Đừng nghĩ rằng cùng “chảy chung một dòng máu, nối liền một nắm ruột” thì chúng ta có thể hành xử như thế nào với người thân của mình cũng được. Không ít người trong số chúng ta khi ra ngoài thì hành xử rất “đẹp”, rất sòng phẳng với người ngoài nhưng khi về nhà thì lại cư xử theo kiểu “sao cũng được” với người thân của mình. Chúng ta thoải mái “lấy” từ họ mà không thèm “trả” hay “cho đi”, chúng ta nghĩ thế chẳng sao, người thân mà tính toán làm chi nhiều quá. Đó là một suy nghĩ rất sai lầm, có những món nợ mà dù có là người thân yêu thương nhau thế nào đi chăng nữa cũng không được phép nợ, nếu như không muốn gia đình ly tán, tình thân đổ vỡ.
4 món nợ tuyệt đối không được mắc giữa người thân máu mủ ruột rà nếu không muốn gia đình ly tán! |
Một số người dễ dãi cho rằng giữa người thân với nhau không nên phân biệt quá rạch ròi về chuyện tiền bạc, vì lúc nào cũng “tiền của anh là tiền của anh, tiền của tôi là tiền của tôi” thì rõ là tính toán chi li quá, dễ ảnh hưởng dẫn đến sứt mẻ tình cảm. Thế nhưng suy nghĩ này là một sai lầm lớn, dù cho có là anh em, họ hàng thân thiết thì tiền bạc cũng phải phân định rạch ròi. Những chuyện liên quan đến tiền bạc thì không thể qua quýt được, vì chuyện tiền bạc thường là chuyện rất nhạy cảm. Sự nhập nhằng trong vấn đề này dễ dẫn đến hiểu lầm không đáng có giữa những người thân trong gia đình. Đụng chạm đến chuyện tiền bạc, con người rất dễ cho rằng mình đang bị lợi dụng.
Món nợ thứ hai: trách nhiệm
Trong cuộc đời của mình, dù ở ngoài xã hội hay ở trong gia đình, mỗi người đều đóng một vai trò và đi liền với vai trò ấy là trách nhiệm và nghĩa vụ. Làm con thì phải có nghĩa vụ hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ, làm cha mẹ thì phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái. Là vợ chồng phải có nghĩa vụ yêu thương, chăm lo, bao dung cho nhau. Là anh chị em thì phải biết tương trợ, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Nếu như không thể làm tròn vai trò của mình thì nghĩa là chúng ta đã mắc nợ người thân của mình.
Món nợ thứ ba: ân tình
Nợ ân tình cũng là một món nợ cần phải tránh. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta từ chối mọi sự giúp đỡ, cưu mang mà người thân trong gia đình dành cho mình. Đời người đâu phải bao giờ cũng suôn sẻ, ai cũng có những lúc khó khăn cần đến sự giúp đỡ của người khác và thường thì những người sẵn lòng giúp đỡ chúng ta luôn là những người thân trong gia đình. Thế nhưng đừng chỉ “nhận” và “lấy” từ họ thôi mà không mảy may suy nghĩ chúng ta cần báo đáp sự thương yêu và giúp đỡ ấy.
Nếu quả như thế thì chúng ta đang mắc một món nợ lớn: nợ ân tình của những người thân yêu nhất. Tại sao chúng ta luôn có ý thức phải báo đáp một người xa lạ chìa tay ra giúp đỡ mình trong khi lại bỏ qua những người luôn âm thầm yêu thương và nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống, như công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, chúng ta có báo đáp nhiều thế nào cũng không báo đáp hết.
Món nợ thứ tư: thời gian
Xã hội như một guồng quay lớn, nó không ngừng cuốn con người theo công việc, theo các mối quan hệ xã giao. Thời gian dành cho gia đình của mỗi người càng ngày càng eo hẹp. Nếu như 1 tuần 7 ngày chẳng có ngày nào bạn về kịp để dùng bữa tối với gia đình mình hay dành một chút thời gian để trò chuyện hỏi han họ nghĩa là bạn đang nợ những người thân yêu của mình thời gian đó. Chúng ta đừng đợi bắt cha mẹ của mình phải đợi vì thời gian của họ chẳng còn nhiều, cũng đừng bắt con cái của chúng ta phải đợi vì tuổi thơ của chúng trôi qua nhanh lắm. Đừng để lại những khoảng trống vô hình nơi những người thân của mình qua năm tháng. Hãy nhớ rằng cuộc đời bạn rất ít có khả năng sống qua 1 thế kỷ!
Theo Webtretho