Nếu làm sếp của một công ty hay một doanh nghiệp nào đó thì chắc hẳn gia đình của bạn sẽ được nở mày nở mặt, bản thân bạn thì được “nở mũi” khi được khen ngợi, tán dương. Nhưng thật ra, ở trong chăn mới biết chăn có rận, để là người đứng đầu một tập thể và quản lý biết bao nhiêu con người chẳng phải là điều dễ dàng, đằng sau ánh hào quang sáng chói ấy chính là những suy tư, trăn trở cả ngày lẫn đêm, thậm chí là mất ăn mất ngủ khi không may rơi vào giai đoạn khó khăn, trở ngại. Vậy phía sau những thành công và vinh quang ấy, nỗi khổ khi được làm sếp là gì?
Rắc rối giữa lý trí và tình cảm
Để dung hòa được lý trí và tình cảm thì đó là một bài toán khó, đòi hỏi sếp phải sở hữu hai yếu tố “tầm” và “tâm”. Cái tầm và cái tâm là hai mặt bổ sung cho nhau và không thể thiếu đi mặt nào ở một người sếp, nó là một trong những thước đo đánh giá người lãnh đạo thành công và làm việc hiệu quả.
Cái tầm phản ánh năng lực cá nhân, tố chất lãnh đạo khiến nhân viên phải nể phục, nhưng không có tâm thì dễ trở thành sếp độc tài, độc đoán. Nếu chỉ giải quyết công việc dựa vào tâm thì sẽ chiếm được cảm tình từ nhân viên, dẫn đến dễ bị chi phối, không quyết đoán, từ đó mất nhiều thời gian để cân nhắc, suy xét, công việc không được giải quyết một cách thấu đáo, triệt để. Lý trí quá thì trở nên bảo thủ, cứng nhắc, còn tình cảm quá thì sẽ không dứt khoát, dẫn đến công việc lộn xộn vì nể nang hết người này đến người khác. Con người không ai là hoàn hảo nhưng sếp phải là người biết cách dung hòa giữa lý trí và tình cảm.
Nỗi khổ của sếp phía sau vinh quang |
Sếp cũng là con người đơn thuần như bao người khác, nhưng với vai trò lãnh đạo và nhiệm vụ quản lý nhiều nhân viên và cả một tập thể, sếp phải gánh trên vai nhiều trọng trách, càng nhiều trách nhiệm họ càng phải đối mặt với nhiều áp lực chồng chéo lên nhau, từ nhiều phía công việc, gia đình và chính bản thân họ.
Đứng trước bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động, cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu không muốn mình bị đào thải, đòi hỏi sếp phải là người có năng lực và phẩm chất trong công việc. Họ phải luôn suy nghĩ và đưa ra giải pháp thiết thực để công ty có thể đứng vững và ngày càng phát triển, không bị thụt lùi khi hàng loạt các công ty, doanh nghiệp khác mọc lên như nấm.
Trong guồng quay giữa gia đình, công việc và cuộc sống, bản thân sếp luôn phải giữ tâm thế chấn chỉnh và điều tiết lại chính bản thân mình cho phù hợp ở từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể với tất cả các mối quan hệ xung quanh: nhân viên - sếp, vợ - chồng, cha mẹ - con cái,… Bởi vì sẽ không tránh khỏi những va chạm về mặt tình cảm, mất mát về mặt tinh thần với đồng nghiệp hay với chính người thân, nên họ phải thật sự khéo léo khi đóng các vai trò khác nhau bên ngoài xã hội và bên trong gia đình.
Căng thẳng triền miên
Chính những áp lực đè nặng trên đôi vai của mình khiến sếp rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng vì phải quán xuyến và thao túng tất cả các hoạt động của công ty, đồng thời phải tự chấn chỉnh từng lời nói - cách hành xử để trở thành người thuyết phục được vạn người.
Do áp lực công việc, áp lực gia đình và áp lực từ chính bản thân nên tình trạng tâm lý được miêu tả như “đường hình sin”, có lúc cáu kỉnh, có lúc tràn đầy năng lượng, tự tin. Đặc biệt, đối với ai có tính cách nóng nảy, thì những hành vi thiếu suy nghĩ lúc nóng giận luôn mang mầm mống của sự “đổ vỡ”, lục đục nội bộ, nên sếp cần điều tiết tâm trạng để giải quyết tình huống - vấn đề trong trạng thái bình tĩnh nhất. Sếp luôn phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến tâm lý và đôi khi phải chịu áp lực trong một khoảng thời gian dài, nếu không biết cách giải tỏa hợp lý sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Kinh nghiệm non nớt
Một trong những nỗi khổ thực tế của sếp phải đối mặt chính là tình trạng thiếu kinh nghiệm, còn non nớt, nhất là những công ty startup mô hình vừa và nhỏ với đặc điểm tình hình kinh tế ở Việt Nam. Họ gặp phải những trở ngại, thách thức không hề nhỏ, nhân viên không phục tùng trong trường hợp sếp trẻ - nhân viên già, đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn phá sản do chịu ảnh hưởng của biến động thị trường...
Khi còn trẻ, chính bản thân những người làm sếp sẽ gặp phải thiếu sót trong việc giải quyết vấn đề, bản thân họ cũng là những người học việc ở cấp độ cao, đôi khi họ phải thất bại để biết cách tránh thất bại mà thành công. Đây là giai đoạn mà những người sếp trẻ dễ dàng vấp ngã, nhưng điều quan trọng là phải biết tự đứng lên và chinh phục ước mơ của mình.
Rào cản giới tính
Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, suy nghĩ của con người dần tân tiến, không còn bó hẹp trong những khuôn phép lễ giáo, người phụ nữ dần khẳng định được vai trò, vị trí của mình bên ngoài xã hội, vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà. Do đặc điểm giới tính chi phối, người phụ nữ mang những nét ưu việt như mềm mỏng, tinh tế, có sự kiềm chế chuẩn mực trong việc giải quyết - xử lý vấn đề nhưng vẫn đảm bảo đúng nguyên tắc.
Khi phái yếu lên ngôi và giữ vai trò chủ chốt, điều hành một tập thể, họ phải gánh vác thêm trách nhiệm, vừa là người năng lực ở ngoài cộng đồng, xã hội, vừa là người vợ hiền - mẹ đảm khi trở về nhà. Vì thế áp lực càng nhiều hơn, họ phải thật sự bản lĩnh để làm tròn bổn phận của mình. Bên cạnh đó, sự hậu thuẫn từ phía gia đình là nguồn động viên to lớn giúp họ giữ vững tinh thần, nếu không cũng rất khó lòng đi đến thành công được.
Sếp phải đối mặt với những nỗi khổ thường xuyên, dai dẳng khi là người đóng vai trò chủ đạo trong mối quan hệ với các cá nhân khác để giúp bộ máy công ty vận hành hiệu quả, xử lý - giải quyết những vấn đề phát sinh, đảm bảo tiến trình hoạt động như định hướng phát triển và hoạch định giải pháp mới cho tương lai. Một trái tim nóng - một cái đầu lạnh sẽ giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi và nỗi khổ của chính bản thân mình, trái tim nóng trong ứng xử - giao tiếp với mọi người và cái đầu lạnh trong quản lý công việc.
Hương Giang/careerlink.vn