TUYỆT ĐỈNH KUNGFU
“Tuyệt đỉnh Kungfu”, như chính tựa phim, là tuyệt đỉnh trong sự nghiệp của Châu Tinh Trì. Đây là một đỉnh cao mà có lẽ Châu sẽ không bao giờ vượt qua nổi. Nó có tất cả mọi thứ mà một kiệt tác điện ảnh cần:
1. Tính giải trí cực cao.
2. Những thông điệp ẩn giấu kín đáo và sâu sắc. Phim tràn ngập biểu tượng và reference.
3. Diễn xuất tuyệt hảo và ăn ý của tất cả, từ chính đến phụ.
4. Mang hơi thở của thời đại.
5. Những câu chuyện hậu trường hấp dẫn
Tuyệt đỉnh Kungfu sẽ mãi là đỉnh cao mà ko bao giờ Chow vượt qua được |
Mục tiêu chính của “Tuyệt đỉnh Kungfu” là vinh danh dòng phim Kungfu, với lãnh tụ là Lý Tiểu Long. Khi Châu Tinh Trì được bố mẹ lần đầu tiên dắt vào rạp chiếu phim, bộ phim đầu tiên anh xem là của Lý Tiểu Long. Cảnh cuối trong “Tuyệt đỉnh Kungfu”, Tinh bước ra đấu với Hỏa Vân Tà Thần với bộ trang phục mà Lý Tiểu Long đã mặc trong Tinh Võ Môn.
Hỏa Vân Tà Thần do Lương Tiểu Long thủ diễn. Lương Tiểu Long là một trong “tam long” của màn ảnh Hong Kong trong thập niên 1970, cùng với Lý Liểu Long và Thành Long. Trong thập niên 1980, Lương Tiểu Long là người đầu tiên tái hiện lại vai kinh điển của Lý Tiểu Long trong Tinh Võ Môn. Họ Lương càng lớn càng hói và xấu trai, thành ra ngày càng lụn bại, cho đến khi bỗng dưng tỏa sáng trở lại trong “Tuyệt đỉnh Kungfu”.Sở dĩ Tinh đấu được ngang tay với Hỏa Vân Tà Thần là nhờ vào pho “Như Lai Thần Chưởng”. Người đưa bí kíp này cho y khi còn bé là một ăn xin. Thủ vai ăn xin là Viên Tường Nhân, là một trong các thành viên của gia tộc họ Viên, gồm những nhân vật đã tạo nên “đế chế phim Kungfu”. Gia tộc Viên là những người đã đỡ đầu cho Thành Long, Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan. Em ruột của Viên Tường Nhân là chỉ đạo võ thuật nổi tiếng nhất lịch sử dòng phim Kungfu: Viên Hòa Bình. Biết chi tiết này, mới hiểu được cái tâm tri ân của Châu Tinh Trì.
Nhưng “Tuyệt đỉnh Kungfu” không chỉ để tri ân “Kungfu”, nó còn tri ân tiểu thuyết võ hiệp, mà cụ thể là Kim Dung. Các tác phẩm của Kim Dung đến với Trung Quốc rất chậm. Thậm chí người Việt Nam đọc Kim Dung trước người Trung Quốc đến mấy chục năm. Mãi sau này Trung Quốc mới nhận ra sai lầm, lôi tiểu thuyết mà họ từng gọi là “ba xu rẻ tiền” của Kim Dung vào trong giảng đường, đặt Kim Dung lên ngang hàng với Lỗ Tấn.
Cũng như biết bao thế hệ say mê Kim Dung, ước mơ của Châu Tinh Trì là trở thành cao thủ võ học. Và anh “hiện thực hóa” giấc mơ ấy với “Tuyệt đỉnh Kungfu”. Hành trình của Tinh trong phim cũng là hành trình của Châu Tinh Trì ngoài đời, cũng là cái motive kinh điển trong truyện võ hiệp: Một nhân vật có quá khứ cực kỳ khiêm tốn, mồ côi cha mẹ, có cơ duyên nhặt được bí kíp, trải qua bao gian khổ đã trở thành nhân vật số một trên chốn giang hồ. Trương Vô Kỵ thuộc mô típ này. Thành ra không lạ khi “Tuyệt đỉnh Kungfu” có reference đến Thái Cực Quyền, pho võ công mà thái sư phụ Trương Tam Phong đã truyền lại cho Vô Kỵ. Ngoài Ỷ Thiên Đồ Long Ký, phim còn có nhiều chi tiết mà nếu đã đọc qua “Xạ Điêu Tam bộ khúc” của Kim Dung thì rất khoái. Sau đây là một vài triết lý có thể tạm rút ra từ “Tuyệt đỉnh Kungfu”:
1. Hai nhân vật chính của khu xóm trọ là Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Pho võ công đắc dụng nhất của Tiểu Long Nữ chính là… Sư tử hống. Người phụ nữ nào xinh đẹp thoát tục hiền lành trước khi cưới thì sau khi cưới đều là “Sư tử Hà Đông” chính hiệu. OK? Hèn chi Châu Tinh Trì không lấy vợ.
2. Dương Quá và Tiểu Long Nữ tái ngộ ở vực sâu vạn trượng, sau ngọn Chung Nam, hoàn toàn biệt tích giang hồ. Cũng giống như hai vợ chồng trong phim chui vào xóm “chuồng Heo” ở ẩn, hoàn toàn không hiển lộ một chút võ công nào, cho đến khi tai ương ập đến. Họ thoát khỏi giang hồ, nhưng giang hồ không cho họ lối thoát. “Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ”. Thoát là thoát thế nào được!
Cuối “Cô gái đồ long”, Kim Dung cho cô gái áo vàng bí ẩn trở lại giúp Vô Kỵ. Hành tích cho thấy cô là cháu mấy đời của Thần Điêu đại hiệp Dương Quá. Họ chưa bao giờ thực sự rút chân được khỏi giang hồ.
3. Không chỉ Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Anh cu li Khổ Lực Cường, bác thợ may Tài Phùng và ông chủ quán ăn Du Tạc Quỷ cũng không thể che giấu thân phận. Như lời bài hát “Hotel California” vậy: “We are all just prisoners here, of our own device”. Bạn có thể “rời” giang hồ bất cứ lúc nào, nhưng để “thoát khỏi” thật sự ư? Còn lâu.
You can check-out any time you like,
But you can never leave!
Đoạn này hoàn toàn có thể không nhắc đến Hotel California, nhưng vẫn đưa vào để chứng tỏ khả năng reference vô hạn của người viết. 4. Hỏa Vân Tà Thân là một lão điên, biết dùng Cáp Mô Công. Quen không? Chính là Tây Độc Âu Dương Phong. Mà Âu Dương Phong là người đã điểm nguyệt Tiểu Long Nữ, khiến Tiểu Long Nữ bị hiếp dâm. Cái quá khứ hiếp dâm ấy sẽ luôn quay về ám ảnh Tiểu Long Nữ và Dương Quá, cũng như mối quan hệ vợ chồng họ sau này. Hạnh phúc mãi mãi của Dương Quá và Tiểu Long Nữ mãi mãi chỉ là ảo vọng. Cũng giống như Jack và Rose trong Titanic, nếu không có tảng băng trôi, họ quay về đất liền cưới nhau, sinh con và sẽ cãi nhau như trong The Revolutionary Road. Trăm năm hạnh phúc là ảo vọng, OK? Một tràng pháo tay cho tảng băng trôi nào các bạn!
5. Ám khí mà Hỏa Vân Tà Thần dùng để đả thương vợ chồng Dương Quá chính là ám khí của Ân Tố Tố đã đả thương Du Đại Nham và làm mù mắt Tạ Tốn. Hai vợ chồng Ân Tố Tố và Trương Thúy Sơn ở trên băng hỏa đảo suốt mấy năm trời, quay trở về đất liền gặp vô vàn khổ sở để rồi chết trong một ngày. Nghĩa là quá khứ sẽ trở lại, hành hạ gấp đôi gấp ba, không cho ta lối thoát.
6. Trong phim có hình ảnh ẩn dụ của một cây kẹo. Cây kẹo vỡ tan sau cú gạt tay của Tinh. Cô gái câm cố hàn nó lại, nhưng cầm lên lại vỡ ra. Chỉ còn một cách để hàn gắn nó, là… quên nó đi. Cũng như Tinh phải chết đi, để tái sinh trở lại, trên cái hộc đèn giao thông cao hơn tất cả, nhìn xuống phố phường. Phải bước ra khỏi cuộc đời, phải trở thành một “Siêu nhân” theo quan điểm của Nietzsche, nhìn nhận nó, chấp nhận nó thì mới an nhiên mà sống tiếp. Còn đã trót bước chân vào nó, sẽ bị nó cuốn đi mãi mãi. Thời gian là vòng lặp, những điều tồi tệ qua đi rồi sẽ trở lại. Phim này cũng cho thấy Châu Tinh Trì là người cực kỳ ngưỡng mộ Phật Giáo, giống Kim Dung.
“Tuyệt đỉnh Kungfu” xuất sắc ở những triết lý ngầm như thế, bên cạnh những hào nhoáng chói lọi. Phim cũng giống như truyện Kim Dung, thỏa mãn nhu cầu tất cả. Kẻ hời hợt sẽ thấy náo nhiệt, người sâu sắc ngộ ra đạo lý. Toàn bộ tinh hoa của Châu Tinh Trì đều đã phát tiết hết ở đó. 13 năm sau, anh chưa bao giờ chạm được đến nửa cái tài hoa thuở ấy.
NGUỒN: BÌNH BỒNG BỘT/LINKHAY