Thứ Tư

TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) & NHỮNG HỆ QUẢ CỦA NÓ

Chỉ sau khi nhận chức vài ngày, ngày 23/1/2017, Tân TT Mỹ Donald Trump đã ký Sắc lệnh rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đúng như cam kết của ông trong quá trình tranh cử. Sắc lệnh này được cho sẽ là một trong những quyết định sẽ làm khuynh đảo thế giới. Vậy tại sao lại như thế?

Chúng ta từng nói nhiều về TPP và nhiều người VN xem nó như cứu cánh để cứu vãn (hay là đòn bẩy) cho sự phát triển kinh tế. Ngay chính cựu TT Mỹ Obama cũng từng cố gắng hết sức vận động để TPP được sớm thông qua trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc (nhưng đã thất bại) cho thấy phần nào tầm quan trọng của hiệp định này. Nhưng có thực sự TPP là liều thuốc bổ thần kỳ đến như vậy?
TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) & NHỮNG HỆ QUẢ CỦA NÓ
Dưới đây là bài viết của nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ Eric Zuesse, sẽ giúp chúng ta có thêm cái nhìn toàn cục về hiệp định này:

CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT DOANH NGHIỆP:

TPP LÀ HIỆP ĐỊNH BÍ MẬT VÀ TỘI ÁC NHẤT TRONG LỊCH SỬ

Vào ngày 5/10/2015, một hiệp ước siêu bí mật giữa 12 quốc gia mang tên TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) đã được ký bởi 12 quốc gia đó. Các điều khoản của hợp đồng quốc tế khổng lồ này sẽ được giữ bí mật cho đến khi hợp đồng có hiệu lực trong bốn năm.

Sau đó nội dung của nó có thể (nhưng không nhất thiết) được tiết lộ. Đây là một chế tài quốc tế rất lớn và hoàn toàn mới, từng được đàm phán trong nhiều năm bởi các tập đoàn quốc tế. Bây giờ, nó sẽ được các chính trị gia bù nhìn tham nhũng răm rắp đóng dấu. Trong khi những tập đoàn quốc tế ấy biết mọi điều khoản của hợp đồng... thì đối với người dân, những người đã bầu ra và bị cai trị bởi các chính trị gia nói trên, họ không hề biết, và họ sẽ vẫn không biết trong ít nhất bốn năm tới.Đây là 12 quốc gia ấy: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam.

Tất cả những ai từng nhìn thấy thỏa thuận đó (các nhà đàm phán cho tập đoàn quốc tế và các chính trị gia của họ) đã ký một bản cam kết hứa rằng "sẽ coi tài liệu đàm phán và các tài liệu khác trao đổi trong quá trình đàm phán như thông tin bí mật của chính phủ," và "rằng yêu cầu bảo mật này sẽ áp dụng trong bốn năm sau khi TPP có hiệu lực."

Theo đó, nếu bất cứ quốc gia nào tiết lộ thông tin về bản "hợp đồng" này trong thời gian TPP còn hiệu lực, thì chính phủ nước đó sẽ bị các tập đoàn kinh tế kiện đòi bồi thường những khoản tiền khổng lồ. Và quyền được kiện chỉ dành cho các tập đoàn quốc tế (tức là các quốc gia không có quyền kiện bất cứ tập đoàn quốc tế nào). Các tập đoàn quốc tế cũng chỉ có thể kiện chính phủ quốc gia chứ không được kiện lẫn nhau trong khuôn khổ tố tụng tranh chấp của hiệp định này.

Đặc biệt hơn, những vụ kiện này sẽ không diễn ra tại tòa án ở một quốc gia dân chủ (nơi mà người dân bầu ra các thẩm phán hay bầu ra người bổ nhiệm các thẩm phán)... mà thay vào đó, chúng sẽ diễn ra tại một hội đồng bao gồm thường là ba "trọng tài", được lựa chọn dựa theo cái gọi là "Công ước ICSID".

Công ước ICSID quy định rằng quá nửa số trọng tài trong một hội đồng không được là công dân của các bên có tranh chấp. Nói một cách khác, hầu hết các trọng tài sẽ là người nước ngoài, trong đó có 1 người sẽ là người được chọn bởi các tập đoàn quốc tế. Hai người còn lại không-nhất-thiết được lựa chọn bởi quốc gia có tranh chấp. Nói tóm lại, trong mọi trường hợp, sẽ có không quá một trọng tài được lựa chọn bởi quốc gia bị kiện. Nếu trọng tài duy nhất không phải của các tập đoàn chẳng may được lựa chọn bởi một quốc gia khác, thì quốc gia bị kiện sẽ không được đại diện quyền lợi chút nào trong những thủ tục tố tụng này.

--- Hầu hết các hội đồng phân xử sẽ gồm ba trọng tài. Công ước ICSID quy định (37.2.b): "Trong trường hợp các bên không đồng ý về số trọng tài và phương pháp bổ nhiệm họ, hội đồng phân xử sẽ gồm ba trọng tài, một trọng tài bổ nhiệm bởi mỗi bên và người thứ ba, đóng vai trò chủ tịch hội đồng, sẽ được bổ nhiệm theo thỏa thuận của các bên." ---

Mặc dù vậy, hội đồng này có thể áp đặt những khoản phạt trên trời có thể đánh quỵ nền kinh tế của quốc gia bị kiện và làm tập đoàn đi kiện giàu lên rất nhiều. Bên cạnh đó, quyết định cuối cùng của hội đồng này là mang tính bất kháng (tức là bên bị cáo không có quyền kháng cáo) - điều 53.1 trong Công ước ICSID.

--- Ở đây tôi không ngụ ý là những khoản phạt ấy, nếu có, sẽ luôn luôn cao hơn mức đáng có, mà tôi chỉ muốn nói là không có chút tính dân chủ nào trong quá trình xác định những khoản phạt, nếu có, để áp dụng lên quốc gia bị kiện. ---

Vậy là hai thành viên của hội đồng sẽ đại diện cho tập đoàn đi kiện và chính phủ bị kiện. Thành viên thứ ba sẽ là một cá nhân nào đó mà hai người kia cho rằng chấp nhận được. Sự lựa chọn thành viên thứ ba là rất quan trọng, và nó đưa vào một yếu tố may rủi trong việc quyết định kết quả cuối cùng.

Chưa bao giờ có thứ luật lệ nào như vậy trong quá trình xét xử ở tòa án của bất cứ quốc gia dân chủ nào. Mỗi vụ xét xử do đó sẽ giống như trò tung đồng xu. Tuy nhiên, do các tập đoàn không thể bị kiện trong khuôn khổ hiệp định này, chỉ có những quốc gia ký kết là giơ đầu chịu báng. Họ đáng bị như vậy bởi vì họ đã lựa chọn, thông qua một quá trình bí mật và phi dân chủ, để vĩnh viễn bị quản thúc bởi hình thức độc tài quốc tế này.

Mục đích của những hội đồng phân xử này không phải đặc biệt nhằm làm giàu cho các tập đoàn quốc tế từ tiền đóng thuế của người dân các nước bị kiện (mặc dù chắc chắn là có điều đó). Nó không phải là phương tiện trực tiếp mang lại một nguồn thu nhập nữa cho các cổ đông. Thay vào đó, mục đích của nó là để khủng bố tinh thần các nhà lập pháp và cơ quan quản lý tại mỗi quốc gia thành viên, buộc họ chỉ ban hành những luật và quy định không vượt quá các điều khoản (bí mật) của TPP trong việc hạn chế những gì các tập đoàn quốc tế được phép làm.

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN NÀO CỦA TPP SẼ ĐƯỢC GIỮ KÍN TRONG 4 NĂM?

Ví dụ:

Có thể có quy định áp đặt không quá một ngưỡng nhất định trong tiêu chuẩn an toàn của dược phẩm, hóa chất, thực phẩm và những sản phẩm khác. Thế nên nếu một quốc gia ban hành 1 tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn (so với tiêu chuẩn mà các tập đoàn quốc tế đang chịu), thì những người dân đóng thuế của nước này sẽ phải trả cho bất kỳ tập đoàn quốc tế nào kiện họ một khoản tiền phạt vì đã vi phạm các "quyền" của tập đoàn kia như đã được quy định bởi thỏa thuận TPP. Hội đồng trọng tài nói trên có toàn quyền quyết định về việc đó.

Nhận xét:

Đây là một ví dụ điển hình của chủ nghĩa phát-xít doanh nghiệp đang được lan truyền bởi Hoa Kỳ trên thế giới. Cho phép các tập đoàn quốc tế trở nên mạnh hơn chính quyền quốc gia sở tại một đề xuất nguy hiểm.

TPP, tại mỗi quốc gia thành viên đã ký nó, về cơ bản sẽ khóa chặt mức độ nghiêm ngặt mà mỗi tiêu chuẩn tại quốc gia đó có thể có. Tức là nếu sau này, có phát hiện khoa học mới nào cho thấy tiêu chuẩn ấy lẽ ra cần nghiêm ngặt hơn (ví dụ mức độ hóa chất gây ung thư cần thấp hơn nữa so với suy nghĩ ban đầu), thì thật không may, việc thay đổi những tiêu chuẩn ấy là điều gần như không thể, bởi vì sẽ cần phải đàm phán lại TPP với tất cả các quốc gia thành viên.

Nói một cách ngắn gọn:

Nếu TPP được ký kết, luật pháp và quy định hạn chế các tập đoàn quốc tế trong khu vực hiệp ước này sẽ bị tê liệt vĩnh viễn. Lợi ích đối với cổ đông các tập đoàn quốc tế là ở chỗ TPP sẽ đe dọa khủng bố các quốc gia thành viên khiến họ không còn dám siết chặt bất cứ tiêu chuẩn lao động, an toàn, hay môi trường nào. Nếu quốc gia nào dám làm trái thì người dân ở đó sẽ phải trả tiền phạt cho các tập đoàn quốc tế vì đã vi phạm điều khoản hiệp định TPP (những điều khoản sẽ nằm trong bí mật trong bốn năm nữa).

Dưới đây là cách nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, Joseph Stiglitz, nói về nó:

“Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu những quy định này đã được thiết lập khi độc tính gây chết người của amiăng được phát hiện. Thay vì đóng cửa các tập đoàn sản xuất và buộc họ phải bồi thường những người bị ảnh hưởng, dưới thể chế ISDS, các chính phủ sẽ phải trả các tập đoàn đó để chúng không giết công dân của họ. Người dân đóng thuế sẽ bị làm hại hai lần - đầu tiên là trả cho những thiệt hại về sức khỏe do amiăng gây ra, rồi sau đó bồi thường cho các tập đoàn sản xuất về lợi nhuận bị mất đi khi chính quyền vào cuộc để hạn chế một sản phẩm nguy hiểm. Những lựa chọn kiểu như trên sẽ đối mặt với bất kỳ quốc gia nào ký một thỏa thuận như vậy”.

Hơn nữa, đại đa số - hơn 70% - việc bổ nhiệm trọng tài ICSID, công việc có nhiều khả năng quyết định kết quả của vụ kiện, được thực hiện bởi những người từ các quốc gia "phát triển"; chỉ ít hơn 30% thực hiện bởi người từ các quốc gia "đang phát triển". Do đó, ví dụ Việt Nam chẳng hạn, sẽ có nhiều khả năng bị bóc lột trong thỏa thuận TPP hơn nhiều so với Canada hay Mỹ.

Nhận xét:


Khó có thể hiểu được tại sao bất kỳ quốc gia đang phát triển nào lại chọn ký một hiệp ước như vậy. Bất cứ ai đã nghiên cứu lịch sử sẽ biết rằng những quốc gia này đã, đang và sẽ tiếp tục bị bóc lột bởi các nước phương Tây thuộc "thế giới thứ nhất", và việc ký hiệp ước này chỉ làm sự bóc lột đó càng dễ dàng hơn nữa. Rõ ràng chính trị gia ở những quốc gia này đã bị mua đứt bởi các tập đoàn quốc tế.

Ngoài ra, các trọng tài ICSID là một nhóm khép kín, liên hệ với nhau chặt chẽ hơn trọng tài trong các tranh chấp kinh tế khác như của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đồng thời, trong khi trọng tài WTO có xu hướng đến từ chính phủ, trọng tài ICSID thường có xu hướng đến từ khu vực tư nhân.

Vậy là:

Hệ thống này sẽ dẫn đến việc của cải, sức mạnh kinh tế càng tập trung hơn; lợi ích của điều đó thuộc về cổ đông tại các nước phát triển, tổn thất từ điều đó thuộc về người tiêu dùng, người đóng thuế và đặc biệt là người dân ở các nước kém phát triển. (Dĩ nhiên, tình trạng ô nhiễm cao hơn và nhiều thực phẩm độc hại hơn, v.v... sẽ thu ngắn cuộc sống của người dân tất cả các nước thành viên.)

Ngoài ra, trọng tài ICSID được trả trung bình 200.000 USD cho mỗi vụ, trong khi trọng tài WTO chỉ được trả 20% số đó nếu họ từ khu vực tư nhân và không có gì cả nếu họ từ chính phủ. Vậy là lợi nhuận từ việc xét xử trong hệ thống ICSID càng cao nữa - một ví dụ nữa của việc tư nhân hóa lợi nhuận.

Điều khiến hiệp ước này - cùng với hiệp ước TTIP mà Obama đề xuất với các quốc gia Đại Tây Dương và hiệp ước TISA liên quan đến các dịch vụ tài chính - là "hiệp ước tội ác nhất trong lịch sử" không chỉ là sự sụp đổ của chủ quyền quốc gia về vấn đề pháp lý mà còn là do nó làm một khu vực khổng lồ của thị trường thế giới bị tha hóa, hư hỏng. Đó là một hệ thống tư nhân hóa "công lý" theo cách khiến cho của cải chảy từ số đông vào túi số ít.

Nguồn tài liệu:

The Most Criminal Treaty in History is Finally Presented for Signing

Bản dịch tiếng Việt đăng trên facebook Đại tá Lê Thế Mẫu

Đôi nét về Đại tá Lê Thế Mẫu: nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng) từ năm 1998 đến 2009. Hiện nay, ông là một trong những chuyên gia phân tích các vấn đề quốc phòng hàng đầu Việt Nam.

Nguồn x.file.of.history