Ánh sáng pháo hoa tạo nên “không khí tết”, là món ăn tinh thần của nhân dân. Nhưng trong thời điểm khó khăn hiện tại của đất nước, nhất là khi người dân miền Trung đang gồng mình chống lũ, chủ trương cấm pháo hoa của Trung ương tạo nên sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân.
Đầu tháng 12 dương lịch năm nay, trên các mặt báo xuất hiện hàng loạt thông tin về kế hoạch bắn pháo hoa của các địa phương trên cả nước. Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm trên địa bàn thành phố. TPHCM cũng định tổ chức bắn pháo hoa tại 3 điểm dịp Tết dương lịch năm 2017 và 7 điểm trong giao thừa Tết nguyên đán Đinh Dậu năm 2017. Ngoài Hà Nội và TPHCM, còn rất nhiều địa phương khác lên kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa trong đêm giao thừa tết năm nay.
Ánh sáng pháo hoa tạo nên “không khí tết”, là món ăn tinh thần của nhân dân khi năm cũ khép lại, một mùa xuân mới lại về, khởi sự cho bao dự định tốt đẹp của một năm mới. Với ý nghĩa như thế nên không ít địa phương khó khăn vẫn định tổ chức bắn pháo hoa bằng nguồn từ ngân sách hoặc xã hội hóa.
Tết không pháo hoa, dân hết sức đồng tình |
Vậy là kế hoạch bắn pháo hoa tết này của rất nhiều địa phương bị dừng lại. Dừng lại nhưng người dân không buồn, không hụt hẫng mà rất đồng tình, hoan nghênh. Hoan nghênh vì chỉ thị của Trung ương Đảng hợp lòng dân, hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước năm nay. Những cơn lũ lụt cuối năm ở miền Trung đã làm 39 người chết và mất tích, thiệt hại 1.965 tỉ đồng, nhiều nhà bị sập, nhiều công trình bị hư hại nặng, nhiều nông dân trắng tay vì cây trồng, con vật nuôi bị lũ cuốn phăng. Không bắn pháo hoa, dùng kinh phí đó có thể chăm lo Tết cho hàng chục ngàn người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách, điều đó rất ý nghĩa, thiết thực.
Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21-CT/TW ra ngày 21.12.2012 của Ban Bí thư khóa XI về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể yêu cầu, “các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc tết địa phương; các địa phương không chúc tết Trung ương. Thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức”.
Có thể nói đây là quyết tâm chính trị hợp lòng dân, thể hiện sự quyết liệt và làm gương của cơ quan lãnh đạo nhà nước ta. Trước đó, ngày 19.12.2016, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo đó, nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác... để ăn uống, “tiệc tùng”, tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi.
Việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hóa mới theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nghiêm cấm việc lợi dụng để “biếu xén”, đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, “chè chén” xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội. Khi có đoàn công tác đến, địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí.
Đây là quy định nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Trung ương Đảng đã liệt kê ngăn cấm hàng hoạt những biểu hiện của lãng phí, tham nhũng, vụ lợi đã xảy ra trong những năm qua. Vừa qua, Thủ tướng chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương không tổ chức biếu xén lãnh đạo trong dịp tết. Nay thì Ban Bí thư mở rộng, phủ kín “vùng cấm” đối với cán bộ lãnh đạo, quan chức.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm bội chi ngân sách chính là khoan sức dân, tạo tiền đề phát triển đất nước bền vững. Hy vọng chỉ đạo của Trung ương sẽ được triển khai đồng loạt từ trên xuống dưới, có sự theo dõi, giám sát của cơ quan chức năng cũng như có chế tài xử lý nghiêm khắc những tập thể, cá nhân vi phạm, đặc biệt tăng cường vai trò chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các Chỉ thị trên.
Nguồn: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/tet-khong-phao-hoa-dan-het-suc-dong-tinh-623457.bld