Thứ Bảy

Nếu bạn còn trẻ, hãy làm việc vì tiền, thay vì nói tôi đang theo đuổi đam mê một cách sáo rỗng

Làm việc vì đam mê hay không cũng luôn cần gắn liền với thực tế, và cái thực tế đó là "tiền" theo một nghĩa tích cực. Bởi nó làm thúc đẩy người trẻ phát triển nhanh hơn việc dùng 2 chữ "đam mê" một cách vô tội vạ, mà nhiều bạn trẻ ngày nay thường dùng.

Trong vài năm trở lại đây, giới trẻ Việt Nam nói chung, đặc biệt là những người trẻ khởi nghiệp nói riêng luôn đón nhận rất tích cực thông điệp: "Hãy làm việc vì đam mê".

Trong đó, thông điệp này truyền đi mang theo nhiều ý nghĩa cổ vũ, động viên người trẻ dám đi, dám nghĩ, dám làm. Nhưng tích cực nhất phải kể đến ý nghĩa: hãy làm những gì mình thích, những gì giỏi nhất, là thế mạnh của bản thân, để từ đó con đường sự nghiệp trong tương lai sẽ thành công hơn.

Nếu bạn còn trẻ, hãy làm việc vì tiền, thay vì nói tôi đang theo đuổi đam mê một cách sáo rỗng
Thế nhưng, chúng ta không phải những người theo chủ nghĩa lãng mạn. Nếu cứ nhắc tới đam mê mà quên mất vai trò của kinh tế thì thật khó để một cá nhân có thể tồn tại trong xã hội cạnh tranh khốc liệt này. Vậy tiền và đam mê, có thể đi song hành?

NẾU BẠN CÒN TRẺ, HÃY LÀM VIỆC VÌ TIỀN, ĐỪNG LÀM VÌ ĐAM MÊ

Trong một buổi hội thảo dành cho các bạn trẻ, một vị CEO đã nhấn mạnh rằng: "Khi bạn còn trẻ, hãy làm việc bằng tất cả sự đam mê của mình. Nếu bạn được trả mức lương 5 đồng, hãy làm việc như thể bạn đang được trả 10 đồng, và đó là bí quyết của sự thành công".

Cả khán phòng vỡ oà và tràn pháo tay dậy sóng vang lên. Giữa lúc ấy, có một bạn trẻ rụt rè đứng lên hỏi lại rằng: "Vì sao thành công lại đồng nghĩa với việc mình sẽ làm gấp đôi số tiền mình được nhận ạ?".

Vâng, và cả khán phòng hôm ấy đã không biết được rằng, câu nói của CEO kia là đúng, nhưng chỉ một nửa. Theo đuổi đam mê bằng cách nỗ lực gấp nhiều lần so với những gì bạn được trả chỉ mang lại thành công cho các nhà tư bản, các ông chủ ngay trước mắt, và may mắn lắm (nếu đúng cách) sẽ mang lại thành công cho bạn sau này.

Nói một cách dí dỏm, theo thuyết âm mưu, đây là cách nhà tư bản tiêm vào đầu giới trẻ 2 chữ ĐAM MÊ một cách lệch lạc nào đó để thu được khoản hời khổng lồ từ nhiệt huyết tuổi trẻ với chi phí càng thấp càng tốt.

Hãy để ý một điều, trong số những người ở khán phòng hôm ấy, họ sẽ chia thành nhiều nhóm.

Có nhóm cho rằng: "Khi làm như vậy, tôi sẽ học được nhiều thứ, tôi đánh đổi để đạt được vị trí trong mơ sau này".

Lại có số khác cho rằng: "Sếp sẽ thấy sự nỗ lực của tôi và tưởng thưởng cho tôi xứng đáng".

Nhóm khác lại mơ về một giấc mơ: "Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn", như cách mà Steven Jobs đã làm.

Xin thưa:

Một là: học là việc cả đời, không phải chuyện bạn chỉ làm khi còn trẻ, bạn vẫn sẽ chấp nhận có mức lương giá rẻ cả đời, ngay cả khi bạn bắt đầu có gia đình, có con và nhiều thứ khác để lo toan?

Hai là: bạn đã nghe qua câu chuyện Triết-lý-về-viên-kẹo chưa nhỉ? Nếu bạn cho ai đó một viên kẹo một lần - đó là sự biết ơn, hai lần - đó là sự cảm mến, ba lần - đó là nghĩa vụ mà bạn phải làm. Khi bạn được nâng lương 10 đồng, đồng nghĩa với việc ông chủ sẽ mong đợi bạn làm việc cho ông ta tương đương với mức lương 15 đồng – 20 đồng, đời vốn thế!

Ba là, đừng tin vào câu nói gối đầu giường về sự đam mê và câu chuyện của Steve một cách mù quáng nếu bạn không thực sự hiểu. Steve Jobs không bắt đầu Apple bởi tình yêu công nghệ. Thật đấy!

Nếu bạn gặp một Steve Jobs trẻ tuổi vào những năm trước khi thành lập Apple Computer, bạn sẽ không thể tìm ra một điểm chung nào giữa ông với một người đam mê kiến tạo một công ty công nghệ.

Jobs đã theo học tại trường Reed College, không như những người mơ mộng hão huyền về công nghệ ở thời đại của mình, Jobs không phải là một sinh viên đặc biệt thích kinh doanh hay điện tử. Thay vì thế ông học lịch sử phương Tây, khiêu vũ, và một chút về thuyết thần bí phương Đông.

Trong những tháng trước khi khởi động một công ty có tầm nhìn chiến lược, Steve Jobs chỉ là một chàng trai trẻ đầy mâu thuẫn, tìm kiếm sự khai sáng trong tâm hồn và học điện tử chỉ khi nó hứa hẹn đem lại lợi nhuận nhanh chóng.

Vào khoảng cuối năm 1975, Jobs tình cờ gặp được thay đổi lớn trong cuộc đời mình. Jobs và Wozniak lên kế hoạch làm bảng mạch với giá 25 đô và bán ra với giá 50 đô, để bán cho những người yêu thích công nghệ tại địa phương. Jobs muốn bán tổng cộng 100 bảng mạch, mà sau khi trừ chi phí, họ sẽ còn khoảng 1000 đô lợi nhuận. Việc bán bản mạch hoàn toàn chỉ là một nguồn đầu tư ít rủi ro trong thời gian rảnh rỗi của họ.

Tuy vậy, từ đây câu chuyện nhanh chóng chuyển thành huyền thoại. Steve xuất hiện với đôi chân trần ở Byte Shop, cửa hàng máy tính Mountain View tiên phong của Paul Terrell, đề nghị Terrell bán các bảng mạch này. Terrell không muốn bán bảng mạch đơn giản, nhưng ông hứa sẽ mua những chiếc máy tính được lắp ráp hoàn chỉnh. Ông sẽ trả giá 500 đô mỗi chiếc, và muốn lấy trước 50 chiếc ngay khi chúng làm xong. Jobs chớp lấy cơ hội kiếm được một món tiền thậm chí còn lớn hơn và bắt đầu huy động vốn ban đầu. Chính trong dịp may bất ngờ này mà Apple Computer ra đời.

Nếu một Steve Jobs trẻ tuổi nghe theo lời khuyên của chính ông và quyết định theo đuổi công việc mà ông yêu thích, chắc hẳn ngày nay chúng ta sẽ biết đến ông như một giáo viên nổi tiếng ở trung tâm thiền Los Altos. Công ty máy tính Apple rõ ràng không được sinh ra trong niềm đam mê, mà thực ra là kết quả của một cơ hội may mắn - và như bạn thấy đấy, nó vì TIỀN!

Ngày nay, có nhiều bạn trẻ mới ra trường, họ chấp nhận một mức lương với giá rẻ so với năng lực và ban cho nó vào một cái lý do hay ho là "TÔI LÀM VÌ ĐAM MÊ"

Tôi không muốn đề cập đến 10% các bạn sinh viên "giàu từ trứng" không phải lo lắng cơm áo gạo tiền. Hãy bỏ cái chữ "ĐAM MÊ" ngu ngốc mà bạn vẫn hay dùng và bắt đầu xắn tay áo lên để làm việc vì TIỀN đi! Vì sao ư?

Sẽ chẳng có một ông chủ nào nể trọng một nhân viên mà đến bản thân họ cũng rẻ rúng chính giá trị của mình đâu, điều đó cũng đồng nghĩa bạn chẳng tự tin chút nào.

Hoặc có thể có, nhưng họ không xem bạn nằm trong top dẫn đầu, mà bạn thuộc nhóm "nhân viên dễ bị bóc lột".

Tiếp nữa, bạn có gia đình hiện tại và gia đình tương lai sau này phải lo hay không? Nếu có thì bớt mộng tưởng về bức tranh màu hồng của 2 chữ ĐAM MÊ ở thời điểm hiện tại đi.

Cuối cùng, khi bạn làm việc vì TIỀN một cách tích cực (nhớ nhé, "Tiền" tôi muốn đề cập mang nghĩa tích cực) thì nó sẽ làm bạn phát triển nhanh hơn rất nhiều so với ĐAM MÊ. Vì TIỀN đong đếm được rõ ràng kết quả của bạn, nó thôi thúc bạn tìm ra những cách tốt nhất để cải tiến, đưa bạn đến những cuộc chơi lớn hơn để kiếm được nhiều tiền hơn và tin tôi đi, bạn sẽ học được cả tá kỹ năng trong thời gian cực ngắn.

Làm việc vì đam mê không sai, nhưng khi còn trẻ, nó còn phải đi kèm với việc bạn được trả xứng đáng với đam mê của mình nữa!

Vì vậy, hãy làm việc bằng ĐAM MÊ một cách thông minh hơn, đó là, làm việc vì TIỀN một cách đầy ĐAM MÊ!

Nguồn Cafef.vn