Thứ Bảy

Núi đôi - Vũ Cao, bài thơ tình thấm đậm nhiều thế hệ

Núi đôi

Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mới đôi mươi trẻ rất làng!
Xuân Dục Đoài Đông hai gánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang

Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi
Em vẫn đùa anh: sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi !

Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới,
Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau.
Mới ngỏ lời thôi, đành lỡ hẹn,
Đâu ngờ từ đó mất tin nhau.

Anh vào bộ đội, lên Đông Bắc
Chiến đấu quên mình, năm lại năm.
Mỗi bận dân công về lại hỏi
Ai người Xuân Dục Núi Đôi chăng?

Anh nghĩ: quê ta giặc chiếm rồi,
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi…
Mỗi tin súng nổ vùng đai địch
Sương trắng người đi lại nhớ người.

Núi đôi - Vũ Cao, bài thơ tình thấm đậm nhiều thế hệ
Qua mấy mùa đông anh tự nhủ:
Trung du ngày tháng vẫn chờ trông
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông?

Náo nức bao nhiêu ngày trở lại
Lệnh trên ngừng bắn anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường sang huyện
Anh nghé thăm nhà thăm núi Đôi

Mới đến đầu ao tin sét đánh
Giặc giết em rồi , dưới gốc thông,
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa
Em sống trung thành chết thủy chung

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em!

Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo
Em còn trẻ lắm, nhất làng trong
Mấy năm cô ấy làm du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng?

Từ núi qua thôn đường nghẽn lối
Xuân Dục Đoài Đông cỏ ngút đầy
Sân biến thành ao, nhà đổ chái
Ngổn ngang bờ bụi, cánh dơi bay

Cha mẹ dìu nhau về nhận đất
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau,
Nứa gianh nửa mái nhà che tạm
Sương nắng khuây dần chuyện xót đau

Em mất để làng ta sống mãi
Lúa sẽ nhiều bông, bắp sẽ nhiều…
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu!

Nhưng còn núi kia anh vẫn nhớ
Oán thù còn đó, anh còn đây
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã chết vì dân giữa đất này

Ai biết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng tên sáng lạ lùng
Nhớ nhau, anh gọi em đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng

Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm!

1956
Nguồn: Núi Đôi, NXB Hà Nội, 1970

Vẻ đẹp bài thơ " Núi đôi" của Vũ Cao.- Đặng Thị Xuân Hương

Đối với bạn đọc, Vũ Cao chưa hẳn là một nhà thơ quen thuộc như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… Nhưng ai đã đọc “ Núi đôi” của Vũ Cao thì không thể quên những lời thơ, những suy nghĩ rất thành thật của ông qua bài thơ.

Vũ Cao viết “Núi đôi” trong những ngày chống Pháp. Nỗi đau của sự mất mát to lớn kết tinh, lắng đọng trong thơ ông, nhưng nỗi đau không làm người chiến sĩ ngã gục mà từ đó họ vững vàng hơn trong cuộc chiến đấu mới.

“Núi đôi” là một hiện thực  tồn tại của thiên nhiên, cũng là tồn tại của niềm hạnh phúc trong mối tình Xuân Dục – Đoài Đông. “Núi đôi” mang phong vị của một bài ca dao. Câu chuyện trong thơ mang màu sắc dân gian. Hai người yêu nhau. Tình yêu của họ gắn với tình yêu đất nước, quê hương. Cuối một mùa chiêm quân giặc đến, người con trai ra trận. Ngày ngừng bắn anh trở về thăm quê hương thì được tin người con gái đã ngã xuống bên mảnh đất này. Cái chết không đến với người chiến sĩ mà đến với người du kích ở lại. Vũ Cao viết “Núi đôi” hình như cũng chỉ để dành riêng cho người đã ngã xuống với tất cả tấm lòng yêu thương, nhung nhớ. Suốt bài thơ, người con trai gọi “em” xưng “anh” như đang nói với người con gái ở quê hương

“ Bảy năm về trước em mười bảy

Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng

Xuân Dục – Đoài Đông hai cánh lúa

Bữa thì em tới bữa anh sang”

Tình yêu của họ không biết bắt đầu từ bao giờ, nhưng nó gắn bó với cánh đồng, với đồi núi của làng quê Xuân Dục – Đoài Đông.

Có những lần, khi đùa người con gái đã nghĩ đến hạnh phúc trăm năm.

“Lối ta đi giữa hai sườn núi

Đôi ngọn nên làng gọi núi đôi

Em vẫn đùa anh sao khéo thế

Núi Chồng, núi Vợ đứng song  đôi”

Những âm tiết cuối của dòng thơ “ núi, đôi, đôi…” tượng trưng cho sự vững chắc, rắn chắc. Hai từ  “ núi  đôi” ,  “ sánh đôi” có lẽ tượng trưng cho niềm hạnh phúc và sự đau xót lắng đọng cùng một lúc trong một con người. Núi đôi không phải chỉ có những lời ca ngợi tình yêu, ca ngợi những kỉ niệm êm đềm nơi đồng quê Xuân Dục, Đoài Đông mà còn là hình ảnh đau thương của quê hương “ Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau” . Và ngày ngừng bắn khi hành quân qua huyện, anh ghé “ thăm nhà, thăm núi đôi” nhưng :

“ Mới đến đầu ao tin sét đánh

Giặc giết em rồi dưới gốc thông”

Giặc giết người yêu, giết cả ước mơ, giết chết hạnh phúc lứa đôi của anh. Biết bao đau đớn bàng hoàng đến vào lúc anh đang “ náo nức” hy vọng nhất. Giang Nam trong “Quê hương”  đã nói lên nỗi lòng người con trai lúc ấy:

“ Không tin được dù đó là sự thật.

Giặc giết em rồi quăng mất xác

Chỉ vì em là du kích em ơi

Đau xé lòng anh chết nửa con người”

Cùng chung với nỗi đau ấy, Vũ Cao viết “ tin sét đánh” nói lên được sự thảng thốt, bàng hoàng của người chiến sĩ khi nghe tin người yêu mất. Nhưng người chiến sĩ trong “ Núi đôi” không gục ngã, cái chết anh dũng “ dưới gốc thông” của người yêu có làm anh đau đớn tột độ nhưng với những suy nghĩ chân thành tha thiết, anh tự hào

“ Em sống trung thành, chết thuỷ chung”

Chính cuộc kháng chiến anh dũng này, chính cuộc đời ngắn ngủi nhưng đẹp đẽ, trong sáng vô ngần của người yêu đã đem lại cho anh trong nỗi nghẹn ngào có niềm kính phục ngưỡng mộ, tôn vinh.

Nghĩ đến người yêu, anh nghĩ đến kỉ niệm

“Anh ngước nhìn lên hai dốc núi

Hàng thông, bờ cỏ con đường quen

Nắng bụi bỗng dưng mờ bóng khói

Núi vẫn đôi mà anh mất em”

Một hình ảnh tưởng như vô tình mà mang nhiều ý nghĩa “ anh ngước nhìn” . Trước nỗi đau anh không cúi mặt, câu thơ diễn tả nỗi niềm mất mát, tâm trạng xúc động tê tái:

“ Núi vẫn đôi mà anh mất em”

Từ tấm lòng nặng ân tình và những suy nghĩ đẹp đẽ ấy, Vũ Cao đã tìm một lời kết đẹp cho bài thơ:

“Anh đi bộ đội sao trên mũ

Mãi mãi là sao sáng dẫn đường

Em sẽ là hoa trên đỉnh núi

Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”

Câu thơ được viết ra từ một tâm hồn thi sĩ – chiến sĩ. Hình ảnh quen thuộc “ Sao trên mũ”  đã gắn bó với người lính trong thời gian “chiến đấu quên mình năm lại năm”. “Sao trên mũ” là hình ảnh tượng trưng cho lý tưởng, niềm tự hào chính đáng, là hướng đi của người lính cũng là người bạn chia sẻ cùng anh nỗi buồn, giúp anh đứng vững trong tư thế người chiến sỹ.

Lý tưởng đẹp ấy là lý tưởng anh đã chiến đấu suốt bao năm dài, là lý tưởng mà người yêu anh đã ngã xuống vì nó. Người yêu là người liệt sĩ của Tổ Quốc. Hình ảnh của cô gái Đoài Đông là một bông hoa tuyệt đẹp trong suy nghĩ của anh, toả cho cuộc sống hương vị trong lành.

“Em sẽ là hoa trên đỉnh núi.

Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”

Là một bông hoa thơm tuyệt đẹp như tâm hồn người chiến sĩ, như cuộc đời người du kích. Tất cả những gì ở câu thơ toả ra là một “ngôi sao” ; không phải chỉ ở trên mũ mà ở ngay trong trái tim anh. Ánh sáng của ngôi sao, qua câu thơ truyền đến mỗi trái tim người đọc, làm ấm lòng người.

Hình như Vũ Cao không có ý định viết cho chúng ta, ông viết để tặng riêng cho người du kích. Bài thơ từ đầu đến cuối vẫn giữ nguyên một giọng điệu, một giọng thơ, giọng những lời tâm sự âu yếm với người yêu. Lúc reo vui khi nhắc đến kỉ niệm, lúc nghẹn ngào khi nói đến nỗi đau của sự mất mát, lúc đinh ninh như một lời thề thuỷ chung.

Dẫu nhà thơ không có ý định viết cho chúng ta thì những tình cảm chân thành của ông, hình ảnh rất đẹp của mối tình, cái chết của người con gái và lời kết cuối bài thơ luôn làm chúng ta suy nghĩ. Mình phải sống như thế nào trong cuộc sống hôm nay.

Nguồn: vanhaiphong.com