Bài viết: Những người kém tử tế đã xuyên tạc bài giảng Biển Đông dậy sóng vào ngày 12/6/2011 tại chùa Từ Tân của Thượng Toạ Thích Chân Quang như thế nào?
Trên mạng xã hội Facebook, Youtube và các trang mạng có nhiều người đang lan truyền thông tin rằng “Trong bài giảng Biển Đông dậy sóng, Thượng Toạ Thích Chân Quang khẳng định Trung Quốc là anh, Việt Nam là em, nên việc Lý Thường Kiệt mang quân đánh Trung Quốc xong rút về vào thời nhà Lý là hơi hỗn” khiến cho nhiều người nghe xong tin liền, thiếu tinh thần kiểm chứng đã có những ý nghĩ, lời nói không hay dành cho Thượng Toạ Thích Chân Quang – một vị tôn túc của Phật Giáo Việt Nam.
Hôm nay, bằng tất cả tinh thần khách quan, tôi xin được chia sẻ bài viết này để chứng minh rằng thông tin về Thượng Toạ Thích Chân Quang đã đề cập ở trên là một thông tin đã bị những người kém tử tế bóp méo, cắt đầu, cắt đuôi… một cách cố ý, làm lệch đi hoàn toàn ý nghĩa câu nói của Thượng Toạ.
Tuy nhiên, trước khi đi vào câu nói đó, ta hãy tìm hiểu xem Thượng Toạ Thích Chân Quang giảng bài Biển Đông dậy sóng vào lúc nào, ở đâu và với đối tượng thính chúng là ai?
'Biển Đông dậy sóng' và những trò lố của những người kém tử tế |
Thượng Toạ giảng bài pháp trên tại khoá tu thiền hàng tháng ở chùa Từ Tân, ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra sau khi tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh của Việt Nam vào tháng 6 năm 2011 trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khiến những người dân Việt Nam yêu nước nói chung và những thiền sinh yêu nước của khoá thiền Từ Tân có những dấy động lớn lao về tình cảm. Nhiều người Việt Nam vì quá bức xúc đã xuống đường biểu tình ầm ĩ, nhiều thiền sinh đã hỏi khẽ nhau về hành vi đó của tàu Trung Quốc và có lẽ đã có một số thiền sinh bị suy giảm trong công phu tu tập. Trước tâm tình đó, Thượng Toạ Thích Chân Quang đã giảng bài Biển Đông dậy sóng để các thiền sinh yên tâm tu tập vì hiểu rằng việc tu tập đạo đức, thiền định của mình cũng góp phần lớn vào việc bảo vệ tổ quốc; để những người dân định hướng lòng yêu nước của mình vào những việc làm có ý nghĩa thiết thực hơn, như là rèn luyện thể lực như một chiến sĩ, làm giàu, nhắc nhau lòng yêu nước, dạy răn con trẻ lòng yêu nước, sử dụng hàng Việt Nam, trải lòng với những người bạn người Hoa hay khách du lịch người Trung Quốc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam… Hơn nữa, nhiều thiền sinh cũng như Phật tử, người đến nghe giảng là người Hoa (Thành phố Hồ Chí Minh là nơi nhiều người Hoa sinh sống nhất cả nước) nên những lời đạo lý của Thượng Toạ còn có tác dụng xoa dịu tâm lý lấn cấn, ngại ngùng đôi khi có thể là khó chịu, ngăn cách giữa người Hoa và người Việt trong và sau buổi thuyết giảng, khoá thiền.
Thượng Toạ là người chịu trách nhiệm với khoá thiền, là một vị tôn túc uy đức với hàng vạn đệ tử xuất gia lẫn tại gia và là một nhà yêu nước với hàng chục bài giảng, ca khúc ca ngợi lòng yêu thương quê hương đất nước – một tình cảm hết sức cao đẹp vốn là một bộ phận quan trọng cấu thành nên tâm từ bi của nhà Phật. Vậy, việc Thượng Toạ giảng bài Biển Đông dậy sóng trong điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng thính chúng như trên là rất nhân văn, hoàn toàn hợp lý, thoả đáng, hợp tình, thể hiện được tinh thần đồng hành thuỷ chung son sắt giữa Phật Giáo và Dân Tộc.
2. Những người kém tử tế đã xuyên tạc bài giảng Biển Đông dậy sóng như thế nào?
Một chiếc lá xanh khi tách rời khỏi cành thì không còn là một - chiếc - lá - ở - trên – cành nữa. Nên nó sẽ có những khác biệt nhất định với chiếc lá xanh trên cây, ví dụ như nó sẽ mau úa hơn, dễ bị người hay loài vật dẫm lên hơn... Sự thật này không ai có thể phủ nhận. Cũng vậy, bài giảng Biển Đông dậy sóng của Thượng Toạ là bài giảng phức tạp vì liên quan đến lịch sử, chính trị, Thượng Toạ giảng gần hai giờ đồng hồ. Ngoại trừ những bài giảng cho Chư Tăng Ni, có thể nói Biển Đông dậy sóng là bài giảng dài nhất trong cuộc đời giảng sư của Thượng Toạ, tính đến hiện tại (hết năm 2016). Trong bài giảng, luận điểm ngắn nhất cũng kéo dài gần 12 phút, luận điểm dài nhất dài hơn 20 phút, chưa từng có bài giảng nào trong gần 2000 bài giảng đã qua mà Thượng Toạ chia ít luận điểm như thế, dành nhiều thời gian cho từng luận điểm như thế. Những chi tiết này nói lên rằng đứng trước vấn đề chính trị phức tạp nhạy cảm, Thượng Toạ đã vô cùng cẩn thận, có trách nhiệm với từng lời từng chữ mình ứng khẩu mà thành, để tạo thành một chỉnh-thể-bài-giảng tuyệt vời lay động lòng yêu nước trong thính chúng…
Việc có một số người chỉ cắt lấy hai câu trong bài giảng "Trung Quốc là anh, Việt Nam là em", "Lý Thường Kiệt đem quân đánh Trung Quốc là hơi hỗn"... rồi kết luận, dẫn dắt suy luận đủ điều về nội dung bài giảng, về mục đích giảng của Thượng Toạ và thậm chí là bôi nhọ về đạo đức của Thượng Toạ, trước hết, phải nói thẳng: đó là việc làm kém tử tế. Vì việc tách rời hai câu nói ngắn ngủn ra khỏi một chỉnh-thể-bài-giảng gần hai tiếng rồi phê phán đúng, sai, phải, trái, giống hệt việc ngắt cái lá xanh khỏi cành rồi vò đầu bứt tai, nổi trận lôi đình, mắng nhiếc chiếc-lá-xanh-đã-bị-ngắt-khỏi-cây, vì nó không có những đặc tính của chiếc-lá-xanh-trên-cành vậy. Tự họ đã làm biến đổi ý nghĩa câu nói của Thầy thông qua việc tách rời câu nói đó khỏi chỉnh thể bài giảng, tự họ lại suy luận, phê phán, công kích. Họ tự biên tự diễn như thể trong họ có hai người, một người làm méo mó nội dung bài giảng và một người thoá mạ Thượng Toạ vì những nội dung bị méo mó đó.
Mặc dù họ đã bôi nhọ, nhục mạ Thượng Toạ không thương tiếc, tôi cũng sẽ không đáp lại họ như cách họ đã làm với Thượng Toạ. Tôi sẽ thử, bằng sự tử tế nhất khách quan nhất của cá nhân tôi, tiếp cận vấn đề mà họ đã đặt ra một cách kém tử tế.
Quay trở lại bài giảng, tại sao Thượng Toạ lại khẳng định "Trung Quốc là anh, Việt Nam là em"?
2.1 Ý nghĩa đầy đủ mà Thượng Toạ muốn nói khi khẳng định “Trung Quốc là anh, Việt Nam là em” là gì?
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ghi rõ:
“Kỷ Hồng Bàng Thị. Kinh Dương Vương. Tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. Nhâm Tuất, năm thứ 17: Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân….”
Đoạn trích trên không có gì khác với nội dung phần đầu bài giảng của Thượng Toạ Thích Chân Quang. Vì sao vậy? Vì một trong những vị vua đầu tiên của người Trung Hoa nếu truy ngược ra tận nguồn cội là nhân vật mang tên Đế Nghi.
Còn quốc tổ của người Việt Nam là ai? Là vua Hùng đầu tiên – vua Hùng Lân Vương, ta chọn Ngài là quốc tổ vì Ngài có công tập hợp các bộ lạc, tộc người từ khắp nơi lại thành một đất nước, lập nên nhà nước đầu tiên trong lịch sử nước ta. Tuy nhiên, nếu truy ngược về nguồn cội thì Vua Hùng Lân Vương là con của ai? Vua Hùng Lân Vương là con của Cha Lạc Long Quân. Cha Lạc Long Quân là con của ai? Cha Lạc Long Quân là con của Tổ Phụ Kinh Dương Vương và con gái vị Thần Long. Và Tổ Phụ Kinh Dương Vương là con của ai? Tổ Phụ Kinh Dương Vương là con của vua Đế Minh – vị vua khi xưa cai trị một lãnh thổ Trung Hoa, nói một cách xấp xỉ, là rộng lớn kéo dài từ biên giới phía Bắc của Trung Quốc ngày nay cho đến biên giới phía Bắc của nước Việt Nam ta ngày nay. Vị vua này là Cha của Tổ Phụ Kinh Dương Vương của dân tộc Việt Nam ta, đồng thời là Cha của Đế Nghi, người có thể được xem là một trong những vị vua đầu tiên của đất nước Trung Hoa.
Vậy thì việc Thượng Toạ kết luận “Người Trung Quốc là anh, người Việt Nam là em” là có cơ sở về cội nguồn sâu xa của hai dân tộc. Rõ ràng, Tổ Phụ Kinh Dương Vương là em của Đế Nghi. Chi tiết này chẳng những không làm vị thế người Việt Nam trở nên thấp bé hơn so với người Trung Quốc, như những người kém tử tế cố tình dẫn dắt, mà còn tôn vinh sự vĩ đại, cao thượng tột cùng của Tổ Phụ chúng ta, vì lẽ, theo như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tổ Phụ Kinh Dương Vương của ta là:
“…bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc”
Từ “Thánh” ngày xưa chỉ được dùng cho những bậc có đạo đức phi thường và Tổ Phụ của ta là một con người, một nhân cách phi thường như thế! Lưỡi gươm tranh giành ngôi báu quyền lực đã tưới máu người cùng khắp trên cả hành tinh này! Vậy mà ở Tổ Quốc của chúng ta lại có câu chuyện khước từ ngôi báu nhẹ nhàng như cánh chim bồ câu đập trên tầng không cao vút vậy. Có thể về tuổi tác vua Đế Nghi lớn hơn Tổ Phụ của ta, ừ thì vị Đế Nghi là anh, Tổ Phụ ta là em. Nhưng rõ ràng Thánh trí, tài năng của Tổ Phụ ta phải rất phi thường, thì vua Đế Minh mới không truyền ngôi cho con trưởng mà định truyền ngôi cho con thứ là Tổ Phụ của ta. Và Đạo đức của Tổ Phụ ta cũng phải rất lớn lao mới có thể khước từ ngôi báu, nhường lại cho anh mình như thế. Trong lịch sử loài người, Tổ Phụ ta là người hiếm hoi có thể đặt tình anh em cốt nhục lên trên ước vọng vương quyền. Tôi tin chẳng người Việt Nam nào lấy làm xấu hổ, buồn phiền vì Tổ Phụ mình sinh sau đẻ muộn nên làm em của một trong những vị vua đầu tiên của người Trung Hoa. Chẳng những thế, tôi tin đồng bào ta nhất định sẽ vô cùng hãnh diện tự hào khi mình may mắn sinh ra trong một dân tộc có vị Tổ Phụ toàn bích về tài năng và mênh mông về đạo nghĩa như vậy. Tuổi tác không phải là thước đo giá trị một con người mà chính đạo đức và tài năng mới là thước đo.
Như vậy, câu kết luận trên của Thượng Toạ là một sự thật lịch sử và sự thật đó chỉ thắp lên niềm tự hào về cội nguồn dân tộc, thổi bừng lên lòng thương kính tổ tiên trong mỗi người dân Việt mà thôi. Hành vi cố tình cắt đầu cắt đuôi bài giảng của Thượng Toạ, rút ra câu kết luận của Thượng Toạ mà bỏ hết phần kể chuyện lịch sử, trình bày dẫn chứng cơ sở lập luận của Thượng Toạ đã khiến cho những người nhẹ dạ cả tin nghĩ rằng Thượng Toạ hạ thấp vị thế của người Việt Nam xuống dưới người Trung Quốc, khởi lên ác cảm đối với Thượng Toạ…
2.2 Ý nghĩa thật sự mà Thượng Toạ khi nói “Chỉ có một lần Lý Thường Kiệt hơi ‘’hỗn’’…” là gì?
Toàn văn đoạn đó, Thượng Toạ nói như thế này:
‘’Theo đạo lý của Á Đông ta thì người em phải làm sao với người anh? Phải kính trọng. Đạo lý của Á Đông là vậy. Chứ không có giống như bên Phương Tây nhiều khi ta thấy mấy đứa nhỏ ngang ngược, hỗn láo, mình khó chịu. Bên Á Đông mình thì dù ông anh mình ổng dở, ổng ngu, ổng dốt, ổng nghèo, ổng hèn gì kệ ổng, hễ ổng là anh, mình đều phải dành cho ổng một sự kính trọng trong chừng mực nào đó, đúng không ạ? Thì bây giờ cũng vậy, Việt Nam là em, em thì phải kính trọng anh, mà từ xưa đến nay mấy nghìn năm qua, người Việt Nam luôn có thái độ kính trọng người Trung Quốc đàng hoàng. Không bao giờ mình mất cái Lễ này, không bao giờ mình đánh mất đạo lý của một người em. Về phần người em, mình đã làm đầy đủ bổn phận là luôn kính trọng người anh.
Chỉ có một lần Lý Thường Kiệt hơi ‘’hỗn’’ [nói đến đây, Thượng Toạ cười ra vẻ khôi hài, ám chỉ chữ ‘’hỗn’’ được hiểu theo nghĩa bóng, không phải nghĩa đen]. Sau khi nghe tin ông anh sắp quánh mình, ổng đem quân ổng đánh trước, diệt hết tất cả những hậu cứ, những thành Châu Ung, Châu Liêm, Châu Khâm để cho bên Trung Quốc không có hậu cứ để làm bàn đạp đánh sang Việt Nam….’’
Để chứng minh đây chỉ đơn giản là câu nói khôi hài của Thượng Toạ, không hề có ý nghĩa chê bai Lý Thường Kiệt, cũng không hề có ý nghĩa phủ nhận chiến tích đập tan quân Tống xâm lăng của Lý danh tướng, tôi xin nêu ra ba cơ sở:
Thứ nhất, có một sự thật cần phải biết rằng đây là bài giảng hết sức phức tạp, nhạy cảm, căng thẳng vì được giảng trong bầu không sục sôi căm phẫn của cả nước sau khi Trung Quốc có những hành vi leo thang quấy phá ở vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam ta. Đối tượng nghe giảng lại là những Phật tử vốn có thể chưa quen lắm việc đối diện với những sự biến chính trị như thế. Rất nhiều trong số người ngồi nghe bài giảng hôm đó, là những người Hoa đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó không lâu, cũng trong dịp khoá thiền chùa Từ Tân, người đứng đầu của đại sứ quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đến dự buổi thuyết pháp của Thượng Toạ và ra về trong tâm trạng vô cùng hoan hỉ. Nên việc Thượng Toạ sử dụng những câu nói khôi hài là một nghệ thuật diễn giảng cần thiết, quan trọng để làm lắng dịu cảm xúc, tâm tư của thính chúng trước khi đi sâu vào bài giảng. Bằng chứng cho điều này là ngay đầu bài giảng, Thượng Toạ đã liên tiếp dùng ba câu khôi hài.
Câu thứ nhất, sau khi Thượng Toạ giới thiệu tên bài giảng, Phật tử vỗ tay nhiệt liệt, Thượng Toạ đã hỏi đùa “chưa nghe biết ra sao không mà vỗ tay, tính đi đánh nhau [với Trung Quốc] hay sao mà vỗ tay”. Câu thứ hai, khi Thượng Toạ hỏi quý Phật tử “Kinh Dương Vương là ai” và “Lạc Long Quân là ai”, nhiều người ú ớ không nhớ ra, Thượng Toạ đã giả vờ hù sẽ phạt “quỳ nhang điện” những người đó (chi tiết này bài giảng video trên Sen Hông không có, nhưng trong đĩa CD mp3 thì có, tôi khẳng định chi tiết này vì tôi có đến dự buổi thuyết giảng). Sau hai câu nói khôi hài này, không khí chăm chú có phần căng thẳng của pháp hội như vỡ oà, giãn ra thấy rõ, những tiếng cười có công năng làm dịu sự sục sôi của cảm xúc căm phẫn vô cùng hiệu quả. Câu thứ ba, Thượng Toạ gọi chuyến hành trình từ vùng Nam Hồ Động Đình của Cha Lạc Long Quân, tìm gặp mẹ Âu Cơ là “cuộc vượt biên trái phép đầu tiên vì không có visa, không có hộ chiếu gì hết”. Thời đó làm gì có visa, có hộ chiếu, nhưng Thượng Toạ vẫn nói thế, để tạo yếu tố khôi hài. Sau câu nói này, cả hội trường cười ồ lên, từ đó, tâm lý của một số thính chúng chuyển hẳn từ trạng thái thủ thế, căng thẳng sang vui tươi, cởi mở và từ tâm lý tích cực này, Thượng Toạ mới có thể trình bày tiếp. Thượng Toạ quả là một bậc Thầy của nghệ thuật thuyết giảng. Nhiều lần khác trong xuyên suốt bài giảng, Thượng Toạ cũng khôi hài như thế để thăng bằng cảm xúc của thính chúng sau những đoạn Thượng Toạ đã kéo cảm xúc của thính chúng đi lên khi khơi dậy tình cảm yêu nước cháy bỏng trong lòng mỗi người bằng tài kể chuyện, dẫn dắt kiệt xuất… Không những hiệu quả cho số đông tất cả thính chúng, mà sự khôi hài của Thượng Toạ còn cần thiết để bảo vệ tim mạch cho những Phật tử, thiền sinh, người cao tuổi đến nghe pháp, có thể có hoặc không có bệnh tim. Sẽ rất nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng họ nếu như Thượng Toạ chỉ khơi gợi, đề cao lòng yêu nước, vô tình đẩy cảm xúc của họ lên cao quá mà không thăng bằng lại kịp.
Thứ hai, đây chỉ là câu nói khôi hài, từ ‘’hỗn’’ phải được hiểu theo nghĩa khôi hài, là vì trong chính câu nói đó, sau khi nói hết câu, Thượng Toạ đã mỉm cười sau gần mấy phút trước đó không hề cười, gương mặt khá nghiêm vì đang chỉ ra một số điều sai của Trung Quốc về đối ngoại. Nụ cười đầy ý vị của Thượng Toạ là một tín hiệu của sự khôi hài mà toàn thính chúng, những người xem bài giảng đầy đủ đều nhận thấy dễ dàng, chỉ trừ những người cắt đầu, cắt đuôi bài giảng, bỏ thành hai câu văn bản cụt ngủn rồi đả phá ầm ĩ…
Thứ ba, đây chỉ là câu nói khôi hài, từ ‘’hỗn’’ phải được hiểu theo nghĩa khôi hài, là vì trong nhiều bài giảng trước đó, Thượng Toạ luôn bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình dành cho danh tướng Lý Thường Kiệt. Một trong những lần đó, là trong đoạn dạo đầu trươc khi bắt đầu bài giảng Cách sống tuỳ duyên tại vùng địa đầu biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc (Trà Cổ, Móng Cái) ngày 15-6-2009, Thượng Toạ đã phân tích và ca ngợi hết lời bài thơ ‘’Nam quốc sơn hà’’ của danh tướng Lý Thường Kiệt.
Qua những bằng chứng trên, tôi có thể kết luận rằng câu nói của Thượng Toạ về danh tướng Lý Thường Kiệt “Chỉ có một lần Lý Thường Kiệt hơi ‘’hỗn’’…” hoàn toàn là một câu nói khôi hài, chữ ‘’hỗn’’ phải được đặt trong ngoặc kép. Thượng Toạ tuyệt đối không hề có ý phủ nhận, hạ thấp, chê bai cuộc hành quân vệ quốc của Lý danh tướng.
Nhưng khi những người kém tử tế cố tình tách câu nói ngắn ngủn đó ra khỏi bài giảng video, thành một câu văn bản không có dấu ngoặc kép dành cho từ ‘’hỗn’’ …thì đã rất nhiều người nhẹ dạ cả tin, thiếu tinh thần phản biện lý trí đã bị cuốn theo tâm lý đám đông mà cho rằng Thượng Toạ phủ nhận, phê phán Lý danh tướng, để rồi buông những lời trách móc, thoá mạ, bôi nhọ Thượng Toạ đủ điều.
3. Thay lời kết
Những người tin theo thông tin đã bị xuyên tạc rồi nặng lời với Thượng Toạ là nạn nhân. Tuy họ có đáng trách nhưng cũng không đáng trách bằng những người kém tử tế đã cắt xén bài giảng video của Thượng Toạ, bỏ đầu bỏ đuôi, lấy ra hai câu cụt ngủn làm cho hai câu đó đứng trơ trọi một mình và khi ghép hai câu đó lại với nhau, những người kém tử tế đã muốn hướng dư luận đến một suy nghĩ rằng: “Thượng Toạ Thích Chân Quang hạ thấp vị thế của người Việt Nam xuống dưới người Trung Quốc, gọi Việt Nam là em Trung Quốc là anh, và từ đó Thượng Toạ phủ nhận, chê danh tướng Lý Thường Kiệt”. Trong khi bài giảng của Thượng Toạ không hề có ý đó. Khi tách hai câu nói cụt lủn ra khỏi bài giảng dài gần hai giờ, họ đã tự ý bẻ cong ý nghĩa hai câu nói đó theo một hướng khác so với khi nó còn nằm trong một chỉnh thể bài giảng dài hai giờ đồng hồ. Việc này tương tự như việc ngắt một cái lá xanh ra khỏi cành vậy. Nó dĩ nhiên sẽ mau úa hơn, dễ bị người và động vật dẫm lên hơn so với khi nó là cái lá xanh còn đung đưa trên cành. “Tách một bộ phận ra khỏi một tổng thể chứa đựng nó, luôn luôn làm biến đổi chức năng, giá trị, ý nghĩa của bộ phận đó” – Đây là tính toàn vẹn, đồng bộ của mọi sự vật, sự việc.
Hành vi đó là hành vi không ngay thẳng, lươn lẹo, không quân tử, kém tử tế… Là một đòn đánh dưới thắt lưng hèn hạ nhắm vào danh dự, uy tín của cá nhân Thượng Toạ nói riêng và Phật Giáo Việt Nam nói chung.
Góc sự thật/blogcamxuc.net