Lão nghệ sỹ nhiếp ảnh Kim Côn năm nay vừa tròn 87 xuân. Ông là nhà nhiếp ảnh nhiều năm được giao chụp ảnh những hoạt động của Bác Hồ. Bức ảnh Bác Hồ tham gia lao động kéo lưới với bà con ngư dân xóm Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa tháng 7/1960 do nghệ sỹ Kim Côn chụp đến nay nhớ lại vẫn bồi hồi xúc động trong lòng ông.
Tháng 7/1960, khi Trung ương Đảng đang họp trù bị cho Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam (sẽ được khai mạc vào tháng 9/1960), thì Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm ngư dân trên bãi biển Sầm Sơn. Trước khi đi Bác dặn không được báo cho Tỉnh ủy Thanh Hóa biết. Vì nếu biết Bác vào thăm, Tỉnh ủy sẽ làm cơm tiếp đón, như thế rất tốn tiền của đóng góp của nhân dân.
Ảnh tư liệu: Bác Hồ tham gia lao động kéo lưới với bà con ngư dân xóm Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa tháng 7/1960 do nghệ sỹ Kim Côn chụp |
Chiều tối, Bác yêu cầu bảo vệ sắp xếp không nghỉ ở nhà khách cho đỡ tốn kém mà ở ngay trong ngôi đền Độc Cước ở trên lưng chừng núi bên cạnh Sầm Sơn. Chiều tối hôm ấy Bác Hồ cùng chúng tôi lên thẳng ngôi đền. Người thủ từ trông coi đền đã nhường tiền sảnh ngôi đền cho đoàn khách đặc biệt là Bác cháu chúng tôi. Thế là, tự tay Bác cầm chổi quét một gian rồi trải chiếu mắc màn. Tất cả chúng tôi răm rắp làm theo Người, chỗ của ai người đó tự lo. Chúng tôi nằm quây quần quanh Bác…
Sớm hôm sau, dậy tập thể dục và ăn sáng xong, Bác cải trang như một lão ngư, quần cộc, áo cộc, đi dép cao su, đội mũ cát sờn mất chỏm, quấn cổ bằng chiếc khăn mặt bông để giấu bớt bộ râu. Bác dẫn chúng tôi vào thăm một xóm ngư dân. Lúc bấy giờ, nông dân và ngư dân đã vào hợp tác xã, nên giờ này người lớn đã ra bãi cá đón thuyền đi đánh cá về, còn trẻ em đã tới trường. Xóm chài vắng vẻ. Đến hai nhà đầu thấy không có người ở nhà. Ở biển, bà con đi làm rất sớm. Đến nhà thứ ba thấy một ông cụ già đang khề khà ngồi trên chõng bên be rượu với đĩa chân giò luộc, trên chõng tre có một cháu nhỏ đang ngủ.
- Chào cụ ạ!- Bác Hồ chào.
- Không dám! Chào cu!å - Cụ già chào lại Bác Hồ - Mời cụ nhắp với tôi một nhắp.
- Cảm ơn cụ! - Bác cảm ơn rồi lịch sự từ chối - Chúng tôi đã ăn sáng rồi. Đoạn Bác hỏi ông cụ về đời sống của ngư dân:
- Thưa cụ, đời sống xã viên ở đây ra sao ạ?
Ông cụ không cần đắn đo suy nghĩ, trả lời ngay:
- Cảm ơn cụ. Nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ, đời sống xã viên chúng tôi sung sướng lắm ạ!
- Chào cụ, chúng tôi xuống bãi.
Khi đã đi khuất hàng rào râm bụt nhà ông cụ, Bác dừng lại bảo với chúng tôi: "Các chú đã thấy chưa? Khi dân chưa hiểu chúng ta thì không bao giờ người ta nói sự thật đâu".
Rời xóm chài, Bác dẫn chúng tôi xuống bãi biển. Một không khí lao động tấp nập diễn ra. Bác bước nhanh tới.
Thấy mấy cụ già đang soải chân thang kéo rùng (kéo lưới) vất vả, Bác vào cùng, đứng trước một cụ già cũng soải chân thang cật lực dang tay kéo sợi dây, Bác cùng kéo luôn. Một đồng chí bảo vệ đứng sát trước mặt Bác cũng sải tay kéo. Chúng tôi cũng vào kéo theo Bác. Cụ già thấy một ông cụ lạ và mấy người cùng kéo lưới giúp thì mừng vui vừa làm vừa trò chuyện nở như ngô rang. Lao động thực sự, cật sức, mồ hôi nhễ nhại, Bác bỏ mũ, cởi cả áo cộc, cả khăn bông quấn cổ lộ hết bộ râu, lúc ấy cũng chẳng ai để ý, không ai nhận ra người cùng kéo dò áng (kéo dây lưới vây) là Bác Hồ, có lẽ họ nghĩ đây là một ông cụ già tốt bụng cùng một số cán bộ về nghỉ mát.
Mặt trời ra khỏi mây, cảnh vật rực rỡ, tôi phát hiện cảnh lao động giữa Bác với lão ngư say mê vui vẻ, tôi muốn chớp khoảnh khắc có một không hai này nhưng vướng đồng chí bảo vệ đứng sát, tôi vờ quay lại huých cánh tay đẩy đồng chí bảo vệ đứng ra xa hai ông cụ kéo lưới nhưng đồng chí bảo vệ không hiểu ý. Biết ý định của tôi, Bác đưa mắt cho đồng chí bảo vệ. Chỉ một thoáng ống kính của tôi đã thu được khung cảnh lao động rất chân thực và xúc động giữa Bác và lão ngư.
Nhấp một chút rượu rồi nghệ sỹ nhiếp ảnh Kim Côn kể tiếp:
Sau khi hoàn tất việc kéo lưới, Bác dẫn chúng tôi đi thăm không khí lao động nhộn nhịp của ngư dân trên bãi cá. Nơi này chuyển cá dưới thuyền lên bãi cát mịn. Nơi kia từng đoàn gánh cá đi, chỗ khác, mấy bà đang vun cá lên như đống lúa… Gặp chỗ nào đang khẩn trương công việc là Bác xắn tay vào. Bác nhập cuộc rất nhanh và thuần thục. Thấy mấy bà đang bốc cá vào thúng như chia cá, Bác ngồi xuống trò chuyện, Bác hỏi một ngư dân:
- Mùa này đánh bắt được nhiều cá, bà con tha hồ phấn khởi, tha hồ ăn cá, phải không các bà?
- Phấn khởi gì mà phấn khởi hở cụ.
- Sao lại không phấn khởi?
Một bà nhanh nhảu trả lời:
- Cụ bảo chúng tôi tha hồ ăn cá ư? Có mà ban quản trị nó móc họng ra. Đây là cá của các ông ban quản trị, chứ có phải cá của xã viên đâu. Chúng tôi gánh cá là gánh cá về cho chủ nhiệm đấy cụ ơi. Còn chúng tôi chỉ ăn những con tép vụn vặt mà thôi.
Bà con trả lời thật thà mà ngay thẳng. Bác đứng lên tiếp tục đi quanh bãi cá. Thời gian ấy Người đang viết dự thảo điều lệ hợp tác xã nông nghiệp. Bác bảo:
- Phải khoán cho người lao động, có khoán người ta mới có ăn, có ăn mới lao động tốt.
Với một phóng sự 5 bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngư dân Sầm Sơn, thành công của nghệ sỹ nhiếp ảnh Kim Côn là làm cho người xem không ai phân biệt trong hai ông lão cật lực lao động ấy ai là lãnh tụ, là danh nhân văn hóa của nhân loại và ai là lão ngư dân! Bác Hồ hòa mình với những người kéo lưới mà vẫn hiện lên tầm cao của lãnh tụ.
Đó là một trong số những kỷ niệm sáng mãi bên Bác Hồ kính yêu trong đời nghệ sỹ nhiếp ảnh Kim Côn không thể nào quên
Kiều Khải (ghi)/cand.com.vn