Em sẽ chỉ còn nhớ về giọng nói sang sảng của anh và một cuộc hẹn dang dở…
Em bàng hoàng nghe tin anh ra đi giữa lúc miền Trung đang ngập chìm trong lũ lụt. Dẫu biết đời người “sinh lão bệnh tử”, nhưng tin anh rời khỏi cõi đời khiến em không khỏi bâng khuâng.
Anh nhớ không? Những bữa cơm trưa tại căn-tin dưới tầng hầm tòa nhà Quốc hội, khá nhiều lần em và anh ngồi nói về thế thái nhân tình? Tâm sự của anh cứ cuồn cuộn tuôn ra như gặp được tri kỷ. Chuyện bổ nhiệm đúng quy trình, chuyện Trịnh Xuân Thanh, chuyện thép Cà Ná, chuyện những “công trình nghìn tỉ đắp chiếu”, chuyện xe công… chẳng bao giờ vắng bóng trên bàn cơm vội vã. Em bảo em có lỗi vì quấy quả anh cả giờ ăn, anh hiền hậu cười rồi nói như một điều bí mật: “Anh em mình phải chân thật với nhau!”.
Anh hãy thanh thản ra đi... Những chất vấn dang dở của anh, các đại biểu khác và báo chí sẽ thay anh tiếp tục. |
Làm sao em có thể quên buổi trưa 16-11, khi hai anh em đứng lại gặp nhau trước buổi chất vấn giờ chiều. Anh đã khẳng định “như đinh đóng cột” rằng anh sẽ chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân về “tiểu ngạch thăng quan” và chất vấn Bộ Công an về chuyện sao lại để ông Trịnh Xuân Thanh ra đi lặng lẽ. Em hỏi anh: Dùng hai từ “tiểu ngạch” và “lặng lẽ” liệu có quá đáng hay không. Anh trả lời cương nghị như vẻ ngoài vốn có: “Tiểu ngạch, lặng lẽ… Thế là còn nhẹ!”.
Em đã rất lo lắng chỉ sợ không đủ thì giờ khi tên anh nằm ở gần cuối danh sách đại biểu chất vấn. Giọng anh vang lên sang sảng, ánh mắt như muốn nhìn thấu sự thật, vẻ mặt anh đanh lại như muốn cô đọng cảm xúc.
“Ông Trịnh Xuân Thanh một mình không thể làm được những việc tày đình. Vì sao ông Thanh được tặng thưởng huân huy chương mặc dù công ty của ông này làm ăn thua lỗ. Sau đó tiếp tục được bổ nhiệm làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đến khi bị khởi tố lại ra đi êm ru?”.
“Đề nghị đồng chí bộ trưởng Bộ Công an cũng trả lời cho đại biểu và công luận biết về trách nhiệm giám sát thế nào mà để ông Trịnh Xuân Thanh ra đi lặng lẽ, rồi phát lệnh truy nã như kiểu con voi chui lọt lỗ kim?”.
Sáng 17-11, câu hỏi của anh chưa được trả lời, mặc dù tên anh đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề cập. Anh lại thẳng thắn tranh luận. “Câu hỏi của tôi chiều qua rất được cử tri quan tâm, tôi thấy bộ trưởng có nêu trong nhóm vấn đề nhưng không thấy đề cập trong phần trả lời. Tôi hỏi nguyên nhân cốt lõi và trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong vụ việc khen thưởng, luân chuyển Trịnh Xuân Thanh. Có bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo kiểu này. Sẽ xử lý thế nào?
Tôi cũng hỏi bộ trưởng Bộ Công an trách nhiệm thế nào trong việc bỏ trốn của Trịnh Xuân Thanh?”.
Những lời chất vấn thẳng thắn, trực diện này của anh vẫn văng vẳng đâu đây khi em nghe tin anh chẳng còn vương vấn trần đời. Em đã từng hỏi anh: Chất vấn như vậy anh có sợ đụng chạm không? Đôi mắt cương nghị ấy hơi nhíu lại và rồi anh vẫn khẳng định: “Là đại biểu, anh chỉ nói tiếng nói của dân. Dân bức xúc anh không thể lập lờ”.
Hôm nay đọc tin anh, em mới biết ba năm qua anh chống chọi với ung thư. Thảo nào những bữa cơm trưa tại căn-tin Quốc hội, anh lúc nào cũng vội vã như muốn nói tất cả lòng mình với bất kỳ ai. Dường như anh sợ chẳng còn nhiều thời gian cho những dự định ích nước lợi dân. Báo chí và người dân chắc chắn sẽ rất nhớ anh khi những phiên chất vấn tới đây giọng anh không còn sang sảng trên nghị trường.
Em sẽ chỉ còn nhớ về giọng nói sang sảng của anh và một cuộc hẹn dang dở…
Nguồn Pháp Luật Online