Sáng ngày 02/04/2017, (nhằm ngày 06/03/năm Đinh Dậu), TT Thích Chân Quang - Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã có buổi thuyết Pháp về chủ đề “SỨC MẠNH TINH THẦN” tại chùa Tương Mai (Trương Định, Hà Nội), với sự tham dự gần 5 nghìn phật tử xa gần. Bài Pháp thoại đã gợi mở cho mọi người thấy đặc điểm và vai trò quan trọng của sức mạnh tinh thần đối với đời sống nội tâm của con người. Đồng thời, chỉ ra các phương pháp rèn luyện, giúp nâng cao tinh thần. Từ đó, các phật tử siêng năng thực hành, xây dựng cho mình một tinh thần thật mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn trên con đường giác ngộ giải thoát.
Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa khẳng định nhiều người trên đời này có tinh thần mạnh mẽ nhưng cũng không ít người có tinh thần nhu nhược; nhiều người khi gặp chuyện buồn thì suy sụp, suy sụp đến mức làm ra các chuyện sai lầm, thậm chí là tự tử, nhưng cũng có nhiều người lại chịu đựng, gắng gượng, phấn đấu để vượt qua, đứng lên làm lại từ đầu. Vậy nên mới có câu “Thất bại là mẹ của thành công”. Tất nhiên, phải qua rất nhiều trường hợp, chúng ta mới đúc kết được câu thành ngữ quý giá này. Bởi thực tế, những người đã đi qua thất bại, biết mạnh mẽ đứng lên, biết rút ra những bài học từ những lần vấp ngã thì lần sau sẽ được thành công. Làm được điều đó bởi họ có tinh thần mạnh mẽ. Không chỉ vậy, người có tinh thần mạnh mẽ khi gặp chuyện khó khăn thì dám chiến đấu, tìm cách tháo gỡ để vượt qua; khi bị chỉ trích, công kích thì tỉnh bơ, không dao động, việc gì đúng thì vẫn cứ làm. Ngược lại, những người nhu nhược khi gặp chuyện khó thì ngại ngùng, sợ, không dám dấn thân; khi bị chê bai, chỉ trích thì rụt rè, nhụt chí, bất an. Thượng tọa chia sẻ: Có lần Thượng tọa gặp một vị Tăng cũng rất tài giỏi. Sau khi thăm hỏi nhau, vị này bộc bạch: Nhìn thấy con đường vấn thân, hoằng Pháp của Thượng tọa mà con lo sợ! Con thấy Người làm được việc quá, lại có tiếng tăm, nhưng lại bị lời ra tiếng vào, có nhiều người xấu lợi dụng hệ thống mạng xã hội, internet để tạo hiệu ứng đám đông, họ xúm vào chửi mắng, công kích tràn ngập. Do vậy, con sợ, con không dám làm gì hết. Con thật nể Thượng tọa – trước những làn sóng dư luận mà Người cứ tỉnh bơ tồn tại, coi như không vậy, lòng nhiệt huyết vì đạo của Người vẫn không hề thay đổi. Dịp này, Thượng tọa trình bày quan điểm của mình mà cũng là lời động viên dành cho vị huynh đệ đồng đạo rằng: Đúng là bản thân Người bị chê bai, chỉ trích rất nhiều. Không chỉ nói miệng mà họ còn nói trên các phương tiện đại chúng. Nhưng vì Phật pháp, Người không để ý đến những làn sóng dư luận, cố gắng hoằng dương giáo hóa, làm lợi ích chúng sinh. Theo Người, một khi đã đi tu thì không còn sống cho bản thân, giặc chưa đánh mà mình đã sợ hãi rút chạy, thì chỉ có thua, làm gì còn sức để chiến đấu.
Bài giảng sư thầy Thích Chân Quang về sức mạnh tinh thần |
Tuy nhiên, ta cần phải nhận biết và phân biệt cho rõ sức mạnh tinh thần với sức mạnh của thể chất, bởi đôi khi chúng cũng khác nhau. Nhiều người luyện võ rất giỏi, cơ bắp vạm vỡ, nhưng khi gặp chuyện lại trốn mất, không dám đương đầu với khó khăn. Trong khi những cô gái nhìn vẻ bề ngoài thấp bé, nhưng gặp chuyện gì cũng dám đương đầu để chiến đấu mà không sợ gì hết. Người có sức mạnh tinh thần cũng có cái hệ lụy. Nhiều khi mạnh mẽ quá mà không có sự tu tập thì bản ngã sẽ tăng lên, biến họ thành một người kiêu mạn, khiến mọi người khó chịu. Nhưng nếu họ biết gói sức mạnh đó trong đạo đức, khiêm hạ thì đây đúng là Thánh. Ta sống trên đời là cần cái tinh thần vững chãi trước đã. Có điều, tùy việc, tùy lúc mà ta sử dụng nó một cách hợp lí để tạo thành một lợi thế cho bản thân.
Để có một tinh thần mạnh mẽ, cần rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, Thượng tọa nhấn mạnh cái chính vẫn là do công đức. Người nào càng công đức, làm phước nhiều thì càng mạnh mẽ, can đảm. Người ít hy sinh, ít nhường nhịn, ít làm phước thì yếu đuối, nhu nhược. Hai yếu tố này luôn đi cùng nhau. Và Thượng tọa dùng nhiều câu chuyện có thật để chứng minh cho quan điểm này. Biết được điều này, mọi người hãy suy nghĩ lại lối sống của mình. Người lớn tuổi còn ít thời gian tu tập thì cố gắng làm phước để rèn luyện sức mạnh tinh thần để đi vào cõi chết, chiến đấu với ma. Còn Thanh niên thì cần biết trang bị sức mạnh tinh thần cho mình để sống một cách mạnh mẽ suốt cuộc đời còn lại.
Nhưng tại sao ta phải chuẩn bị để đi vào cõi chết, chiến đấu với ma? Lí giải về điều này, Thượng tọa khẳng định thế giới của các vong linh cực kì phức tạp. Các vong vốn dĩ cũng là con người như ta, nhưng họ đã bước qua một cõi khác, nơi có những quy luật khác thế giới này, nên chúng ta không biết, cũng không hiểu. Vậy nên, suy nghĩ của họ cũng khác của ta rất nhiều. Nói về ma thì rất nhiều người sợ, bởi ma ở trong bóng tối (khuất kín), chúng ta không thể nhìn thấy. Hơn nữa, khuôn mặt ma rất ghê rợn và họ làm nhiều chuyện khiến ta giật mình. Không ít chúng sinh cho rằng chết là hết, kỳ thực không phải vậy. Chúng ta đừng tưởng chết rồi sẽ bình yên, bởi nếu không có phúc thì ở cõi ma ta cũng bị bắt nạt. Tuy nhiên, những người có sức mạnh tinh thần thì dù ở cõi nào cũng không ai bắt nạt được họ. Nhờ cái tinh thần mạnh mẽ đó, họ có thể tự tỏa hào quang xung quanh mình. Dù không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng quỷ thần nhìn thấy, điều đó cũng khiến các vong sợ hãi, không dám lại gần quấy phá.
Trong cuộc sống đối với mọi người, người có sức mạnh tinh thần không chỉ làm cho quỷ thần, mà ngay bản thân chúng ta cũng phải kính sợ. Chưa nói đến tốt xấu hay đạo đức, mới chỉ có sức mạnh tinh thần thôi, ta xuất hiện ở đâu cũng đều khiến chúng sinh kính sợ, đó là nguyên tắc. Nhìn vào cuộc đời này chúng ta thấy, những người vừa có phước, vừa có sức mạnh tinh thần thường trở thành lãnh tụ. Một câu nói của họ được đông đảo chúng sinh hưởng ứng và nhất nhất nghe theo. Chúng ta không mong mình đạt đến sức mạnh tinh thần như vậy. Tuy nhiên, nếu có một ít sức mạnh tinh thần trong cuộc sống này thì ta có hai điều lợi:
- Một là ta không sợ gian khó trong cuộc đời.
- Hai là ý kiến ta đưa ra được người khác lắng nghe một cách đàng hoàng, dù không biết họ có chấp nhận nó hay không.
Trong cuộc sống, người có được hai điều này sẽ có lợi thế khiến họ dễ thành công.
Mặt khác, để tăng cường và nâng cao tinh thần mạnh mẽ của bản thân, bên cạnh việc công đức, làm nhiều điều phước thiện, chúng ta còn phải tích cực rèn luyện. Có rất nhiều cách để rèn luyện. Tuy nhiên, Thượng tọa chỉ ra 6 cách cơ bản và hiệu quả nhất:
- Đầu tiên, ta phải biết dứt khoát giữa cái đúng và cái sai để tạo thành sự tự tin cho bản thân. Tấm gương về sức mạnh tinh thần trong lịch sử rất nhiều, nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến là Trần Bình Trọng. Dù bị giặc mua chuộc, dụ dỗ, rồi đe dọa, ông vẫn hiên ngang, nói một câu khiến địch phải khiếp sợ: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc”. Câu nói này của ông rất nổi tiếng, nhiều người biết đến, nhưng lại ít ai hiểu và thấm thía được bề sâu của nó. Người phân tích rằng, câu nói của Trần Bình Trọng chứa một sức mạnh tinh thần rất lớn, cho thấy sự dứt khoát giữa cái đúng và cái sai. Chúng ta có thể biết được đâu đúng đâu sai, nhưng nhiều khi đứng giữa ranh giới đó, ta không dứt khoát được. Còn người nào dứt khoát được thì tinh thần mạnh lên liền, không gì có thể mua chuộc hay đe dọa được họ. Ngoài ra, sức mạnh đó còn cho ta sự tự tin. Cái tự tin này rất gần với cái tự kiêu, tự mãn, chủ quan khiến ta dễ bị nhầm, nhưng nó không phải vậy. Cái chủ quan là ta cố chấp cái ý của mình, nên khăng khăng bảo vệ nó. Còn cái tự tin không có cái bướng, bởi sức mạnh của nó là lẽ phải. Khi đã nhận ra đâu là lẽ phải rồi thì không ai có thể lay chuyển, làm ta thay đổi lập trường được nữa. Mà cái tự tin, cái lập trường đó luôn bị thử thách bởi quyền lợi cùng sự nguy hiểm và Người đã chứng minh về điều này. Qua đó khẳng định, sự tự tin là dấu hiệu ban đầu của sức mạnh tinh thần. Tuy nó chưa tạo ra được ảnh hưởng lớn đến những người xung quanh, cũng chưa nhận được nhiều lời khen ngợi, thậm chí còn bị chê trách, nhưng ta vẫn giữ vững lập trường để bước tiếp.
- Thứ hai, để có sức mạnh tinh thần, ta phải biết khước từ sự cám dỗ. Sự cám dỗ tồn tại ở rất nhiều hình thức như: tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, địa vị,… Khi khước từ được những điều này, tinh thần ta mạnh thêm một chút nữa. Tuy nhiên, để khước từ được những cám dỗ đó, thực sự rất khó. Trong đó, việc khước từ tình cảm yêu mến là cái khó nhất trong tất cả cái cám dỗ. Ta thấy, luật pháp chỉ cấm giết người chứ không cấm yêu. Trong đạo đức, ta không được quyền yêu lung tung, giới hạn chỉ được yêu gia đình mình. Vậy nhưng, do duyên nợ nhiều kiếp nên ta dễ động tâm, yêu mến tràn lan, vượt ra ngoài cả giới hạn đó. Nếu có duyên nợ thì việc kiềm chế cảm xúc yêu mến rất khó. Ai biết kéo tình cảm của mình lại, không bị lạc ra ngoài thì người đó có một sức mạnh tinh thần rất lớn. Đây cũng gọi là khước từ sự cám dỗ. Lứa tuổi dễ bị cám dỗ nhất chính là giới trẻ. Được bố mẹ nuôi nấng hoàn toàn, chỉ lo ăn học, nên cái cám dỗ lớn nhất với thanh niên chính là tình yêu và game. Hai đối tượng cám dỗ này không chỉ khiến giới trẻ lãng phí nhiều thời gian, tiền bạc, cái phước, mà nó còn có nhiều tác động không tốt đến tâm lí và tinh thần của chúng. Còn như các em biết khước từ những cám dỗ này để tập trung cho việc học hành thì tương lai của các em sẽ rất tươi sáng. Theo Thượng tọa, khi biết khước từ sự cám dỗ, ta bắt đầu có sức mạnh, lời nói cũng có giá trị hơn. Chúng ta để ý thấy một điều rằng: sức mạnh tinh thần mình có hay không là ở chỗ ta nói mọi người đã lắng nghe hay chưa. Nếu chưa thì sức mạnh tinh thần của ta còn yếu, cần tu dưỡng lại.
- Thứ ba, để có sức mạnh tinh thần, ta phải biết kiềm chế sự nóng nảy của bản thân. Ta cứ nghĩ người nóng nảy thì đáng sợ nhưng thực chất, họ là người yếu chứ không phải mạnh. “Yếu” là dễ buồn, dễ khóc, dễ giận, dễ suy sụp, dễ tổn thương. Ngược lại, người mạnh là người trầm tĩnh, hiền lành, bởi họ có sức mạnh để kìm giữ cái tâm trong bình yên. Trong sự tu tập cũng vậy. Diệt cái sân là một điều kiện để ta bước vào vị trí của Thánh. Không có một vị Thánh nào nổi nóng hết, các Ngài chỉ ra uy thôi. Trong cái uy đó, không có cái sân. Dịp này, Thượng tọa phân biệt rõ thế nào là ra uy; thế nào là nổi sân. Thế nên, kiềm chế được cái nóng nảy mới là một sức mạnh. Hiểu điều này mọi người hãy chiêm nghiệm lại bản thân, trong từng cái tâm niệm nhỏ, khi người ta nói mình có tự ái, có nóng giận hay không? Nếu có tức mình còn yếu đuối, còn nhu nhược, cần phải tu tập lại. Kiềm chế được sự nóng nảy không chỉ mang lại sức mạnh cho bản thân, mà còn mang lại sức mạnh cho đất nước. Nhật Bản chính là một quốc gia như thế. Công dân của họ lúc nào cùng ôn hòa, nhẹ nhàng, cúi chào người khác rất lịch sự. Hành động cúi chào người khác càng cho thấy họ là một quốc gia mạnh mẽ, có văn hóa. Càng biết đạo lí, ta càng thấm thía những hành động của họ. Dù là một cử chỉ nhỏ thôi nhưng rất đáng để cả thế giới học tập. Trong cái cúi chào của người Nhật, không chỉ thể hiện phép lịch sự, tôn trọng đối phương, mà còn cho thấy sự khiêm hạ của chính bản thân người cúi chào. Cái khiêm hạ này cũng tạo nên sự mạnh mẽ cho họ…
- Thứ tư, biết đối diện với đau khổ cũng làm cho tinh thần ta mạnh lên. Chúng ta cứ nghĩ khóc là yếu đuối nhưng thực ra nó lại là mạnh. Vì ta dám đối diện, nhìn thẳng và ôm lấy nỗi buồn của mình, không một chút né tránh. Những nỗi buồn của tình nghĩa càng đáng cho ta ôm ấp, giữ gìn. Đấy mới là mạnh mẽ. Ngày xưa, khi Đức Phật nhập Niết Bàn, trừ những vị chứng quả Thánh cao thì không động tâm. Riêng các vị còn lại khì khóc như mưa. Cái khóc này mới là sức mạnh. Đó là tình cảm chân thành khi ta đối diện với sự thật chứ không phải né tránh, rồi để nó trở thành một sự bi lụy, làm suy sụp cuộc đời mình. Thượng tọa khuyên rằng, chúng ta cứ đối diện với đau khổ, với trở ngại, với những điều thị phi, đừng lẩn tránh chúng. Như vậy là chúng ta đang rèn luyện cho mình một tinh thần thép.
- Thứ năm, ta phải dám dấn thân vào khó khăn, nguy hiểm để làm điều công đức. Thượng tọa cho rằng: những cái rèn luyện ở trên chỉ cho ta sức mạnh tinh thần ở mức độ thấp, còn điều thứ 5 này mới cho ta đỉnh cao của sức mạnh tinh thần. Có thể thấy ngay điều này ở những người anh hùng trong chiến tranh như anh Phan Đình Giót, anh Lê Văn Tám,… Những anh hùng này sau khi hi sinh sẽ thành Thần ngay, vì sức mạnh tinh thần của họ lúc đó vượt lên ngàn lần. Trước lúc đó có thể tinh thần các anh mạnh rồi nhưng chưa đủ. Khi quyết định hi sinh thân mình, tạo nên một công đức thì sức mạnh tinh thần lên đến tột cao. Do vậy, nếu trong cuộc sống ta luôn thiết tha biết tạo phước, giúp đời, giúp người thì cứ đều đều mà làm và chấp nhận mất thời gian, tiền bạc, công sức. Nhưng đôi khi lỡ gặp một việc khó khăn, nguy hiểm thì đừng khước từ, vì đó là cơ hội để ta luyện sức mạnh tinh thần. Ví dụ ai đã một lần hiến máu cứu người rồi thì tinh thần người đó vượt lên một bước rất là xa.
- Thứ sáu, thiền cũng là một phương pháp để nâng cao sức mạnh tinh thần. Ngồi thiền rất khó, đòi hỏi phải thực hiện đúng kĩ thuật, lại thêm tính kiên nhẫn chịu đựng khéo léo. Thấy một người khiêng vác ta tưởng họ rất mạnh, coi vậy chứ không bằng người ngồi yên bất động trong chánh niệm, tức ngồi giữ cho thân mềm mại mà không nhúc nhích, biết hơi thở, quán thân vô thường, v.v...chính những điều đó tạo nên sức mạnh tinh thần. Còn ngồi thiền mà múa máy, nhúc nhích thì không ăn thua. Cho nên, thiền định là một công phu tâm linh làm cho sức mạnh tinh thần của ta vượt lên rất cao. Do vậy, khi nhìn một vị Thiền sư, ta thấy họ hiền lành, trầm mặc, nhưng tinh thần của họ không ai có thể lay động được. Người có sức mạnh tinh thần không chỉ khiến quỷ thần kính sợ mà còn được chúng sinh lắng nghe, tôn lên làm người chỉ huy hoặc người cố vấn. Đây là một lợi thế lớn, giúp ta có thể thuyết phục người khác tin và làm theo lẽ phải, giúp cộng đồng ngày một tốt đẹp. Đồng thời, đạo đức ta nhờ thế cũng tăng trưởng theo. Và khi sức mạnh tinh thần trong lẽ phải càng lúc càng lớn thì ta được Chư thiên kết nạp, hộ trì, sau khi chết sẽ được lên cõi trời, làm dân trên đó. Dĩ nhiên, rất khó để được sinh lên cõi trời, trừ khi công đức ta rất lớn, mới có thể bước một bước dài như vậy. Để có công đức lớn, không phải ta làm vài việc phước, đi tu một mình vài buổi là đủ, mà ta phải vừa tu cho mình, vừa giúp người khác cùng tu. Đến khi tinh thần đủ mạnh, ta vừa làm chỗ dựa tinh thần, vừa là người khuyên bảo, thuyết phục để các huynh đệ giữ được đạo tâm, biết làm công đức, xây dựng đạo Pháp. Đồng thời, không tiếc gì trong cuộc sống này, tất cả đều là hi sinh, phụng sự hết. Ngoài ra, khi tinh thần mạnh, lúc chết ta rất tỉnh táo và biết được ngày giờ chết. Về căn bản, chúng ta phải biết được điều này. Ta không tạo ra cái chết của mình được như những bậc đắc đạo, nhưng ít ra ta biết trước cái chết để có sự chuẩn bị cho đàng hoàng.
Lại nữa, người có những yếu tố của sức mạnh tinh thần đó mà đủ lòng tôn kính Phật tuyệt đối thì chắc chắn chứng quả Thánh. Trong đạo Phật có tứ quả Thánh và ta chỉ mong chứng được quả đầu tiên là Tu Đà Hoàn. Nhân đây, Thượng Tọa nhắc lại cần có những điều kiện nào để chứng quả Thánh đầu tiên này. Và những lợi ích của một người chứng Tu Đà Hoàn là gì. Lại thêm, những người có sức mạnh tinh thần, thường họ cầu gì thì Chư thiên đáp ứng điều đó. Có khi, những lời cầu nguyện của họ trái với nhân quả nhưng vẫn được đáp ứng. Cái tội phước lúc đó sẽ được để bù sau, trước mắt họ thay đổi được số phận chỉ bằng lời cầu nguyện. Và lễ cầu an, cầu siêu trong đạo Phật cũng là những lời cầu lên Chư thiên để thay đổi số phận chúng ta. Với bài Pháp thoại có nghĩa lý rõ ràng, súc tích, dễ hiểu, Thượng Tọa hy vọng mọi người cố gắng suy ngẫm và thực hành để xây dựng cho mình một tinh thần thật mạnh mẽ. Người có sức mạnh tinh thần không phải là quậy mà sức mạnh tinh thần làm cho ta điềm tĩnh chững chạc, sống an vui hòa hợp với mọi người.