Chủ Nhật

Việt Nam lọt Top 25 quân đội mạnh nhất Thế giới

Trang Business Insider vừa đưa ra Bảng xếp hạng mang tựa đề “Top 25 quân đội mạnh nhất thế giới”. Quân đội nhân dân Việt Nam có tên trong danh sách này.

Việt Nam lọt Top 25

Theo trang này, để đánh giá sức mạnh thực sự của quân đội một quốc gia bất kỳ trong điều kiện không có chiến tranh, xung đột là không hề dễ dàng, do vậy họ xây dựng Chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu của 106 quốc gia dựa trên hơn 50 yếu tố, bao gồm ngân sách quốc phòng, quân số, lượng vũ khí trang bị có trong biên chế và các nguồn lực tự nhiên khác.

Cần phải nhấn mạnh rằng, chỉ số này tập trung vào số lượng trong khi bỏ qua những khác biệt về chất lượng. Ví dụ, 70 tàu ngầm của Triều Tiên đều đã cũ và lạc hậu về công nghệ nhiều thập kỷ so với các tàu của Mỹ và các nước khác.

Việt Nam lọt Top 25 quân đội mạnh nhất Thế giới
Chỉ số này cũng không tính tới số lượng vũ khí hạt nhân, hiện vẫn đang là quân át chủ bài cuối cùng trong thế chiến lược địa chính trị toàn cầu. Và chỉ số cũng không tính tới sự bất lợi của các quốc gia lục địa bao kín, không có biển để xây dựng lực lượng hải quân của riêng mình.

Theo đó, trong bảng xếp hạng Top 25 quân đội mạnh nhất thế giới, Mỹ vẫn đứng số 1, tiếp sau là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Pháp.

Quân đội Mỹ sở hữu nhiều cái nhất như tổng chi ngân sách quốc phòng (581 tỷ USD), máy bay (13.444 chiếc), tàu sân bay (19 chiếc), tàu ngầm (75 chiếc) và vì thế sức mạnh tổng thể của họ xếp thứ nhất không khiến người ta ngạc nhiên.

Quân đội nhân dân Việt Nam được Business Insider xếp thứ 17, chỉ đứng sau Indonesia trong khu vực Đông Nam Á, nhưng lại mạnh hơn cả Ba Lan, Thái Lan, Iran, Canada, Úc, Ả-rập Xê-út và Triều Tiên – những quốc gia có tiềm lực rất mạnh về quốc phòng.

Về lực lượng thường trực và dự bị của Quân đội nhân dân Việt Nam có sự tương đồng giữa thống kê của Business Insider và số liệu của Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố trên Cổng thông tin điện từ Bộ Quốc phòng (Mod.gov.vn), đều là khoảng 5.455.000 người.

Theo Cổng thông tin điện từ Bộ Quốc phòng, Quân đội nhân dân Việt Nam có lực lượng thường trực gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương với tổng quân số khoảng 450.000 người và lực lượng quân dự bị khoảng 5 triệu người.

Bộ đội chủ lực là thành phần nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam, gồm lực lượng cơ động của các quân đoàn, quân chủng, binh chủng, bộ đội chủ lực của quân khu và bộ đội chuyên môn kỹ thuật.

Bên cạnh các đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu còn có hệ thống hoàn chỉnh các đơn vị bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; các học viện, viện nghiên cứu, các trường đào tạo sĩ quan và trường nghiệp vụ các cấp.

Tiêu chí nào để đánh giá?

Theo Business Insider, có một số điểm đặc biệt đáng lưu ý trong bảng xếp hạng:

Hoa Kỳ mạnh tay chi cho quốc phòng để duy trị vị thế số 1

Liên tiếp trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới về chi tiêu quốc phòng, đạt gần 600 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, mặc dù đứng thứ 2 nhưng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 160 tỷ USD, chưa bằng 1/3 của Hoa Kỳ.
Bảng xếp hạng quân đội mạnh trên thế giới
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Hoa Kỳ đã cắt giảm 7,8% ngân sách quốc phòng chủ yếu do nước này đã giảm đáng kể quy mô của các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, như tại Iraq hay Afganistan. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị quốc hội phê chuẩn lượng ngân sách lớn hơn nhằm ngăn chặn đà sụt giảm.

Nga mặc dù có ngân sách quốc phòng khá khiêm tốn (46,6 tỷ USD), ít hơn nhiều quốc gia xếp sau trong Top 25, nhưng họ đang đẩy mạnh mua vũ khí mới, tiếp tục tăng tốc hiện đại hóa các trang bị vũ khí cũ, đồng thời nâng cao chất lượng huấn luyện binh sĩ.

Tàu sân bay là “con ngáo ộp”, nhưng chỉ vài nước có với số lượng cực hạn chế

Tàu sân bay đóng góp phần quan trọng trong sức mạnh tổng thể của quân đội mỗi nước. Những hàng không mẫu hạm khổng lồ cho phép đưa sức mạnh vượt xa khỏi biên giới quốc gia, tác chiến ở bất cứ đâu trên địa cầu. Chúng được ví như những căn cứ hải quân – không quân liên hợp di động đặc biệt.

Các tàu sân bay cũng có thể mang theo nhiều loại phương tiện bay không người lái, cho phép thay đổi đáng kể “trò chơi” trinh sát toàn cầu.

Hoa Kỳ có vị thế độc tôn nhờ các siêu tàu sân bay có thể triển khai sức mạnh quân sự ở bất cứ địa điểm nào trên thế giới – là lực lượng viễn chinh toàn cầu.

Chẳng hạn như Hoa Kỳ cùng lúc triển khai một tàu sân bay tới vịnh Péc-Xích để tăng cường sức mạnh hải quân – không quân nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS), trong khi đó, một số tàu sân bay khác được triển khai đồng thời ở gần bán đảo Triều Tiên.

Nga cũng vừa mới triển khai tàu sân bay duy nhất của mình tới biển Địa Trung Hải để hỗ trợ chính quyền của tổng thống Syria Assad.

Tàu ngầm Triều Tiên – Đông nhưng không mạnh

Nếu chỉ nhìn vào số lượng, dường như Triều Tiên có sức mạnh tàu ngầm đáng nể, nhưng câu chuyện không hẳn như vậy.

Bình Nhưỡng được cho là đang sở hữu số lượng tàu ngầm nhiều nhất thế giới, nhưng hầu hết các tàu này đang bị “đắp chiếu”, không thể sử dụng được.

1/3 số lượng tàu ngầm diesel lớp Romeo của Triều Tiên – loại có tiếng ồn rất lớn, đã được đưa vào sử dụng từ năm 1961. Vũ khí của các tàu ngầm này chỉ có cự ly tấn công khoảng 4 dặm (khoảng 6,4 km), trong khi đó, các tàu ngầm của Mỹ có khả năng diệt mục tiêu ở cự ly tới 150 dặm (khoảng 240km).

Mặc dù vậy, Lầu Năm Góc vẫn đánh giá một cách khách quan khi cho rằng Hạm đội tàu ngầm Triều Tiên tuy cũ và lạc hậu nhưng vẫn khá ổn định. Khi tác chiến với những tàu ngầm hiện đại hơn, chưa chắc tàu ngầm của Triều Tiên đã dễ dàng bị bắt nạt.

Vẫn biết, cách đánh giá của Business Insider có thể chưa thật chính xác, tuy nhiên, đây cũng là tài liệu tham khảo thú vị.

(Nguồn: thoidai.vn)