ra tự phát ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam, song chỉ thực sự trở thành chính sách chung sau quyết định của ban chỉ đạo.
Theo các nội dung được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 8 khóa V của Đảng, cải cách giá - lương - tiền thực chất là việc tính đủ chi phí hợp lý vào sản xuất; thực hiện cơ chế một giá trong toàn bộ hệ thống giá cả. Người ăn lương trong xã hội được đảm bảo có thể sống chủ yếu bằng tiền lương, có thể tái sản xuất được sức lao động. Cải cách cũng nhằm xác lập quyền tự chủ về tài chính của các ngành và các cơ sở kinh tế.
Cuộc đổi tiền năm 1985 vẫn hằn sâu trong ký ức nhiều người. Ảnh tư liệu |
Tất cả các mức giá đều quy ra thóc, mỗi kg thóc được tính trung bình 25 đồng. Nhà nước chỉ công bố giá “cứng” một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng, xi măng, sắt… Trên cơ sở giá, lương của người lao động, công nhân được chuyển sang trả bằng tiền thay vì hiện vật theo giá bù lỗ với mức tăng khoảng 20%.
Để phục vụ cho công cuộc cải cách giá và lương mới, ngân sách cần 120 tỷ đồng. Trong bối cảnh “khan tiền”, phương án phát hành tiền mới có mệnh giá thấp đi 10 lần được đưa ra với kỳ vọng "6 tỷ đồng tiền mới có sức phục vụ lưu thông tương đương với 60 tỷ đồng tiền cũ". Phương án này sau khi bàn bạc đã được thông qua, làm tiền đề cốt lõi cho chủ trương đổi tiền ngày 14/9/1985. Việc thu đổi được tiến hành trong ngày hôm đó với 4 loại có mệnh giá lớn đang lưu hành là 100, 50, 30 và 20 đồng. Các loại tiền từ 10 đồng trở xuống tạm thời lưu hành song song.
Theo quy định, mỗi gia đình chỉ được đổi tối đa 1.500-2.000 đồng tiền mới. Hộ kinh doanh công thương nghiệp có môn bài bậc cao được đổi tối đa 5.000 đồng. Trong ngày 14/9, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập... gần như ngưng trệ, khi toàn xã hội tập trung cho việc đổi tiền.
Cải cách vỡ trận và sức ép đổi mới toàn diện
Đặt ra với mong muốn gỡ thế khó cho nền kinh tế bằng tư duy mới song thực tế triển khai cải cách giá - lương - tiền lại nhanh chóng bộc lộ nhiều bất cập. Các xí nghiệp quốc doanh không chịu nổi giá vật tư nâng lên khoảng 10 lần và đề nghị mức thấp hơn. Sau một hồi tính toán, thương thảo, Ban chỉ đạo đồng ý lùi bớt giá vật tư khoảng 70% để đảm bảo sức chịu đựng của các xí nghiệp này.
Rồi mức lương tăng thêm 20% so với trước để bù lạm phát trước tháng 8/1985 nhưng vẫn không đủ cải thiện đời sống và mức cuối cùng được “chốt” là tăng 100%. Tuy nhiên trên thực tế, số tiền thực để trả lương mới đã tăng tới 220% vì nhân dịp điều chỉnh, nhiều địa phương, đơn vị đã tranh thủ nâng bậc cho hàng loạt cán bộ, góp phần khiến lạm phát tăng.
Cuộc “vỡ trận” thứ ba được nhiều người nhớ đến là chuyện đổi tiền. Chỉ hơn 3 tháng sau ngày chuyển đổi 14/9/1985, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã đưa vào lưu thông một khối lượng tiền tương đương gần 1,4 lần con số ghi nhận trong lần đổi tiền gần nhất (năm 1978) để phục vụ công cuộc cải cách lương và giá.
Tiền phát hành nhiều mà vẫn không đủ. Lương công nhân không có. Vật tư, hàng hóa khan hiếm. Giá bán lương thực dù tăng 10 lần vẫn không đủ bù đắp chi phí… Ông Cao Sỹ Kiêm nhớ lại, sau khi đổi thì đồng tiền mới mất giá mạnh. "Thế mới có chuyện người ta dành dụm cả đời gửi tiết kiệm thì gửi vào một con trâu, lấy ra chỉ được một con gà. Đấy là một bài học đau đớn”, ông Kiêm nhận xét.
Lạm phát bùng nổ năm 1986 khi tăng đến hơn 774%, chỉ số giá bán lẻ năm ấy cũng tăng gần 590%. Những năm sau, đà trượt giá vẫn duy trì ở mức 3 con số, trước khi giảm về 2 con số đầu những năm 90 và được kìm chế dần sau này.
Là người chứng kiến và trải qua thời kỳ cải cách giá – lương – tiền, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương gọi đây là một "chính sách thất bại". Vị này cho rằng việc tiền được bơm ra quá nhiều đã đẩy lạm phát lên cao, gây những hệ quả tai hại. “Điểm cơ bản là cải cách này không đi liền với động lực thúc đẩy sản xuất nên hàng hóa không có thêm. Công thức tiền bằng giá nhân với hàng hóa đã được áp dụng quá máy móc. Đó là bài học xương máu”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá cuộc cải cách giá - lương - tiền năm 1985 là "khuyết điểm, sai lầm lớn" của chính sách quản lý điều hành trước Đổi mới. "Trong lúc đầu ra cho sản xuất công nghiệp không có, nguyên liệu đầu vào dựa chủ yếu vào nước ngoài, mô hình hợp tác xã không còn phù hợp… thì những thay đổi khi đó có thể coi là quan hệ sản xuất đã đi quá xa so với lực lượng sản xuất", ông Kiên đánh giá.
Cố Giáo sư Đặng Phong khi đánh giá cuộc cải cách này đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa của “sự trục trặc” trong công cuộc tổng điều chỉnh giá – lương – tiền năm 1985 là thực tiễn kinh tế và đời sống lúc đó chưa chịu đựng nổi những cú sốc của cuộc cải cách. Đó là thực tiễn đã quen với căn bệnh bao cấp từ nhiều thập kỷ, không dễ chấp nhận một liều thuốc mới của cơ chế thị trường.
Tuy vậy, kết quả này vẫn mang lại một tác động khách quan là đã đẩy tình thế tới chỗ không thể tiếp tục chắp vá mô hình cũ, mà phải thay đổi hoàn toàn. Những bài học đắt giá từ cải cách “giá - lương - tiền” cũng là tiền đề để đi tới những quyết định của Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986: Đổi mới toàn bộ nền kinh tế.
Sau này khi chính sách khoán được Nhà nước áp dụng, cho phép người nông dân bán hàng hóa theo giá thị trường và Nhà nước không thu mua nữa thì họ mới sản xuất, thị trường có thêm hàng hóa. “Thành công chính của giai đoạn Đổi mới sau này là thị trường có thêm hàng hóa. Cải cách mà không có hàng hóa là thất bại”, Tiến sĩ Doanh nhận xét.
Với mô hình quản lý kinh tế, xã hội tập trung, bao cấp, Việt Nam trải qua nhiều khủng hoảng. Mùa đông năm 1986, Đại hội VI của Đảng diễn ra từ 15 đến 18/12, Tổng bí thư Trường Chinh ra lời hiệu triệu “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Ông cùng đội ngũ lãnh đạo đất nước đã quyết định “bẻ lái”. Nhân dịp này, VnExpress đăng loạt bài về một thời khó quên trước, trong và sau Đổi mới.
Nguyễn Hoài/VNE