Ngày 30/4/1975 không chỉ có nghĩa là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, mà còn là ngày người dân Việt Nam, trừ những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp tục nuôi dưỡng thù hận, bất kể thuộc chính kiến hay phe phái nào, đều có thể hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể là họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào. Tại sao? Vì đó là ngày đánh dấu thêm một trang sử chống xâm lăng oai hùng của nhân dân Việt Nam.
Tôi ở phe thua trận, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như ngày 30/4/1975, đã mang đến cho tôi một niềm hãnh diện được làm một người Việt Nam, một người Việt Nam không Quốc Gia không Cộng Sản, không Nam không Bắc, một người Việt Nam không từ bỏ gốc gác tổ tiên, không từ bỏ lịch sử khi vinh khi nhục của quốc gia, và lẽ dĩ nhiên rất hãnh diện với lịch sử chống xâm lăng của dân tộc.
Cộng Sản Việt Nam đã mở đường chôn vùi chế độ thực dân trên thế giới |
Ngày 30/4/1975 mở đầu cho một cuộc di dân vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Hơn hai triệu người, đi chính thức cũng như vượt biên, hiện đang sống ở nước ngoài. Ở ngoại quốc, người Việt Nam nổi tiếng là cần cù, chịu khó, con em học hành rất thành đạt và có thể nói là vượt trội nhiều sắc dân khác đã định cư ở hải ngoại lâu đời.
Điều này không có nghĩa là con em Việt Nam ở ngoại quốc giỏi hơn hay thông minh hơn con em người dân ỡ trong nước. Và trong cộng đồng người Việt hải ngoại không phải là không có những băng đảng cướp của, giết người, tống tiền v..v.., hậu quả của sự đua đòi vật chất nhưng lại không có khả năng chuyên môn để kiếm sống; những sự gian lận của một số trí thức vô liêm sỉ trong các giới bác sĩ, luật sư; những hành động phi dân chủ, tự do nhân danh chính dân chủ và tự do của một số người thuộc loại chống Cộng chết bỏ, trong số này có cả một số tu sĩ Công giáo cũng như Phật Giáo, những kẻ đầu cơ chính trị v..v.. Ở đâu cũng vậy, đồng tiền và hư danh đã làm cho con người không còn lương tri, không còn liêm sỉ, không còn đạo đức, chỉ vơ vào bản thân bằng bất cứ phương tiện nào.
Riêng đối với cá nhân tôi, ngày 30/4/1975 là ngày tôi quyết định ly hương trước đó mấy ngày và cho đến bây giờ tôi vẫn không hối tiếc gì về quyết định này. Không được sống trên quê hương đất tổ, nhưng cả thế giới đã mở ra trước mắt tôi. Không gian như thu hẹp lại, và tôi có thể đi khắp thế giới, đến bất cứ nơi nào tôi muốn, để mở rộng tầm mắt. Thật vậy, nhờ “hồng ân thiên chúa” nên tôi đã có dịp đi tham quan, ngoài gần khắp nước Mỹ, khá nhiều nơi trên thế giới: Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Tây Âu, Đông Âu, Bắc Âu, Hi Lạp v..v… Vì sau ngày 30 tháng Tư 75 nước vẫn còn đó, không có mất đi đâu, nên ngày nay, tôi muốn về thăm quê hương khi nào cũng được. Và tôi đã thực hiện ba chuyến về thăm quê hương trong các năm 1996, 1998 và 2007. Tôi cũng còn dự định trở về quê hương nhiều năm sau nữa.
Kể từ ngày tôi “tự cưỡng bách di tản” khỏi Saigon vào mấy ngày cuối tháng 4 năm 1975, nay đã hơn 34 năm sống trên đất Mỹ. Cuộc chiến Việt Nam đã đưa đẩy nhiều người đến những số phận không ai muốn (trừ những người “tị nạn” nhưng thật ra vì lý do kinh tế). Nhưng dù muốn hay không, với bản năng sinh tồn, con người vẫn phải tiếp tục sống. Đối với những mất mát về tinh thần và vật chất khi phải xa quê hương, nói rằng không có sự luyến tiếc chỉ là tự dối lòng. Nhưng điều bù đắp hơn hết là tôi có cơ hội đọc rất nhiều sách về chiến tranh Việt Nam, về Ki Tô Giáo cũng như về Phật Giáo. Điều này đã khiến tư duy của tôi thay đổi trên nhiều phương diện.
Đối với tôi, sự mất mát trong một giai đoạn đã được đền bù bằng những món ăn tinh thần mà trước đây tôi không bao giờ nghĩ tới. Từ 1975, định cư ở Mỹ, tôi mới có cơ hội và phương tiện để tìm hiểu về Phật Giáo. Tôi cho đó là một hồng phúc của tổ tiên để lại. Ngoài ra, tôi cũng còn có cơ hội để tìm hiểu thực chất về các tôn giáo khác, đặc biệt là về Ki Tô Giáo nói chung, Công giáo Rô Ma (Roman Catholicism) nói riêng, cũng như về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam mà tôi tin rằng nếu ở lại Việt Nam tôi không thể nào có phương tiện và cơ hội để có được những sự hiểu biết này. Qua những kiến thức mới thu thập được này, tôi đã từ một người “Quốc gia” trở thành một người “của Quốc Gia”, Quốc gia Việt Nam.
Về chiến tranh Việt Nam, chúng ta đã thua, và một thiểu số muốn tiếp tục cuộc thánh chiến chống Cộng ở hải ngoại, chống Cộng vì những mất mát cá nhân về quyền thế, về tôn giáo, hay tài sản, hay người thân v..v.., nói chung, với lý do chúng ta là “nạn nhân của Cộng Sản”.
Nhưng trong chúng ta, có ai đặt câu hỏi: “Thế nạn nhân của Mỹ và của phía Quốc Gia thì sao?” Ai có can đảm trả lời trung thực câu hỏi này. Nên nhớ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã giết khoảng 300,000 người vô tội trong chính sách “tố Cộng”, cộng với những thảm bom trải từ B52, vùng oanh kích tự do, Bến Tre, chiến dịch Phụng Hoàng, Agent Orange, Mỹ Lai v..v.. Và sự thật là, trong cuộc chiến, số người chết, bị thương của miền Bắc gấp mấy lần của miền Nam.
Khoan nói đến những sự tàn khốc của chiến tranh, những người chết và thân nhân gia đình họ ở phía bên kia có phải là người không, và những người còn sống có đau khổ trước những sự mất mát to lớn đã đến với họ không? Họ có quyền thù hận chúng ta không?
Vậy nếu họ cũng kéo dài thù hận như chúng ta, thì sự thù hận này bao giờ mới chấm dứt, oan oan tương báo. Nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ thấy những thái độ thù hận một chiều, đúng ra là ngược chiều, từ phía những người quốc gia ở hải ngoại. Có vẻ như những người đi buôn thù hận này nghĩ rằng, những người bên phía CS không phải là người, không có cha mẹ, vợ chồng con cái, bạn bè thân thuộc v..v.. nên những mất mát tổn thất của họ không đáng kể, chỉ có những tổn thất của phía chúng ta mới đáng để thù hận.
Những người chống Cộng chỉ đưa ra những luận điệu một chiều để chứng minh chỉ có CS là ác, còn QG hay Mỹ thì không. Họ cố tình lờ đi và không bao giờ nhắc đến những hành động đối với dân, với kẻ thù, của người lính Quốc Gia cũng như của người lính Mỹ mà CS cũng phải chào thua, như những tài liệu của chính người Mỹ như đã trình bày ở trên. Nhưng cũng may là sự thù hận này phần lớn chỉ có một chiều, tập trung trong một thiểu số ở hải ngoại mà đa số trong đó thuộc thế lực đen, một thế lực đã nổi tiếng trong dân gian, mà lịch sử đã ghi rõ, là “mất gốc”, là “tay sai ngoại bang” và “hễ đã phi dân tộc thì thể nào cũng phản dân tộc”, đang nắm những phương tiện truyền thông ở hải ngoại.
Ngày nay, thế giới Tây phương và tay sai tập trung vào chiến dịch hướng dẫn dư luận, thật ra là lạc dẫn [mislead] dư luận qua những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, thổi phồng tội ác của Cộng Sản, nhằm mục đích xóa tên Cộng sản trên chính trường thế giới để chạy tội cho chính mình. Sách lược chung của họ là chỉ đưa ra, và thường là thổi phồng, xuyên tạc mặt xấu của Cộng Sản mà không bao giờ nói đến cái lịch sử ô nhục của Tây phương về tôn giáo, về thực dân, cũng như không bao giờ nói đến những thành quả của Cộng Sản trên thế giới, kể cả ở Âu Châu.
Riêng về Việt Nam, những người chống Cộng cực đoan thường quên đi hay xuyên tạc, hạ thấp những chiến công lừng lẫy của Cộng Sản trong công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp, cất bỏ được ách đô hộ của thực dân trên toàn thể dân tộc, và là tiền phong trong những cuộc cách mạng chống thực dân trên thế giới, và sau cùng thống nhất đất nước. Họ chỉ quan tâm đến vài con số ngụy tạo trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở Việt Nam. Trong cuộc chiến với Mỹ ở miền Nam, họ chỉ nhắc đến Tết Mậu Thân theo luận điệu tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ, mà quên đi bom đạn Mỹ và VNCH đã tàn phá Huế và Bến Tre như thế nào, đã làm bao nhiêu thường dân vô tội chết.
Một tài liệu cho biết, cho tới cuối năm 1966, theo ước tính của CIA thì bom của Mỹ thả ở ngoài Bắc đã làm chết trên 35,000 người mà 80% là thường dân [Ronald H. Specter, After Tet, The Free Press, New York, 1993, p. 12]. Họ cũng không bao giờ nhắc đến Mỹ Lai, chiến dịch Phụng Hoàng, vùng oanh kích tự do, thuốc khai quang, và những chính sách tàn bạo gấp bội, giết nhiều người gấp bội của Mỹ và tay sai, nhất là của chính quyền tôn giáo trị, gia đình trị của Ngô Đình Diệm với chính sách “tố Cộng” bừa bãi, với đoàn mật vụ miền Trung, với khu 9 hầm của Ngô Đình Cẩn v.v... Nhưng tài liệu về cuộc chiến ở Việt Nam ngày nay không thiếu, cho nên những luận điệu “tố Cộng” một chiều theo thiên kiến không còn giá trị thuyết phục, ít ra là đối với lớp người có đôi chút hiểu biết về lịch sử.
Có một điều khó ai có thể phủ nhận là cuộc cách mạng 1789 của Pháp, và sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản trong thế kỷ 20, đã phần nào làm sụp đổ ý thức hệ và quyền lực của Công giáo Rô-ma Âu Châu, hậu quả là tình trạng suy thoái thê thảm của Ki Tô Giáo ở Âu Châu ngày nay. Có thể nói, chủ nghĩa Cộng Sản là một toa thuốc đã thành công chữa vài căn bệnh thời đại đã giáng lên đầu nhân loại:
- bệnh nghiện thuốc phiện Thiên Chúa của Âu Châu mà người dân Âu Châu ngày nay đã cai từ từ,
- bệnh tư bản bóc lột giai cấp vô sản của cuộc cách mạng kỹ nghệ mà các xí nghiệp đã phải cho tổ chức những nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của công nhân,
- và bệnh thực dân bóc lột chà đạp những nước nhược tiểu, đã cáo chung sau chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam.
Việt Nam nên hãnh diện vì đã đi tiên phong trong sứ mạng giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp, một ách nô lệ mà lịch sử đã ghi rõ.
Cộng Sản Việt Nam đã mở đường chôn vùi chế độ thực dân trên thế giới, đồng thời đưa thế lực đen đã nổi tiếng là “hễ phi dân tộc thì thể nào cũng phản dân tộc” về nguyên vị là một thiểu số lệ thuộc ngoại bang trên đất nước, và mất đi những quyền lợi chỉ có thể có được nhờ thực dân và 2 chính quyền Công giáo ở miền Nam. Đây là những sự kiện lịch sử không ai có thể phủ bác bất cứ dưới lý luận méo mó thiển cận nào, thí dụ như, cứ để yên rồi Pháp sẽ trả lại độc lập cho cũng như Mỹ đã trả lại độc lập cho Phi Luật Tân mà không biết rằng bao nhiêu ngàn người Phi Luật Tân đã chết vì chống Mỹ.
Nhưng sau khi đánh đuổi được thực dân và thống nhất đất nước, chủ nghĩa Cộng Sản khuôn mẫu đã không còn thích hợp. Vì vậy mà sớm hơn cuộc “cách mạng nhung 1989” tại Đông Âu, từ 1986, Việt Nam đã kịp thời chuyển hướng, từng bước tự mình đổi mới để vượt qua những khó khăn lúc đầu của tình trạng kiệt quệ sau cuộc chiến, vượt qua sự cấm vận trong 19 năm của Mỹ, và đưa quốc gia đến tình trạng phát triển về mọi mặt ngày nay. Chỉ có những con bò mộng Tây Ban Nha, đeo thêm cặp kính màu hồng, nhìn đâu cũng thấy màu đỏ và cắm đầu húc càn, mới không biết đến những điều này…
Trần Chung Ngọc