Thứ Năm

Tình trạng bỏ nước ra đi của người Việt từ năm 1975

Tính từ tháng 4/1975 cho đến nay có hàng triệu người bỏ nước ra đi. Nhiều người ưa thích sử dụng hai chữ “tị nạn” để gom hết những người Việt ra ngoại quốc sinh sống kể cả tình trạng “tha phương cầu thực”. Nhưng theo các tài liệu nói về vấn đề này, thì những người Việt bỏ nước đi mưu sinh ở nước ngoài được chia ra làm nhiều đợt.

1.- Đợt đầu tiên:

Đây là những người bỏ nước ra đi trong đợt đầu tiên trong những tháng 3, 4, 5 và mấy tháng kế tiếp trong năm 1975. Đợt này có vào khoảng hơn 130 ngàn người, và phần lớn được các loại máy bay Mỹ bốc ra khỏi Việt Nam hoặc là đưa thẳng đến Guam, Phi Luật Tân hay được các tầu thủy chuyển vận đến Phi Luật Tân rồi đưa vào Mỹ.

Tình trạng bỏ nước ra đi của người Việt từ năm 1975
Phần lớn những người ra đi trong đợt di cư này đều mang tâm trạng hốt hoảng. Đó là những người có chút địa vị hay chức vụ trong chính quyền , hoặc những người làm sở Mỹ. Gọi họ là những người "tị nạn chính trị" vì rằng những người này rất lo sợ tân chính quyền sẽ trừng phạt họ về tội đã làm việc cho thế lực ngoại xâm, hay cho chính quyền Sàigòn trước kia. Đợt này cũng gồm những người từng nhận được học bổng sang Hoa Kỳ du học, trong đó có tôi.Đó là tâm lý tất nhiên khi một người nằm trong những trường hợp kể trên đứng trước buổi giao thời mà chính mình không ít thì nhiều đã thuộc về phía đối tượng của phe chiến thắng. Do những lý do về tình trạng đất nước như đã kể trong câu hỏi số 4 phía trên, do những phức tạp về tâm lý và sự hiểu biết về chính nghĩa của mỗi bên đối với cuộc chiến, phần lớn bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền của mỗi bên, lòng người rất hoang mang. Trong lúc đó, có rất nhiều tin đồn rằng "hễ ra được ngoài khơi, đến nước nào cũng được Mỹ cứu vớt, cuộc sống sẽ tốt hơn". Suy đoán về tương lai đen tối hoặc có thể bị phe cách mạng trừng phạt trong cơn hăng say hận thù, nghĩ đến cảnh tranh tối tranh sáng, lo sợ những kẻ "cơ hội", thừa nước đục thả câu, những người thuộc các thành phần kể trên đành phải liều mạng ra đi, hy vọng được an thân, dù chưa thực sự bị ngược đãi ngày nào. Tựu trung, tâm lý đó là do "hoàn cảnh" chính trị phức tạp và éo le mà ra.

2.- Những đợt nhiều năm sau năm 1975:

Hầu hết (nếu không muốn nói 99,9%) những người ra đi sau đợt đầu tiên trên đây đều là những người tị nạn kinh tế. Gọi họ là những người tị nạn kinh tế vì môt số lý do: Thứ nhất là họ không có cái lo sợ bị trừng phạt như những người ra đi trong đợt đầu tiên. (hình 2)

Thứ hai là họ chỉ ra đi khỏi nước khi họ biết chắc rằng những người ra đi trong đợt đầu tiên được chính quyền Mỹ giúp đỡ. Trường hợp ở các nước độc tài chuyên chế khác, như trường hợp Bắc Hàn, Lybia (thời Gaddafi), Iran (1979, Khomeini, đổi chế độ), Iraq (thời Saddam Hussein) đã không ai bỏ nước ra đi, chỉ vì Mỹ không có chương trình giúp đỡ họ.

Mỹ là một xứ giàu có, chương trình giúp đỡ gồm tiền trợ cấp tị nạn, được cho vào học trong các trường nghề, học xong lại được giúp đỡ để kiếm công ăn việc làm với đồng lương hậu hĩ, và con cái lại có cơ may được cho đi học miễn phí, và dễ dàng thành công.

Những người với niềm hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Mỹ như thế được chia ra làm nhiều đợt gọi là “diện” như: Diện Thuyền Nhân (Boat people), Diện Con Lai (Amerasian Children), Diện H.O. (Humanitarian Operation), và Diện OPD (Đoàn Tụ Gia Đình)

Tóm lại, trong số mấy triệu người Việt định cư ở hải ngoại ngày nay, chỉ có 130 ngàn người đi đợt đầu tiên được xem là tị nạn chính trị. Còn lại tất cả là những người tị nạn kinh tế. Nếu cho là tất cả những người đi ngoại quốc lập nghiệp đều là “Những người tị nạn Cộng Sản” là hoàn toàn không đúng với thực chất và động cơ ra đi khỏi nước của họ.

Chú thích:

[1] Pierre Gaxotte, Sđd.,.tr. 211-212

[2] Lê Hữu Dản, Sự Thật (Đặc San Xuân Đinh Sửu 1997), (Fremont, CA: TXB: 1997), tr 28-29.

[3] Genaro C. Armas, "Immigrants still pouring into U.S." The News Tribune (Tacoma, WA), Nov. 7, 2003: A9

Nguồn: sachhiem.net