Trang Dân Luận là nơi châm ngòi cho một "Maidan" truyền thông nhằm vào các chính khách Việt. Nói là "Maidan" vì sau những giàn dựng "đổ nước chân tường" lâu nay người ta muốn có một cú hích.
Những gì được tác giả Dương Vũ viết trong loạt bài "Ai đang làm khánh kiệt đất nước" chẳng có gì mới sau những gì đã viết trên "Chân dung quyền lực; Dân làm báo; Quan làm báo; Cầu Nhật tân; Bauxit, Ba Sàm... và truyền thông hải ngoại RFA, RFI, VOA, BBC...
Vẫn lối dựng chuyện, gắp lửa bỏ tay người, chẳng có gì kiểm chứng ngoài một số vụ án mà Nhà nước VN đang lôi ra ánh sáng bằng quyết tâm chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng. Ấy nhưng, nó vẫn gây tò mò vì hợp thời, thời mà tham nhũng, tiêu cực đang nhức nhối khiến dân tình bất mãn. Thời mà tin đồn đang ngự trị thông tin.
Thù địch trong và ngoài nước, lợi dụng tự do báo chí đang chống phá quyết liệt Đảng CSVN |
Tin đồn đều có tính chất bôi lem. Đối tượng bôi lem, bắn phá đều tập trung vào giới chóp bu của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thời điểm cao trào là vào trước kỳ những sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống chính trị như bầu cử Quốc Hội, Đại hội Đảng. Có lẽ lần này là đang nhằm vào Hội nghị Trung ương sắp tới.
Phương thức là "ném cát bụi tre", trúng đâu thì trúng, lặp đi lặp lại theo kiểu chiến tranh tâm lý làm người ta từ chỗ không tin đến ngờ vực rồi tin đó là sự thật. Tin đồn có đất để tồn tại và phát triển là mâu thuẫn xã hội về lợi ích, lòng tin của dân chúng vào chính thể cùng với sự tiếp tay của kém minh bạch thông tin, kém nhạy bén của truyền thông.
Thủ đoạn là dựa vào những hiện tượng, sự việc, con người có thật rồi gắn nội dung bịa đặt mà không thể xác minh nguồn tin. Lần này lại là chuyện đấu đá nội bộ, mua chức bán quyền, ngân hàng, quân đội, công an.
Chỉ điểm lại vài đợt sóng tin đồn những năm gần đây đã tỏ ra quá lợi hại khi nó nhằm xói mòn lòng tin của dân chúng.
Từ sau vụ xuất bản hai tập sách "Bên thắng cuộc" của Huy Đức rồi sau này là "Đèn cù" của Trần Đỉnh. Với lối cung cấp thông tin nửa kín nửa hở, nhiều vấn đề lịch sử bị lật lại theo hướng bóp méo, xuyên tạc. Đấy là chiến dịch "hạ bệ thần tượng" nhằm vào ĐCS, vào những nhân vật chủ chốt của Đảng và chính phủ VN trong cuộc chiến tranh giải phóng. Những thêu dệt về "đạo đức suy đồi", "máu lạnh" của vị Tổng bí thư Lê Duẫn, trưởng ban Tổ chức Lê Đức Thọ... thậm chí dựng lên hoài nghi về lý lịch nhân thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là do một người Trung Quốc đóng thế!
Năm 2011, qua loạt bài "Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng" được đăng tải trên mạng, do Phạm Chí Dũng viết, dư luận bắt đầu đồn đại về chuyện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có âm mưu lên Tổng Bí thư rồi sau đó gạt Đảng Cộng Sản sang một bên, thâu tóm toàn bộ quyền lực để làm Tổng thống. Cùng với đó là vở kịch nội bộ của chính quyền đang chia rẽ thành hai bè phái, một bên là do ông Dũng đứng đầu, một bên là ông Sang và ông Trọng đứng đầu.
Đã vài năm, những thông tin về "Mật nghị Thành Đô" khẳng định chính phủ Việt Nam đã có giao ước bán nước với Trung Quốc được đăng trên các trang mạng không tên tuổi, nhưng đến năm 2015 thì được khơi dậy qua thông tin ngụy tạo bằng cái "tem đảm bảo" Wikileaks. Tuy nhiên, Wikileaks cũng không chính thức xác nhận văn bản này với bằng chứng về nguồn tin (không có bản chụp văn bản hay băng ghi âm). Như thế, thông tin này không hề chính xác.
Tháng 5/2014 ông Nguyễn Bá Thanh bị bệnh rối loạn sinh tủy (ung thư máu) được đưa đi Singapo rồi sau đó sang Mỹ chữa bệnh. Tin đồn về một vụ đầu độc bằng phóng xạ được đồn thổi một cách nhanh chóng. Lần này mũi nhọn được hướng vào TT Nguyễn Tấn Dũng cùng một số ông chủ các ngân hàng nhằm "diệt khẩu" để che đậy, răn đe những ai đang muốn đào bới sai lầm, khuất tất của họ. Mải cho đến khi bệnh tình của ông Nguyễn Bá Thanh được công bố, ông mất nhưng các vụ về Vinaline, Vinashin cùng hàng loạt ông chủ ngân hàng vẫn bị xử lý, tin đồn mới mất.
Cuối tháng 7/2015, khi ông Phùng Quang Thanh đi chữa bệnh ở Pháp, lại một loại "tin nội bộ" được tung ra trên facebook Nguyễn Thùy Trang nói rằng, ông Phùng Quang Thanh bị phe của Nguyễn Tấn Dũng ám sát vì Phùng Quang Thanh là nhân sự cốt cán của phe Chủ tịch nước và Tổng bí thư, được Trung Quốc ủng hộ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu ông Phùng Quang Thanh chữa trị xong và về nước, xuất hiện ở sân bay Nội Bài, và tiếp tục tham dự nhiều buổi gặp gỡ người dân. Vậy là vỡ mộng của những kẻ tung tin về một chính phủ Việt Nam chia rẽ, hãm hại nhau.
Trước Đại hội XII, tin đồn liên quan đến ông Nguyễn Xuân Phúc, phó Thủ tướng đương nhiệm được đăng tải trên các blog, facebook với nội dung tố cáo khối tài sản khổng lồ ở trong và ngoài nước của ông, cùng với những móc ngoặc chính trị bên trong. Lần này, truyền thông đã kịp thời vào cuộc để chỉ ra tên tuổi, địa chỉ, của người tố cáo là giả mạo. Khối tài sản được minh họa cũng là giả mạo nốt. Dư luận lắng xuống.
Chưa hết, bức thư tố cáo của một người ký tên là Trịnh Văn Lâu, với chức phận khá cao là Nguyên Uỷ viên BCHTW Đảng khóa VI, VII, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, Vĩnh Long, Cửu Long… được đăng tải trên trang Ba Sàm. Bức thư này nhắc lại kiến nghị buộc tội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vi phạm nguyên tắc, điều lệ Đảng, những quy định tiêu chuẩn của Uỷ viên Ban chấp hành TW Đảng.
Cao trào tin đồn trước ĐH XII là bức thư 9 trang được đăng trên Ba Sàm và được cho là của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi Tổng Bí thư và Bộ Chính trị. Các trang mạng, trong đó có Dân Luận, Bauxite Việt Nam... đều hăng say bàn về bức tranh đấu đá giữa các phe cánh trong nội bộ trước kỳ Đại hội Đảng. Họ bàn tán sôi nổi về việc ông Sang và ông Trọng đang o ép ông Dũng đến mức nào, ông Dũng phản đòn ra sao, Trung Quốc có động thái như thế nào. Và rồi cùng đi đến kết luận chung: Không nên tin Đảng Cộng Sản, dẹp nó đi, hãy hướng tới dân chủ và nhân quyền kiểu Mỹ...
Chưa ai biết thực sự có hay không cuộc chiến “phe cánh” nào trong Bộ Chính trị hay Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng đã thấy rất rõ các “phe cánh” trong làng zân chủ và “phương tiện truyền thông quốc tế” kia đấu khẩu và chiến đấu hăng say cho “phe cánh tự tạo” của họ. Sau khi Hội nghị TƯ 14 được tuyên bố thành công tốt đẹp, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã lựa chọn và thể hiện sự thống nhất cao trong đề cử nhân sự chủ chốt thì không khí u ám đã bao trùm lên tất cả truyền thông lề trái cho đến “truyền thông quốc tế”, chỉ còn sự hậm hực vì hóa ra, trong Đảng chẳng có phe nào quyết sống mái với phe nào cả như chính Trương Huy San (tác giả Bên Thắng cuộc) hay Người Buôn gió (cây bút chuyên chém gió nhân sự Đảng) thừa nhận “không có phe nào trong Đảng cả”, “Không có mà bịa ra là có hai phe, thế mới vui”, chỉ còn lại là nội bộ các “phe” zận chủ chém nhau tơi bời khiến người tự nhận “đại diện nhân sỹ trí thức” như Nguyễn Quang A phải lên tiếng “giảng hòa” phân tích sự lố bịch khi mâu thuẫn, đấu đá, mạt sát, tổng sỉ vả... lẫn nhau chỉ vì “không chấp nhận” những ý kiến ủng hộ phe này hay phe kia trong Đảng.
Rút cục “Người Buôn Gió thừa nhận Loa Phường chửi hắn đúng” trên blog Loa Phường bình phẩm “Chỉ tội cho đám dân Việt thích hóng hớt chuyện nhân sự trên các trang lề trái gặp toàn hạng lưu manh như Người Buôn gió, đọc toàn tin vịt lại “tâm tư” về lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tội nhất là các cụ lão thành cách mạng, cán bộ nghỉ hưu ngồi nhà, hóng toàn tin “giật gân” về tài sản, về tiền bạc, về đấu đá nội bộ, rồi hoang tưởng, lo lắng cho “vận nước lâm nguy”, rồi kiến nghị, tố cáo đủ kiểu, thậm chí “tổng hợp” lại hết các tin vịt để đòi “Tổng Bí thư, Bộ Chính Trị, Ủy viên Trung ương” phải “xử lý”.
Những tin đồn dạng này ngày một lan rộng trên mạng nhờ phương thức truyền thông lặp đi lặp lại trên một loạt các trang thù địch như Dân làm báo, Dân Luận, Ba Sàm, Bauxite, fanpage của Việt Tân..., các công cụ truyền thông như SBTN, BBC Việt ngữ, RFA, VOA, RFI. Chủ nhân của những trang ấy thì đã bị vạch mặt từ lâu. Nhưng nguy hiểm hơn cả vẫn là Việt Tân, tổ chức khủng bố trong "Terror in Little Saigon". Mục đích sau cùng của họ là tô vẽ chính phủ Việt Nam giống như tay sai của Trung Quốc, "độc tài, tàn ác", "thối nát, tham nhũng". Khi đã phân tâm được người dân Việt, chúng sẽ thông qua các tổ chức "xã hội dân sự" trong nước biểu tình, gây bất ổn để tạo dựng "cách mạng màu" ở Việt Nam.
Sau thành công của Đại hội XII Đảng CSVN, những gương mặt chính khách mới xuất hiện, đổi mới phong cách, đổi mới tư duy, vực dậy nền kinh tế, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, xây dựng chính phủ kiến tạo, minh bạch, phục vụ... Việt Nam lại một lần nữa lột xác, phát triển mọi mặt. Giới truyền thông lề trái im hơi lặng tiếng.
Bỗng dưng, mấy bữa nay chiến dịch truyền thông "Đổ nước chân tường" lại rộ lên bằng việc các trang mạng như Bauxit, Ba Sàm... khảo cổ bài viết "Ai đang làm khánh kiệt đất nước" của Dương Vũ được đăng nhiều kỳ trên Dân Luận, có bổ sung một số thông tin mới nhằm vào giới Ngân hàng, Quân Đội, Công An và những vị đứng đầu 4 thành phố lớn (Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng).
Vẫn là "bổn cũ soạn lại", vu cáo, bôi nhọ, tung tin giả không thể kiểm chứng về tài sản cá nhân, thậm chí tấn công vào cả "sức khỏe" của chính khách. Những gương mặt mới xông xáo, quyết liệt với phát triển kinh tế, đấu tranh chống tiêu cực như TT Nguyễn Xuân Phúc, PTT Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Tô Lâm, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Song chỉ cần nhìn giới Mafia Ngân hàng đang bị đưa lên "giàn hỏa thiêu", hay chỉ cần đọc những thông tin này về Nguyễn Đức Chung ai cũng có thể thấy đó là một âm mưu "đổ nước chân tường".
Có lẽ các vị này đã chạm đến "nồi cơm" của giới tư bản ma quỷ, thu hẹp đất sống của thế lực ngầm, thít cổ những bóng đen âm mưu gây rối.
Mượn chiếc áo “tự do báo chí”, “đấu tranh dân chủ, nhân quyền” giới "chính trị đối lập" vẫn cố đấm ăn xôi trong cuộc chiến chống Đảng Cộng sản, chống Nhà nước VN.
Không ít dân Việt vốn thích buôn chuyện và hóng hớt, đặc biệt là những câu chuyện có tính chất "thâm cung bí sử" và không có thói quen kiểm chứng thông tin. Nắm bắt được tâm lý này của người dân, một số trang truyền thông lề trái đã vẽ ra những câu chuyện có màu sắc "thâm cung bí sử" và đóng dấu chứng nhận "tin nội bộ" bằng nhiều cách để lan truyền.
Hãy cảnh giác với tin đồn và để chống lại nó thì không nên thu nhận thông tin từ những nguồn không đáng tin cậy, thù địch, phải có ý thức kiểm chứng thông tin từ các nguồn tin cậy.
Mõ Làng