Bất cứ cuộc “lột xác” nào cũng trải qua đau đớn. Huống hồ, việc trả lại bộ mặt văn minh cho đô thị đồng thời cũng đang lấy đi sinh kế của nhiều người dân ngày đêm bám trụ với “kinh tế vỉa hè”.
Về “cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, BLOG Dân trí đã cho rằng mục tiêu của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Quận 1 (TPHCM) không thể đơn giản hơn và cũng không thể chính đáng hơn: “trả lại vỉa hè cho 13 triệu người dân thành phố”, “tất cả đều thượng tôn pháp luật”.
Tuy nhiên, bất cứ cuộc “lột xác” nào cũng trải qua đau đớn. Huống hồ, việc trả lại bộ mặt văn minh cho đô thị đồng thời cũng lấy đi sinh kế của nhiều người dân đang ngày đêm bám trụ với “kinh tế vỉa hè”. Theo phản ánh của báo chí, hàng loạt cửa hàng kinh doanh nhờ bám vỉa hè thời gian gần đây đã buộc phải sa thải nhân công khi lượng khách sụt giảm mạnh, chủ yếu là những quán bia, cà phê lề đường hoặc cửa hàng ăn uống.
'Lột xác' không thể không đau đớn |
Quả thật, sẽ rất bất nhẫn khi chúng ta hình dung về sự đánh đổi một đô thị sạch sẽ hơn, quang đãng hơn với những phận người chông chênh, không biết đi đâu về đâu khi mất đi sinh kế. Nhưng chỉ một vài giây thôi, hãy trả lời câu hỏi, rằng trong mỗi chúng ta – những công dân đô thị, liệu chúng ta có mong muốn một thành phố văn minh, nơi quyền lợi hợp pháp của người đi bộ được bảo vệ?
Chúng ta có mong về một thành phố mà kỷ cương phép nước được giữ nghiêm? Và liệu chúng ta có phải không ai biết rằng, kinh tế vỉa hè cũng có những mặt trái như gây mất trật tự công cộng, ùn tắc giao thông, chứa đựng ngàn vạn rủi ro về vệ sinh an toàn thực phẩm?
Như một lẽ đương nhiên, một thời gian dài, nhiều cơ sở kinh doanh, nhiều cá nhân được hưởng lợi từ “kinh tế vỉa hè” thì khi chính quyền ra tay dẹp bỏ, họ sẽ bị ảnh hưởng: bị sụt giảm doanh thu, thậm chí nguy cơ phải dẹp tiệm, chuyển đổi ngành nghề. Nhưng biết làm sao được, xã hội muốn trật tự thì mỗi cá nhân đều phải tuân thủ kỷ cương phép nước. Nói cho cùng, nền tảng để xây dựng một đất nước thật sự văn minh cũng chính là từ việc người dân cần chấp hành những quy định dù là nhỏ nhất.
Nhiều người lạc quan vẫn nói vui rằng, người Việt Nam rất sáng tạo. Khi có biến động trong đời sống kinh tế, sẽ chẳng ai ngồi yên để hứng chịu rủi ro mà sẽ ứng phó với hoàn cảnh. Các nhà hàng sẽ buộc phải nghĩ ra những cách thức mới để thu hút khách, tập trung vào chất lượng để níu chân khách hàng. Còn những người bán hàng rong có thể họ sẽ tìm địa bàn khác phù hợp hơn hoặc sẽ chuyển sang sống bằng nghề khác. Đại ý, cơ hội luôn tồn tại trong mỗi lúc khó khăn!
Thế nhưng, cuộc sống sẽ chẳng thể dễ dàng như vậy. Hình ảnh về những chiếc xe cẩu, những nhát búa rìu đập phá các công trình vi phạm… có thể sẽ mang ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn trong mắt người dân, so với mục tiêu tốt đẹp mà chiến dịch này mang lại.
“Kinh tế vỉa hè” ở ta xưa nay là một cấu phần của “nền kinh tế ngầm”, những lợi ích hay thiệt hại của nó không được phản ánh trong thống kê GDP hàng năm. Sự đánh đổi về mặt kinh tế của chiến dịch này, tóm lại sẽ không cân đo đong đếm được, sẽ không có một con số cụ thể nào được đưa ra. Song chắc chắn, đó là một con số có ý nghĩa lớn với rất nhiều cá nhân sống dựa vào nó. Từ việc bị tác động về kinh tế, nếu không cẩn trọng sẽ có hệ lụy về mặt xã hội khó lường.
Còn nhớ, khi biểu dương tinh thần quyết liệt trả lại vỉa hè cho người đi bộ tại TPHCM trong cuộc họp Chính phủ diễn ra hồi đầu tháng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý:“Việc này không thể làm tất cả ngay, không thể làm đầu voi đuôi chuột”. Có nghĩa là, đòi lại vỉa hè không đơn thuần chỉ là “dẹp” và “bỏ”, nó còn cần nhiều hơn thế những động thái từ phía chính quyền: Cần phải có sự chuẩn bị, có quy hoạch rõ ràng, có phương án để đảm bảo quyền lợi của các bên.
Việt Nam không phải là nước đầu tiên thực hiện dẹp vỉa hè. Trước đó, Singapore - hình mẫu chúng ta đang hướng tới, đã làm điều này rất hiệu quả. Họ cấp phép kinh doanh cho những người bán hàng rong và chuyển đối tượng này từ lề đường vào trung tâm dành cho những người bán hàng rong với hệ thống nước, cống rãnh và chỗ đổ rác. Họ bắt đầu với việc giáo dục và hô hào dân chúng để lôi kéo số đông, tiếp đến mới lập pháp để trừng phạt thiểu số, tạo nên một xã hội có học thức, có văn hóa với nền tảng là “sự xấu hổ”.
Có lẽ, với trách nhiệm, sự chu đáo và cả sự mềm mỏng, khôn khéo của chính quyền, những phương án “hậu dẹp bỏ” sẽ thiết thực hơn so với việc chỉ tháo dỡ, đập bỏ hay cho rằng, người bán hàng rong có thể chuyển đổi kinh doanh bằng hình thức online, bán hàng trên mạng như một số vị lãnh đạo địa phương đang tính toán. Bởi, nếu không làm “có đầu có đuôi” như Thủ tướng nói, thì hình ảnh về một Chính phủ kiến tạo sẽ ảnh hưởng, dù với một chiến dịch được coi là tốt đẹp là “đòi lại vỉa hè” cho hàng triệu người dân.
Nguồn: Bích Diệp/dantri.com.vn