Người Việt lười tranh đấu, vô cảm vì họ bận phải hưởng thụ, ghê tởm nhau!
Cái này thì khỏi phải nói luôn rồi. Cha chung chả ai khóc mà. Đất nước ngày càng đi xuống thì cũng mặc. Nói thật, chả ai quan tâm cả. Những người có tâm, những người làm báo cứ như những kẻ thui thủi một mình tự kỷ vậy. Bài nào họ viết ra, họ tự đọc, chả mấy ai đọc nói chi đến like và comment. Đi chơi noel xong rác thải đầy đường để phải viết lên báo, cũng chả cần thấy nhục mặt cho bản thân hay cho đất nước này, cứ thế năm nào cũng vậy, cũng lên báo, rồi cũng thôi, vì chẳng ai còn hơi sức để nói nữa.Thờ ơ là căn bệnh của người Việt. Nếu không tin, search bài báo: “Người Việt vô cảm thứ 13 thế giới” là biết. Họ chẳng muốn tranh đấu. Họ chẳng muốn gì cả ngoài việc hưởng thụ những gì đang có. Tài nguyên chúng ta bán, cây rừng chúng ta cưa, voi rừng chúng ta giết, thú rừng chúng ta ăn, chả còn gì mà chúng ta “tha” cả. Khai thác triệt để cho thế hệ này tận hưởng, có thể đoán là trong vòng 10 năm tới sẽ cạn sạch. Nhưng mọi người thì cứ thờ ơ để mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Miễn là họ không ở những vùng hiểm trở, thiên tai; miễn là họ không bị gì hết. Càng ngày, người ta càng rút về thành thị, co cụm, bạn thấy không? Cả đám ăn chơi phè phỡn với nhau, rồi chuốc độc nhau trong từng thớ thịt, dĩa cơm… Nhưng không ai muốn tranh đấu! Chẳng ai muốn cả, vì họ bận phải hưởng thụ sự hiện đại này.
Người Việt lười tranh đấu, vô cảm vì họ bận phải hưởng thụ, ghê tởm nhau! |
Những thế hệ đi qua, và những bài học của các bậc mẹ cha ngày càng thực dụng. Bạn không thấy xã hội này quá co cụm từ khi bạn chuẩn bị cắp đồ lên thành phố học? 99,9% tôi đảm bảo sẽ được nhắc: Giữ tiền cẩn thận nha con, trộm cắp dữ lắm; Ở ký túc xá coi chừng nhà con, trộm cắp phức tạp lắm; ở Sài Gòn cẩn thận nha con, dân tứ xứ chẳng biết ai là ai đâu…
Bạn đã từng nghe, chắc chắn như vậy, và hãy thừa nhận là lũ người xung quanh bạn thật gớm ghiếc. Và bạn, tôi chỉ đích danh bạn đó, cũng chưa chắc là một trường hợp đặc biệt gì ngoài lũ gớm ghiếc đó đâu. Một lũ tệ hại, cười với nhau những nụ cười giả tạo, đôi tay vịn chắc túi tiền và trôi vào dòng cuộc sống. Chúng ta chắp vá đất nước này, rách chỗ nào vá chỗ đó, nhưng đúng như Lưu Quang Vũ nói:
“Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá, gượng ép chỉ càng sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc làm đúng khác.”
Nhưng chúng ta chẳng quan tâm lời dạy này. Chúng ta chắp vá nhiều hơn là đằng khác. Ai đó đút lót, chúng ta đút lót nhiều hơn. Ai đó đối phó để được điểm cao, chúng ta quyết tâm biết được đề thầy sắp ra giờ kiểm tra. Ai đó quăng rác bừa bãi, chúng ta quăng rác một cách tinh vi. Ai đó lừa đảo ta, ta học cách đó để lừa đảo lại người khác. Và chúng ta có một xã hội như ngày hôm nay. Chẳng ra một cái gì cả.
Một dân tộc ghê tởm nhau, đề phòng nhau đến những chuyện nhỏ nhặt đến như vậy thì làm sao còn đầu óc để đầu tư vào những thứ tiến bộ khác hơn? Một xã hội co cụm, những ánh mắt đầy hoài nghi, ghê tởm thay cho chúng ta!
Chúng ta lười mọi thứ. Chúng ta lười vận động, rồi thì sức khỏe chúng ta kém, sức chịu đựng không có nên chúng ta nhác học, lười làm, buồn ngủ khi phải nghĩ và chán ngán khi phải chịu đựng. Tất cả những gì chúng ta có là đối phó, từ trong ra ngoài. Không đối phó bằng cách hối lộ tiền, thì đối phó bằng cách mua bằng cấp giả, nếu không được thì học đại cho xong, và trong lúc học cũng đối phó với thầy cô. Vâng, chúng ta đối phó n+1 các loại. Nhưng điều làm tôi ghê tởm hơn cả tật đối phó, chính là không thèm đối phó nữa mà sẵn sàng thải rác ra đường như không giữa ban ngày ban mặt, buông lời tục tĩu, dâm dục giữa thiên hạ. Số đó không hề ít, xin chớ coi thường.
Chịu đựng! Những người đi ra từ chiến tranh với sức chịu đựng ghê gớm lại nuôi dạy con họ một cách đầy nuông chiều. Quá nhiều người đi ra từ chiến tranh, quá nghèo khổ để nói đến đức hạnh, tất cả những gì họ lo lắng là tiền, là mưu sinh. Đó là lý do chúng ta ở đây. Cả một lũ không được giáo dục tốt. Cả một lũ đang làm đất nước này đi xuống. Đó không phải là lỗi của họ, hãy thông cảm vì điều đó. Họ đã cố phải xây dựng lại mọi thứ từ đống tro tàn. Nhưng còn chúng ta thì sao? Được nuông chiều từ nhỏ tới lớn, chẳng phải chịu đựng bất cứ cái gì, và giờ thì sẵn sàng ngồi quán cafe chém gió suốt ngày.
Bạn biết bọn nhậu nhẹt và ngồi quán cafe chém gió thường nói gì khi gặp nhau? Tao mới xin làm chỗ kia, lương 4 triệu mà toàn ngồi chơi. Liền lập tức, thằng đối diện sẽ bảo: NGON VẬY!
Cái tư duy ở xứ này là: Ngồi chơi và “khỏe”! Nhưng yên tâm đi, vũ trụ rất công bằng. Cái chỏm nhỏ ở chỗ này trước sau gì cũng bị trừng phạt nếu tiếp tục tồn tại theo kiểu đó.
Nếu bạn muốn thay đổi đất nước, nếu bạn đã 18 hay 20 tuổi hoặc hơn, hẳn là bạn cũng sẽ sớm trở thành những ông bố, bà mẹ. Thế nên, hãy chuẩn bị cho thay đổi, không cần biết trước đây bạn được giáo dục như thế nào, hãy chắc rằng, bạn sẽ trở thành hình mẫu mà bạn muốn con cái mình trở thành trong tương lai.
Đừng uống cạn tài nguyên này, đừng ăn mặn để con cháu khát nước. Đừng để thế hệ nối tiếp thế hệ sống cuộc sống như thế này. Và xin cũng đừng, đừng xấu xa cho đã để rồi sau này bắt con mình trở thành một người tốt. Con nít học qua hình ảnh, nó bắt chước tất cả những gì nó thấy. Đừng bao giờ cho phép bản thân tệ hại, và dạy con bằng cái lối nói rằng bạn dù có xấu xa thế nào cũng là hy sinh cho tương lai của nó. Bởi vì, cách đó nhàm quá rồi, một lời biện hộ không có nghĩa gì hết.
Tôi biết là Việt Nam vẫn chưa đến lúc có một cuộc cách mạng cải tổ lại tư duy người Việt. Nhưng từ giờ cho tới lúc đó, hy vọng tôi có thể giúp ai đó hiểu rằng, hãy luyện tập, hãy chịu đựng để bước đi những ngày tháng trưởng thành. Bạn không thể lớn thêm nếu không chịu đựng. Nếu bạn muốn đi lên, bạn phải chịu đựng, dù xung quanh không có ai hỗ trợ bạn, dù xung quanh mọi người đang say ngủ…
Nguồn: Việt Nam “Đất nước của những kẻ lười biếng” một bài viết cực hay nên đọc