Thứ Hai

Viết về ông Nguyễn Thụy Kha & Nguyễn Lưu xin đừng ích kỷ hẹp hòi

Ý kiến của Vỹ Đăng

Tôi đã gặp nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vài lần. Tôi rất phục ông, một con người tài hoa. Thời đó ông thường đến trường ĐHSP Quy Nhơn nơi tôi học, chơi với các giảng viên và trò chuyện với sinh viên Văn khoa chúng tôi.

Thời sinh viên, tôi yêu đến chết bài thơ có tiêu đề là "Không đề" của ông. Chỉ 4 câu, ngắn gọn kiệm từ, ông đã bóc tách, bốc lên, làm toát lên cả cái nỗi niềm sâu lắng chôn chặt trong trái tim những con người đi qua một cuộc tình dở dang. Tôi hiểu điều này bởi vừa tốt nghiệp PTTH, cũng là lúc bạn gái chung lớp chia tay, nàng đi lấy chồng còn tôi vào đại học. Quả thực ngôn ngữ thơ của ông, tư tưởng của ông, tài hoa của ông đã đạt đến độ thần sầu:
Viết về ông Nguyễn Thụy Kha & Nguyễn Lưu xin đừng ích kỷ hẹp hòi
"Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ
Giữa cơn mưa ban trưa
Bỗng thấy hồn mình tách thành hai nửa
Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa".


Nhà thơ Xuân Diệu, sinh thời khi bình bài này, đã nói vui, "Cô người yêu phải bắt Nguyễn Thụy Kha nằm xuống, đánh cho 100 roi". Lời bình đó đủ cho thấy bậc tiền bối thơ tình đã đánh giá cao bài thơ này của Nguyễn Thụy Kha tới mức nào.

Vậy mà nay, tôi thật đau lòng khi người mình ngưỡng mộ, lại mang cái suy nghĩ ấu trĩ, lạ lùng, kỳ cục, cục bộ, cổ hủ, ích kỷ hẹp hòi, phi nghệ thuật đến độ báng bổ nghệ thuật như thế này.
Có thể nhiều người đồng ý với ông, và ông hài lòng với quan điểm của ông. Riêng cá nhân tôi, tôi rất tiếc cho ông, tự đáy lòng. (Vỹ Đăng bình)

Ý kiến phản biện của anh Lý Công

Trước hết tôi hết sức xin lỗi vì ở độ tuổi hai bác, tôi không nên nói những lời nặng nề, nhưng những tư tưởng gần đây của hai bác đang xúc phạm nghiêm trọng đến tâm lý của hàng triệu người dân nước Việt. Là thế hệ sau, tôi quyết định phản biện hai bác, có gì sơ suất mong hai bác niệm tình tha thứ...

Ông Kha và Ông Lưu, hai ông đang sỉ nhục vào quá khứ, thể hiện thứ tư tưởng bạc nhược!

Tôi có thể kết luận như thế, bởi nhiều ca khúc tiền chiến chính là ý thức hệ của cả một giai đoạn lịch sử, khi đất nước bị chia cắt vì chiến tranh. Ý thức quan trọng nhất thể hiện trong hầu hết ca khúc tiền chiến chính là tình yêu đôi lứa trong sáng, yêu quê hương, thương gia đình, trọng nghĩa khí.... Các ngôn từ trong ca khúc đẹp mượt mà, giàu ý nghĩa vẫn tồn tại chính nhờ tư tưởng yêu thương, chuộng hòa bình đang dẫn dắt tâm lý hàng triệu triệu người Việt hiểu về quá khứ, trân trọng hòa bình ngày nay. Không cần biết bên nào thắng cuộc, chiến tranh từng đau thương thế nào, nhạc tiền chiến mãi mãi sống trong trái tim hàng triệu con người vì tính nhân văn ấy !

Ngày hôm nay, phát ngôn của hai ông đang phủ định tính nhân văn, sự chân chính của các tác giả lỗi lạc tiền nhân, gieo rắc vào đó tư tưởng cách mạng hóa, chính trị hóa nhằm quy chụp cấm đoán. Thứ tư tưởng của hai ông chính là "thứ dơ bẩn nhất" cần bị tẩy rửa vĩnh viễn khỏi đất nước này. Chính những người tự xem là trung thành với cách mạng như hai ông là những kẻ phản động nhất của cách mạng. Các ông đã chà đạp chân lý và mục đích cao cả nhất của cách mạng: chính là SỰ HÒA BÌNH.

Chỉ có những con người bạc nhược về tư tưởng, dốt về văn hóa mới suy nghĩ ngăn cấm phổ biến những tác phẩm văn hóa phản ánh hiện thực lịch sử, thưa hai ông nhà báo lỗi thời ạ!

Nếu hai ông quên, tôi xin nhắc rằng một đất nước muốn phát triển không chỉ nhờ tiền (mà tiền thì chúng ta không có), thứ quan trọng nhất chính là sự tự trọng, lòng yêu nước, tính chính xác trong lịch sử. Những kẻ dám ngụy tạo ra lịch sử, viết dối trá về sự kiện lịch sử và bôi bác những sản phẩm văn hóa phản ánh lịch sử như hai ông Kha và Lưu - chính là những kẻ phản bội lại nhân dân.

Ý kiến của anh Phạm Ngọc Tiến

Tôi thấy mình cũng cần lên tiếng với tư cách một người lính tham gia chiến tranh. Xưa rồi các vị, cuộc chiến đã kết thúc 42 năm. 
Họ, những người lính Cộng hòa đã kết thúc sứ mạng và thân phận chiến cuộc của họ. Chúng tôi cũng thế. Chiến tranh đã lùi xa giờ chỉ còn là ký ức. Nếu có khơi gợi lại thì đó chỉ là những ký ức đủ mọi trạng thái nhưng tuyệt nhiên không còn thù hận. Thù hận gì nữa. 
Những người lính cộng hòa thua cuộc năm xưa giờ gia đình họ cũng đã dần lãng quên chính sự thua cuộc ấy. Họ nếu ở nước ngoài thì khi trở lại là những Việt kiều. Đừng khơi gợi thù hận nữa. Người Việt cần sự nắm tay nhau để dựng xây đất nước để chống ngoại bang xâm lược. Tôi thấy sự ấu trĩ tiểu khí của ông Nguyễn Lưu. Và cả sự cứng nhắc, tầm tư tưởng quá quan ngại của những vị ra lệnh cấm bài hát "con đường xưa em đi" này. 

Tôi chỉ thấy đây là một bản tình ca đẹp. Rất đẹp. Con đường nào ư, chính tôi là một người lính trong cuộc chiến cũng không bao giờ cần biết nó là con đường nào.

MONG RẰNG CÁC ÔNG HIỂU, CHÂN LÝ THUỘC VỀ NHÂN DÂN. MỌI QUYỀN LỰC VÀ SỰ CẤM ĐOÁN VÔ LÝ ĐỀU TRỞ THÀNH TRÒ HỀ TRONG VÒNG XOÁY LỊCH SỬ!

Minh Trường