Những ngày cuối năm Mậu Thân – 1968, rét ngọt. Sức khỏe của Bác… tim mạch dao động. Bác vẫn luyện khí đều đặn, vẫn họp Bộ Chính trị. Bác nhắc anh Vũ Kỳ gửi quà của Bác ba chiếc lược làm bằng xác máy bay phản lực Mỹ cho bà Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định và chị Nguyễn Thị Châu, một chiến sĩ kiên cường, là ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thanh niên – sinh viên giải phóng, chị Phan Thị Quyên, vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Đã thành một mỹ tục, sắp sang năm mới Kỷ Dậu – 1969, anh Vũ Kỳ chuẩn bị giấy bút để Bác làm thơ Xuân, chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài. Bác điện vào chiến trường miền Nam chúc mừng năm mới Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ và gửi thiếp chúc mừng năm mới tới luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam đang ở thăm miền Bắc.
9 giờ 45 ngày 6/2/1969, trong phòng khách nhỏ ở Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đọc lời chúc mừng năm mới. Đài Tiếng nói Việt Nam đến thu thanh. |
Sáng hôm 21-1-1969, các bác sĩ vào khám, hội chẩn bệnh của Bác. Buổi chiều, 14 giờ 30, Bác cho mời nhà thơ Tố Hữu, đồng chí Hà Huy Giáp vào làm việc với Người. Bác hỏi nhà thơ Tố Hữu: “Tết con gà này chắc chú có thơ rồi, đọc Bác nghe với. Chú Huy (Hà Huy Giáp) sáng nay làm việc với Bác đã “nghe duyệt” thơ Bác”… Bác sĩ Mẫn ngồi nghe thấy nhà thơ Tố Hữu hứa với Bác sẽ sửa thêm rồi vào đọc cho Bác nghe. Bác nhắc vui: “Chú nhớ đúng hẹn nhá”. Bác nhìn sang anh Vũ Kỳ: “Chú Kỳ lấy cho Bác tờ báo Hà Nội mới, số chủ nhật ngày 11-1-1969”. Bác nhận tờ báo trên tay đồng chí Vũ Kỳ, Bác lật trang báo ra, một bài Bác đã đánh dấu. Bác nói: “Hôm nay là ngày 21, số báo này phát hành đã mười ngày rồi”. Bác đặt tờ báo xuống bàn. Bác nói giọng trầm, chậm rãi: “Ai chủ trương đúc tượng Bác bằng đồng? Cả hai miền đất nước đang chiến tranh tàn phá, hủy hoại… dân ta thiếu từng cái kim khâu, cái đinh đóng guốc… sao lại đúc tượng đồng? Lúc này liệu Bác có được sáu chục cân không mà các chú lệnh cho hợp tác xã cơ khí Trúc Sơn, Ngũ Xá, quận Ba Đình đúc tượng Bác bảy mươi kilogram bằng đồng! Bác còn đây mà đã có chuyện thế này?… Bác đề nghị các chú đình chỉ ngay việc đúc tượng đồng này”…
Bác tiễn nhà thơ Tố Hữu, Thứ trưởng, Bí thư Đảng bộ Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp ra cửa.
Mấy chục phút sau, anh Văn (Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp) vào làm việc với Bác. Trước lúc vào phòng Bác, anh Văn gặp anh Vũ Kỳ và bác sĩ Lê Đình Mẫn, hỏi thăm về bệnh tình của Bác. Anh Văn làm việc cùng Bác suốt cả buổi chiều. Bác mời anh Văn ăn cơm tối với Bác. Lúc ra về anh Văn gặp anh Vũ Kỳ dặn dò và lo lắng sức khỏe của Bác.
21 giờ, Bác lên cơn đau tim! Bác ôm ngực khó thở! Bác sĩ Nhữ Thế Bảo, Lê Đình Mẫn khám, đo điện tâm đồ cho Bác… Bác sĩ Mẫn mỗi lần nhớ lại những cơn đau tim của Bác, anh rơm rớm lệ – Nếu là người bệnh khác với những cơn đau như thế thì tiếng rên rỉ, lăn lộn phải có người khác giữ chặt…
Qua cơn đau dữ dội, Bác lại tập vận khí luyện thân nhè nhẹ mà lắng sâu linh khí… Sáng hôm sau Bác lại làm việc từ 7 giờ với Thủ tướng Phạm Văn Đồng về vấn đề phát triển nghề dâu tằm, về nghề phụ của nông dân… Rồi có một đoàn đại biểu y tế của Ủy ban Việt Nam của nước Cộng hòa dân chủ Đức do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế Max Defrin dẫn đầu, tha thiết được gặp Hồ Chủ tịch. Bác vui vẻ tiếp đoàn. Bác sĩ Lê Đình Mẫn chuẩn bị áo ấm, khăn quàng chống rét cho Bác. Người tiếp đoàn tới cả tiếng đồng hồ. Lúc đoàn đại biểu nước bạn ra về, Phó Thủ tướng Max Defrin bị ho… ho dồn dập mấy tiếng liền, Bác lấy khăn quàng trong cổ cho Phó Thủ tướng nước Cộng hòa dân chủ Đức – Max Defrin. Ông xúc động ôm lấy Hồ Chủ tịch, mọi người cảm kích quây quần bên Bác Hồ, vượt ngoài thể thức ngoại giao. Bác còn nói mấy câu bằng tiếng Đức. Ai nấy đều hô bằng tiếng Việt: “Bác Hồ… Bác Hồ”… Lo Bác mệt, bác sĩ Mẫn và mấy đồng chí giúp việc đón Bác về giữa không khí nhiệt thành lưu luyến…
Một ngày chủ nhật giáp Tết, 26-1-1969, Bác lên cơn đau! Các tấm rèm nan tre nhuộm xanh đều thả xuống quanh bốn phía nhà sàn nơi Bác làm việc, nghỉ ngơi. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ bên kia Phủ Chủ tịch đi sang với Bác lúc đau đớn này. Bốn giờ chiều, hội đồng bác sĩ hội chẩn bệnh của Bác… Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở lại với Bác tận tối, cùng ăn bữa cơm tối với Bác.
Sáng ngày hôm sau đó, Bác nói với anh Vũ Kỳ báo cho đồng chí Trần Lâm bên Đài Tiếng nói Việt Nam chuẩn bị để ghi tiếng Bác đọc thơ Xuân con gà chúc mừng năm mới đến đồng bào chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài. “Bác đã bình thường, rõ tiếng chưa? Nếu chưa thì để Bác luyện giọng tiếp, các chú cũng giúp Bác về thuốc thang cho chóng được tốt kẻo khi đồng bào chiến sĩ nghe giọng nói không bình thường sinh lo lắng”…
Bác sĩ Lê Đình Mẫn rót nước trà “cam thảo” để Bác thấm giọng. Bác đọc:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến
chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút,
đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào,
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!
Anh Vũ Kỳ vui hẳn lên: “Giọng Bác gần như bình thường Bác ạ. Bác luyện, thuốc thang tiếp thêm nữa đến hôm đài tới ghi chắc chắn giọng Bác đọc thơ chúc Tết ai nghe cũng vui đoán “Bác hồng hào, lão kiện, ung dung tự tại”.
Bác sĩ Lê Đình Mẫn nói nhỏ với anh Vũ Kỳ: “Năm con gà Kỷ Dậu này Bác tiên tri “Mỹ cút, ngụy nhào”, “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Ngày quét sạch ngoại xâm của dân tộc ta không còn xa nữa”. Anh Vũ Kỳ lại hé ra cho bác sĩ Lê Đình Mẫn bài thơ “Xuân gà” Kỷ Dậu – 1969 như một “dịch phệ”, Người gửi sang Paris chúc mừng đồng chí Xuân Thủy và đoàn đại biểu Việt Nam đấu tranh trên mặt trận ngoại giao:
Xuân gà túc tác đến nơi,
Gửi người thân thiết
mấy lời mừng xuân.
Gà xuân túc tác rạng đông
Đưa tin thắng trận cờ hồng bay cao.
Những điều Bác dự báo trong thơ Xuân gà – Kỷ Dậu 1969, đã thành sự thật. Giặc ngoại xâm bị quét sạch, giang sơn thu về một mối, Nam – Bắc sum họp một nhà từ 1975.
(Theo lời kể của nhà văn Sơn Tùng, sách Bác ở nơi đây)
Nguyễn Hải Phú (sưu tầm)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 437