Thứ Sáu

Ngày 'Quốc hận' và trải lòng của một người bên kia chiến tuyến

Không thể quên thù hận đã là ngu xuẩn lắm rồi, nhưng ngu xuẩn hơn nữa nếu chúng ta lại truyền lại sự thù hận cho thế hệ sau để chúng tiếp nối sự thù hận mà chúng ta không thể quên được…

Bài viết đã có sự biên tập nội dung của Ban quản trị REDS.VN. Độc giả có thể xem bài gốc trên trang SACHHIEM.NET với tựa đề “Ba mươi tháng Tư và tôi”.

“Nếu một người vẫn không thể quên thù hận, há chẳng ngu xuẩn lắm sao?” Đó là lời của Cổ Long trong đoạnkết của truyện kiếm hiệp “Cửu Nguyệt Ưng Phi”

Chiến tranh Việt Nam đã chấm gần 4 thập kỷ rồi, chiều dài của hơn một thế hệ. Tôi đồng ý với ông Cổ Long rằng đến bây giờ mà chúng ta không thể quên được thù hận thì quả thật là ngu xuẩn. Ở đây tôi muốn nói đến mối thù hận bất kể từ phía nào. Không thể quên thù hận đã là ngu xuẩn lắm rồi, nhưng ngu xuẩn hơn nữa nếu chúng ta lại truyền lại sự thù hận cho thế hệ sau để chúng tiếp nối sự thù hận mà chúng ta không thể quên được.

Ngày 'Quốc hận' và trải lòng của một người bên kia chiến tuyến
Trước hết tôi cần phải nói chút ít về tôi, dù cái tôi thật đáng ghét. Cá nhân tôi là một sĩ quan, xuất thân từ Khóa I Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, đã phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong hơn 8 năm, đã cầm súng chống Cộng ở tiền tuyến, từ Quảng Bình (Tiểu đoàn 12) trước 1954, đến Qui Nhơn (Sư đoàn 22) và Kontum (Biệt khu 24) sau 1954. Và sau khi giải ngũ tôi cũng đã phục vụ trong ngành giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày chót.

Vậy vào những thời đó, tất nhiên không ít thì nhiều tôi cũng đã chống Cộng, nhất là tôi đã đọc về những tội ác của Cộng sản đối với người dân, về cuộc cải cách ruộng đất, về Tết Mậu Thân v..v…trong những tài liệu của miền Nam và của Mỹ. Và tôi đã chạy trốn Cộng sản sang Mỹ vào cuối tháng Tư năm 1975. Nhưng kết cục của cuộc chiến đã đưa đến cho tôi một thắc mắc và ấm ức. Thắc mắc và ấm ức đó là:

“Miền Nam có hơn một triệu quân, một thời cộng với hơn nửa triệu quân Mỹ, với đầy đủ vũ khí, đạn dược, và có ưu thế tuyệt đối về máy bay chiến đấu, về B52 để trải thảm bom từ trên thượng tầng không khí, xe tăng, tàu chiến, trọng pháo, truyền tin và cả thuốc khai quang Agent Orange để cho Việt Cộng không còn chỗ ẩn núp v..v.. nhưng tại sao vẫn không thắng nổi đối phương để rồi Mỹ phải tìm cách Việt Nam hóa cuộc chiến, rồi “tháo chạy” [từ của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng], và cuối cùng, Việt Cộng vẫn “cưỡng chiếm” [từ của báo chí chống Cộng hải ngoại] được miền Nam? Vậy ngoài yếu tố quân sự, những yếu tố nào đã quyết định cuộc chiến?

Phải chăng phe Quốc Gia của chúng ta có vấn đề về chính nghĩa, về chủ quyền? Phải chăng quân dân miền Nam không tích cực chống Cộng? Hay phải chăng yếu tố quyết định là truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam? Thực ra thì Quốc Gia và Cộng sản bên nào có Chính Nghĩa? Bên nào hợp lòng dân và được dân ủng hộ? Ý chí và khả năng chiến đấu của binh sĩ hai bên ra sao? Khả năng chỉ huy của các cấp lãnh đạo? Và còn những gì gì nữa?”

Tại sao chúng ta lại thua? Đó là niềm ấm ức đã ám ảnh đầu óc tôi trong vài năm đầu sống ở Mỹ sau 1975. Trong thời gian này, vì phải bắt đầu lại cuộc sống từ số không nên không có thì giờ tìm hiểu, tôi vẫn không giải đáp được thắc mắc trên. Nhưng thắc mắc trên cứ ám ảnh đầu óc tôi, cho nên khi đời sống kinh tế gia đình đã ổn định, tôi đã để thì giờ tìm hiểu và đọc rất nhiều sách và tài liệu viết về cuộc chiến ở Việt Nam, phần lớn là sách Mỹ, sách Pháp, và vài ba cuốn sách Việt, thí dụ như “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi” của Đỗ Mậu; “9 Năm Máu Lửa Dưới Chính Quyền Ngô Đình Diệm” của Nguyệt Đam và Thần Phong; “Đảng Cần Lao” của Chu Bằng Lĩnh”; Luận Án Tiến Sĩ “Giáo Sĩ Thừa Sai Và Chính Sách Thuộc Địa Của Pháp Tại Việt Nam (1857-1914)” [Christianisme et Colonialisme au Viet Nam, 1857-1914], Đại Học Paris, 1969, của Cao Huy Thuần; “Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” của Hồ Sĩ Khuê v…v…

Bài “Đầu Hàng” của Vân Xưa trong cuốn của Hồ Sĩ Khuê là bài tôi thích nhất. Xin đừng hiểu lầm tôi thích là vì VNCH “đầu hàng”, mà vì bài viết phân tích tình hình khá hay và đầy tình người. Lẽ dĩ nhiên tôi cũng có những kinh nghiệm bản thân về Cộng sản cũng như Quốc Gia trong thời chiến, vì tôi là Sĩ Quan “Tác Động Tinh Thần”, sau đổi thành “Chiến Tranh Tâm Lý”, của Tiểu Đoàn 12. Tôi cũng đã chứng kiến cuộc đảo chính hụt của Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông v..v… cũng như cuộc oanh tạc Dinh Độc Lập của hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử. Và sau cùng là cuộc đảo chánh năm 1963 của Dương Văn Minh v… v… Tôi cũng đã nhìn thấy những khuôn mặt sáng sủa, trẻ trung, đầy tương lai trong các lớp học tôi dạy, từ Trung Học đến Đại Học, nhưng khó mà có thể có tương lai vì trước sau gì các em cũng bị lôi cuốn vào cuộc chiến tương tàn.

XEM TIẾP

Ngày nay, lịch sử đã rõ ràng. Với những kiến thức mới về cuộc chiến thì chúng ta đã rõ, cuộc chiến trước 1954 là cuộc chiến chống xâm lăng, xâm lăng của thực dân Pháp toan tính tái lập nền đô hộ trên đầu dân Việt Nam, với sự hỗ trợ về quân cụ, vũ khí rất đáng kể của đế quốc Mỹ.

Ngày 14/8/1945, Tổng Thống Pháp De Gaulle bổ nhiệm Tướng Leclerc làm Tổng Chỉ Huy lực lượng ở Đông Dương và chỉ định Thierry d’Argenlieu làm Cao Ủy để cắm lại lá cờ tam tài của chúng ta ở đó (pour y replanter notre drapeau). Và Mỹ đã giúp hơn 80% chiến phí cho Pháp trong mục đích thực dân này. Còn cuộc chiến hậu Geneva là cuộc chiến chống xâm lăng của Mỹ. Đây là kết luận của các học giả Tây phương, xét theo những sự kiện lịch sử chứ không xét theo cảm tính phe phái.

Thật vậy, Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ, Walter Bedell Smith xác định trong bản Tuyên Ngôn tại Washington D.C. về Hiệp Định Geneva như sau:

“Trong trường hợp những quốc gia nay bị chia đôi ngoài ý muốn, chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp thống nhất qua bầu cử tự do, giám sát bởi Liên Hiệp Quốc để bảo đảm là bầu cử được thi hành nghiêm chỉnh” và “Hoa Kỳ sẽ tự kiềm chế, không đe dọa hay dùng võ lực để phá những sự Thỏa Hiệp”

Xác định như vậy nhưng Mỹ đã nuốt lời hứa và dùng võ lực để can thiệp ngay vào nội bộ Việt Nam.., dùng tay sai Ngô Đình Diệm để phá sự thống nhất của đất nước qua bầu cử tự do, rồi chỉ đạo cuộc chiến và phạm rất nhiều tội ác ở Việt Nam. Trong cuốn The United States In Vietnam: An Analysis In Depth Of The History Of America’s Involvement In Vietnam, hai Giáo sư đại học Cornell, George McTurnan Kahin và John W. Lewis, viết ở trang 59:

“Tuy Hoa Kỳ nói rằng “sẽ tự kiềm chế, không đe dọa hay dùng võ lực để phá những sự Thỏa Hiệp” nhưng điều hiển nhiên chúng ta thấy ngay sau đó là Hoa Kỳ đã sửa soạn dùng mọi phương cách khác để ủng hộ chế độ Sai Gòn [do Mỹ dựng lên] trong việc không tôn trọng những điều khoản trong Thỏa Hiệp”

Sự kiện là, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về để chống Cộng cho Mỹ ở Nam Việt Nam, và đơn phương từ chối không thi hành khoản tổng tuyển cử tự do trên toàn đất nước vào năm 1956 trong Hiệp Định. Tại sao? Vì Tổng Thống Eisenhower của Mỹ đã nhận định, nếu có một cuộc tổng tuyển cử tự do vào năm 1956 thì ông Hồ Chí Minh sẽ được ít nhất là 80% số phiếu. Vào thời đó, với uy tín của ông Hồ và Việt Minh sau trận Điện Biên Phủ, Việt Minh không cần phải tổ chức một cuộc bầu cử gian lận như Ngô Đình Diệm đã làm ở miền Nam với số phiếu ở Sài Gòn nhiều hơn số cử tri.

Tưởng chúng ta không nên quên là ngay từ sau Hiệp Định đình chiến 1954, Mỹ đã gửi Lansdale ra ngoài Bắc để phá hoại, tuyên truyền, và cổ võ giáo dân Công giáo di cư vào Nam với những khẩu hiệu như “Chúa đã vào Nam” và “Đức Mẹ đã di cư vào Nam” v..v. Vì vậy khoảng 700 ngàn Giáo dân Công giáo đã cùng với các “Chúa thứ hai” của họ ào ào kéo vào Nam.

Còn nữa, trong cuốn Chiến Tranh Việt Nam Và Văn Hóa Mỹ (The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New York, 1991), hai Giáo sư ở đại học Iowa, John Carlos Rowe và Rick Berg, viết, trang 28-29:

Tưởng cũng nên nhớ lại vài sự kiện. Mỹ đã dính sâu vào nỗ lực của Pháp để tái chiếm thuộc địa cũ của họ, biết rằng kẻ thù là phong trào quốc gia của Việt Nam. Số tử vong vào khoảng nửa triệu. Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức dấn thân vào việc phá hoại Hiệp Định Genève năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố, cho đến năm 1961, giết có lẽ khoảng 70,000 “Việt Cộng”, gây nên phong trào kháng chiến mà từ 1959 được sự ủng hộ của nửa miền Bắc tạm thời chia đôi bởi Hiệp Định Genève mà Mỹ phá ngầm. Trong những năm 1961-62, Tổng thống Kennedy phát động cuộc tấn công thẳng vào vùng quê Nam Việt Nam với những cuộc thả bom trải rộng, thuốc khai quang trong một chương trình được thiết kế để lùa hàng triệu người dân vào những trại (ấp chiến lược?) nơi đây họ được bảo vệ bởi những lính gác, giây thép gai, khỏi quân du kích mà Mỹ thừa nhận rằng được dân ủng hộ. Mỹ khẳng định là đã được mời đến, nhưng như tờ London Economist đã nhận định chính xác, “một kẻ xâm lăng là một kẻ xâm lăng trừ phi được mời bởi một chính phủ hợp pháp”. Mỹ chưa bao giờ coi những chính phủ tay sai mình dựng lên là có quyền hợp pháp như vậy, và thật ra Mỹ thường thay đổi những chính phủ này khi họ không có đủ thích thú trước sự tấn công của Mỹ hay tìm kiếm một sự dàn xếp trung lập được mọi phía ủng hộ nhưng bị coi là nguy hiểm cho những kẻ xâm lăng, vì như vậy là phá ngầm căn bản cuộc chiến của Mỹ chống Nam Việt Nam. Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương.

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, vậy mà 27 năm sau, Daniel Ellsberg còn viết trong cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, Viking, 2002, p.255:

“Theo tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ”.

Năm 2006, Bác Sĩ Allen Hassan, một Bác sĩ đã phục vụ tại Việt Nam, đã viết cuốn “Failure To Atone” mà bản dịch tiếng Việt của Nhà Xuất Bản Trẻ dịch là “Không Thể Chuộc Lỗi” (Đúng ra, dịch đúng nghĩa phải là “tội”, tội ác, chứ không phải “lỗi”, lỗi lầm) nói về những tội ác của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Sau đây là vài lời giới thiệu trong bản tiếng Việt của Nhà Xuất Bản Trẻ mà tôi mua được ở Việt Nam nhân chuyến cùng con cháu về thăm quê hương năm 2007:

Tại hội trường 8 Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt ở Đức năm 2006, giữa các khu vự trưng bày sách rộng lớn và không khí giao dịch bản quyền náo nhiệt của các tập đoàn xuất bản hàng đầu thế giới là một gian hàng nhỏ với một điểm đặc biệt có một không hai: Gian hàng chỉ trưng bày và giao dịch bản quyền duy nhất một cuốn sách có tựa đề Failure To Atone – Không Thể Chuộc Lỗi (Tội) – với một poster lớn: “Nước Mỹ không thể chuộc lỗi về những gì đã gây ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam! Sự thật chưa từng được tiết lộ của một bác sĩ tình nguyện người Mỹ tại Việt Nam”…

Khi chúng tôi hỏi tại sao lại lấy tên là Không Thể Chuộc Lỗi đặt cho cuốn sách, đại diện bản quyền của bác sĩ Allen Hassan trả lời:

“Mục đích của bác sĩ Allen Hassan khi viết cuốn sách này là muốn những người lính đã từng tham chiến tại Việt Nam và chính quyền Mỹ thật sự hiểu rõ những gì mà nước Mỹ đã gây ra cho người dân Việt Nam và lớn hơn rất nhiều những gì mà người Mỹ từng nghĩ. Nước Mỹ nhớ rất kỹ những gì người khác gây cho họ nhưng lại quên rất nhanh những gì họ đã gây ra cho những người khác. Người chết không thể sống dậy, người tàn tật mãi mãi tàn tật, và nỗi đau mãi mãi là nỗi đau….Khi đọc xong cuốn sách này, mọi người sẽ hiểu bây giờ bất cứ làm việc gì, nước Mỹ cũng không thể chuộc lại lỗi của mình đối với người dân Việt Nam”.

Trong cuốn Không Thể Chuộc Lỗi, bác sĩ Hassan đã đề cập đến chất độc da cam, nhưng đặc biệt, trong ấn bản Việt ngữ, ông đã viết thêm một chương về những hậu quả và di chứng nặng nề của chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam. Mỹ đã sử dụng bao nhiêu chất độc da cam ở Việt Nam? Thượng Nghị Sĩ Mỹ Gaylor Nelson đã phát biều:

Nước Mỹ đã trút xuống Nam Việt Nam một lương hóa chất độc hại tương đương với mức trung bình cho mỗi đầu người, kể cả phụ nữ và trẻ em, là 6 pound (gần 3 kg).

Di hại to lớn của chất độc da cam ở Việt Nam là điều hiển nhiên, không ai có thể chối cãi. Nhưng nước Mỹ đã muối mặt phủ nhận trách nhiệm. Đáng lẽ sau cuộc chiến, Việt Nam phải đưa Mỹ ra Tòa Án Quốc tế Xử Các Tội Phạm Chiến Tranh nhưng có lẽ tự biết thân phận của một nước nhỏ, có kiện cũng chỉ là “con kiến đi kiện củ khoai”.

Chúng ta hãy đọc thêm vài đoạn trong bài “ Chủ Nghĩa Khủng Bố Và Diệt Chủng Dân Tộc Việt Nam Của Mỹ 1945-1975” (American Terrorism and Genocide of the Vietnamese People, 1945-1974):

Những tội phạm chiến tranh thuộc Thủy, Lục, Không quân Hoa Kỳ đã tàn sát 3 triệu người ở Việt Nam, trong rất nhiều nơi như Mỹ Lai. Hầu hết các nạn nhân là đàn bà và trẻ con.

CIA có ngay cả một chương trình khủng bố chính thức của quốc gia Mỹ ở Việt Nam, được biết là “Chiến Dịch Phụng Hoàng” hay “Kế Hoạch Phụng Hoàng”. [Kế hoạch Phụng Hoàng còn được biết dưới tên “Kế Hoạch Ám Sát” (Douglas Valentine, The Phoenix Program, p. 191: “Phoenix was labeled an Assassination Program”).] Qua Kế Hoạch Phụng Hoàng, nhiều trăm ngàn người đã bị tra tấn đến chết trong những “trung tâm thẩm vấn” trên khắp Nam Việt Nam. Những trung tâm tra tấn này được dựng lên bởi Mỹ rõ ràng cho mục đích đó. Phụ nữ luôn luôn bị hãm hiếp như là một phần của tra tấn trước khi bị giết. Khủng bố, hãm hiếp và giết người hàng loạt một cách đại qui mô trên khắp miền quê là chính sách của tập thể Lục Quân, Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Thủy Quân Hoa Kỳ. Cuộc tàn sát ở Mỹ Lai là một chiến dịch trong Kế Hoạch Phụng Hoàng.

Chính sách diệt chủng dân Việt Nam của Mỹ có nguồn gốc từ ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Mỹ đã ủng hộ Pháp trong toan tính lấy lại quyền cai trị đẫm máu của thực dân Pháp ở Đông Nam Á.

John Kerry, Trung Úy Thủy Quân, lãnh tụ của những cựu quân nhân Mỹ ở Việt Nam chống chiến tranh, làm chứng trước Ủy Ban Ngoại Giao của Thượng Viện năm 1971: “Tôi muốn nói rằng vài tháng trước ở Detroit chúng tôi có một cuộc điều tra trong đó có 150 quân nhân đã được giải ngũ trong danh dự đã làm chứng cho những tội ác chiến tranh phạm ở Đông Nam Á. Họ nói những câu chuyện của thời đó là chính họ đã hãm hiếp, cắt tai, chặt đầu, kẹp giây điện từ những bộ máy truyền tin vào nhưng cơ quan sinh dục rồi quay điện, chặt chân tay, làm nổ tan xác, bắn chơi vào các thường dân, triệt hạ cả làng theo kiểu của Thành Cát Tư Hãn, bắn trâu bò, chó, làm trò chơi, đầu độc các kho lương thực và hầu như là tàn phá toàn diện miền quê Nam Việt Nam, ngoài sự tàn phá thông thường của chiến tranh và sự tàn phá thông thường và đặc biệt của những cuộc bỏ bom trên đất nước này”.

Quá nhiều “con em của chúng ta” đã phạm phải những tội ác cuồng dâm chống nhân loại. Lính Mỹ tra tấn tù binh. Lính Mỹ hiếp người qua đường hậu môn, hãm hiếp và bạo sát đàn bà và con gái. Lính Mỹ tàn sát toàn thể đàn ông, đàn bà, trẻ con trong nhiều làng – kể cả con nít - ở nhiều, nhiều nơi như Mỹ Lai và Thanh Phong.

[Thanh Phong là tên ngôi làng mà nguyên Thượng Nghị Sĩ Robert Kerrey, (không phải là John Kerry) đã chỉ huy một toán SEALS 7 người vào tàn sát 21 người đàn ông, đàn bà và trẻ con trong làng vào tháng 2, 1969. Vào căn nhà lá đầu tiên, toán này đã cắt cổ một ông lão, vợ ông ta và 3 đứa cháu.]

Lực Lượng Đặc Biệt dạy binh sĩ của mình thi hành nhiệm vụ ở Việt Nam phải dùng tra tấn như thế nào là một phần trong sự thẩm vấn.

Chiến dịch Phụng Hoàng nổi tiếng, do CIA dựng lên để quét sạch hạ tầng cơ sở của Việt Cộng, đã tra tấn những người bị tình nghi như sau:

- Quay điện vào các bộ phận sinh dục của nam và nữ.

- Cắm vào tai một cái đũa gỗ dài 15 cm rồi đập dần đũa vào óc cho đến khi nạn nhân chết.

- Những người bị tình nghi cũng bị ném từ trên trực thăng xuống để làm gương cho những người tình nghi quan trọng khác phải khai, tuy đây có thể coi như là sát nhân đối với nạn nhân bị ném, nhưng cũng là một hình thức tra tấn đối với những người khác.

- Vi phạm Quy Ước Geneva, Mỹ trao tù binh cho đồng minh Nam Việt Nam của họ biết rõ rằng nhưng người này sẽ bị tra tấn, viên chức Mỹ thường có mặt trong cuộc tra tấn.

Cương quyết thi hành dịch vụ diệt chủng, Không Quân Mỹ phát động chiến dịch “Rolling Thunder” tấn công dân Việt Nam năm 1964. Riêng cuộc tấn công này đã thả xuống đất nước nhỏ bé nhiều bom hơn là toàn thể số bom dùng trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Trong 5 năm tiếp theo, nhiều trăm ngàn người dân Việt Nam, đàn ông, đàn bà, trẻ con bị nghiền nát và thiêu sống bởi những phi hành đoàn của Không Quân Mỹ. Đất nước Việt Nam phải chịu đựng 22 tấn thuốc nổ cho mỗi 1.6 km vuông. Nghĩa là 660 kg chất nổ mạnh cho mỗi người, đàn ông, đàn bà và trẻ con.

Trong 13 năm chiến tranh ác ôn của Mỹ chống dân tộc Việt Nam, tổng cộng là 8 triệu tấn bom (bom Napalm và bom chùm) và chất độc khai quang màu Cam đã thả trên đất nước – và ít ra là 3 triệu người đã bị tàn sát.

Cùng với lò nướng thịt thổ dân Mỹ, lò nướng thịt người Việt Nam của Mỹ đã xếp Mỹ xuống đáy của địa ngục – cùng với những công ty nổi tiếng như Nazi của Đức, chính quyền Công Giáo Ustashi ở Croatia, quân lực Nhật Bản, quân lực Thổ Nhĩ Kỳ, những đoàn quân bạo dâm chiến thắng của Tây Ban Nha, những đoàn quân Mông Cổ, La Mã và những con quỷ diệt chủng như trên.

Trong khi đó thì những người Mỹ ái quốc, kỳ thị chủng tộc tiếp tục sống cái gọi là đời sống “bình thường”, hoàn toàn lãnh đạm với cuộc tàn sát đẫm máu được thi hành nhân danh họ, ăn nhậu trên những miếng thịt bò tái và xem TV, chơi “golf” và đi dự những “parties” trong khi những đứa trẻ Việt Nam bị thiêu sống trong làng mạc của chúng bởi những tên phi công trời đánh của chúng ta, và vô số phụ nữ thường dân Việt Nam bị hãm hiếp tàn bạo và toàn thể các gia đình bị bắn chết bằng súng liên thanh bởi những binh sĩ trời đánh của chúng ta.

Không chỉ những con quỷ Nazi Đức mới phạm tội diệt chủng. Chính quyền ác ôn và quân lực Mỹ của chúng ta cũng phạm tội diệt chủng. Hằng triệu người. Và tuyệt đại đa số nạn nhân là người dân thường không có ai bảo vệ. [Vậy mà có những người chống Cộng hải ngoại đòi đưa Cộng Sản ra Tòa Án Mỹ hay Quốc tế Xử Tội Phạm Chiến Tranh vì vụ Tết Mậu Thân ở Huế]

Hãy coi câu chuyện ở Mỹ Lai như là một thí dụ về người lính Mỹ anh hùng của chúng ta khi hành sự - tàn sát trẻ con và hãm hiếp con gái Việt Nam để làm cho thế giới yên ổn cho những công ty như Coca Cola và hãng dầu Standard.

Nhờ có sự kỳ thị chủng tộc kiêu căng, tự cho là công chính và không quan tâm của Mỹ mà người Việt Nam tiếp tục bị đau khổ. Năm 1985 người ta ước tính là một phần ba đất đai [Nam] Việt Nam bị nhiễm độc, vì Không Quân Mỹ đã dùng thuốc khai quang như Chất Độc Màu Cam. Điều này đã khiến cho Việt Nam nghèo nàn, đất đai bị ô nhiễm nặng và có đầy những trái bom chùm chưa nổ - và người dân bị khủng khoảng tâm lý. 30 năm chiến tranh diệt chủng được nối tiếp bởi gần 20 năm cấm vận của Mỹ. [Giáo sư Noam Chomsky cũng đã châm biếm, cho rằng Mỹ đã thắng một phần ở Việt Nam (A partial victory) vì đã thành công để lại cho Việt Nam một di sản tan hoang đất nước, khó có cơ hội phục hồi về xã hội và kinh tế… (Nhưng CS VN đã phục hồi được về xã hội và kinh tế, và còn tiến xa hơn trước)]

Trong những năm từ khi những binh sĩ Mỹ giết người, hãm hiếp, lực lượng SEALS [Sea, Air and Land Forces], của Thủy Quân bị đá ra khỏi Việt Nam một cách ô nhục, cái di sản ác ôn của Mỹ để lại vẫn tiếp tục có ảnh hưởng đến người dân. Chất độc Da Cam đã đưa đến nhiều vụ khuyết tật bẩm sinh trong những thế hệ người dân Việt Nam và nhiều trăm ngàn trường hợp chết về ung thư đã xẩy ra trong những người sống trong những vùng bị trải thuốc khai quang..

Những trái bom chùm chưa nổ đã tạo ra những bãi mìn không có họa đồ, làm cho mọi người sợ hãi không dám canh tác trong những cánh đồng có thể trồng trọt được và ruộng lúa. Những trái bom đó của Mỹ vẫn tiếp tục giết hại, làm chân tay tàn phế và bị tàn tật suốt đời cho nhiều ngàn trẻ con và người lớn Việt Nam.

“Thượng Nghị Sĩ Wayne Morse, (Đảng dân Chủ - Oregon), 1967: Theo sự phán xét của tôi, chúng ta sẽ trở thành kẻ có tội vì là sự đe dọa lớn nhất cho nền hòa bình thế giới. Đó là một sự thực xấu xa, và người Mỹ chúng ta không thích đối diện với nó. Tôi thật không muốn nghĩ rằng một trang sử của Mỹ sẽ được viết ra liên quan đến chính sách vô pháp của chúng ta ở Đông Nam Á”.

XEM TIẾP

Nhưng tại sao Mỹ, với những tội ác rất nghiêm trọng phạm ở Việt Nam, lại không có cả một lời xin lỗi? Chúng ta có thể đọc những ý kiến sau đây của cựu Tổng Thống Bill Clinton trên Internet.

25 năm sau chiến tranh chấm dứt, khi được hỏi ông ta có nghĩ rằng Mỹ nợ Việt Nam một lời xin lỗi, ông Clinton đã trả lời, đơn giản là, “Không, tôi không nghĩ như vậy” [Tại sao?], Vì:

- Xin lỗi về những tội ác chống dân Việt Nam có nghĩa là thừa nhận những điều chúng ta nói với nhau về cách ứng xử của chúng ta trong thế giới – khi đó cũng như bây giờ - là điều nói láo.

- Xin lỗi là thừa nhận rằng trong khi chúng ta tuyên bố là bảo vệ dân chủ, chúng ta lại đi trật ra ngoài dân chủ. Trong khi chúng ta tuyên bố rằng chúng ta đang bảo vệ Nam Việt Nam, thì chúng ta lại tấn công người dân Nam Việt Nam.

- Chúng ta đã thả 6 triệu rưỡi tấn bom và 400 ngàn tấn Napalm trên dân tộc ở Đông Nam Á. Bỏ bom tràn trề những vùng dân sự, những chương trình chống khủng bố và ám sát chính trị, thường xuyên giết người dân thường và dùng gần 45 triệu lít chất độc da cam để phá hủy mùa màng và mầu mỡ đất đai – tất cả đều là một phần của cuộc chiến tranh khủng bố của Mỹ ở Việt Nam, cũng như ở Lào và Cambodia.

Những tài liệu trên, cũng như hàng trăm tài liệu hiện hữu khác về chiến tranh Việt Nam của chính người Mỹ mà tác giả gồm các tướng lãnh, chính trị gia, giáo sư đại học v..v…, đã nói lên những sự thật về chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến đã chấm dứt cách đây hơn 34 năm rồi. Và ngày nay, dù những sự thật đó có mang lại nhiều cay đắng cho người Việt Quốc Gia chúng ta, với tất cả sự lương thiện trí thức, chúng ta phải chấp nhận chúng, vì đơn giản chúng chỉ là sự thật. Và từ đó, hi vọng mỗi người trong chúng ta, nếu còn nghĩ đến quê hương đất nước, sẽ tìm ra được một con đường hợp lý hơn để góp phần xây dựng đất nước.

Nhưng có vẻ như một số người Việt ở hải ngoại,  vẫn dựa vào vài cái nghị quyết ruồi bu của Hạ Viện Mỹ, bám vào vài dân biểu cắc ké như Sanchez, Smith v..v.., những kẻ không biết ngượng trước những tội ác của chính quốc gia Mỹ của mình, để chống Cộng mà thực ra là chống quốc gia, theo kiểu Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống.

Như chúng ta đã biết, cuộc can thiệp của Mỹ, hay nói đúng hơn là cuộc xâm lăng của Mỹ, vào Việt Nam, đã gây nên một cuộc chiến tàn khốc trên khắp đất nước, phạm nhiều tội ác ở Việt Nam và di hại cho người dân Việt Nam không ít, thực chất là một sự sai lầm căn bản và phi luân.

Một số nhỏ người Mỹ, và đa số người Việt thuộc chế độ cũ, vẫn cho rằng sự can thiệp của Mỹ bắt nguồn từ một ý định tốt. Nhưng tất cả những tài liệu mà chúng ta biết ngày nay, tài liệu của Ngũ Giác Đài cũng như của các bậc trí thức, các học giả, các bậc lãnh đạo tôn giáo có uy tín trên nước Mỹ đã chứng minh là điều này không thực.Ngay cả cựu bộ trưởng Quốc Phòng Robert McNamara cũng phải thừa nhận cuộc chiến Việt Nam là một sự sai lầm của Mỹ (một sự sai lầm cố ý, dựa trên bản chất đế quốc của Mỹ)..

Gần đến ngày 30 tháng Tư, ở hải ngoại chúng ta lại sắp sửa nghe những bài ca quen thuộc về những cái gọi là “CS cưỡng chiếm miền Nam” (sic), hay “ngày mất nước” (sic), hay “tháng Tư đen”, hay “ngày quốc hận” [sic] v.. v… phản ánh một sự hiểu biết rất sai lạc về cuộc chiến ở Việt Nam.

Sự thật lịch sử là như thế nào?

Không ai có thể phủ nhận ngày 30/4/1975 là một biến cố lịch sử có ảnh hưởng không ít không những chỉ trên khối người Việt lưu vong mà còn trên cả dân tộc Việt Nam. Và cũng không ai có thể phủ nhận ngày 30/4/75 là ngày Việt Nam lấy lại hoàn toàn nền độc lập và thống nhất của nước nhà sau gần một thế kỷ bị người Pháp đô hộ, và sau một cuộc chiến tranh bất đắc dĩ đầy bi thảm mà nguyên nhân chính là sự can thiệp dựa trên “cường quyền thắng công lý” của ngoại bang: sự liên kết giữa Vatican và Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về để chống Cộng, xóa bỏ hiệp định Genève trong đó có điều khoản qui định một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Đây cũng là những sự kiện lịch sử bất khả phủ bác. Nhưng hiển nhiên vì cảm tính cá nhân, không phải tất cả mọi người dân Việt đều có cùng một quan điểm về ngày 30/4/75.

XEM TIẾP

Từ những hiểu biết mới và sâu rộng hơn về lịch sử, về cuộc chiến ở Việt Nam, sự thay đổi quan niệm, suy tư của tôi là điều rất tự nhiên đối với con người, nó tỷ lệ thuận với trình độ hiểu biết.

Với sự hiểu biết mới về cuộc chiến ở Việt Nam qua những tài liệu bất khả phủ bác trong những tác phẩm của giới học giả trí thức Âu Mỹ, nhiều tác phẩm thuộc loại phân tích nghiên cứu viết sau 1975, suy tư của tôi đã thay đổi và tôi không có cách nào còn có thể lên án cuộc chiến ở Việt Nam là do Cộng Sản theo lệnh của Nga, Tầu để bành trướng chủ nghĩa Cộng sản được.

Tại sao? Vì có nhiều bằng chứng chứng tỏ ông Hồ là người có tinh thần quốc gia và mục tiêu duy nhất của ông ta là đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại chủ quyền cho Việt Nam. Chúng ta hãy đọc vài tài liệu của các trí thức Âu Mỹ, những người không liên hệ gì đến sự đối nghịch Quốc-Cộng và không có lý do gì để tự hạ uy tín của mình để đưa ra những khảo cứu không nghiêm túc trong giới khoa bảng. Nhất là những công cuộc khảo cứu này đều viết sau 1975 và sau ngay cả khi chủ nghĩa Cộng sản đã cáo chung vào năm 1989.

Trong tờ “Les Collections de L’Histoire”, số 23, Avril-Juin 2004, một tuyển tập về “Indochine Vietnam: Colonisation, Guerres et Communisme” có bài “Con Người Trở Thành Hồ Chí Minh” [L’Homme Qui Devint Ho Chi Minh] của Pierre Brocheux, Giáo sư Diễn Giảng Danh Dự tại Đại Học Denis-Diderot, Paris-VII. Chúng ta sẽ thấy trong đó có vài chi tiết chứng tỏ ngay cả Nga và Tàu cũng không tin tưởng ông Hồ Chí Minh là người Cộng Sản chính thống (orthodox communist). Giáo sư Brocheux viết, trang 33:

Đối với Quốc (Nguyễn Ái Quốc), chủ thuyết Mác Lênin đã đưa lên những phương tiện hành động, như là ông ta đã giảng giải nhiều năm sau: “Chúng ta phải hiểu rằng giật độc lập ra khỏi tay một cường quốc như Pháp là một nhiệm vụ rất khó khăn mà người ta không thể hoàn thành mà không có một sự ngoại viện, không cần thiết phải là một sự viện trợ vũ khí mà dưới dạng cố vấn và tiếp xúc. Chúng ta không lấy lại được độc lập bằng cách ném bom hay bằng những hành động tương tự. Đó là sự sai lầm của những nhà cách mạng lúc đầu đã phạm phải [Có lẽ ông Hồ muốn nói đến cuộc ám sát thất bại của Phạm Hồng Thái đối với Toàn Quyền Merlin]. Chúng ta lấy lại độc lập bằng sự tổ chức và tự khép mình vào kỷ luật. Chúng ta cũng còn cần đến một lòng tin, một phúc âm, một sự phân tích thực tiễn, có thể nói đến như là một thánh kinh. Chủ thuyết Mác-Lênin đã cung cấp cho tôi đường lối hành động này”.

Thực ra thì có lẽ ông Hồ muốn nói đến Những Luận Đề Về Những Vấn Đề Quốc Gia Và Thuộc Địa (Theses on The National and The Colonial Questions) của Lê-nin đưa lên trong Đại Hội II Cộng Sản Quốc Tế (Second Congress of the Communist International) vào năm 1920 để nghị thảo mà ông biết đến trong Đệ Tam Quốc tế. Chúng ta đã biết, chính ông Hồ Chí Minh đã thành thực công nhận là mới đầu ông không hiểu hết những từ và ý tưởng chính trị khó khăn trong bản văn trên, nhưng rồi đọc đi đọc lại ông mới thấm và hiểu rõ, và ý thức được là những đề án này đã giúp cho ông ta thấy con đường thích hợp nhất để cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách thuộc địa, thực dân. Và ông Hồ đã thành công.

Chúng ta hãy đọc tiếp vài đoạn khác của Giáo sư Brocheux. Trước hết là một tài liệu trích dẫn từ một tài liệu trong văn khố của Nga Sô, mới được sử gia Alain Ruscio phổ biến năm 1990, trang 34-36:

“Năm 1934, Ông Hồ trở lại Moscou. Stalin đã củng cố quyền lực, và những cuộc thanh trừng lớn bắt đầu năm 1937. Có vẻ như con người Hồ Chí Minh tương lai là nạn nhân, vì từ ngày trở lại Moscou, ông ta không được tin cậy để giao phó cho một trách nhiệm nào. Không còn nghi ngờ gì nữa người ta đã trách cứ là ông ta ngả về tinh thần quốc gia trong cuộc chiến đấu chống thực dân thay vì tinh thần cách mạng vô sản quốc tế”.

“Về vấn đề này, ông Hồ đã bày tỏ quan điểm của mình từ năm 1924. Được huấn luyện về cách mạng và chủ thuyết Marx bởi Tây phương, tuy nhiên Quốc đã nhìn theo đặc tính Á Đông: “Cuộc đấu tranh giai cấp ở Đông phương không giống như ở Tây phương. Marx đã xây dựng lý thuyết của mình trên một căn bản triết lý nào đó của lịch sử. Nhưng là lịch sử nào? Đó là lịch sử Âu Châu. Nhưng Âu Châu là gì? Không phải là tất cả nhân loại”.

“Hồ Chí Minh có thực sự là mgười Mác-xít không? Hay ông ta chỉ là người Quốc Gia sau lớp sơn đỏ? như một thành viên Cộng Sản Quốc Tế, ông M. N. Roy, người Ấn Độ, đã nói. Vấn đề này đáng được đặt ra.. Nếu chắc chắn là ông ta đã đọc bản Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản, nếu đã nhiều lần ông ta nói là chịu ảnh hưởng trí thức và chính trị của Lê-nin, thì sự gắn bó của ông với chủ nghĩa Mác không bao giờ có tính cách giáo điều”.

“Không có gì minh họa rõ hơn sự tương phản giữa Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo cộng sản là những trao đổi quan niệm của Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ với ông Hồ Chí Minh vào năm 1960. Ông Hồ đã tuyên bố rằng ngay cả việc giết kẻ thù cũng không được đạo đức; Mao đã trả lời ông ta: “Tưởng Giới Thạch giết, tôi giết, đó không phải là một vấn đề đạo đức. Và Lưu Thiếu Kỳ thêm vào là viện đến đạo đức khi ta phải đối phó với những tên tư bản chống cách mạng là không thích đáng”.

Ngoài ra, trong cuốn “The Vietnam War Almanac, General Editor: John S. Bowman, Barnes & Noble Books, NY, 2005”, trang 493, cũng có viết:

“Ông Hồ ít quan tâm đến những chi tiết tế nhị của chủ thuyết CS, không như Mao và Lê-nin; thiên tài của ông ta là về hành động chính trị, và lý tưởng của ông ta có thể khá co dãn chừng nào mà nó đưa tới mục đích đã ám ảnh ông ta: nền độc lập và thống nhất của Việt Nam”.

Trong cuốn Cracks In The Empire, South End Press, Boston, 1981, Paul Joseph, Giáo sư xã hội học, đại học Tufts, viết, trang 83:

“Dù rằng thiếu bằng chứng, Washington tiếp tục cho rằng cuộc đấu tranh chống Pháp (ở Việt Nam) là do sự hứng khởi và chỉ đạo từ Liên Bang Sô Viết. Thí dụ, trong bức công điện gửi cho Thủ Tướng (Pháp) Ramadier, đại sứ Mỹ vẫn sai lầm cho rằng Việt Minh là một phong trào mà “triết lý và tổ chức chính trị đều phát khởi từ và bị kiểm soát bởi điện Kremlin. Tuy vậy, tình báo Mỹ đã cố gắng, và thất bại, để kiếm ra bằng chứng là có mối liên hệ kiểm soát giữa Moscou và Hồ Chí Minh. Một công điện của Bộ ngoại giao gửi cho đại sứ Mỹ ở Trung Quốc viết “Bộ không có bằng chứng nào về sự nối kết trực tiếp giữa ông Hồ và Moscou nhưng cứ cho rằng có”.

Và Marilyn B. Young, trong cuốn The Vietnam Wars: 1945-1990, HarperPerennial, New York, 1991, viết, trang 4:

“Trong vài năm tới, những văn bản Hồ Chí Minh viết bị tố cáo vì những “mùi hôi quốc gia” trong đó, và sự ủng hộ của ông Hồ về một liên minh rộng rãi bao gồm cả các địa chủ cỡ nhỏ và trung bình, miễn là họ yêu nước, bị đả kích là kẻ xét lại và là kẻ hợp tác (với kẻ thù). Phải mười năm sau sự tranh luận đắng cay về mối liên hệ giữa cách mạng quốc gia và cách mạng xã hội mới được giải quyết, theo đường lối lúc đầu đưa ra bởi ông Hồ, sự thành lập Việt Minh (Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội”.

Đó là đại khái những gì mà chúng ta biết về ông Hồ qua những nghiên cứu của một số học giả Âu Mỹ. Chắc chắn là những người này có bằng cấp, địa vị, uy tín và hiểu biết trong giới khoa bảng Âu Mỹ, và địa vị của họ không cho phép họ viết bậy bạ, xuyên tạc sự thật. Vậy không hiểu là tôi nên tin vào khả năng chuyên môn của họ hay nên tin vào những kẻ chống Cộng vô tên tuổi như Minh Võ, Nhữ Văn Úy, Chu Tất Tiến v..v.. và tập đoàn những người “duy chống Cộng thị nghiệp” nhưng chẳng có mấy đầu óc và hiểu biết, chuyên dựng đứng những chuyện bịa đặt về lịch sử và cá nhân theo cảm tính cá nhân, và dùng những danh từ rất hạ cấp để mạ lị cá nhân trong những bài viết chẳng có mấy giá trị của mình, điều mà những người trí thức và hiểu biết không ai đi làm như vậy cả.

Tôi cũng không thể nào chấp nhận luận điệu cho rằng Cộng sản đã gây chiến ở Việt Nam, tiền Geneva hay hậu Geneva, những luận điệu phản ánh những cái đầu mà không có óc, hay của những con bò mộng Tây Ban Nha, chỉ thấy màu đỏ là húc càn. Làm sao có thể cho là Cộng sản gây chiến khi mà hai cuộc chiến ở Việt Nam đều có nguyên nhân là sự ngoại xâm của của thực dân Pháp và của đế quốc Mỹ mà những tài liệu của chính người Mỹ, người Pháp đã viết lên rất rõ ràng như tôi đã trích dẫn ở phần trên. Mặt khác, nghiên cứu kỹ về cuộc chiến ở Việt Nam tôi cảm thấy kéo dài chống Cộng với tâm cảnh Quốc-Cộng khi xưa là điều hết sức vô lý, và sự thù hận Cộng sản có nhiều phần phi lý. Nói như vậy không có nghĩa là tôi ủng hộ tình trạng tham nhũng, nền giáo dục xuống cấp, cơn sốt kinh tế, đặt tiền tài vật chất lên trên hết, kéo theo nhiều tệ đoan trong xã hội hiện nay ở Việt Nam. Những vấn nạn xã hội này cần phải giải quyết với sự đóng góp của toàn dân, với thiện chí và thức tỉnh trong tinh thần phục vụ người dân của chính quyền.

Những người không có mấy đầu óc thường lấy cái hận của mình làm cái hận của cả một quốc gia, không buồn để ý là nói như vậy chỉ tỏ rõ trình độ thấp kém của mình. Bày tỏ ý kiến cá nhân là quyền căn bản của con người, miễn là những ý kiến bày tỏ không thuộc loại khích động sự thù hận mà nước Mỹ quy vào một loại tội ác “hate crime”, nhưng không ai có quyền lấy ý kiến của mình làm ý kiến của cả cộng đồng, của cả dân tộc.Cho nên từ “Quốc hận” là một từ của những kẻ vô trí cưỡng đặt trên cả một quốc gia mối hận của những cá nhân họ.

Đối với một thiểu số khác thì ngày 30/4/1975 là ngày mà họ không ngớt lời lên án “Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam” làm như “miền Nam” là một nước của riêng những người sống ở miền Nam, mà không cần để ý đến miền Nam cũng là một phần đất của nước Việt Nam. Họ cũng quên đi tất cả những nguyên nhân, yếu tố nào đã đưa đến sự hình thành một miền Nam mà thực chất không nằm trong tay người miền Nam, nói khác đi, một miền Nam không có căn cước của một quốc gia độc lập, có đầy đủ chủ quyền..., vì hoàn toàn lệ thuộc Mỹ và bất lực, không hề có phản ứng trước những chính sách và hành động tàn bạo của người Mỹ đối với người dân miền Nam của mình nói riêng, người dân Việt Nam trên toàn quốc nói chung, như những tài liệu nêu trên của chính người Mỹ đã viết rõ. Nhưng tại sao Việt Cộng có thể “cưỡng chiếm” được miền Nam, nếu đồng minh không quá chán chê với cái miền Nam nên đành “tháo chạy”, nếu quân dân miền Nam không chán chường vì chiến tranh với tâm cảnh “cũng thế thôi” [Xin đọc bài “Đầu Hàng” của Vân Xưa, alias Hồ Sĩ Khuê].

Điều hiển nhiên là những quan điểm như “mất nước”, “Quốc hận”, “Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam” chỉ là những quan điểm cá nhân của một thiểu số được đưa lên những diễn đàn truyền thông hải ngoại làm như đó là những quan điểm của cả cộng đồng người Việt di cư gồm hơn 2 triệu người. Chỉ có điều những quan điểm như vậy phản ánh một trình độ rất thấp kém, vì không hiểu ngay cả những từ đơn giản như thế nào là “nước”, là “Quốc”, và “cưỡng chiếm”. Những quan điểm cá nhân thiển cận này thường chỉ là những “thùng rỗng kêu to”, hoàn toàn vô nghĩa và vô giá trị trước những quyền lợi lớn lao của cả toàn dân tộc.

XEM TIẾP

Và bây giờ tôi xin sang đến phần bày tỏ quan niệm cá nhân của tôi. Chỉ có một điều khác biệt, quan niệm của tôi không dựa trên cảm tính cá nhân mà dựa trên trên lịch sử dân tộc Việt Nam, trên những mặt tích cực của đất nước.

Lẽ dĩ nhiên, từ những hiểu biết mới, quan niệm của tôi về ngày 30/4/1975, cũng thay đổi. Nó không còn là “ngày mất nước”. Nước vẫn còn đó và càng ngày càng phát triển; nó không còn là “tháng tư đen” mà là tháng tư đánh dấu thêm một trang oai hùng trong chiều dài lịch sử chống xâm lăng của Việt Nam. Nó cũng không còn là ngày “quốc hận”. Tại sao?

Chẳng có ai phủ nhận là CS Việt Nam trong quá khứ đã có những sai lầm về chính sách, về những biện pháp độc tài khắc nghiệt không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Chính sách Cải Cách Ruộng Đất không sai nhưng khi thi hành đã vấp phải những sai lầm không kiểm soát được. Điều đáng nói là chính quyền đã thẳng thắn công nhận sự sai lầm trước quốc dân và có những hành động đền bù.

Tết Mậu Thân xẩy ra trong cuộc chiến và sự tàn bạo không chỉ ở một phía. Ngày nay có nhiều tài liệu có thể làm sáng tỏ phần nào về vụ Tết Mậu Thân ở Huế. Nói như vậy không có nghĩa là bênh vực hay biện hộ cho những hành động của CS trong các vụ trên là chính đáng, nhưng chúng ta khi viết về những biến cố trên không thể chỉ đưa ra luận điệu một chiều, nhiều khi chỉ có mục đích tuyên truyền qua những con số ngụy tạo, phóng đại của một phía mà phải có những nhận định tổng hợp từ mọi phía.

Nhưng dù sao thì đa số người dân Việt Nam, Quốc cũng như Cộng, cũng không thể phủ nhận được những đóng góp to lớn của CSVN cho đất nước. To lớn như thế nào, điều này đã được David G. Marr viết trong Phần Dẫn Nhập của cuốn “Vietnamese Tradition On Trial 1920-1945”, trang 1. David G. Marr là Giáo sư nghiên cứu về Thái Bình Dương ở Đại Học Quốc Gia Úc.

Năm 1938, ít nhất là 18 triệu người Việt nằm trong vòng kiềm tỏa của chỉ có 27000 binh lính thuộc địa. Tuy vậy mà chỉ 16 năm sau, lực lượng thuộc địa tới 450,000 quân mà không thể tránh khỏi cuộc thảm bại về chiến thuật ở Điện Biên Phủ và bắt buộc phải di tản chiến lược xuống miền Nam vĩ tuyến 17. Sau cùng, trong những năm 1965-1975, nhiều tổ hợp của Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Nam Hàn, và các lực lượng quân sự đồng minh khác, tổng số lên tới 1.2 triệu người cũng bị thảm bại, và cuối cùng cũng bị đánh bại bởi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Đó có phải là một đóng góp to lớn cho dân tộc Việt Nam hay không bất kể là sau đó, CS đã suy thoái về lý tưởng ban đầu: giải phóng dân tộc, gồm có giải phóng đất nước và giải phóng người dân. Nếu chúng ta lại biết rằng, ngày 22/12/1944, ông Võ Nguyên Giáp mới bắt đầu thành lập một Trung đội 34 người, và từ đội quân nhỏ nhoi này đã phát triển thành Quân Đội Nhân Dân Việt Nam trong vòng chưa đầy 10 năm để đưa đến thành tích chiến thắng ở Điện Biên Phủ, và sau đó với thành tích chiến thắng một đối phương có ưu thế tuyệt đối về quân sự và kinh tế, để đi đến thống nhất đất nước, thì đó có phải là điều đáng để cho chúng ta suy nghĩ và nhìn CS Việt Nam ngoài cái lăng kính nhỏ hẹp của hội chứng Quốc – Cộng không? Có bao giờ chúng ta đặt một câu hỏi cho chính chúng ta, những người quốc gia, là nếu những điều chúng ta viết ở hải ngoại trong những chiến dịch “tố Cộng” là đúng, thì làm sao CS có thể thắng trong cả hai cuộc chiến? Lẽ dĩ nhiên những thành tích trên là của toàn dân, nhưng nếu không có sự tổ chức và lãnh đạo của những người CS VN thì làm sao tự thân nhân dân có thể đạt được những thành tích như vậy?

Chúng ta nên nhớ là từ ngày Pháp lập nền đô hộ ở Việt Nam, đã có nhiều nhà ái quốc và tổ chức chính trị nổi lên để chống Pháp. Nhưng chỉ có Việt Minh là thành công. Những người chống Cộng đã đưa ra nhiều lý do nhưng chẳng có lý do nào có giá trị lịch sử, tất cả chỉ là những cảm tính cá nhân và cuồng tín tôn giáo. Tại sao chúng ta không thể đặt lên cán cân những sai lầm đáng tiếc của CS đối lại với những gì CS đã cống hiến cho đất nước Việt Nam? Có một số người khùng đến độ gọi Cộng Sản Việt Nam là “Việt Gian” và gọi những người ở hải ngoại mà họ cho là “thân Cộng” chỉ vì không hợp ý họ cũng là Việt gian. Trên một số diễn đàn truyền thông chống Cộng ở hải ngoại không thiếu gì những người khùng như vậy.

XEM TIẾP

Với những sự hiểu biết mới và suy tư như trên, sau đây là những nhận định mới của tôi về ngày 30 tháng Tư.

Ngày 30/4/1975 không chỉ có nghĩa là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, mà còn là ngày người dân Việt Nam, trừ những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp tục nuôi dưỡng thù hận, bất kể thuộc chính kiến hay phe phái nào, đều có thể hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể là họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào. Tại sao? Vì đó là ngày đánh dấu thêm một trang sử chống xâm lăng oai hùng của nhân dân Việt Nam.

Tôi ở phe thua trận, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như ngày 30/4/1975, đã mang đến cho tôi một niềm hãnh diện được làm một người Việt Nam, một người Việt Nam không Quốc Gia không Cộng Sản, không Nam không Bắc, một người Việt Nam không từ bỏ gốc gác tổ tiên, không từ bỏ lịch sử khi vinh khi nhục của quốc gia, và lẽ dĩ nhiên rất hãnh diện với lịch sử chống xâm lăng của dân tộc.

Ngày 30/4/1975 cũng là ngày hòa bình đã đến đất nước Việt Nam, không còn chiến tranh bom đạn chết chóc phi lý và một thế hệ mới đã có thể bắt tay vào việc xây dựng đất nước. Bất kể những hô hào chống đối của một thế lực đã nổi tiếng là phi dân tộc cũng như của một số người đã sống với những “hào quang” của quá khứ ở miền Nam, tình người Việt Nam đã tỏ rõ trong sự kiện hàng năm có nhiều trăm ngàn người Việt tha hương về thăm quê hương. Nhiều chuyên gia trong giới trẻ cũng đã góp phần xây dựng đất nước qua những kiến thức chuyên môn của mình, và không ai có thể phủ nhận là đất nước càng ngày càng phát triển, vượt xa chế độ miền Nam trước đây về đủ mọi mặt, kể cả về phương diện tự do và dân chủ tuy rằng còn có ít nhiều giới hạn để đối phó với những người lợi dụng tôn giáo hay dựa thế ngoại bang trong mưu toan làm loạn quốc gia, và đối phó với một số chính trị gia ấu trĩ vọng ngoại.

Ngày 30/4/1975 mở đầu cho một cuộc di dân vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Hơn hai triệu người, đi chính thức cũng như vượt biên, hiện đang sống ở nước ngoài. Ở ngoại quốc, người Việt Nam nổi tiếng là cần cù, chịu khó, con em học hành rất thành đạt và có thể nói là vượt trội nhiều sắc dân khác đã định cư ở hải ngoại lâu đời.

Điều này không có nghĩa là con em Việt Nam ở ngoại quốc giỏi hơn hay thông minh hơn con em người dân ỡ trong nước. Và trong cộng đồng người Việt hải ngoại không phải là không có những băng đảng cướp của, giết người, tống tiền v..v.., hậu quả của sự đua đòi vật chất nhưng lại không có khả năng chuyên môn để kiếm sống; những sự gian lận của một số trí thức vô liêm sỉ trong các giới bác sĩ, luật sư; những hành động phi dân chủ, tự do nhân danh chính dân chủ và tự do của một số người thuộc loại chống Cộng chết bỏ, trong số này có cả một số tu sĩ Công giáo cũng như Phật Giáo, những kẻ đầu cơ chính trị v..v.. Ở đâu cũng vậy, đồng tiền và hư danh đã làm cho con người không còn lương tri, không còn liêm sỉ, không còn đạo đức, chỉ vơ vào bản thân bằng bất cứ phương tiện nào.

Riêng đối với cá nhân tôi, ngày 30/4/1975 là ngày tôi quyết định ly hương trước đó mấy ngày và cho đến bây giờ tôi vẫn không hối tiếc gì về quyết định này. Không được sống trên quê hương đất tổ, nhưng cả thế giới đã mở ra trước mắt tôi. Không gian như thu hẹp lại, và tôi có thể đi khắp thế giới, đến bất cứ nơi nào tôi muốn, để mở rộng tầm mắt. Thật vậy, nhờ “hồng ân thiên chúa” nên tôi đã có dịp đi tham quan, ngoài gần khắp nước Mỹ, khá nhiều nơi trên thế giới: Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Tây Âu, Đông Âu, Bắc Âu, Hi Lạp v..v… Vì sau ngày 30 tháng Tư 75 nước vẫn còn đó, không có mất đi đâu, nên ngày nay, tôi muốn về thăm quê hương khi nào cũng được. Và tôi đã thực hiện ba chuyến về thăm quê hương trong các năm 1996, 1998 và 2007. Tôi cũng còn dự định về quê nhiều năm sau nữa.

Kể từ ngày tôi “tự cưỡng bách di tản” khỏi Saigon vào mấy ngày cuối tháng 4 năm 1975, nay đã hơn 34 năm sống trên đất Mỹ. Cuộc chiến Việt Nam đã đưa đẩy nhiều người đến những số phận không ai muốn (trừ những người “tị nạn” nhưng thật ra vì lý do kinh tế). Nhưng dù muốn hay không, với bản năng sinh tồn, con người vẫn phải tiếp tục sống. Đối với những mất mát về tinh thần và vật chất khi phải xa quê hương, nói rằng không có sự luyến tiếc chỉ là tự dối lòng. Nhưng điều bù đắp hơn hết là tôi có cơ hội đọc rất nhiều sách về chiến tranh Việt Nam, về Ki Tô Giáo cũng như về Phật Giáo. Điều này đã khiến tư duy của tôi thay đổi trên nhiều phương diện.

Đối với tôi, sự mất mát trong một giai đoạn đã được đền bù bằng những món ăn tinh thần mà trước đây tôi không bao giờ nghĩ tới. Từ 1975, định cư ở Mỹ, tôi mới có cơ hội và phương tiện để tìm hiểu về Phật Giáo. Tôi cho đó là một hồng phúc của tổ tiên để lại. Ngoài ra, tôi cũng còn có cơ hội để tìm hiểu thực chất về các tôn giáo khác, đặc biệt là về Ki Tô Giáo nói chung, Công giáo Rô Ma (Roman Catholicism) nói riêng, cũng như về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam mà tôi tin rằng nếu ở lại Việt Nam tôi không thể nào có phương tiện và cơ hội để có được những sự hiểu biết này. Qua những kiến thức mới thu thập được này, tôi đã từ một người “Quốc gia” trở thành một người “của Quốc Gia”, Quốc gia Việt Nam.

Về chiến tranh Việt Nam, chúng ta đã thua, và một thiểu số muốn tiếp tục cuộc thánh chiến chống Cộng ở hải ngoại, chống Cộng vì những mất mát cá nhân về quyền thế, về tôn giáo, hay tài sản, hay người thân v..v.., nói chung, với lý do chúng ta là “nạn nhân của Cộng Sản”.

Nhưng trong chúng ta, có ai đặt câu hỏi: “Thế nạn nhân của Mỹ và của phía Quốc Gia thì sao?” Ai có can đảm trả lời trung thực câu hỏi này. Nên nhớ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã giết khoảng 300,000 người vô tội trong chính sách “tố Cộng”, cộng với những thảm bom trải từ B52, vùng oanh kích tự do, Bến Tre, chiến dịch Phụng Hoàng, Agent Orange, Mỹ Lai v..v.. Và sự thật là, trong cuộc chiến, số người chết, bị thương của miền Bắc gấp mấy lần của miền Nam.

Khoan nói đến những sự tàn khốc của chiến tranh, những người chết và thân nhân gia đình họ ở phía bên kia có phải là người không, và những người còn sống có đau khổ trước những sự mất mát to lớn đã đến với họ không? Họ có quyền thù hận chúng ta không?

Vậy nếu họ cũng kéo dài thù hận như chúng ta, thì sự thù hận này bao giờ mới chấm dứt, oan oan tương báo. Nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ thấy những thái độ thù hận một chiều, đúng ra là ngược chiều, từ phía những người quốc gia ở hải ngoại. Có vẻ như những người đi buôn thù hận này nghĩ rằng, những người bên phía CS không phải là người, không có cha mẹ, vợ chồng con cái, bạn bè thân thuộc v..v.. nên những mất mát tổn thất của họ không đáng kể, chỉ có những tổn thất của phía chúng ta mới đáng để thù hận.

Những người chống Cộng chỉ đưa ra những luận điệu một chiều để chứng minh chỉ có CS là ác, còn QG hay Mỹ thì không. Họ cố tình lờ đi và không bao giờ nhắc đến những hành động đối với dân, với kẻ thù, của người lính Quốc Gia cũng như của người lính Mỹ mà CS cũng phải chào thua, như những tài liệu của chính người Mỹ như đã trình bày ở trên. Nhưng cũng may là sự thù hận này phần lớn chỉ có một chiều, tập trung trong một thiểu số ở hải ngoại mà đa số trong đó thuộc thế lực đen, một thế lực đã nổi tiếng trong dân gian, mà lịch sử đã ghi rõ, là “mất gốc”, là “tay sai ngoại bang” và “hễ đã phi dân tộc thì thể nào cũng phản dân tộc”, đang nắm những phương tiện truyền thông ở hải ngoại.

Ngày nay, thế giới Tây phương và tay sai tập trung vào chiến dịch hướng dẫn dư luận, thật ra là lạc dẫn [mislead] dư luận qua những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, thổi phồng tội ác của Cộng Sản, nhằm mục đích xóa tên Cộng sản trên chính trường thế giới để chạy tội cho chính mình. Sách lược chung của họ là chỉ đưa ra, và thường là thổi phồng, xuyên tạc mặt xấu của Cộng Sản mà không bao giờ nói đến cái lịch sử ô nhục của Tây phương về tôn giáo, về thực dân, cũng như không bao giờ nói đến những thành quả của Cộng Sản trên thế giới, kể cả ở Âu Châu.

Riêng về Việt Nam, những người chống Cộng cực đoan thường quên đi hay xuyên tạc, hạ thấp những chiến công lừng lẫy của Cộng Sản trong công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp, cất bỏ được ách đô hộ của thực dân trên toàn thể dân tộc, và là tiền phong trong những cuộc cách mạng chống thực dân trên thế giới, và sau cùng thống nhất đất nước. Họ chỉ quan tâm đến vài con số ngụy tạo trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở Việt Nam. Trong cuộc chiến với Mỹ ở miền Nam, họ chỉ nhắc đến Tết Mậu Thân theo luận điệu tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ, mà quên đi bom đạn Mỹ và VNCH đã tàn phá Huế và Bến Tre như thế nào, đã làm bao nhiêu thường dân vô tội chết.

Một tài liệu cho biết, cho tới cuối năm 1966, theo ước tính của CIA thì bom của Mỹ thả ở ngoài Bắc đã làm chết trên 35,000 người mà 80% là thường dân [Ronald H. Specter, After Tet, The Free Press, New York, 1993, p. 12]. Họ cũng không bao giờ nhắc đến Mỹ Lai, chiến dịch Phụng Hoàng, vùng oanh kích tự do, thuốc khai quang, và những chính sách tàn bạo gấp bội, giết nhiều người gấp bội của Mỹ và tay sai, nhất là của chính quyền tôn giáo trị, gia đình trị của Ngô Đình Diệm với chính sách “tố Cộng” bừa bãi, với đoàn mật vụ miền Trung, với khu 9 hầm của Ngô Đình Cẩn v.v... Nhưng tài liệu về cuộc chiến ở Việt Nam ngày nay không thiếu, cho nên những luận điệu “tố Cộng” một chiều theo thiên kiến không còn giá trị thuyết phục, ít ra là đối với lớp người có đôi chút hiểu biết về lịch sử.

Có một điều khó ai có thể phủ nhận là cuộc cách mạng 1789 của Pháp, và sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản trong thế kỷ 20, đã phần nào làm sụp đổ ý thức hệ và quyền lực của Công giáo Rô-ma Âu Châu, hậu quả là tình trạng suy thoái thê thảm của Ki Tô Giáo ở Âu Châu ngày nay. Có thể nói, chủ nghĩa Cộng Sản là một toa thuốc đã thành công chữa vài căn bệnh thời đại đã giáng lên đầu nhân loại:

- bệnh nghiện thuốc phiện Thiên Chúa của Âu Châu mà người dân Âu Châu ngày nay đã cai từ từ,

- bệnh tư bản bóc lột giai cấp vô sản của cuộc cách mạng kỹ nghệ mà các xí nghiệp đã phải cho tổ chức những nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của công nhân,

- và bệnh thực dân bóc lột chà đạp những nước nhược tiểu, đã cáo chung sau chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam.

Việt Nam nên hãnh diện vì đã đi tiên phong trong sứ mạng giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp, một ách nô lệ mà lịch sử đã ghi rõ.

Cộng Sản Việt Nam đã mở đường chôn vùi chế độ thực dân trên thế giới, đồng thời đưa thế lực đen đã nổi tiếng là “hễ phi dân tộc thì thể nào cũng phản dân tộc” về nguyên vị là một thiểu số lệ thuộc ngoại bang trên đất nước, và mất đi những quyền lợi chỉ có thể có được nhờ thực dân và 2 chính quyền Công giáo ở miền Nam. Đây là những sự kiện lịch sử không ai có thể phủ bác bất cứ dưới lý luận méo mó thiển cận nào, thí dụ như, cứ để yên rồi Pháp sẽ trả lại độc lập cho cũng như Mỹ đã trả lại độc lập cho Phi Luật Tân mà không biết rằng bao nhiêu ngàn người Phi Luật Tân đã chết vì chống Mỹ.

Nhưng sau khi đánh đuổi được thực dân và thống nhất đất nước, chủ nghĩa Cộng Sản khuôn mẫu đã không còn thích hợp. Vì vậy mà sớm hơn cuộc “cách mạng nhung 1989” tại Đông Âu, từ 1986, Việt Nam đã kịp thời chuyển hướng, từng bước tự mình đổi mới để vượt qua những khó khăn lúc đầu của tình trạng kiệt quệ sau cuộc chiến, vượt qua sự cấm vận trong 19 năm của Mỹ, và đưa quốc gia đến tình trạng phát triển về mọi mặt ngày nay. Chỉ có những con bò mộng Tây Ban Nha, đeo thêm cặp kính màu hồng, nhìn đâu cũng thấy màu đỏ và cắm đầu húc càn, mới không biết đến những điều này…

TRẦN CHUNG NGỌC