Có hay không triết lý giáo dục Việt Nam? Đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng, từ trong truyền thống, Việt Nam đã có triết lý giáo dục. Nó được phát triển, bổ sung, nâng tầm cho phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước. Đỉnh cao của sự phát triển đó chính là triết lý giáo dục Hồ Chí Minh mà ngày nay Đảng và Nhà nước ta không ngừng tiếp thu, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn để phát triển nền giáo dục nước nhà.
Hiểu theo nghĩa hẹp, triết lý giáo dục chính là lý luận triết học về giáo dục, nghiên cứu những quy luật chung nhất của giáo dục. Còn theo nghĩa rộng, triết lý giáo dục là những quan điểm, nguyên lý nền tảng chỉ đạo việc xác lập mục tiêu, nội dung và phương pháp thực hiện (dạy và học).
Triết lý giáo dục Việt Nam: Từ truyền thống đến Hồ Chí Minh |
Đối với người Việt Nam, triết lý giáo dục từ xa xưa đã được thể hiện, diễn giải một cách tự nhiên, giản dị: “Không thầy đố mày làm nên”; “Học thầy không tày học bạn”; “Ăn vóc học hay”; “Học đi đôi với hành”; “Tiên học lễ, hậu học văn”... Qua đó, quan niệm giáo dục của nhân dân ta về đối tượng, phương pháp giáo dục được thể hiện khá rõ nét và có bản sắc văn hóa, tính khoa học nên đã để lại kho tàng tri thức đồ sộ cho đời sau. Tuy nhiên, điều khác biệt của triết lý giáo dục truyền thống Việt Nam so với các nền giáo dục phát triển phương Tây chính là ở chỗ, chúng ta chưa khái quát được những giá trị triết lý giáo dục đó thành các học thuyết, quan điểm về giáo dục với tư cách là một học thuyết chính thống. Sự khác biệt này không có nghĩa là chúng ta thua kém, tụt hậu so với phương Tây; trái lại, nó càng làm phong phú thêm tri thức cũng như quan niệm về triết lý giáo dục của thế giới.1. Triết lý giáo dục truyền thống Việt Nam
Sau khi giành được độc lập từ thế kỷ thứ X, các triều đại phong kiến Việt Nam đã nhanh chóng tiếp nhận Nho giáo. Vì thế, triết lý giáo dục của người Việt dần gắn liền với triết lý giáo dục của Nho giáo và được gọi là Nho học. Mục tiêu của Nho học là đào tạo ra những người quân tử theo khuôn mẫu định sẵn rất cụ thể để họ có đủ “tam cương, ngũ thường”, biết “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”... Học là để làm quan, nếu không làm quan được thì mới chịu làm thầy. Phương pháp dạy học của Nho học chủ yếu là thầy truyền thụ và trò lĩnh hội; những lời được coi là của “thánh hiền” thì người học chỉ được bàn rộng ra để hiểu kỹ, chứ không được phản biện, không được phép thay đổi. Sách vở, tài liệu của Nho giáo chủ yếu là dùng “tứ thư, ngũ kinh” và một số rất hãn hữu kiến thức về y, lý, số...
Nhìn nhận theo quan điểm lịch sử cụ thể thì Nho học có nhiều ưu điểm, đáp ứng được nhu cầu xã hội của giai đoạn đó. Một trong những giá trị nổi bật nhất của Nho học chính là ở chỗ nó đề cao tinh thần hiếu học (nhân bất học bất tri lý; học nhi bất yếm...), học phải đi liền với tập (học nhi thời tập chi), đề cao đạo đức bậc quân tử “tiên ưu hậu lạc”... vì thế đã góp phần đào tạo ra những “trung thần, lương tướng”, những vị quan thanh liêm, những nhà nho khí tiết...
Dưới thời Pháp thuộc, để thực hiện chính sách ngu dân hòng dễ bề cai trị, chính quyền thực dân Pháp tiếp tục duy trì chế độ học tập và thi cử bằng chữ Hán (đến năm 1919 mới bãi bỏ). Về sau, do yêu cầu của việc cai trị, khai thác thuộc địa, cần phải có một lực lượng có trình độ về khoa học kỹ thuật, ngôn ngữ, y học... nên người Pháp đã dần đưa vào nước ta nền giáo dục hiện đại của phương Tây để thay thế Nho học. Người Pháp đã dùng tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán. Nền giáo dục này (được gọi là tân học) dựa trên triết lý của tư tưởng khai sáng trong nền văn minh công nghiệp, với các tư tưởng về nhân quyền và dân quyền, về dân chủ với nhà nước pháp quyền... Thực dân Pháp đã mở một số trường tiểu học Pháp - Việt cho một số tỉnh, sau đó là trung học đệ nhất với một vài trường ở các thành phố lớn... Tiếp đó, mở một vài trường cao đẳng, đại học...
Khách quan đánh giá, mặc dù phát triển chậm chạp trong một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, khi mà sự cai trị của chính quyền thực dân luôn trái ngược với các triết lý cao quý trên, nền giáo dục ở Việt Nam thời kỳ này vẫn có những điểm sáng. Nhiều vị giáo sư chân chính người Pháp đã đem ánh sáng của triết học khai minh tiên tiến vào nền giáo dục còn lạc hậu của nước ta, khiến cho các nhà nho cấp tiến dần dần thức tỉnh, vượt qua được mặc cảm kỳ thị, bước đầu hướng theo nền giáo dục tiên tiến của phương Tây. Điển hình là phong trào Duy Tân và sự ra đời của trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Phan Chu Trinh đã đưa ra chủ trương nâng cao dân trí, dân khí, dân quyền; phê phán “hư học”, cổ động cho “thực học, thực nghiệp”, bỏ chữ Hán thay bằng chữ Quốc ngữ, coi trọng việc học nghề chuyên môn (kể cả nghề buôn bán) hơn là đọc kinh sách “thánh hiền” một cách máy móc... Chính sự chuyển biến về triết lý giáo dục đó trong xã hội Việt Nam đương thời mà chúng ta đã đào tạo được một tầng lớp trí thức tinh hoa, phù hợp với thời đại văn minh công nghiệp. Trong đó, có cả những nhà yêu nước, chiến đấu chống thực dân Pháp, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Những tư tưởng tiến bộ về giáo dục của Phan Chu Trinh đã được các sỹ phu yêu nước hưởng ứng và phát triển mạnh mẽ, Liên Thành Thư và Trường Dục Thanh đã được mở ra để phát triển kinh tế và “khai dân trí”. Chính Nguyễn Tất Thành, trong thời gian làm trợ giảng tại Trường Dục Thanh đã đọc được những sách tân thư và đã nhận thức được con đường đi của mình: Phải đi sang phương Tây xem họ làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào. Tuy nhiên, trường Đông Kinh Nghĩa Thục nhanh chóng bị thực dân Pháp đóng cửa, phong trào Duy Tân bị đàn áp, các nhà lãnh đạo Phong trào bị bắt đày ra Côn Đảo, vì thế triết lý giáo dục mới chưa có điều kiện phát triển. Mặc dù vậy, những nhân tố tiến bộ của nó đã được kế thừa và phát triển sau này khi phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ phát triển mạnh. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc hình thành triết lý giáo dục Hồ Chí Minh sau này.
2. Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh
Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh thể hiện một tầm nhìn vượt thời đại khi những vấn đề về giáo dục mà Người đề cập cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự.
Về vị trí, vai trò của giáo dục
Giáo dục có vị trí, vai trò đặc biệt đối với sự phát triển con người và xã hội, nó là nhân tố thiết yếu mở đường cho sự nhận thức và cải tạo thế giới, đồng thời cũng là yếu tố sống còn của sự hưng thịnh đất nước. Kế thừa truyền thống hiếu học, coi trọng giáo dục của dân tộc cũng như tư tưởng tiến bộ của các bậc tiền nhân, Hồ Chí Minh đã sớm xác định: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(1). Sự nghiệp “trồng người” có vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì thế, phải ưu tiên đặc biệt cho giáo dục, phải coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin và kỳ vọng lớn lao vào thếhệ trẻ, những người được học tập, giáo dục theo một triết lý giáo dục của xã hội mới. Người chỉ rõ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(2).
Đối với Hồ Chí Minh, vấn đề giáo dục có quan hệ mật thiết và gắn liền với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(3). Hồ Chí Minh đã lên án “chính sách ngu dân” của chính quyền thực dân Pháp áp dụng ở thuộc địa Việt Nam. Năm 1930, trong Lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã nêu ra khẩu hiệu “thực hành giáo dục toàn dân” tức là phải tiến hành phổ cập giáo dục.
Về mục tiêu của giáo dục
Trong nền giáo dục mới, Hồ Chí Minh đặt ra nhiều mục tiêu. Nhưng, xét cho đến cùng thìtất cả đều là xoay quanh vấn đề con người, hướng tới con người, tất cả vì con người và do con người, con người phải được phát triển toàn diện. Việc phát triển con người toàn diện không chỉ vì mục đích tạo ra nguồn lực dồi dào, mạnh mẽ để phát triển đất nước, mà còn là vấn đề bảo đảm quyền con người, bảo đảm các giá trị làm người, hướng tới một xã hội mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” - con người với tư cách là mục tiêu cho sự phát triển. Vì thế, ngay sau khi nước ta giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã chú ý đặc biệt đến vấn đề “diệt giặc dốt” để nâng cao dân trí. Người ban hànhrất nhiều sắc lệnh liên quan đến giáo dục, như: Sắc lệnh về việc thành lập Nha bình dân học vụ (6-9-1945); Sắc lệnh về việc thiết lập một quỹ tự trị cho Trường đại học Việt Nam (10-10-1945); Sắc lệnh về việc thành lập Hội đồng Cố vấn học chính (10-10-1945)...
Quan điểm giáo dục toàn diện trong triết lý giáo dục Hồ Chí Minh đã có sự thay đổi về chất so với triết lý giáo dục của Nho học trước kia. Giờ đây, không phải chỉ học kinh sách thánh hiền một cách máy móc nữa, không phải chỉ học để tạo mẫu người quân tử, học để làm quan... mà học để nâng cao trình độ học vấn, khoa học - kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, lịch sử, văn hóa, tổ chức quản lý... Giáo dục đem lại cho người dân kiến thức mới về mọi mặt để làm chủ bản thân, làm chủ vận mệnh đất nước. Vì thế, việc phát triển giáo dục toàndiệntrong triết lý giáo dục Hồ Chí Minh là bước tiến lớntrong lịch sử triết lý giáo dục của Việt Nam, từtruyền thống đến hiện đại.
Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh không chỉ khác với triết lý giáo dục Nho học mà còn có sự thay đổi cơ bản so với nền giáo dục mà thực dân Pháp đã thiết lập và áp đặt cho nhân dân Việt Nam. Người chỉ rõ: “Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ phải học để: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức... Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh”(4). Muốn đạt được mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục như vậy thì:“Cốt lõi trong giáo dục là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”(5).
Hạt nhân và cũng là mục tiêu rất quan trọng trong triết lý giáo dục Hồ Chí Minh là xây dựng một nền giáo dục mang tính nhân dân rộng lớn: “Ai cũng được học hành”(6). Quan điểm này thể hiện tư duy tiến bộ vượt bậc trong giáo dục so với các nền giáo dục trước đó, qua đó cho thấy tính nhân văn, công bằng, dân chủ... vốn là mạch nguồn trong hệ tư tưởng và chi phối toàn bộ những cống hiến của Hồ Chí Minh chosự nghiệpcách mạng.
Về vai trò, vị trí của người thầy
Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao những cống hiến, hy sinh lớn lao mà thầm lặng của những người làm nghề giáo. Trong thư gửi anh chị em giáo viên Bình dân học vụ, Người đánh giá: “Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”(7). Chính những người vô danh anh hùng ấy đã góp công, góp sức cho sự phát triển và vững mạnh của đất nước, đem ánh sáng văn minh chiếu rọi vào tâm hồn thế hệ trẻ của đất nước.
Giáodụccó sức mạnh lan tỏa và ảnh hưởng rất lớn đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Vì thế, người thầy có vai trò rất quan trọng để tạo ra sức lan tỏa và ảnh hưởng đó. Trong một lần về thăm Trường Đại học sư phạm Hà Nội, nói chuyện với các thầy cô giáo và sinh viên - thầy cô tương lai, Người đánh giá cao nghề dạy học: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo,không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Về phương pháp giáo dục
Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp giáo dục, bởi nó chính là con đường, cách thức để giáo dục có được kết quả tốt nhất trên thực tế. Theo Người, phải chú ý đến cả hai đối tượng là người học và người dạy:
Về phía người dạy, Người luôn nhắc nhở phải không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, tìm kiếm, sáng tạo những cách dạy hay, hiệu quả, phải gắn lý thuyết với thực hành, quan tâm nhiều hơn tới việc dạy tri thức làm người. Hồ Chí Minh viết: “Trong một trường học, các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực”. Và khi dạy thì “Phải dùng những lời lẽ giản đơn, những thí dụ thiết thực mà giải thích”(8). Để đạt được kết quả học tập tốt và tạo tâm lý thoải mái cho người học, Người yêu cầu: “Phương pháp giáo dục thì theo nguyên tắc tự nguyện tự giác, giải thích, bàn bạc, thuyết phục, chứ không gò bó”(9).
Để giáo dục gắn với thực tiễn của đất nước, của dân tộc, Hồ Chí Minh yêu cầu người thầy phải gắn chặt lý luận với thực tiễn, “phải thực hiện tốt phương châm giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Về lao động, cần chú ý tổ chức cho thích hợp với lứa tuổi và sức khỏe của học sinh. Về giảng dạy, tránh lối dạy nhồi sọ. Chương trình dạy học hiện nay còn có chỗ quá nhiều, quá nặng”(10).
Về phía người học, Người chỉ rõ: “Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt... Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”(11). Đây là vấn đề cũ nhưng vẫn đang còn có tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.
Những năm gần đây, chúng ta đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về phương pháp dạy và học nhằm tìm ra phương pháp dạy và học hiệu quả nhất. Nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế. Phương pháp dạy “nhồi sọ” và “học vẹt”, “học gạo” vẫn còn khá phổ biến trong giai đoạn hiện nay.
Để thúc đẩy, tạo được phong trào thi đua học tập và ý thức giữ gìn kỷ luật, tiết kiệm trong học sinh, Người đã yêu cầu: “Các trò nên đua nhau học. Đồng thời, biết tiết kiệm giấy bút, biết giữ kỷ luật”(12).
Điều đặc biệt trong phương pháp giáo dục của Hồ Chí Minh là từ rất sớm, Người đã đưa ra những quan niệm rất mới, rất hiện đại thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của mình về cách học, thể hiện ở những nội dung cơ bản sau: Một là,phải biết tự giác học tập “lấy tự giác làm cốt”. Đây là cách học phổ biến, có nhiều ưu điểm, hiện nay đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Hai là, “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách...”(13). Ở đây, Người nhấn mạnh tới việc rèn luyện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của người học, tránh lối học kinh viện, máy móc đã trở thành lối mòn trong phương pháp giáo dục của Nho học bấy lâu nay. Ba là, “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời… Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”(14). Bản thân Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương về tinh thần học tập suốt đời: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học”(15).
Như chúng ta đã biết, năm 1996 UNESCO mới đề ra khẩu hiệu “học suốt đời”. Như vậy, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm “học suốt đời” sớm hơn UNESCO 35 năm. So sánh như vậy để thấy, nhiều nội dung trong triết lý giáo dục Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Năm 1996, UNESCO đã đề xuất bốn trụ cột của giáo dục trên toàn thế giới thế kỷ XXI, đó là “học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người”. Bốn trụ cột này có thể được xem như là chân lý, triết lý giáo dục cho toàn thế giới trong thế kỷ XXI. Điều này đã được Hồ Chí Minh đề ra ngay từ tháng 9 -1949 trên trang đầu của cuốn Sổ vàng khi Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại…”. Điều đó đã cho thấy tầm nhìn và sự tiến bộ vượt thời đại trong triết lý giáo dục Hồ Chí Minh.
Như vậy, triết lý giáo dục Hồ Chí Minh chính là sự tiếp nối mạch nguồn triết lý giáo dục Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại, góp phần tạo nên triết lý giáo dục riêng của dân tộc Việt Nam trong kho tàng, giá trị triết lý giáo dục chung của nhân loại. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta không ngừng nghiên cứu, vận dụng sáng tạo triết lý giáo dục Hồ Chí Minh vào việc hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật về giáo dục ở Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước.
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2016/ TS Nguyễn Xuân Trung