HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ
Tại sao tôi lại xếp Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đứng đầu? Xếp trên cả tướng Giáp, lẫn Hưng Đạo đại vương? Các bạn sẽ nghĩ điều đó đầu tiên. Phải, tôi chọn Hoàng đế Quang Trung đứng đầu vì theo đúng TIÊU CHÍ trong serie này: TƯỚNG TÀI.
Hoàng đế Quang Trung là thiên tài quân sự sinh ra để chiến đấu, để ra trận. Ông ở trên lưng ngựa từ năm 18 tuổi, và đăng cơ là 36 tuổi. Trong 18 năm, ông bách chiến bách thắng, đã ra trận là tiêu diệt kẻ thù, khiến đối phương chạy như vịt, đánh không còn mảnh giáp, đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng. Và ông sở hữu 2 điểm khác biệt: Quang Trung có cái dã tâm của kẻ chinh phục, cái tàn bạo của kẻ trên lưng ngựa, ông truy cùng diệt tận kẻ thù và chém đầu tất cả những ai dưới trướng mình quay đầu lại khi tấn công. Một kiểu với Thành Cát Tư Hãn và Alexandro đại đế. Phải nói thêm, phần lớn lãnh thổ của Tây Sơn đều nhờ những chiến công của ông tranh đoạt, nhưng Nguyễn Nhạc lại chia cho Nguyễn Lữ vùng Gia Định, lấy về mình vùng đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận, chỉ chia cho ông Thuận Hóa và Nghệ An. Ông lập tức đưa quân tới bao vây thành Quy Nhơn, khiến Nguyễn Nhạc phải giao thêm cho ông 2 phủ ở Quảng Nam. Giống với Lý Thế Dân, ông là kẻ đặt thiên hạ lên phía trên tư tưởng thông thường, và tự nhận về mình sự mệnh lịch sử. Điểm thứ hai để khiến tôi đưa ông lên đầu, chính sự khác biệt của ông so với 4 con người vĩ đại mà tôi đã viết là ở chỗ này: QUANG TRUNG LÀ VỊ TƯỚNG DUY NHẤT TRONG DÂN TỘC ĐÁNH TẤN CÔNG.
Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ: Một trong năm vị tướng tài ba nhất lịch sử Việt Nam |
Hoàn cảnh xuất hiện của ông là một hoàn cảnh thế này: người dân lầm than trong cuộc chiến tranh giữa Vua Lê – Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Để phục vụ cho chiến tranh, những cuộc mở rộng lãnh thổ của Chúa Nguyễn ở trong Nam đã được tiến hành, qua đó lấy được hoàn toàn ChamPa và một phần lớn của Chân Lạp, kéo dài đến Gia Định (SaiGon ngày nay). Khi đó Việt Nam đã có một phần lớn hình hài như bây giờ. Nhưng vẫn đang bị cát cứ và “nồi da xáo thịt”. Dân đói khổ, sưu thuế thì cao, kẻ làm quan thì tham ô, vơ vét. Các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra. Khởi nghĩa Tây Sơn với 3 anh em Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ là hệ quả của nó. Và đó là lý do ta gọi Quang Trung là Hoàng Đế áo vải. Ngài đã sinh ra trong hoàn cảnh người dân lầm than cơ khổ vì chiến tranh của hai miền, và giương cao ngọn cờ. 18 năm trên lưng ngựa, người đánh tan cả chúa Nguyễn, đấm vỡ quân Xiêm trên Rạch Gầm – Xoài Mút khiến chúng vỡ mật (Sử miêu tả lại: Xiêm từ sau khi thua trận Rạch Gầm - Xoài Mút tuy ngoài miệng thì nói khoác nhưng trong bụng thì sợ Nguyễn Huệ như sợ cọp), người kéo quân ra Bắc đập tan cả chúa Trịnh, tiêu diệt luôn nhà Lê bạc nhược , và hốt trọn 30 vạn quân Thanh trong 5 ngày.
Cả một dân tộc bị chia cắt, chính tay Ngài đã cho nó thành hình hài và kéo thành một mối. Một cuộc san lấp mặt bằng sau gần 100 năm hoang tàn nội chiến được thực thi dưới tài lãnh binh bách chiến bách thắng của ngài, cầm quân ra trận, đánh đông dẹp bắc, tiêu diệt tất cả những phần tử đối lập. Từ trong nước (Trịnh –Nguyễn), từ ngoài nước (Xiêm – Thanh), đều là bại tướng của ngài. Trong toàn cõi Đông Dương khi ấy, và kể cả Đông Á, không ai uy dũng hơn ngài.
Một điều mà bạn cần biết, kẻ hoàng đế lập quốc rất coi trọng việc đóng đô sau khi giành thiên hạ. Kinh đô đặt ở đâu là phải đảm bảo sự lâu dài của vương triều. Vậy tại sao Vua Quang Trung lại chọn Nghệ An - Phượng Hoàng Trung Đô: vì thuận tiện cho việc kéo quân ra Bắc đánh, cũng như kéo quân vào Nam dẹp loạn. Vâng, chọn kinh đô ở giữa đất nước để tiện bề tiêu diệt các kẻ cát cứ. Quá đáng sợ.
Trong tờ chiếu gửi cho Nguyễn Thiếp ra xem đất, ngài ghi rõ: "Nay kinh Phú Xuân thì hình thế cách trở. ở xa trị Bắc Hà, sự thế rất khó khăn. Theo đình thần nghị rằng, chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện, tiện việc đi về"
Cái tư duy của Quang Trung là cái tư duy đi ngược hoàn toàn với lịch sử dân tộc. Có 2 câu chuyện dưới đây:
Sau khi Ngô Văn Sở theo kế Ngô Thì Nhậm lui binh ra Tam Điệp để Thăng Long lại cho Tôn Sĩ Nghị. Những câu dưới đây sẽ cho ta thấy về suy tính của Quang Trung cho việc chinh nam dẹp bắc.
“Tội các ngươi đáng chết một vạn lần. Tuy nhiên, Bắc Hà mới yên, lòng người chưa quy phục, khanh đã biết bảo toàn lực lượng và khiến cho địch kiêu căng, đó là một kế rất hay.”
“Ta đã tính sẵn rồi. Chẳng qua mười ngày có thể đuổi được người Thanh (thực tế người chỉ cần năm ngày). Nhưng nghĩ nó là nước lớn, gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, thật không phải phúc của dân.”
“Đợi mười năm nữa, ta đủ thời gian gây nuôi, nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì nó”.
10 năm đòi phá Tàu. Đó là Nguyễn Huệ. Ai dám bảo không có căn cứ? Nên nhớ quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy có 2 điểm khác so với thông thường: đầu tiên là người coi trọng việc phát triển thủy quân (bây giờ nhìn Mỹ - Trung – Nga giành giật nhau trên biển thì ta mới hiểu hải quân có vai trò lớn thế nào trong quân đội), và thứ hai: quân đội của ông được huyến luyện để sử dụng các súng trường của Châu Âu, hỏa tiễn, và pháo đại bác. Tinh nhuệ và hiện đại.
Câu chuyện thứ hai chính là ấp ủ dự định thống nhất phần Đàng Trong, Hạ Lào, và vùng đất Cambodia ngày nay thành một mối. Khi ấy Cambodia đang chịu ảnh hưởng của quân Xiêm. Nhưng sau trận Rạch Gầm, quân Xiêm “són” đến mức không dám bén mảng đến cả vùng Cambodia. Sức mạnh Tây Sơn thời điểm ấy thừa sức thay thế. Nhưng mâu thuẫn của ông và Nguyễn Nhạc lại đang cao, và vì Quang Trung coi trọng vùng đất Bắc hơn, nên ông mới để cho Nguyễn Nhạc “tự xử” phần còn lại để tiện đường đưa quân ra Bắc. Nguyễn Nhạc bỏ lỡ cơ hội.
Ngoài kia, Quang Trung sau khi bình định xong xuôi, đuổi quân Thanh, lên ngôi Hoàng đế, an dân, cải cách hành chính, phát triển nông nghiệp. Ông tiến hành bước tiếp theo: sắp xếp quân đội để tiêu diệt hoàn toàn Nguyễn Ánh, lấy lại Gia Định, “mượn đường diệt Quắc”, kéo rốc quân sang Hạ Lào, Cambodia để thống nhất phần Nam Đông Dương. Dự định xong xuôi, thì ông mất đột ngột. 16.09.1792, năm ấy Ngài chưa đầy 40 tuổi. Vị tướng duy nhất đã thâu gọm cả dân tộc về một mối bằng đòn tấn công bão táp như mưa sa chớp giật, đã tấn công, và dám tham vọng tấn công để phát triển đất nước. Người chiến tướng, thiên tài quân sự. Một người khiến các sử gia thời nhà Nguyễn dù căm thù Tây Sơn cũng phải cúi rạp đầu kính nể: “Binh giáp của ngài, đen khói thuốc súng”. Ngài là Quang Trung.
HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG – NGUYỄN HUỆ (P2)
"Ðất nước Việt Nam có khi thịnh khi suy, lịch sử Việt Nam có khi hưng khi phế, thế hệ trước không giữ được Hoàng Sa nhưng không phải vì thế mà Hoàng Sa trở thành đất của Trung Quốc hay của bất cứ một quốc gia nào khác. Dân tộc Việt Nam, các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau phải nhớ rằng: Bất cứ khi nào các điều kiện kinh tế, chính trị và quân sự cho phép, một trong những việc đầu tiên là phải lấy lại Hoàng Sa."
Khi đọc những dòng đó lên, hẳn nhiều người rất bồi hồi. Và tôi cũng vậy. Slogan ấy hẳn nhiều người còn nhớ. Đó cũng là tiếng lòng của dân tộc này. Mai sau và hôm nay, những người con nước Việt phải nhớ. Cách đây 3 thế kỷ, đó cũng là những gì mà hoàng đế Quang Trung đã làm năm xưa khi Ngài có sức mạnh lớn lao như mặt trời chính ngọ. Và việc đầu tiên ngài làm là đòi Lưỡng Quảng về cho dân tộc này. Khi người hoàng đế áo vải bách chiến bách thắng ấy hệt như một Thành Cát Tư Hãn muốn thâu trọn cả thiên hạ. Ngài đã làm tất cả, từ ngoại giao khôn khéo, sử dụng cả Thiên Địa Hội “phản Thanh phục Minh” để phá rối Trung Quốc, đi kèm đó là giao thương buôn bán + xin đưa quân lính sang bảo vệ các thương nhân người Việt, đồng thời cầu hôn con gái vua Càn Long, song song với đó biên thư liên tục về đòi đất Lưỡng Quảng. Ông đã gây sức ép lên mọi mặt để có thể lấy Lưỡng Quảng về lại cho dân tộc. Nhưng vận mệnh của dân tộc chỉ dừng ở tại đó. 39 tuổi, ngài mất trong mọi dang dở về dự định. Để lại một nỗi tiếc nuối lớn lao cho hậu thế.
Chúng ta sẽ không nói nhiều về từ “Nếu” ấy nữa. Trong cái giai đoạn mà “cá lớn nuốt cá bé” ấy, mọi vấn đề về tranh chấp lãnh thổ không có nhiều ý nghĩa. Chỉ sau thế chiến II, khi hội nghị Ianta lập ra một tổ chức mang tên Liên Hợp Quốc. Mọi vấn đề mới được giải quyết. Mọi lãnh thổ đã đi vào nền nếp. Lưỡng Quảng chỉ còn là một giấc mộng cát bụi như chính tham vọng lịch sử của Vua Quang Trung. Nhưng Hoàng Sa thì không bao giờ.
“…Một hôm Vua Quang Trung hỏi:
“Trước đây có ai dám đánh quân Tàu không?”
Vị cận thần tâu:
“Có, nào đức Trần Hưng Đạo đánh giặc Nguyên, nào vua Lê Thái Tổ đánh giặc Minh, chuyện xưa hãy còn nhiều lắm.”
Vua Quang Trung thêm:
“Song le, có ai dám tận Tàu mà đánh rồi chiếm lấy đất?”
Vị bầy tôi tâu:
“Chưa”
Thấy nói “chưa”, Vua Quang Trung hăng hái phán:
“Vậy thì để ta sẽ làm cho mà coi.”
9 chữ ấy, lịch sử dân tộc từ cổ chí kim không có ai dám nói.
Hôm trước khi tôi viết phần 1 có nói Quang Trung là vị tướng duy nhất trong lịch sử dân tộc đánh Tấn Công. Từ Tấn công ấy không phải giống như kiểu Tấn Công của Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt đánh xong Châu Ung, châu Khiêm thì trả lại chứ không chiếm. Còn Quang Trung là muốn chiếm đất. Vì Lý Thường Kiệt đánh là để phòng thủ, còn Quang Trung đánh là như Nã Phá Luân, như Thành Cát Tư Hãn đi chinh phục. Quang Trung là mang cái dã tâm, cái tham vọng, cái tàn bạo của kẻ sinh ra trên lưng ngựa. 18 tuổi đến 36 tuổi, quét sạch từ Nam ra Bắc để thống nhất đất nước. Và khi yên bờ cõi, thì trui rèn lực lượng 10 năm hướng về phía Tàu. Ông xuất phát từ nông dân mà lên chứ không phải là người thuộc dòng dõi quý tộc có nhiệm vụ trấn giữ bờ cõi. Vì vậy ông rất khác.
I/Tài luyện binh
Ngài không chỉ là một vị tướng có tầm nhìn chiến lược, mà còn là vị tướng chiến thuật với những chiến trận cụ thể. Nhưng trước khi có những chiến trận với mưu kế trập trùng như một bậc đại anh hùng. Ông còn là một vị tướng giỏi luyện binh.
Hãy chú ý điều này: các bạn biết tại sao trước nay các cuộc khởi nghĩa nông dân thường nhanh chóng bị dập tắt không? Bởi người nông dân khởi nghĩa tuy có nhiệt huyết nhưng chỉ mang cái manh mún , tuy có sự dũng cảm nhưng lại thiếu cái chuyên nghiệp của một quân đội chính quy. Đó là lý do vì sao họ thường bị quân triều đình đánh dẹp. Trước khi khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra đã có các cuộc khởi nghĩa của nhà sư Nguyễn Dương Hùng ở Sơn Tây, khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu ở ven biển Đồ Sơn, khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương ở phía tây Thăng Long…những tất cả đều bị quân Trịnh đàn áp. Chỉ đến khi khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra thì chính tay Tây Sơn mới là kẻ diệt Trịnh – Nguyễn. Điều này có được là nhờ chính ở tài luyện binh và đốc binh của Nguyễn Huệ. Biến đội quân của những người nông dân áo vải thành những quân lính tinh nhuệ. Bạn nhớ nhé: bộ binh Tây Sơn đã dùng súng trường của phương Tây rồi đấy. Và Nguyễn Huệ luyện binh giỏi đến nỗi pháo binh (hạng nhẹ) của Tây Sơn bắn chính xác hơn bộ binh dùng súng trường. Đặc biệt quân chủ lực của Tây Sơn còn sở hữu một thứ vũ khí là đặc sản của họ: hỏa hổ: một loại hỏa tiễn cầm tay, rất gọn nhẹ và rất có lợi cho thực chiến. Về đốc binh, Nguyễn Huệ thi hành bàn tay sắt, dưới trướng của ông không có quân hèn, dưới trướng của ông đã vào trận là cảm tử lao lên, quay đầu lại là bị xử chém. Còn ngài thì sao? Đích thân ngài cưỡi voi ra trận, đi ngay tuyến đầu. Quân lính nhìn vào ngài mà tiến lên, còn ngài xông pha trận tiền, uy dũng lẫm liệt.
Một đạo quân không chỉ dùng súng, mà còn biết kết hợp thủy bộ rất nhuần nhuyễn, biết sử dụng voi ra trận. Một đạo quân hiếm hoi và tinh nhuệ bậc nhất của lịch sử dân tộc. Và khi ngài chết đi, cái tài luyện binh, đốc binh, cái tài bắn pháo, hỏa hổ, súng trường…cũng mất đi. Ngài sinh ra để cho Tây Sơn. Và ngài chết đi thì Tây Sơn cũng tàn lụi.
2/ Tài chỉ huy chiến trận
Hẳn trong các bạn ai cũng biết về câu chuyện “Người cỏ mượn tên” của Gia Cát Khổng Minh trong Tam Quốc Diễn Nghĩa ở trận Xích Bích chứ? Hừ, “Người cỏ mượn tên” có là gì? Nguyễn Huệ còn cao minh hơn một bậc.
Năm 1786, Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc đánh Trịnh. Ông chỉ huy thủy quân, giao cho Nguyễn Hữu Chỉnh 400 chiến thuyền đánh tiên phong. Sau khi chiếm được Thanh Hóa – Nghệ An: đây là 2 vùng đất tối quan trọng. Quân Trịnh hoảng hốt liền cho quân ra chặn ở khúc sông Sơn Nam. Và bây giờ “Người cỏ mượn tên” xin được phép bắt đầu.
Lợi dụng đêm tối, Huệ dùng mưu, cho năm chiếc thuyền chở người nộm bằng rơm tiến lên, hò hét đánh trống trận ầm ĩ, và đón nhận hỏa lực cực mạnh của quân Trịnh. Quân Trịnh bắn say sưa cho đến khi hết đạn. Khi hỏa lực yếu dần, Nguyễn Huệ lúc ấy mới mở đợt tấn công cực mạnh, và dễ dàng đánh bại toàn bộ quân Trịnh. Kẻ cầm quân phải “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, vào cái đêm không trăng không sao, đưa người cỏ ra nhận hỏa lực. Đó là Nguyễn Huệ. Chiến thắng ở Sơn Nam. Huệ kéo rốc quân tới Thăng Long. 4 trận thắng ở Đàng Trong, 2 trận thắng ở Đàng Ngoài. Chính thức tiêu diệt Trịnh – Nguyễn. Phủ chúa chấm dứt sau 200 năm tồn tại. Vị tướng trẻ năm ấy 33 tuổi. Tạo tiền đề lớn nhất cho dân tộc Việt Nam thống nhất.
Trận Rạch Gầm – Xoài Mút là một kiểu chiến thuật khác. Trận này thực ra rất phức tạp vì cả thủy – bộ phải cùng đánh.
Khi Nguyễn Ánh dẫn quân Xiêm vào, quân Xiêm đóng ở Sa Đéc- Đồng Tháp. Và chúng ta hãy xem Nguyễn Huệ làm gì (Yên tâm, tôi không bắt các bạn đọc quân ta diệt được mấy tên địch như SGK đâu).
- Đầu tiên là lực lượng tình báo: Nguyễn Huệ có một lực lượng điệp báo cực hay. Các ngả tiến quân của quân Xiêm qua đường sông (vào Gia Định) và đường bộ (nhằm đánh thẳng vào An Khê thủ phủ Tây Sơn) đều bị Nguyễn Huệ nắm hết.
- Tiếp theo là địa thế - mưu lược: Sa Đéc là nơi không cần động tới. Nguyễn Huệ dụ quân Xiêm tới một địa điểm có thể cho quân mai phục. Sau khi thị sát, ngài chọn Rạch Gầm – Xoài Mút: một cửa sông đủ rộng và đủ dài cho một hạm đội. Và đủ lau sậy để bố trí mai phục.
- Sau đó là chiến tranh tâm lý: quân Xiêm ngoài miệng khoác lác, nổ vang trời. Nguyễn Huệ càng tung hứng lên. Bằng cách cho một hạm đội ra hò hét khiêu chiến, rồi giả thua bỏ chạy. Liên quân Xiêm – Nguyễn sướng quá, đuổi theo, kéo cả lực lượng tới Rạch Gầm – Xoài Mút. Khi toàn bộ quân Xiêm vào hẳn trong tầm đạn. Lúc ấy hàng trăm chiến thuyền được giấu kín từ các hòn đảo nhỏ túa ra chém giết, đánh rốc vào giữa hai hàng, và hàng trăm khẩu pháo binh từ hai bên bờ nã như chưa bao giờ được nã. (Nã mà chỉ trúng quân địch, không trúng quân ta, đấy không đơn thuần vì Nguyễn Huệ luyện quân ném hỏa hổ tinh thuần, mà còn vì Nguyễn Huệ luyện binh bằng trống hiệu. Trống hiệu phân biệt trong đêm tối. Chú ý nhé: cả trận Rạch Gầm – Xoài Mút lẫn trận Đống Đa đều đánh vào ban đêm. Khi ông mất, thứ nghệ thuật này cũng bị tuyệt diệt. Đáng tiếc). 300 chiến thuyền bị tiêu diệt, 20.000 quân chỉ có 2000 quân chạy thoát. Từ đó về sau quân Xiêm sợ Huệ như sợ cọp.
Có một điều mà nhiều người ngưỡng mộ vua Quang Trung hay nói: ông còn sống thì Pháp làm sao dễ dàng xâm lược nước ta. Họ không phải là không có căn cứ. Năm 1782, Nguyễn Ánh nhờ mối quan hệ với Bá Đa Lộc đã đưa được một lực lượng quân phương Tây do người Pháp và người Bồ Đào Nha đưa thủy quân vào Gia Định. Nhưng vẫn không chống nổi Nguyễn Huệ, sự quyết liệt của ngài, với quân lực súng trường và hỏa hổ, lực lượng tinh nhuệ đã dễ dàng đánh bại liên quân phương Tây ấy. Tôi nghĩ rằng, cả Châu Á thời điểm ấy, kể cả cái anh Trung Quốc luôn rao giảng vĩ đại ấy. Cũng đừng hòng dùng súng trường phương Tây đánh thắng quân phương Tây trên đường biển như Nguyễn Huệ làm vào năm 1782. Lúc ấy ngài 29 tuổi. Như một Alexander Đại Đế của Hy Lạp cổ đại.
Cái đáng sợ của ngài còn ở cái cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa thủy quân và bộ binh. Hai mặt trận này, ngài đánh đâu cũng giỏi. Đỉnh cao nhất có lẽ là trận đánh Gia Định năm 1783, Nguyễn Huệ đưa voi vào trận chiến, trên mặt sông và bùn lầy, voi được chở bằng đường biển, xông vào trận. Từ cổ chí kim. Hiếm ai lì lợm như Nguyễn Huệ. Đặc biệt chiến dịch này còn thể hiện tầm vóc thông thiên văn của Huệ, khi lợi dụng hướng gió để tấn công quân đội Nguyễn Ánh. Hỏa công quân Nguyễn bắn ra, quay ngược ra sau. Còn tên lửa Tây Sơn thì theo chiều gió sức mạnh tăng gấp bội.
Chúng ta sẽ đến với trận chiến cuối cùng: trận Ngoc Hồi – Đống Đa. Trận chiến vĩ đại nhất của Quang Trung.
Nhưng trước khi vào trận chiến này ta nói một vấn đề mà ai cũng nghĩ rằng Huệ không giỏi: chính trị. Nhưng hay coi lại. Năm 1786 khi đưa quân ra Bắc lần thứ nhất, ngài lấy danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh” vì ngài biết rằng nhà Lê đã ăn sâu bén rễ trong lòng người dân đã lâu, và ngài từ phương xa tới, chưa lấy được lòng dân. Nhưng năm 1789, khi đưa quân ra Bắc lần thứ hai, thì ngài giương cao khẩu hiệu “Lê Chiếu Thống bán nước, đánh đuổi quân xâm lược”. Người Việt Nam với tinh thần dân tộc rất cao đã đi theo ngài, ủng hộ ngài. Và dù không như vậy, họ cũng dễ dàng thấy chính nghĩa nằm ở đâu? Chắc chắn không phải là ở kẻ đưa 20 vạn quân Thanh vào uống rượu ở Thăng Long. Vậy là lần này quân Tây Sơn đã có lòng dân. Nguyễn Huệ cực kỳ linh mẫn với chính trị. Kể cả việc ngài nghĩ tới chuyện hòa hiếu với Càn Long và sau đó đòi Lưỡng Quảng.
Trận Ngọc Hồi – Đống Đa. Điều tiên quyết nhất cho chiến thắng là 2 điểm: thứ nhất là cách dụng binh thần tốc. Thiên tài Nguyễn Huệ nằm ở chữ “NHANH”. Ông là chuyên gia đánh đòn sấm sét, xuất quỷ nhập nhần. Như tướng nhà trời rơi xuống. Và ưa dùng cách đánh bất ngờ. Bắt Vũ Văn Nhậm khi Nhậm đang ngủ say, đánh Tôn Sĩ Nghị khi Nghị đang ăn bánh chưng, bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh đêm hôm sau dù đêm hôm trước còn hàn huyên với Chỉnh. Đêm hôm ngủ say, bỗng đèn đuốc sáng trưng. Đấy là khi quân của Quang Trung vào.
-Chuyện hành quân thần tốc: Đã có quá nhiều giả thiết về vấn đề này. Rốt cuộc thì Nguyễn Huệ đã hành quân như thế nào mà chỉ rời Huế ngày 22 tháng chạp, đã đến Thăng Long vào ngày mồng 5 Tết. Vấn đề nằm ở nguyên tắc “tập thể di chuyển liên tục ngày đêm, cá nhân luân phiên nghỉ dưỡng sức”. Có nghĩa rằng đạo quân khổng lồ đó luôn luôn phải di chuyển 24/24, nhưng những người lính sẽ thay phiên nhau khiêng võng – nghỉ, khiêng võng – nghỉ theo tốp 3 người. Sự gấp rút ấy đáng sợ đến mức mà voi ngựa lẫn quân lính chết dọc đường rất nhiều. Và ông đi đến đâu, lại mộ binh đến đấy để khỏa lấp số quân thiếu hụt. Mọi giả thiết đều là bí ẩn. Đó cũng chỉ là 1 giả thiết mang tính chất tham khảo.
-Tâm lý: Vua Quang Trung đã hành quân nhanh không ngờ, lại còn chơi chiêu. Ông gửi thư xin Tôn Sĩ Nghị rút quân, khiến Nghị càng đã tai. Lại càng say sưa chè chén. Và đúng đêm mồng 5 Tết thì khói lửa rợp trời.
- Sĩ khí: Đầu tiên, vì là đoàn quân trên trời rơi xuống nên tất cả các tiền đồn của Trung Quốc bị Quang Trung diệt sạch không còn một mống, và kéo rốc tới Hạ Hồi ngày mồng 4 Tết. Khi Quân Thanh phản công, nhiều người nao núng. Quang Trung nhảy xuống voi, thắt khăn vàng, cầm song kiếm chém giết. Như chính bài hịch “Đánh cho để đen răng/Đánh cho để dài tóc”.
Và ngài dừng ở đấy !
***
Như các bạn đã đọc và hẳn đã thấy, Quang Trung là con người bách chiến bách thắng. Tất cả mọi tinh hoa về quân sự từ cổ chí kim của dân tộc cùng cái tàn bạo của kẻ cầm quân gói gọn ở trong tay ngài. Ngày ngài mất đi, nghệ thuật quân sự đánh thần tốc, tiêu diệt chủ động cũng mất đi. Quân ta sau này đánh du kích là chủ yếu.
Quang Trung xuất thân từ nông dân, đã đi lên từ đói khổ với chiếc áo vải cờ đào, đã thống nhất được dân tộc sau 30 năm nội chiến. Con người biểu trưng cho sức mạnh vĩ đại nhất của người nông dân khởi nghĩa. Khi đối diện với hai ông hoàng thất thế. Kẻ ở trong Nam viện trợ quân Xiêm, kẻ ở ngoài Bắc viện trợ quân Thanh. Một mình ngài đánh tan ngoại bang không còn mảnh giáp. Quang Trung là vị anh hùng của người dân kham khổ.
Lời đầu Hoa Bằng có đoạn:
“Ôi, là người đồng thời và ngang hàng với Nã Phá Luân, Quang Trung cũng có thiên tài về quân sự, cũng có thủ đoạn thần tốc trong việc hành binh, cũng có chí hăng, hoài bão lớn…Vậy mà Nã được gửi nắm xương trong đền Invalindes để cho người sau viếng thăm ca tụng! Còn Quang Trung? Sự nghiệp oanh liệt phải vùi sâu trong vực thẳm thời gian!
Trèo lên Đống Đa, trông ra bốn mặt “nào gái, nào trai, nào áo, nào mũ, nào ngựa kéo xe, trâu cày ruộng, gió bụi lưng trời mờ mịt…Vua Quang Trung nào đâu?”
HẾT
© Dũng Phan